Thứ Tư, 12 tháng 1, 2011

Tìm về câu hát: Cá mát sông Giăng

       Tìm về câu hát cá mát sông Giăng  
       
        “Tiếng đồn cá mát sông Giăng
         Dẻo cơm Kẻ Quạ, ngon măng Chợ Cồn…”
        Theo câu hát đò đưa thân thương dìu dặt, tôi tìm về cá mát sông Giăng, con sông từ lâu đã đi vào thơ ca nhạc hoạ như là một điểm nhấn của du lịch Thanh Chương và của cả Nghệ An.
         Con sông Giăng hiền hoà thơ mộng được bắt nguồn từ đại ngàn, từ trên dãy Giăng Màn chảy qua miền thượng huyện Thanh Chương, là hợp lưu của dòng Lam hùng vĩ, một trong những con sông lớn và dài nhất miền Trung. Có phải vì khí hậu hay thổ nhưỡng mang tính đặc thù của vùng đất này mà sông Giăng mang trong mình nhiều đặc sản quý giá mà không phải nơi nào cũng có. Một trong những đặc sản đó là Cá sông Giăng. Nói đến "Cá sông Giăng, Măng chợ Cồn" thì người Nghệ ai mà chẳng biết. Cũng như măng chợ Cồn, cá sông Giăng không chỉ nhiều mà còn ngon nổi tiếng. Nhưng đã nói cá sông Giăng thì trước hết phải kể đến con cá mát  sông Giăng.
          "Ngon như cá mát sông Giăng, 
          Đẹp như cô gái bán măng chợ Cồn".
         Những ai đã có may mắn thưởng thức dẫu chỉ một lần thì trong suốt cả cuộc đời khó có thể quên được.
         Người viết bài này cũng đã có may măn vài lần được thưởng thức cái món đắc sản của miền sơn cước ấy. Tôi còn nhớ mãi cách đây trên 30 năm khi tôi đến chơi nhà ông Chắt Chế ở xã Thanh Đức, chỗ thân quen lâu ngày gia đình ông đón tiếp tôi thật thân tình niềm nở. Ông bảo bà nhà và cô con gái tên Ngân cũng trạc tuổi tôi ngồi tiếp khách, còn ông tranh thủ ôm chài xuống sông. Nhà ông ở ngay trên bờ con sông Giăng phía thượng nguồn. Chỉ chưa đậy một tiếng đồng hồ với mấy mẻ chài mà ông đã mang về một giỏ lớn đầy cá, trong đó có khoảng một nửa là cá mát tươi roi roí và đang dãy đành đạch. Ông chọn mấy con to bằng lưỡi dao để nướng còn nữa đem kho, rán đãi khách. Gắp cá vừa đạt lên bếp than một lúc mùi thơm đã bốc lên ngào ngạt lan cả một vùng. Dù đã trên 30 năm nhưng cái hương vị đậm đà quyến rũ ấy vẫn còn đọng mãi trong tôi không thể nào quên được, dù rằng sau này tôi có được thưởng thức nhiều món đặc sản khắp các miền nhưng cái hương vị ấy cứ ám ảnh mãi nhất là mỗi khi nhớ về quê nhà. Thời ấy sao mà cá mát nhiều và dễ đánh bắt đến thế. 
     
        Cách đây mấy tháng tôi có dịp ghé chơi nhà người bạn ở xã Thanh Liên gần sông Giăng cũng thuộc huyện Thanh Chương, anh đã tổ chức cho tôi một chuyến du lịch sinh thái đầy ấn tượng. Chúng tôi được mời xuống thuyền của một gia đình vạn chài và nói rõ mục đích là muốn được thưởng thức cá mát nướng. Vợ chồng chủ thuyền đón tiếp rất niềm nở. Ông bảo cô vợ tên Lan là một phụ nữ khá xinh khoảng 35, 36 tuổi vò ngay một ấm chè Giăng, còn ông cho thuyền chạy ngược lên chừng dăm cây số. Ông bảo quảng này mới có thể bắt được cá mát, bởi dạo này món hàng hơi bị hiếm, nguồn cung thì ít mà nguồn cầu thì cao. Cảnh vật hai bên bờ sông trông thật đẹp thật thanh bình. Chợ Giăng trên bến dưới thuyền khách mua bán khá nhộn nhịp, những hang chuối, nhãn, phượng vỹ xen lẫn những bãi mía nương dâu xanh mướt mắt. Trong khi cho thuyền chạy ông nhắc vợ cho than vào "trách" nhóm dần để khi đánh được cá là cho lên bếp nướng ngay cho ngon. Đến một khúc quanh nước trôi chầm chậm thi thoảng có vài vòng xoáy, ông cho dừng thuyền và bắt đầu thả lưới quăng chài. Ấm nước chè tươi cũng vừa chín, chị Lan rót nước mời khách. Nước chè Giăng ngon thật, hương thơm vị chát mà đậm. Chúng tôi vừa uống nước vừa ngắm cảnh. Sau mấy lần quăng kéo, ông chủ cũng kiếm được một ít cá nhỏ trong đó có mấy con cá mát bằng cỡ 2 ngón tay, dài như con cá trích, sáng óng ánh. Ông mừng ra mặt bảo có hôm đánh mãi mà chẳng bắt được con cá mát nào đâu, hôm nay các bác gặp may đấy. Mấy con cá mát tươi được kẹp ngay vào cái kẹp tre non và đặt lên bếp than đỏ. Chị Lan vừa quạt vừa lật trở, mùi thơm bốc lên điếc mũi, dịch vị cũng theo đó tứa ra ướt cả chân răng, chưa ăn mà đã thấy ngon. Theo kinh nghiệm dân gian cá mát không chỉ ngon mà còn có tác dụng chữa bệnh nâng cao sức khoẻ và đặc biệt tốt đối với phụ nữ mới sinh, ăn vào nhiều sữa, đẹp da lại chống được sản hậu. Anh bạn tôi rút trong túi ra một chai rượu quôc lủi nút lá chuối,vài quả ớt và mấy thứ gia vị. Sau mấy lần lật trở những con cá được gỡ ra đĩa. Bên cạnh đĩa cá nướng chị Lan còn đặt thêm một đĩa măng rừng luộc và 2 bát nước chấm. Anh bạn nói đùa, vậy là có đủ đặc sản cá sông Giăng, măng chợ Cồn rồi. Ông chủ cao hứng đọc 2 câu thơ: 
"Măng rừng cá mát thịt gà
Cả ba thứ ấy đều là dùng tay".
       Nào xin mời các bác, cái khoản này ta cứ dùng tay cho nó tiện. Rượu được rót ra, mọi người cùng nhau nâng cốc chúc sức khoẻ và cảm ơn ông bà chủ. Cá mát nướng nhắm với rượu quả thật là tuyệt tác. Măng rừng với rượu cũng hay, vừa ngấm rượu lại ít say, là chất đưa cay của dân miền núi. Rượu được vài tuần, ông chủ hồ hởi: Hai bác thông cảm cho em, dù chưa thật như ý vì cá mát không có nhiều, nơi tiếp đãi đơn sơ nhưng nhà em cũng đã cố gắng "thu non sông về một mối" cứ gọi là sơn hào hải vị đủ cả. Có măng trên rừng, có cá dưới sông, có rượu quốc lủi, có thiếu chăng là món Nhút đặc sản của Thanh Chương, cái khoản này hôm nay thì em chịu, nếu các bác muốn thì hẹn mùa hè tới, đúng mùa mít mời các bác trở lại.
       Trong câu chuyện vui về sơn hào hải vị ông chủ vẫn không dấu nổi sự đượm buồn khi kể về "cá mát sông Giăng". Ông kể ngày xưa cá sông Giăng nhiều lắm, cá mát cũng nhiều, đánh bắt rất dễ, nhưng từ khi đặp đập Phà Lài ở trên thượng nguồn thì lượng cá mát giảm hẳn, không chỉ cá mát mà các loài cá khác cũng ít dần. Theo ông thì đặc tính các loại cá này là dến mùa sinh sản là chúng nó lên tận khe suối thượng nguồn, nhưng có lẽ do dòng chính bị ngăn đập quá cao nên không vọt qua được, đành lỗi mất mùa sinh sản. Bên cạnh đó việc đánh bắt bằng mìn, bằng các dụng cụ xung điện, nạn ô nhiễm môi trường, thuốc trừ sâu, các chất thải độc hại khác... đã làm cho dòng sông phải oằn mình gắnh chịu. Chính vì thế mà lượng cá cứ ít dần, ít dần.
       Chiều tà, hoàng hôn cũng đã buông xuống, những vêt khói màu lam cũng đã là là bay trên các mái bếp ven sông, phía xa hơi sương quyện với hơi nước trông lãng đãng như những đám mây mờ, từng đàn chim đang vội vã bay về phía rừng xa tìm chốn ngủ. Trên trời mây lững lờ trôi. Chúng tôi lưu luyến chia tay hai vợ chồng ông chủ đò hiếu khách, nghĩ về những điều ông nói mà lòng băn khoăn tự hỏi: Rồi đây, không chỉ sông Giăng, mà thượng nguồn sông Hiếu, sông Con, Nậm Nơn, Nậm Mộ...có còn cá mát nữa không?

                                                            Quang Đạo: (Trường Chính trị Nghệ An)

1 nhận xét: