Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Một người nhờ xem quẻ dịch chứng khoán

Thân gửi chú Phong Thu! Theo thông tin của chú gửi muốn mua cố phiếu KSS và cổ phiếu SAM trên sàn chứng khoán HOSE, tôi đã xem 2 quẻ cho 2 mã cổ phiếu ấy. Qua phân tích tượng quẻ và các hào, Thấy rằng cổ phiếu KSS đang thịnh, Tài vượng sinh thế, Thế vượng, được nhật nguyệt lại biến hồi đầu sinh, rất tốt, có thể mua.
Còn cổ phiếu SAM cũng được Tài vượng sinh thế, nhưng Thế động biến hồi đầu khắc, nên không chắc chắn lắm, cũng có thể sinh lời trong ngắn hạn. Nếu đã mua thì nên hiện thực hoá lợi nhuận khi đã đạt tới mức kỳ vọng, không nên để lâu, e có sự biến động bất lợi.
Thân ái! 
(Có lộc thì hãy nhớ đến Thầy nhé!)

Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2012

Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Dịch học Nghệ An

Vừa qua, tại thành phố Vinh, Thư viện tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Câu lạc bộ Kinh dịch và các bộ môn khoa học huyền bí Nghệ An, gọi tắt là Câu lạc bộ Dịch học Nghệ An tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề về "Dự đoán học với đời sống - Ứng dụng Bói Kiều và môn Bốc Dịch". Diễn giả là ông Lê Quang Đạo, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dịch học Nghệ An. Thành phần khán thính giả gồm các thành viên các câu lạc bộ: Hán nôm, Dịch học, Thơ , Kiều học và đông đảo các học giả, các nhà nghiên cứu, các nhà giáo, nhà văn, nhà thơ, cán bộ giảng viên và sinh viên một số trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn. Sau 2 tiếng đồng hồ báo cáo, chương trình dành 30 phút để trao đổi và giải đáp thắc mắc. Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo và sự hỗ trợ tích cực của Ban lãnh đạo Thư viện tỉnh, buổi Nói chuyện chuyên đề đã diễn ra trong không khí trang trọng, cởi mở, thân mật và thành công tốt đẹp. Buổi nói chuyện cũng đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng khán thính giả. Sau buổi nói chuyện, nhiều người đã đến xin địa chỉ, số điện thoại của Ban Chủ nhiệm và các thành viên Câu lạc bộ./.




Đề cương tóm tắt
Báo cáo chuyên đề “Dự đoán học với đời sống”
A: Giới thiệu sơ lược:
 Dự đoán học và các môn dự đoán thường dùng trong đời sống như dự báo thời tiết, dự báo thị trường và các dự báo khác trong dân gian…
I. Kinh nghiệm của cha ông về dự báo thời tiết, thiên tai, bão lụt, được mùa, mất mùa, dự báo về đau ốm bệnh tật, thọ yểu, cát hung hoạ phúc…
II. Bói Kiều trong dân gian
III. Bói Dịch (Chu dịch, Mai hoa dịch…)
IV. Dự đoán theo Tử vi
V. Dự đoán theo Tứ trụ, Hà lạc lý số, Thái ất thần kinh, Các khoa bấm độn (Độn Bát môn, Độn Lục nhâm, Độn Thiên cương, Ngũ hành đại độn và các cách bấm độn để chọn ngày giờ lành)
B: Nội dung cụ thể từng bộ môn:
I. Điểm qua một số kinh nghiệm dự báo của cha ông ta.
1. Kinh nghiệm về dự báo thời tiết:
-Chuồn chuồn bay thấp thì mưa
Bay cao thì nắng bay vừa thì râm
-Én bay thấp mưa ngập cầu ao
Én bay cao mưa rào lại tạnh
-Ếch kêu uôm uôm, ao chuôm đầy nước
Quạ tắm thì ráo sáo tắm thì mưa
-Trời đang nắng, cỏ gà trắng thì mưa
-Chớp Đông nhay nháy , gà gáy thì mưa
-Trăng quầng đại hạn, trăng tán thì mưa
Tháng tám trông ra, tháng ba trông vào
-Mây kéo về bể trời nắng chang chang,
 mây kéo về nguồn trời mưa như trút
-Nhiều sao thì nắng, vắng sao thì mưa
-Ráng mỡ gà, ai có nhà thì chống
2. Dự báo về được mùa, mất mùa:
-Được mùa lúa, úa mùa cau
Được mùa cau, đau mùa lúa.
-Lúa chiêm ngấp nghé đầu bờ
Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên
- Sấm tháng chín, nhịn ăn rau
-Sấm tháng mười, cấy trửa cươi cũng có ló
-Mưa tháng ba ra mọi việc, mưa tháng tư hư mọi điều
3. Dự đoán về người - vật
-Đàn bà thắt đáy lưng ong
Vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con
Những người béo trục béo tròn
Ăn vụng như chớp, đánh con suốt ngày.
- Đàn bà con mắt lá răm,
Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền
-Gà đen chân trắng, mẹ mắng cũng mua
Gà trắng chân chì mua chi giống ấy
-Lang đuôi thì bán, lang trán thì cày...
……….
Ngày xưa chưa có đài Rađiô, ty vi dự báo thời tiết, chưa có các thiết bị hiện đại để đo gió, đo mưa, đo độ ẩm không khí… như bây giờ, nhưng cha ông ta qua quá trình lao động sản xuất đã đúc rút nên những kinh nghiệm quý báu, truyền từ đời này sang đời khác nhằm phục vụ sản xuất và đời sống. Ngày nay, dẫu có đủ các phương tiện, thiết bị dự báo hiện đại, nhưng những kinh nghiệm quý báu của cha ông vẫn còn nguyên giá trị, nhất là với những người làm nghề Nông nghiệp và Ngư nghiệp.

II. Bói Kiều:
Kính thưa các bác, cá anh chị và các bạn! Như chúng ta đã biết, Truyện Kiều là tác phẩm thơ theo thể thượng lục hạ bát của Đại thi hào Nguyễn Du, có thể nói là tuyệt tác của nhân loại, đã đưa Nguyễn Du trở thành Danh nhân văn hoá thế giới. Trong thời kỳ thực dân Pháp xâm lược nước ta, có người đã từng nói: “Truyện Kiều còn, nước Nam còn”. “Lục bát còn, Việt Nam ta còn”. Chúng ta rất đỗi tự hào về Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều của Cụ. Để khai thác giá trị và cũng để tôn vinh Truyện Kiều, tôn vinh tác giả và tác phẩm, nhân dân ta đã sáng tạo ra nhiều cách như Lẩy Kiều, Tập Kiều, Vịnh Kiều, Đố Kiều.v.v… Bói Kiều cúng là một trong số đó. Trên thế giới có rất nhiều tác phẩm thơ nổi tiếng, thậm chí được giải thưởng Noben Văn học, nhưng để dùng nó làm sách Bói, mà lại Bói đúng, thì chỉ có duy nhất Truyện Kiều, đó là hiện tượng độc đáo nhất và cũng có thể nói là có một không hai.
Trong cuộc sống hàng ngày, nhân dân ta không chỉ đã đúc rút kinh nghiệm dự báo các mặt qua những hiện tượng, gió mây cây cỏ mà mỗi khi trong cuộc sống gặp chuyện chẳng lành. trong lòng có sự thắc mắc lo nghĩ, người ta lại tìm đến Bói Kiều để hỏi cát hung, hoạ phúc, tìm sự an ủi, tìm lời  khuyên thích hợp. trong các môn bói toán thịnh hành như dịch,tử vi, tứ trụ.v.v.. thì có Bói Kiều là môn thuần văn hoá Việt, đã được lưu truyền trong dân gian hàng trăm năm nay. Bói kiều đã thực sự là một nét văn hoá đáng yêu của người dân Việt Nam.
Trong lời Tựa viết năm 1898 cho bản Đoạn Trường Tân Thanh của Kiều Oánh Mậu, cụ Đào Nguyên Phổ Đã từng nói:” Ôi! Sao mà lại có văn hay làm say lòng người đến thế? Còn một điều mà tôi thấy làm lạ hơn nữa là người đời dùng để bói, thì thấy ứng nghiệm như thần mà xem tựa Linh kinh Quỷ Cốc, là bởi làm sao?...Và vì sao lại có thể làm say mê mọi người đến như vậy?”.
Có lẽ là vì, dù chỉ 3254 câu thơ nhưng đó còn là một quyển Bách khoa toàn thư của hàng vạn tâm hồn, cuốn sách của muôn vàn tâm trạng, mà ở trang nào ta cũng thấy bóng dáng thực tiễn của cuộc sống.
Chắc cũng vì lẽ đó, mà người dân say mê Truyện Kiều, say mê bói Kiều. Dùng Truyện Kiều làm nơi an ủi tinh thần, tìm lời giải cho tương lai, cho quá khứ, cho sự lựa chọn đường đi trong cuộc sống vốn nhiều bất trắc.
Có một điều rất kỳ lạ là có một số câu Kiều lại rất linh ứng với những sự kiện lịch sử:
Câu số 1954: cắn răng bẻ một chữ đồng làm hai, (Nói về đất nước ta bị chia cắt làm đôi sau Hiệp định Rơ-ne-vơ 1954).
Câu 83: Đau đớn thay phận đàn bà, (ứng với ngày quốc tế Phụ nữ 8/3), mặc dù thời của cụ thì ngày QTPN chưa có.
Câu 1972: Liệu mà cao chạy xa bay, Ái ân ta có ngần này mà thôi…
Nói về tình cảnh Chính quyền nguỵ Sài Gòn muốn xin Mỹ tiếp tục ở lại miền Nam, nhưng do thua đau trên khắp các chiến trường, đế quốc Mỹ quyết định rút quân khỏi miền nam, mà với sự kiện này, Thiệu đã gào lên thất vọng là : “Mỹ đem con bỏ chợ”.
1.Xin Kể một số câu chuyện Bói Kiều làm dẫn chứng, minh hoạ. Ngô Đình Diệm bói Kiều, Nguyễn Thái Học bói Kiều, Tướng Nguyễn An bói Kiều trên đỉnh Trường sơn.v.v…
2. Cách thức Bói Kiều:
Cách bói dân dã là mượn một quyển Kiều, rồi tâm niệm điều mình ao ước, nỗi băn khoăn và tin tưởng thành tâm (Cẩn thận hơn thì thắp hương khấn vái), đọc câu:
“Lạy vua Từ Hải, lạy Vãi Giác Duyên, lạy Tiên Thuý Kiều, con tên là…. ở….xin được… ba hay mấy câu đầu, giữa hoặc cuối trang….”
Và theo luật, “trai tay trái, gái tay phải”. đàn ông xem trang bên trái, đàn bà, con gái xem trang bên phải để tìm câu ứng nghiệm.

III. Bói dịch:
Bói dịch còn gọi là Bốc dịch hay dự đoán theo Chu dịch, Mai Hoa dịch.
Bói dịch đã có cách đây hàng mấy ngàn năm, kể từ khi Phục Hi vị Vua thần thoại của Trung hoa thời cổ. Người xưa khi chưa có chữ viết, đã biết quan sát, căn cứ hình tượng chim, thú, cây cỏ mà vạch ra âm dương, tứ tượng, bát quái, để từ đó dự đoán cát hung hoạ phúc và tất thảy mọi điều xảy ra trong cuộc sống. Xuất phát từ đó mà ngày nay có nhiều người cho rằng ngôn ngữ lập trình hệ nhị phân có nguồn gốc từ 2 vạch âm, dương của người phương Đông, Ngôn ngữ đó ngày nay đã được sử dụng rộng rãi trong kỹ thuật máy tính, trong công nghệ thông tin hiện đại…
1- Muốn bói dịch cần hiểu và nắm được các yếu tố sau: Kể cả bói Chu dịch cũng như Mai hoa dịch số: Người bói cần hiểu cách lập quẻ, gieo quẻ, quẻ chủ, quẻ hỗ, quẻ biến, ý nghĩa các quẻ, các hào, cách suy đoán, đồng thời cũng phải tìm hiểu Kinh dịch và nguồn gốc của nó:
-Kinh dịch là gì? Dịch là gì? Nguồn gốc?
-Phân loại: Liên sơn dịch, Quy tàng dịch, Mai hoa dịch, Chu dịch..
-Dịch có Tiên thiên và Hậu thiên. Ứng dụng vào Bốc dịch.
-Các tác giả: Tứ thánh: Phục Hi, Văn Vương, Chu Công và Khổng tử, và rất nhiuêù nhà nho sau này đã góp công hoàn thiện như Lý Thuần Phong, Lý Hư Trung (Nhà Đường), Đổng Trọng Thư, Kinh Phòng, Trịnh Huyền (đời Hán), Thiệu Khang Tiết, Trình Di, Trình Hạo… (đời nhà Tống), Ở Việt Nam ta có Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng là một Đại sư Dịch học thời Lê - Mạc, Cụ được Phong tước Trình tuyền hầu, Cụ là người nổi tiếng được nhiều vị vua, chúa, thỉnh xin ý kiến và Cụ cũng đã để lại nhiều câu Sấm nổi tiếng linh nghiệm. Ở thời đại ngày nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người có nhiều tiên đoán chính xác làm mọi người bất ngờ và khâm phục.
Tiếp theo phải hiểu và nắm vững:
-Âm dương: âm dương tiêu trưởng, âm dương chuyển hoá là gì?
Âm dương với sự vật: Ví dụ: về người thì âm là nữ dương là nam, âm là đất, dương là trời, âm là đêm dương là ngày, âm là mặt trăng dương là mặt trời, dương nóng âm lạnh…
-Ngũ hành: Quy luật tương sinh, tương khắc, bốn mùa vượng tướng hưu tù...
Ngũ hành với phương vị, thời gian, sự vật, đặc tính…
-Bát quái: Tám quẻ đơn còn gọi là đơn quái, Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài,
 8 quẻ đơn xếp trùng lên nhau được 64 quẻ, tức 64 quẻ kép còn gọi là trùng quái.
-Thoán từ và hào từ là Gì?
-Ứng dụng Kinh dịch vào đời sống:
Tư tưởng triết học, vận dụng thuyết âm dương ngũ hành trong ăn uóng, chữa bệnh nâng cao sức khoẻ. Một số ví dụ
Đặt phương hướng nhà, cửa, bếp, dường ngủ… nhằm thu năng lượng của vũ trụ có lợi cho sức khoẻ của mình.
Từ gốc Dịch mà người đời sau phát minh ra các môn khác như Tử vi, Tứ trụ, Hà lạc, Thái ất, Bát môn, Bát trạch, Bát quái trận đó trong bày binh bố trận, các môn Địa lý, phong thuỷ và độn toán khác.
-*** Giới thiệu một số hào từ mang tính triết lý nhân sinh nên biết để vận dụng:
- Trong Kinh Dịch có rất nhiều lời hào (hào từ) bàn về vấn đề này, cũng là dạy mọi người phương châm xử thế sao cho hợp thời.
Quẻ Càn, quẻ đầu tiên trong Kinh Dịch, hào từ sơ cửu có nói: “Tiềm long vật dụng”. Ý nói con rồng còn nằm dưới vực sâu chưa thể làm mưa làm gió được, vì thời của nó chưa đến. Thánh nhân bàn rằng, người quân tử chưa gặp thời thì nên ẩn mình, tu đức, luyện tài, không vì thế tục mà đổi chí, không ai biết mình cũng không buồn, không gì lay chuyển được ý chí của mình.
Hào từ cửu ngũ: “Phi long tại thiên, lợi kiến đại nhân”. Rồng bay lên trời, gặp đại nhân thì có lợi.  Hào 5 quẻ Càn dương cương, dương cư dương vị, vừa đắc trung vừa đắc chính. Thời cơ đã đến, hãy cùng với những người danh tiếng (đại nhân) có cùng chí hướng ra hành động giúp dân giúp nước.
Đến hào 6 (Thượng cửu) lời hào viết: “Kháng long hữu hối”. Rồng lên quá cao tất sẽ có hối hận. Cái gì đầy quá thì sẽ tràn. Khổng Tử nói: Quý mà không có ngôi vị, cao mà không có dân. Có người hiền ở dưới mà không được giúp đỡ lại hành động thì nhất định sẽ phải hối hận. Việc gì đến chỗ cùng cực cũng sẽ gặp rủi. “Kháng” là chỉ biết tiến mà không biết dừng, biết còn mà không biết mất, biết thắng mà không biết thua. Chỉ có thánh nhân mới biết tiến thoái, tồn vong mà không bao giờ sai đạo chính.
Hào từ cửu tam quẻ Khiêm viết: “Lao khiêm, quân tử hữu chung, cát”. Ý nói khó nhọc mà nhún nhường, người quân tử giữ được trọn vẹn, sau tốt. Khổng Tử bàn: Khó nhọc mà chẳng khoe khoang, có công với đời mà chẳng nhận ân đức. Đức như thế hết sức dày vậy. Đối với công lao của mình, mình chịu nhún với người, về đức thì thịnh, về lễ thì cung kính. Người khiêm cung thì giữ được ngôi vị.
Lời hào sơ quẻ Tiết: Loạn sinh ra trước hết do lời nói. Nếu vua không kín miệng tất mất bầy tôi, nếu bầy tôi không kín miệng tất mất thân mình. Cơ sự không kín đáo tất cái hại nảy sinh. Cho nên người quân tử lúc nào cũng cẩn thận, giữ gìn.
Hào sơ lục quẻ Đại quá: Lót bằng cỏ mao trắng không lỗi. Tử viết: Đặt vật gì xuống đất cũng được, mà lại dùng cỏ mao trắng để lót thì còn sợ gì đổ bể nữa? Như vậy là quá cẩn thận. Ôi! Cỏ mao là vật tầm thường mà dùng quá trọng. Cứ cẩn thận như thế trong mọi việc thì sẽ không lỗi vậy.
Hào lục tam, quẻ Giải viết: “Vừa mang đồ vật, vừa được xe là vời giặc đến”. Mang đồ vật là việc của người thường, xe thuộc về người có địa vị. Người thường dùng phương tiện của người có địa vị thì kẻ trộm sẽ lấy mất thôi. Khi khinh nhờn đối với kẻ trên và hung dữ với kẻ dưới thì kẻ cướp sẽ tìm cách tấn công ngay. Giấu cất không kín đáo là cám dỗ kẻ trộm. Trau dồi nhan sắc là cám dỗ lòng dâm. Cho nên Dịch nói: Đó là tự vời giặc đến vậy.
Hào thượng cửu quẻ Đại hữu: “Từ trời giúp cho, tốt, không có gì mà chẳng lợi”. Tử nói: Hữu là giúp đỡ, sở dĩ trời giúp cho là vì thuận theo đạo trời, sở dĩ người giúp cho là vì có lòng thành tín. Ai làm theo lòng thành tín, nghĩ thuận theo đạo trời, và chuộng dùng người hiền thì được trời giúp. Tốt. Không có gì mà chẳng lợi.
Hào Lục tam quẻ Khốn: “Khốn vu thạch, cứ vu tật lê, nhập vu kì cung, bất kiến kì thê, hung”. Hào 3, âm, như người bị khốn vì đá, mà lại dựa vào cây tật lê, vô nhà thì không thấy vợ, xấu. Giảng: Hào này bất trung ,bất chính, âm nhu ở vào thời khốn, ở trên cùng nội quái là Khảm, tức ở cảnh cực hiểm, tiến thoái đều không được nên ví với người bị đá dằn ở trên mà lại dựa vào một loại cây có gai (tật lê), vô nhà lại không thấy vợ. Rất xấu. Khổng Tử giảng  thêm như sau:
“Không phải chỗ đáng bị khốn mà mình bị khốn thì danh ắt bị nhục, không phải chỗ đáng dựa mà mình dựa vào thì thân tất bị nguy; đã bị nhục lại bị nguy thì sắp chết tới nơi rồi, còn thấy vợ sao được nữa?”
          Hào cửu ngũ quẻ Bĩ: Nguy hiểm đến khi đang ở yên ngôi vị, cái mất đe doạ khi cố giữ cái còn. Cái loạn phát triển khi đang trị. Cho nên người quân tử khi yên ổn thì đừng quên có thể bị nguy, khi còn thì đừng quên có thể mất, khi trị đừng quên có thể loạn. Nhờ vậy mà thân được yên, nước nhà được thịnh trị.
Hào cửu tứ, quẻ Đỉnh: “Đức mỏng mà ngôi cao, trí nhỏ mà mưu lớn, sức nhỏ mà trách nhiệm nặng, thì khó tránh khỏi tai ương”. Thật vô cùng chí lý.
Để có thể thực hiện câu “Minh triết bảo thân”, Dịch còn bàn nhiều và có rất nhiều lời khuyên, tỷ như câu: “Tri thường viết minh, bất tri thường vọng tác, hung”. Nghĩa là biết rõ quy luật thì hành động sáng suốt, không biết rõ quy luật thì thường làm bậy, sẽ gặp điều hung. Nghĩa là động tĩnh đều hợp thời thì đạo đó mới sáng suốt.v.v… Nói chung, Kinh Dịch khuyên người quân tử nên tuỳ thời mà hành động cho phù hợp, biết mình, biết người, biết thời thế, đó mới chính là minh triết bảo thân vậy.

*** Kể một số quẻ bói đã ứng nghiệm về xem thời tiết, xem mất của, mất tài liệu, xin đi làm việc ở nước ngoài, đi hỏi vợ, thi cử, và vài quẻ nhân mệnh...
***Mối liên hệ giữa Tử vi và Dịch số.
C. Nếu có thời gian sẽ giới thiệu thêm một số nét về Dự đoán Tử vi và Tứ trụ.
-Sau đó dành 30 phút để giải đáp thắc mắc.
-Kính gửi anh Đào Tam Tỉnh! Như vậy là ta thống nhất thời gian nói chuyện chuyên đề vào sáng thứ 6 ngày  30/3/2012, vào lúc 8 giờ sáng tại Hội trường Thư viện tỉnh nhé..

Lê Quang Đạo (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dịch học Nghệ An)
Mọi liên hệ xin gửi về số ĐT: 0983225079 hoặc thư điện tử: lequang306@gmail.com
Thân ái!


-Giới thiệu một số hình ảnh trong buổi nói chuyện chuyên đề tháng 3/2012 với nội dung: "Dự đoán học với đời sống" tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, do Câu lạc bộ Dịch học tổ chức.