Thứ Tư, 5 tháng 1, 2011

Doanh nhân Nguyễn Trần Bạt giao lưu với lãnh đạo tỉnh và các nhà doanh nghiệp Nghệ An - Những bất ngờ thú vị. (Lược thuật của Quang Đạo)

09/11/2009 11:12 AM

Cuộc đời của ông Nguyễn Trần Bạt:
 
Vừa qua, trong dip kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam, nhận lời mời của lãnh đạo tỉnh, Trường Chính trị, Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Nghệ An, ông  Nguyễn Trần Bạt, Chủ tich HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty tư vấn đầu tư và chuyển giao công nghệ Invest Consult Group đã có buổi gặp gỡ, giao lưu với các nhà DN Nghệ An, trong buổi giao lưu ấy đã có nhiều bất ngờ và thú vị, xin tóm lược một số nội dung câu hỏi và trả lời trong buổi giao lưu đó.
Trước khi đề cập vào nội dung chính, để độc giả hiểu rõ hơn chúng tôi xin giới thiệu vài nét về cuộc đời nhà doanh nhân Nguyễn Trần Bạt - Một doanh nhân thành đạt và là người con của quê hương xứ Nghệ. Ông quê ở Hưng Nguyên, Nghệ An, sinh năm 1946. Cha ông là tú tài Tây, ông nội ông ngoại đều là địa chủ, trước cách mạng tháng 8/1945 ông nội đã có đồn điền rộng lớn hàng ngàn ha tại Phủ Quỳ. Vì thành phần gia đình nên mới lên 9 tuổi ông đã phải theo cha mẹ phiêu bạt ra Hà Nội  kiếm sống. Cha là nhà trí thức nhưng phải làm nghề bán thuốc lá dạo trên tàu, còn ông bán nước chè tại ga Hàng Cỏ. Trời phú cho ông trí thông minh ham học, quê hương phú cho ông đức tính cần cù nhẫn nại, gia đình nội ngoại phú cho ông máu ham làm giàu. Cho nên từ nhỏ ông đã xác định cho mình dù khổ đến mấy cũng phải học và chỉ có học mới có thể mở mày mở mặt với thiên hạ, muốn làm giàu cũng phải có học vấn. Năm 18 tuổi ông xung phong tham gia đoàn quy hoạch lâm trường Sông Hiếu, sau đó vào bộ đội, do bị thương vì sức ép của bom nên ông được giải ngũ và đi học tiếp đại học xây dựng , khoa công trình, học xong đại học lại được điều động vào quân đội, là sĩ quan binh chủng công binh ông từng tham gia xây dựng các cung đường chiến lược trong đó có đường mòn Hồ Chí Minh ( đường Trường Sơn). Năm 1976, sau 10 năm ở trong quân ngũ ông được chuyển ngành, về công tác tại Viện khoa học, Bộ GTVT, quyền chủ nhiệm bộ môn nền móng công trình, rồi về công tác tại bộ KH&CN. Trong thời gian này ông gặp một sự cố đau lòng là cô con gái ông không may bị bệnh bạch cầu cấp phải điều trị dài ngày và thuốc men rất tốn kém, vì không có tiền mua thuốc chạy chữa cho con nên con gái ông đã qua đời khi đang tuổi học trò. Ông cay đắng nhận ra rằng vì nghèo mà con ông bị chết, làm một trí thức, một công chức mà không lo được đời sống cho vợ con. Sau nhiều đêm dài trăn trở không chợp mắt, ông quyết chí tìm con đường đi khác, tìm cách làm mới với khát vọng quyết tâm đổi đời. Với kiến thức, kinh nghiệm cộng với sự nhạy bén trong làm ăn kinh tế, năm 1992 ông thành lập công ty tư vấn đầu tư với suy nghĩ Việt Nam sớm muộn cũng sẽ gia nhập WTO, kinh tế VN phải mở cửa hướng ra bên ngoài và các nhà đầu tư nước ngoài muốn vào làm ăn tại VN cung phải cần có một tổ chức trung gian làm cầu nối và công ty của ông là công ty đầu tiên của VN đảm nhận vai trò cầu nối quan trọng đó. Hiện ông là chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc công ty Invest Consult Group, công ty tư vấn hàng đầu Việt Nam. Báo chí cũng đã tốn khá nhiều giấy mực viết về ông. Sau 15 năm thành lập và phát triển đến nay công ty đã có hàng ngàn dự án đầu tư quan trọng ở cả trong và ngoài nước. Mạng lưới khách hàng quốc tế của công ty trải rộng với nhiều tập đoàn tên tuổi như Coca-Cola, IBM, Deawoo… Đã hợp tác và cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp cho các tổ chức quốc tế như UNDP, WB, ADB, IFC… Với số vốn hàng trăm triệu đô la, doanh thu hàng năm lên đến 4,5 triệu USD, lương công nhân bình quân đạt trên 5 triệu đồng/người/tháng, cá biệt có những người hàng trăm triệu tùy theo năng lực và hiệu quả công tác. Ở công ty ông tất cả mọi người đếu đã được đi tham quan, công tác, học tập ở nước ngoài kể cả lái xe và văn thư tạp vụ, và đội ngũ này cũng được tạo điều kiện học xong chương trình đại học để có cơ hội thăng tiến về sau. Ông bảo chăm lo cho mọi người chính là chăm lo cho chính mình, do vậy mà từ khi thành lập đến nay nhiều người từ nghèo khó thất nghiệp đến với ông nay đã có của ăn của để vẫn không muốn xa ông vẫn muốn găn bó mãi với công ty của ông. Ông từng nói: “ở Việt Nam, tôi là một người giàu có nhưng giàu có chính đáng”. Trong không khí cởi mở, ấm áp thân tình của một người con thành đạt trở lại thăm quê sau bao năm xa vắng, với tình cảm sâu nặng và niềm tự hào là người con Xứ Nghệ, ông đã dành cho giới doanh nhân tỉnh nhà một buổi gặp gỡ, giao lưu tình cảm và ấn tượng.
Mải mê chạy theo cái bóng mà quên mất con mồi.
Đừng ăn mày dĩ vãng!
Mở đầu buổi giao lưu, để tạo tâm lý hứng khởi và tự tin cho các nhà doanh nghiệp, đồng chí Trần Bình Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy đặt câu hỏi trước có tính chất gợi mở: Xin ông cho biết tại sao có nhiều địa phương nói rộng ra là các quốc gia có xuất phát điểm giống nhau mà chỉ có số ít tạo được sự bứt phá để phát triển? Tại sao nước ta vẫn chậm phát triển? Vậy đâu là bản chất của vấn đề? Không đắn đo, ông Nguyễn Trần Bạt trả lời ngay: Thưa anh! Tôi cũng đã suy nghĩ vấn đề này rất nhiều. Qua nghiên cứu tôi nhận thấy có một số yếu tố làm cho chúng ta không khá lên được đó là: Vì ngưỡng mộ quá khứ! Chúng ta mất khá nhiều thì giờ để ngưỡng mộ quá khứ của mình, trong khi đó lại không chú ý đầu tư thỏa đáng cho tương lai. Vì chúng ta hay sỹ diện! Chúng ta hay chạy theo các tiêu chuẩn hình thức như bằng cấp, học vị…! Vì mải mê chạy đuổi theo cái bóng mà quên mất con mồi thực! Sau nữa là chúng ta thiếu sự đoàn kết, phối hợp, trước đây trong chiến tranh chúng ta đoàn kết gắn bó nhưng thời kỳ hòa bình xây dựng thì không. Phải gỡ được mấy cái thứ lực cản, mấy cái Barie đó thì mới có thể bứt phá được. Chiến tranh đã kết thúc ta không thể cứ “ăn mày dĩ vãng” mãi được.
Phó Bí thư đặt tiếp câu hỏi: Năm 1986, Đại hội Đảng VI đã có một quyết định rất quan trọng và đã đưa đất nước ta sang một bước ngoặt, vậy thời điểm hiện nay theo suy nghĩ của ông chúng ta cần những yếu tố nào để có thể tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ? Phải từ giáo dục và đào tạo. Vì bản chất của sự phát triển là tạo ra các giá trị gia tăng, mà muốn tạo ra các giá trị gia tăng thì phải có trí tuệ. Do đó, giáo dục và đào tạo là chìa khóa đầu tiên và quan trọng nhất để giải quyết bài toán phát triển. Xét về mặt nhân chủng, người Việt Nam không thua kém bất kỳ một ai. Cần cù có, thông minh có, dũng cảm dân sự có, liều mạng có, sự bất chấp nguyên tắc vào những lúc cần thiết cũng có. Cái chúng ta thiếu không phải là ở khía cạnh phẩm chất cá nhân. Chúng ta đang thiếu yếu tố để liên kết, phát huy các yếu tố tích cực, hợp lý tồn tại trong xã hội thành một tổng thể để phát triển. Chúng ta phải làm sao kết hợp được các yếu tố tiềm năng của tài nguyên và các yếu tố con người. Việt Nam ta có nhiều tiềm năng thiên nhiên nhưng chúng ta đang thiếu kiến thức lẫn kỹ năng. Thưa anh Trần Bình Minh! Tôi nghĩ nếu không tạo ra được một công nghệ chính trị hợp lý để kết hợp và huy động tất cả các yếu tố vốn tồn tại một cách tích cực trong xã hội thì chính trị có lỗi. Đây chính là trách nhiệm của các nhà chính trị và của cả hệ thống chính trị.
Nghệ An là con hổ khó cưỡi?
Một doanh nhân đặt tiếp câu hỏi: Thưa ông, trong số hàng ngàn dự án đầu tư của ông có dự án nào thực hiện ở Nghệ an không? Tại sao Nghệ an lại khó thu hút đầu tư làm vậy? Nếu ông là người lãnh đạo tỉnh thì ông sẽ làm gì để cải thiện tình hình đó? Mọi người vố tay cho đây là một câu hỏi sát thực tế và thú vị.
Ông Bạt vui vẻ: Đây là một câu hỏi khó, vượt quá tầm của tôi đáng lẽ anh phải dành cho những người cao hơn tôi, nhưng anh đã hỏi thì cũng xin mạnh dạn trả lời. Nếu là Bí thư Tỉnh ủy, tôi cho rằng Nghệ An là con hổ khó cưỡi, nếu muốn cưỡi con hổ này thì phải có đủ bản lĩnh. Là lãnh đạo đảng, phải chỉ ra được mục tiêu và định hướng chính trị; lãnh đạo chính quyền phải xác lập cho được hệ thống quy chế minh bạch, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, trong đó quan tâm tới lợi ích của nhà doanh nghiệp, vì đã là nhà doanh nghiệp thì họ luôn quan tâm tới lợi ích. Nói tóm lại là phải trả lời được 3 câu hỏi: Lợi ích là gì? Thể chế phải được xây dựng như thế nào? Mục tiêu chính trị là gì? Muốn có sự phát triển, thì kể cả Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ cũng phải trả lời được ba câu hỏi ấy.
Đề nghị ông nói rõ hơn? Vâng. Nếu không xác định được mục tiêu chính trị thì không tập hợp được đội ngũ, không có đạo đức và văn hóa kinh doanh, các doanh nghiệp sẽ thiếu lòng tin và kinh doanh theo lối thiếu đạo đức, không lành mạnh, đó không phải là sự phát triển mà là chụp giựt. Nếu không xác định được hệ thống thể chế, quy chế rõ ràng minh bạch thì không có sự công bằng, không có cơ sở để bảo vệ sự dũng cảm dân sự của doanh nhân và sự tự do làm ăn của họ, do đó doanh nhân không dám làm, bởi đằng sau một sự nghiệp kinh doanh là đầy máu và nước mắt, nhiều khi chỉ một sơ sẩy có thể dẫn đến sạt nghiệp, đến thân bại danh liệt. Doanh nhân không dám làm ăn thì đất nước không phát triển được. Phát triển và làm giàu ở đây phải hiểu là làm gia tăng các giá trị chứ không phải tìm cách bốc chỗ này bỏ chỗ nọ, cũng không phải nhè sơ hở đề trục lợi cho riêng mình. Phải tạo ra đội ngũ doanh nhân biết làm và dám làm, kết hợp được các yếu tố máu kinh doanh, kiến thức, kỹ năng làm giàu… nếu làm ăn theo kiểu chụp dựt thì sớm muộn cũng thất bại.
Doanh nhân Ngô Bá Cường đặt câu hỏi dí dỏm: Theo ông thì Nghệ An là con hổ khó cưỡi, nên chăng trói nó lại đốt cho một trận để nó khôn ra như trong câu chuyện ngụ ngôn “Trí khôn của ta đây” không? Tôi nghĩ không nên áp đặt bằng cách trói và đốt. Thời trói và đốt cho nó khôn ra đã qua lâu rồi, giờ thì cần tìm cách khác, mỗi thời mỗi cách, nhưng con hổ khó cưỡi chưa hẳn đã là con hổ không hay. Sự mất mát quyền lợi, sự thua kém so với các tỉnh bạn, sự nghèo đói một cách công khai trong tương quan so sánh sẽ làm cho nó tự khôn ra.
Một Doanh nhân khác đặt câu hỏi mang mầu sắc chính trị-kinh doanh: Xã hội dân sự  có phát triển thì doanh nghiệp mới phát triển và kinh tế mới có thể đi lên. Vậy làm sao để xã hội dân sự phát triển? Xã hội dân sự là một khái niệm hoàn toàn thân thiện với một chế độ chính trị như chúng ta hiên nay. Để cho các nhà chính trị của chúng ta cổ vũ khái niệm “Xã hội dân sự” thì trước hết nhà khoa học phải chứng minh được với các nhà chính trị rằng XHDS là một khái niệm thân thiện với chính trị. Xã hội dân sự, nhà nước, thị trường là ba lĩnh vực khác nhau, mặc dù có quan hệ đan xen với nhau. Đó là các hội tự nguyện, các tổ chức từ thiện, các quỹ tài trợ và các tổ chức phi-chính phủ, v.v… do đó sự tồn tại của một xã hội dân sự độc lập với nhà nước vẫn là một giải pháp tốt nhất để bảo đảm cho vai trò làm chủ của người dân. XHDS ở nước ta hiện nay chưa được quan tâm đúng mức, chưa được thừa nhận về mặt luật pháp cũng như về mặt thái độ chính trị, và chính vì điều đó đã ngăn cản sự hình thành một đội ngũ doanh nhân và một nền văn hóa kinh doanh. Thuật ngữ XHDS cũng chưa được nói nhiều cũng như trước đây nói đến kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền cũng là điều cấm kỵ. Xây dựng XHDS là một quá trình, là sự khởi đầu cần thiết nhằm nâng cao dân trí, tập dượt cho người dân cách thức làm chủ bản thân, làm chủ xã hội. Nhà chính trị nên ít để tâm đến những mẹo chính trị. Tóm lại để XHDS phát triển nhà chính trị nên cởi mở hơn.
Làm kinh doanh là phải biết sáng tạo. Phải có tầm nhìn xa.
???Nghệ An cần phát triển theo mô hình nào? Tôi không cho mô hình là quan trọng, vì mô hình là cái anh tạo ra rồi áp đặt cho người khác hay là anh copy vay mượn của người khác, lệ thuộc vào mô hình, rập khuôn theo người khác thì dễ bị thất bại, phải tim cách làm mới, phải có lối đi riêng, đừng mải mê đi tìm mô hình mà phải phát huy tinh thần sáng tạo. Sai lầm lớn nhất trong kinh doanh là học theo kinh nghiệm, học theo mô hình của người khác. Người ta đã đi xa rồi mà mình còn lõm bõm theo sau. Tôi muốn nhấn mạnh làm kinh doanh là phải biết sáng tạo con đường đi mới, cách làm mới. Phải có tầm nhìn xa, phải biết dự báo.
Một nhà doanh ngiệp trẻ đặt câu hỏi: Yếu tố quan trọng để ông trở thành một doanh nhân thành đạt? Cuộc gặp gỡ hôm nay tôi thấy như là môt cuộc hội thảo chính trị-kinh doanh (chính trị pha lẫn kinh doanh) không thiết thực lắm. Nên chăng chuyển sang những vân đề thuần túy kinh doanh thì hay hơn?. Ông Nguyễn Trần Bạt trả lời:Trước hết phải nói ngay rằng, sở dĩ Tôi thành đạt được như hôm nay, điều quan trọng hàng đầu của tôi là không bỏ sót cơ hội tham gia những cuộc hội thảo chính trị-kinh doanh nào giống như cuộc hội thảo hôm nay, bởi lẽ theo tôi đã làm kinh doanh thì phải hiểu môi trường chính trị, như cá bơi phải hiểu nước, nước là môi trường sống của cá, làm kinh doanh mà không hiểu môi trường chính trị thì sẽ nhận lấy thất bại là cái chắc. Chính trị gieo gió thì kinh doanh sẽ gặt bão.
Một nữ doanh nhân đặt tiếp câu hỏi: Làm thế nào để phát triển đội ngũ doanh nhân?
 Như trên tôi đã nói. Phải có môi trường vĩ mô ổn định, phải xây dựng cho được một đội ngũ những nhà điều hành môi trường vĩ mô chuyên nghiệp. Chất lượng của đội ngũ doanh nhân sẽ được tăng lên cùng với chất lượng của hệ thống chính sách vĩ mô, của hệ thống pháp luật. Doanh nhân phải được tôn trọng và đối xử bình đẳng. Nhà nước cần tôn trọng sự hình thành và phát triển tự nhiên của đội ngũ doanh nhân, cần tạo  môi trường lành mạnh và bình đẳng để các doanh nghiệp cạnh tranh và phát triển.
???Phẩm chất của một nhà doanh nghiệp lớn? Trách nhiệm xã hội là phẩm chất của nhà doanh nghiệp lớn. Có trách nhiệm với xã hội,quan tâm chăm sóc đến người lao động, ứng xử văn hóa với người lao động là phẩm chất của một ông chủ lớn. Để cho người lao động phải đòi tăng lương, phải đòi hỏi chế độ là một ông chủ tồi. Khả năng hợp tác và tính năng động sáng tạo cũng là vấn đề rất quan trọng. Ngoài ra, đã là ông chủ lớn thì phải biết dùng người tài, vì người tài chỉ đến với những người có tài, nếu có đến với những người không có tài thì người tài cũng không thể phát huy được.Tôn vinh ầm ĩ doanh nhân như vừa rồi là cách làm không hay, nhiều khi lại nảy sinh tiêu cực, những doanh nhân có tâm có tài, có tự trọng và tâm huyết với sự nghiệp họ không quan tâm…
                                                           Quang Đạo (Trường chính trị Nghệ An) ĐT: 0983225079

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét