Thứ Hai, 24 tháng 10, 2022

CẦU LÀNG QUÊ TÔI

Cầu Làng quê tôi – một thời để nhớ. Quê tôi xã Thanh Phong có con hói chảy gần vòng quanh xã, bốn phía tiếp giáp các xã Thanh Hưng, Thanh Tường, Xuân Sơn, Minh Sơn, Nhân Sơn đều phải lội hoặc đi qua những cây cầu khỉ, cầu gỗ như Cầu Bào, cầu Cần, cầu Vinh Ân... Cầu Làng là một trong những cái cầu đơn sơ như thế. Cầu Làng bắc qua con hói chảy qua làng Hòa Mỹ chia đôi làng này thành 2 nửa, Phong Hòa và Phong Trà, nằm trên đường liên xã liên huyện từ Thanh Đồng lên Minh Sơn, nay gọi là Quốc lộ 7B. Qua thăng trầm của lịch sử, cầu đã được tu sửa làm mới nhiều lần. Ngày xưa cầu làm bằng những bó tre hai ba cây bắc qua hói, có dàn tay vịn. Trâu bò không thể đi qua mà chỉ có người mới đi được. Trẻ con những đứa yếu bóng vía cũng không dàm bò qua bởi hói sâu, nhìn xuống hơi bị ngợp. Bên cầu có mấy cây đa rợp bóng nay thì đã chết vì già cỗi. Tôi có đứa cháu là Trần Văn Mão gọi tôi bằng cậu, nay cũng đã làm cán bộ tỉnh, hồi ấy mới khoảng 7 tuổi mà vẫn dám bò qua cầu một mình đi bộ lên Phong Diên thăm ông bà ngoại và nhờ cậu cắt tóc, bởi vùng ấy, thời ấy không có thợ cắt tóc như bây giờ. Mà cậu thì vốn đa năng, không giỏi nhưng cấy chi cũng biết. Ông bà khen, các cậu, dì đều khen nức nở: thằng ni gan thật. Năm 1969, sau khi Bác Hồ mất, với tinh thần biến đau thương thành hành động cách mạng, huyện Thanh Chương cũng như xã Thanh Phong đều huy động thanh niên đi làm các công trình thủy lợi lớn phục vụ quốc kế dân sinh. Chúng tôi được huy động đi xây công trình thủy lợi đập Cầu Cau ở Thanh An, nay là hồ Đảo Chè, một thắng cảnh đẹp đang thu hút nhiều khách du lịch đến từ các vùng miền trong cả nước. Tiếp đà cách mạng tiến công, xã Thanh Phong cũng mở công trình xây dựng đập Cầu Làng, bằng cách đào một khúc hói mới uốn dòng chảy và làm cầu bê tông kiên cố rộng khoảng 2,5m, chặn dòng chảy của con hói cũ, phá cầu khỉ. Từ đây quê nhà như bước sang trang mới. Cuộc sống, sự đi lại của người dân quê tôi đã được đổi đời. Đập nước dâng cao gần chục mét, nước trong xanh 4 mùa đủ tưới cho cả mấy cánh đồng làng tốt tươi màu mỡ. Người xe đi lại thuận tiện, trâu bò qua lại dễ dàng, đặc biệt các em nhỏ tới trường học không phải bò qua cầu tre lắt lẻo hàng ngày nữa. Tôi nhớ anh cán bộ kỹ thuật của phòng Thủy lợi huyện về trực tiếp chỉ đạo thiết kế và thi công tên là Hân, người mảnh khảnh, da hơi đen, có cặp mắt sáng và đặc biệt rất nhiệt tình, trách nhiệm và sâu sát. Anh quê đâu thì tôi cũng không rõ. Ngày nay ai đi qua Cầu Làng nhìn xuống thấy một khúc con hói cũ bị ngăn dòng vẫn còn dấu tích. Sau đập Cầu Làng, anh Hân còn giúp xã tôi xây đập Cơn Ớt để phục vụ tưới tiêu cho đồng Rai Rái và mấy cánh đồng khác, mà trước đây phụ thuộc nước nông giang lấy từ Ba ra Đô Lương. Dân quê tôi vẫn không bao giờ quên hình ảnh thân thương và tình cảm, sự đóng góp của anh đối với xã nhà. Cũng nhờ có cầu, có đập thủy lợi mà cuộc sống của người dân quê tôi ngày càng khởi sắc, không còn là vùng đất “tứ tắc” như ngày xưa nữa. Mỗi lần đi qua cầu thấy các chị các cô gái dưới cầu giặt áo, gội đầu hong tóc, cười nói râm ran, các em nhỏ nô đùa bơi lội trên dòng nước mát cảm thấy quê hương thật thanh bình yên ả. Mặc dù thời chiến tranh, lại thời kỳ làm ăn tập thể nên kinh tế vẫn nhiều thiếu thốn. Bước sang thế kỷ 21 con đường liên xã xưa được quy hoạch và nâng cấp lên thành Quôc lộ 7B nối đường Quốc lộ 46 chạy qua xã nhà, lên Minh Sơn, Tân Sơn băng qua Quốc lộ 7A chạy ra Yên Thành, Diễn Châu. Đây là dự án lớn của nhà nước. Đường được nắn lại và mở rộng, Cầu Làng bằng bê tông xưa cũ được thay bằng cây cầu hiện đại bề thế lớn hơn rất nhiều, 4 làn thì chưa được nhưng 2 làn thì ô tô chạy thoải mái. Đường được đắp cao, cầu cũng xây cao nên không còn bị lũ lụt ngập như trước nữa. Mỗi khi về quê, trước đây đường khúc khuỷu lầy lội, nay xe cứ chạy bon bon một mạch về tận nhà thật là biết bao sung sướng. Nhớ lời bài hát của Giáp Văn Thạch phổ thơ Đỗ Trung Quân: “Quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày” sao mà nồng nàn da diết. Con em Thanh Phong dẫu học tập, công tác hay làm ăn khắp 4 phương trời vẫn luôn nhớ về quê hương, nơi quê cha đất tổ với những kỷ niệm đẹp đẽ thân thương và tình đất tình người sâu nặng./. Viết theo lời hẹn với bạn Trịnh Xuân Ngũ khi được đọc bài thơ của bạn ấy trên trang “Quê Nhà Thanh Phong”. Cảm ơn bạn Ngũ và các bạn rất nhiều! TP Vinh 2/4/2022 Quang Lê tức Lê Quang Đạo. Trước nhà ở xóm 6B nay là xóm 5, dưới chân rú Bạc, phía trong Cây Sui lịch sử.

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2022

KÝ ỨC TUỔI THƠ: CƠN DA BA CHÁNG CHÍN CHỒI

KÝ ỨC TUỔI THƠ: CƠN DA BA CHÁNG CHÍN CHỒI “Cơn da ba cháng chín chồi Ai về Diên Thọ cạp cồi lồ ngô”. Câu ca xưa nói về một thời khốn khó như vẫn còn văng vẳng. Quê tôi cây đa người ta thường gọi là cơn da. Cây đa ở quê tôi ngày xưa nhiều lắm, thường là cổ thụ cành lá sum suê, được trồng ở đầu làng, cuối xóm hay bên cầu bên hói. Nhưng nay thì hầu hết đã bị chặt phá, một số do quá già rồi cũng tự hủy theo quy luật tự nhiên Sinh – Trụ - Hoại – Diệt. Còn cây đa ba cháng chín chồi này là cây đa ở xóm Diên Thọ, thuộc làng Diên Tràng, xã Thanh Phong quê tôi hiện nay vẫn còn, nó cách cây Sui lịch sử khoảng 300m về phía tây. Nó có ba cành lớn mọc ra từ đoạn trên gốc, từ ba cành lớn đó mỗi cành lại mọc ra ba chồi nữa nên gọi là ba cháng chín chồi. Còn những cành con kế tiếp thì nhiều vô kể. Cái này thì hoàn toàn chính xác bởi tôi có hai bà O ruột lấy chồng về xóm này, nên hồi còn nhỏ tôi đã từng đến tận nơi xem và đếm. Chuyện về hai bà O tôi sẽ kể tiếp đoạn sau. Xóm Diên Thọ ngụ trên một quả đồi thấp dưới chân Rú Trè thơ mộng. Xóm tuy nghèo nhưng người dân siêng năng, cần cù chất phác, chịu khó làm ăn. Nhiều người giỏi và thành đạt, tiêu biểu như Cố Phan nhà cách mạng lão thành, đảng viên 30 - 31, ông Nguyễn Bá Thụ, nguyên Cục trường Cục Kiểm lâm Việt Nam, hồi đương chức được lên truyền hình VTV suốt. Hồi Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931, khi Đảng CSVN mới thành lập, Tỉnh ủy Nghệ An đã đóng ở đây, cây Sui lịch sử là nơi cất dấu tài liệu, nhà thờ họ Nguyễn Ích, Nguyện Duy là nơi văn phòng làm việc, hội họp và in ấn tài liệu. Những địa chỉ ấy nay đều là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Nói về con người nơi đây có câu vè: “Nguyên Ngợn, Khoa Cư, Kỹ sư Mạo Bé”. Nguyên Ngợn thì tôi không rõ lắm, sau này tìm hiểu thì được biết ông nổi tiếng vì mát tay, mỗi khi đi chợ các bà bán lợn bán gà đều nhờ ông sờ đầu vuốt đuôi để bán được nhanh và đắt khách. Cứ mỗi lần đến chợ họ nhìn thấy ông là nhờ “lại sờ cho tui một cấy”, ông mần liền, sau khi bán được họ lại tặng mấy đồng để ông ăn quà. Nhiều người trêu ông bảo ông sướng, vừa được sờ vừa được quà, ông cười tít mắt. Còn Khoa Cư là nói về chú Nguyễn Ích Khoa con ông Chắt Cư, chú là em trai dượng Cư tôi. Chú đẹp trai, thông minh học giỏi, có mái tóc mây bồng bềnh trông rất lãng tử. Hồi đầu những năm 60 của thế kỷ trước chú đã thi đỗ và học Đại học Y khoa Hà Nội sau làm bác sĩ Quân y đi chiến trường. Hồi đó mà đã đi học đại học ở Hà Nội là hiếm lắm, hơn nữa lại là học bác sĩ. Quê tôi có nhiều gái đẹp, nhiều cô mê chú, nhưng cuối cùng chú cưới cô Chư con ông Cu Thi. Nhà ông Cu Thi có nhiều con gái, bà đầu sinh 7,8 cô đều trắng trẻo nõn nà. Ông cưới thêm bà hai vần mãi rồi cũng đẻ được một cậu con trai. Cô Chư đẹp người đẹp nết, sau đi ngành lương thực cũng là một ngành hót thời bao cấp. Sau giải phóng 1975 cô theo chồng vào Nam và hiện cả nhà định cư ở Sài Gòn. Còn Mạo Bé là nói về anh Mạo con ông Cu Bé. Ông Cu Bé người to khỏe, da đen trũi, gân bắp cuồn cuộn, ông làm nghề kéo cưa, ông ăn khỏe có tiếng, chắc cái nghề này nó phải vậy, ăn ít sức yếu không kéo cưa được. Hồi đó gỗ hiếm, trong làng trong xã ai có cây to muốn xẻ ván làm nhà đều phải qua tay ông. Vợ mất sớm, ông ở vậy nuôi con. Anh Mão cũng khỏe, da cũng đen như bố, học giỏi. Cũng ra Hà Nội học đại học sau chú Khoa vài năm, sau tốt nghiệp kỹ sư rồi làm việc ở ngoài đó luôn. Chuyện vợ con của anh tôi cũng không rõ lắm. Xóm Diên Thọ gần trung tâm xã, xã tôi lại thuộc vùng đất tứ tắc, bốn bề rào hói bao quanh nên hồi chiến tranh có nhiều cơ quan sơ tán về đây, trong có có cơ quan Ủy ban Kế hoạch Nhà nước tỉnh, ty Thương binh Xã hội... Bởi vậy mà xã tôi thường hay có chiếu phim, có khi có cả văn công về phục vụ. Tôi còn nhớ rõ có lần Đoàn văn công Ca Múa Nhạc về biểu diễn mấy đêm liền, xã phải cắt cử người trực phòng không, khi nghe tiếng máy bay từ xa phải đánh trống báo động để mọi người biết tản ra trú ẩn. Máy bay đi xa, đánh trống báo yên, văn công lại tiếp tục biểu diễn. Trong đoàn có nhiều cô rất trẻ và rất xinh, lại hát hay múa dẻo làm cho trai làng tôi nhiều anh bị “say nắng” xem xong trên đường về bàn tán xôn xao. Sáng mai ngủ dậy đã thấy mấy anh lấp ló đi qua đi lại trước cổng những nhà có văn công đóng, ý chừng là muốn xem mặt, coi mắt. Chắc đêm qua xem văn công về các anh khó ngủ. Nói đến Diên Thọ mà không nói đến Cố Nguyên, nghệ nhân làm nơm của xóm thì hơi khiếm khuyết. Nhà cố cách cây đa ba cháng khoảng dăm chục mét. Cố có tài làm nơm, nơm cố hình trấy bần, vừa đẹp vừa bền. Nguyên liệu làm bằng tre hóa, vành bằng cành cây quỳnh châu. Ai muốn mua nơm phải đặt tiền cọc trước cả tháng. Sở dĩ nơm cố đắt khách một phần vì nó đẹp và chất, một phần nữa nghe làng đồn là may cá. Cố có anh con trai là Nguyễn Duy Ba làm chủ nhiệm HTX Phong Diên, thời kỳ xã tôi có bốn hợp. Nhà cố cũng gần với nhà cố Cu Cảnh tài săn bắt mà tôi đã kể ở mấy bài trước. Giờ nói về hai bà O của tôi. O chị là O Hạnh lấy dượng Nguyễn Ích Niên. O dượng đều đi công trường tận trong Vĩnh Linh, giáp vĩ tuyến 17. Hồi chiến tranh phá hoại, Mỹ leo thang ném bom bắn phá miền Bắc, O đưa con sơ tán về quê, còn dượng vẫn phải bám trụ vừa công tác vừa chiến đấu cho đến khi nghỉ hưu. O dượng sinh được hai trai hai gái, hiện nay có anh Dương con trai trưởng định cư ở thị trấn Quỳ Hợp, về hưu làm thêm nghề xay xát nên kinh tế cũng khá vững. Còn O em là O Đỉnh lấy dượng Chắt Cư, cũng người họ Nguyễn Ích. Dượng Cư tôi khá khéo tay. Hồi mới đến tán O tôi mỗi khi đến chơi dượng thường làm sẵn một con diều con cỡ to hơn bàn tay kèm một đoạn dây tặng tôi. Được tặng diều tôi mừng lắm, liền kéo theo thằng em bé xíu chạy ngay ra ngõ thả, để mặc O dượng nói chuyện thoải mái. Không chỉ tặng diều mà dượng còn hay cắt tóc cho tôi nữa. Dượng cũng hay làm các việc giúp đỡ ông bà tôi. Tôi còn nhớ dượng làm cho bà nội tôi cái khung để đèn hoa kỳ rất đẹp, có đế gỗ và hai thanh thép bảo vệ chắc chắn, thêm cái ngoắc treo. Hai bên chụp đèn được bảo vệ bằng 2 cái lò xo nên chụp giữ được rất lâu, ít bị rơi vỡ. Bà tôi thích lắm. Giờ thì các O dượng tôi đã là người thiên cổ. Chú Hùng con trai làm ăn cũng khá. Vườn rộng trồng chè chuối và nhiều loại cây ăn quả. Trong chuồng có gần chục con hươu nên hàng năm bán lộc nhung cũng kiếm được hàng trăm triệu. Xóm Diên Thọ xưa nghèo khó là vậy, ăn ngô khoai sắn quanh năm, thời đang còn hợp tác xã mỗi ngày công cũng chỉ được dăm ba lạng thóc. Không ít nhà mới sáng mùng một tết đã thấy vào rày nhổ sắn về ăn. Nay nhờ cơ chế đổi mới, lại thêm tính cần cù chịu khó, nên không chỉ chú Hùng em tôi mà nhiều nhà đã mở ra hướng làm ăn mới, chung vốn làm trang trại, mở ốt kinh doanh buôn bán, làm dịch vụ, cho con đi lao động nước ngoài, v.v.. nên đời sống đã khá lên rất nhiều. Đường làng ngõ xóm được mở rộng phong quang sạch sẽ, nhà cửa khang trang, nhiều nhà xây được nhà tầng, xe máy, điện thoại di động, ty vi đời mới, tủ lanh, bếp ga có cả, có nhà còn sắm được cả ô tô nữa. Câu ca: Cây đa ba cháng chín chồi/ Ai về Diên Thọ cạp cồi lồ ngô. Đã thực sự lùi vào dĩ vãng./. Quang Lê (tức Lê Quang Đạo)

ĐÌNH LÀNG AI CÒN NHỚ

Đình làng ai còn nhớ? Đình làng là nơi thờ Thành Hoàng làng, những bậc có công với làng với nước, là nơi sinh hoạt cộng đồng, nơi làm việc của các chức sắc, nơi vui chơi giải trí, hội họp của dân làng, là thiết chế văn hóa quan trọng ở các làng quê xưa, nhất là vùng bắc bộ và trung bộ. Đình làng cũng là nơi làng mở hội mỗi khi tết đến xuân về. Hình ảnh cây đa giếng nước sân đình đã ăn sâu trong ký ức của bao thế hệ. Đình làng còn là nơi chứng kiến bao cuộc chia tay tiễn trai làng lên đường ra trận. Có thể nói Đình làng là linh hồn là bộ mặt của các làng quê thời phong kiến đã đi váo thơ ca nhạc họa một thời. Có ai đó từng viết: “Những chiều Trường Sơn núi rừng cô quạnh Mẹ hiền ơi con chợt nhớ quê mình Khói lam chiều giàn mướp lá lên xanh Con bướm nhỏ, mái đình xưa nhớ quá”. Trong dân gian truyền tụng câu ca: “Toét mắt bởi tại hướng đình Cả làng toét mắt riêng mình em đâu”. Câu ca dao đã cho thấy vị trí và tầm quan trọng của đình làng. Hướng đình, theo quan niệm dân gian không chỉ ảnh hưởng tới sự giàu nghèo, thịnh suy của làng mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân cư trú trong làng ấy. Có nhiều chuyện kể hay về đình còn lưu lại đến ngày nay. Chuyện kể lại rằng thầy Địa lý Tả Ao quê làng Tả Ao, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, (trước là Nghệ An) đã từng lấy hướng đình và chỉnh sửa hướng đình cho nhiều vùng quê để làng thịnh vượng, giàu có, phát triển, học hành đô đạt… như làng Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định, hay đình làng Nam Trì ở xã Đặng Lễ, Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.v.v.. Chuyện kể làng Hành Thiện vốn được ở trên một thế đất đẹp, nhiều người học giỏi, nhưng chưa có ai đỗ đạt. Một lần Cụ Tả Ao đi qua, xem xét và nói với mấy người dân nơi đây là có thể chỉnh sửa phong thủy để làng phát khoa bảng, làm quan. Dân làng mừng lắm liền báo với các cụ Thủ chỉ thành tâm sắm lễ nhờ cụ giúp đỡ, cụ bảo thế đất làng này như một con cá đang bơi ra biển nhưng cá không có mắt, và đã chỉ cho làng vị trí đào một cái giếng gần đình làng, gọi là giếng mắt cá, giếng đào xong nước trong vắt, ngọt và mát. Sau đó làng đã có nhiều người đỗ đại khoa, tiến sĩ, phó bảng, nhiều người làm quan to. Thế mới có câu “Bắc Hà Hành Thiện, Hoan Diễn Quỳnh Đôi” Với đình làng Nam Trì, cũng có lần cụ tình cờ đi qua thấy thế đất Phượng Hoàng Hàm Thư rất đẹp, cụ bảo nếu lấy hướng đình làng cho chuẩn thì làng này sẽ có nhiều người đỗ đạt, đường khoa hoạn sẽ được mơ rộng. Dân làng nhờ cụ và cụ đã chỉnh sửa hướng đình cho làng, sau khi chỉnh sửa không lâu làng đã phát khoa bảng, phát quan to. Văn có Tiến sĩ, Võ có Quận công. Dân làng mừng lắm, tôn cụ làm thành hoàng làng và xin lập sinh từ, tức lập đền thờ cụ ngay khi cụ vẫn còn sống. Nghệ Tĩnh cúng là đất văn vật, nơi được mệnh danh là địa linh nhân kiệt cũng từng có rất nhiều đình chùa đẹp như đình Hội Thống, Nghi Xuân, đình Hoành Sơn, đình Trung Cần ở Nam Đán, đình Võ Liệt ở Thanh Chương.v.v.. nhưng hầu hết đều đã bị triệt hạ. Quê tôi xã có 4 làng đều mang những cái tên rất đẹp: Thanh Bang, Phú Thọ, Diên Tràng, Hòa Mỵ. Sau đổi tên là Phong Bang, Phong Phú, Phong Diên, Phong Hòa. Bốn làng có 4 ngôi đình nhưng tôi nhớ đình làng Thanh Bang nay gọi là Phong Bang là to đẹp và bề thế hơn cả. Các đình này hiện nay không còn nữa vì đã bị phá hủy từ sau cải cách và từ những năm đầu xây dựng hợp tác xã để phần thì xoa bỏ tàn tích phong kiến, bài trừ mê tín dị đoan, phần để lấy vật liệu làm kho, làm trụ sở, cửa hàng, trường học. Xung quanh chuyện phá dỡ đình cũng không ít những chuyện bi hài đã xẩy ra. Nếu có điều kiện tôii sẽ kể sau. Với thế hệ tôi thì những ấn tượng sâu sắc vè đình làng vẫn còn hằn sâu trong ký ức với những kỷ niệm đẹp đẽ. Tôi nhớ một kỷ niệm nhỏ nhưng khó quên khi tôi còn tuổi thiếu niên với đình làng Phú Thọ. Đó là dịp đại hội đảng bộ xã, tôi được anh Lê Văn Hạnh phụ trách thiếu nhỉ đưa tôi cùng bạn Lê Văn Hỉ, sau cải tên là Huy, đi biểu diễn văn nghệ chào mừng đại hội. Nói biểu diễn cho oai vạy thôi nhưng chúng tôi chỉ hát có hai bài. Chúng tôi băng qua bàu Dì theo đường bờ quai cơn Trai, đây là đường tắt tuy hơi khó đi nhưng gần. Chúng tôi đi qua cổng nhà anh Cảnh Mậu con ông Lý Tụy, nhà anh Thục con ông Đồ Diện, đi tiếp gần cây số đến đình làng. Đại hội đang họp..Sau lời giới thiệu, anh Hạnh dẫn tôi và bạn Hỉ tiến lên sân khấu. Tôi hồi hộp mang cây đàn Măng-rô cùng bạn Hỉ tiến lên. Chúng tôi biểu diễn 2 tiết mục, tôi đánh đàn còn bạn Hỉ đơn ca bài GIẢI PHÓNG MIỀN NAM và bài VỪNG TRỜI ĐÔNG. Chúng tôi hát xong cúi chào, đại hội vỗ tay. Một bác lên cám ơn. Biểu diễn xong ba anh em chúng tôi lại băng qua Bàu Dì theo đường bờ quai đi về nhà. Kỷ niệm nhỏ nhưng tôi nhớ mái và xem đó là một trong những kỷ niệm có ý nghĩa gắn với đình làng của tuổi thơ tôi và thế hệ chúng tôi. Còn với các bạn thì sao? Đình làn và những kỷ niệm. Ai còn nhớ xin kể tiếp. Quang Lê tức Lê Quang Đạo

Ký ức tuổi thơ: BÀU DÌ NHIỀU TÔM CÁ

Thanh Phong quê tôi nhiều đồi núi, chia khắp cả bốn làng. Tuy vậy cũng có 2 cái bàu khá to và nổi tiếng. Đó là Bàu Dì và Bàu Rò. Dân gian có câu: "Trọng chi mi, trọng bàu Rò rạch Giám". Đó là muốn nói những nhà có ruộng tốt ở hai vùng ấy, bàu Rò và rạch Giám. Ruộng tốt đến mức không bao giờ phải phân tro vẫn cho năng suất cao. Nếu bón thêm phân thì lúa tốt quá sẽ bị dộp. Bàu Dì rộng hơn bàu Rò rất nhiều. Cá tôm cua ốc trai cũng nhiều hơn. Cả 2 bàu này đều thuộc dân làng Phú Thọ quản lý canh tác. Xã có bốn làng: Phú Thọ, Diên Tràng, Thanh Bang, Hòa Mỵ. Những năm 60 của thế kỷ XX đổi tên Phú Thọ thành Phong Phú, Diên Tràng thành Phong Diên, Thanh Bang thành Phong Bang, Hòa Mỵ thành Phong Hòa. Làng Phú Thọ (tức Phong Phú), có nhiều xóm như Đông Phượng, Đông Tỉnh, Đông Lĩnh, Đông Mỵ, Đông Thanh, Đông Thọ và xóm Độn. Nhà tui thuộc xóm Đông Phượng. Tất cả các xóm đều quần tụ quanh bàu Dì và bàu Rò. Nhớ quê lại nhớ câu ca: "Ai về Phú Thọ mà coi. Bắc cơm lên bếp xách oi ra bàu". Quả vậy, khi nhà có khách chỉ cần xách oi ra đồng một lúc là có thể kiếm được bữa tươi ngon lành tiếp đãi. Nào tôm nào cá, cua ốc ếch... nhưng dễ kiếm nhất vẫn là cua, ốc, trai. Không cần nơm vó hay te rứa nhủi chi hết. Chỉ cần tay không vẫn bắt được cả giỏ. Chả vậy mà mấy bà mấy dì đi cấy khi đi mặc mấn (váy) dài ngang bắp chưn, khi về bà mô bà nấy lận trong lưng mấn mấy vòng tất cả những gì bắt được như tôm, cá, ốc, cua, trai... đến mức mấn kéo lên gần ngang bẹn, để lộ cặp giò trắng phau nần nẫn, khiến các bà các dì khi xuống ao rửa chân không dám cúi thấp mà chỉ khỏa qua qua, vì sợ quân con nít ngồi câu trên bờ tọc mạch. Về nhà kêu con tháo ra được cả một chậu đầy. Cá tôm thì kho tương, kho khế, trai ốc xào chuối xào măng hay nấu dấm. Cua đem rang với lá tắt, hoặc giã vắt lấy nước nấu canh rau, hay dấm chuối, dấm mùng. Bã dùng cho gà ngan vịt lợn... thời đói kém người làng sống nhờ những món này. Trẻ con lớn lên khỏe mạnh cũng nhờ những món này. Các cô gái xinh đẹp da trắng hồng, tóc dài đen mượt mắt sáng long lanh cũng nhờ những món này cả. Mặc dù trong mỗi bữa ăn khoai sắn thường nhiều hơn cơm. Hai bàu này không bao giờ khô nước. Hết mùa thu hoạch rảnh thời gian mọi người lại ùa xuống bàu kiếm tôm kiếm cá. Mùa rét bắt cá cóng. Mùa nóng bắt cá say nắng. Giữa rốn bàu còn có mấy cái đìa như đìa cố Giảng, đìa cố Sửu, đìa cố Hoe Đoan có rất nhiều cá, nếu đắp cửa đìa tát có khi bắt được những con cá tràu cá gáy nặng một đến hai kg. Thỉnh thoảng còn bắt được rắn, trăn, kỳ đà nữa. Bàu tuy sâu nhưng vãn cấy được hai vụ lúa, vụ đông xuân cấy lúa chiêm và vụ thu hè cấy lúa ba tháng. Vụ mùa không cấy được vì lụt. Khoảng từ tháng 7 âm lịch đến tháng 12 âm lịch bàu để không, mọi người nơm vó thoải mái, chỉ trừ mấy cái đìa là thuộc sở hữu cá nhân, nhưng khi vắng chủ bọn trẻ vẫn a lê hấp nhào xuống nơm trộm. Bàu Dì có hai cái bờ quai, được thanh niên trống dong cờ mở đắp từ thời mới thành lập hợp tác xã để bà con đi làm đồng cho tiện, đỡ phải đi vòng. Một cái đi qua Cơn Mưng sang cồn Độn, bàu dưới vẫn gọi bàu Dì, bàu trên gọi bàu Mưng; một đi qua Cơn Trai sang tận cửa nhà ông Lý Tụy. bàu dưới vẫn gọi bàu Dì, bàu trên gọi là bàu Trai. Cái bờ quai này hơi trái nẻo nên dân ít đi hơn. Lứa bọn tôi hồi nhỏ cứ đi học về, cất sách vở là kêu nhau xách nơm xách oi xuống bàu. Tôi cũng thuộc loại may cá nên chẳng bao giờ về không. Mẹ tôi lại khéo tay chế biến. Bởi vậy nhiều khi ăn không hết thì nướng, phơi khô để mùa lụt ăn, loại muối làm mắm tôm mắm tép ăn dần. Mắm này không phải ai cũng biết làm, phải là người khéo tay và chịu khó mới làm được. Muốn ngon phải có thính gạo rang, măng vòi, ớt vỏ quýt hay vỏ tắt thì mới dậy mùi. Nhiều bữa mẹ không nấu cơm mà nấu bánh đúc chấm với mắm tự chế ăn rất ngon, hương vị quê nhà đậm đà nhớ mãi. Quê ta có nhiều món ăn ngon. Bánh mướt, bánh đúc chấm mắm tôm mắm tép cũng là một trong số đó. Bàu Dì nắm dưới chân rú Nhôn rú Quạ. Không hiểu từ đâu mà trong dân gian vẫn truyền nhau câu sấm: "Nhôn Sơn nhất giải. Huyệt tại Vòi Voi. Thiên hạ đến coi. Thượng thư phát mãi". Có người đọc là: Nhôn sơn cửu đỉnh, huyệt tại vòi Voi. Nhôn sơn tức Rú Nhôn thì đã rõ. Còn huyệt tại Vòi Voi thì ở chỗ nào chả ai biết. Cũng chưa thấy dòng họ nào quanh đây có "Thượng thư phát mãi". Có người bảo Vòi Voi là núi Voi béo và núi Voi con cũng thuộc xã Thanh Phong nhưng ở bên kia Rào Gang, gần xã Nhân Sơn, mấy năm nay thuộc quân đội quản lý. Lại có người bảo vòi Voi là vùng bàu ông Voi nằm phía tây bắc Rú Nhôn. Huyệt quý, có hay không? Đến nay vẫn chưa ai biết./. Quang Lê. (tức Lê Quang Đạo)

Ký ức tuổi thơ: BÀU DÌ NHIỀU TÔM CÁ

Ký ức tuổi thơ: BÀU DÌ NHIỀU TÔM CÁ Thanh Phong quê tôi nhiều đồi núi, chia khắp cả bốn làng. Tuy vậy cũng có 2 cái bàu khá to và nổi tiếng. Đó là Bàu Dì và Bàu Rò. Dân gian có câu: "Trọng chi mi, trọng bàu Rò rạch Giám". Đó là muốn nói những nhà có ruộng tốt ở hai vùng ấy, bàu Rò và rạch Giám. Ruộng tốt đến mức không bao giờ phải phân tro vẫn cho năng suất cao. Nếu bón thêm phân thì lúa tốt quá sẽ bị dộp. Bàu Dì rộng hơn bàu Rò rất nhiều. Cá tôm cua ốc trai cũng nhiều hơn. Cả 2 bàu này đều thuộc dân làng Phú Thọ quản lý canh tác. Xã có bốn làng: Phú Thọ, Diên Tràng, Thanh Bang, Hòa Mỵ. Những năm 60 của thế kỷ XX đổi tên Phú Thọ thành Phong Phú, Diên Tràng thành Phong Diên, Thanh Bang thành Phong Bang, Hòa Mỵ thành Phong Hòa. Làng Phú Thọ (tức Phong Phú), có nhiều xóm như Đông Phượng, Đông Tỉnh, Đông Lĩnh, Đông Mỵ, Đông Thanh, Đông Thọ và xóm Độn. Nhà tui thuộc xóm Đông Phượng. Tất cả các xóm đều quần tụ quanh bàu Dì và bàu Rò. Nhớ quê lại nhớ câu ca: "Ai về Phú Thọ mà coi. Bắc cơm lên bếp xách oi ra bàu". Quả vậy, khi nhà có khách chỉ cần xách oi ra đồng một lúc là có thể kiếm được bữa tươi ngon lành tiếp đãi. Nào tôm nào cá, cua ốc ếch... nhưng dễ kiếm nhất vẫn là cua, ốc, trai. Không cần nơm vó hay te rứa nhủi chi hết. Chỉ cần tay không vẫn bắt được cả giỏ. Chả vậy mà mấy bà mấy dì đi cấy khi đi mặc mấn (váy) dài ngang bắp chưn, khi về bà mô bà nấy lận trong lưng mấn mấy vòng tất cả những gì bắt được như tôm, cá, ốc, cua, trai... đến mức mấn kéo lên gần ngang bẹn, để lộ cặp giò trắng phau nần nẫn, khiến các bà các dì khi xuống ao rửa chân không dám cúi thấp mà chỉ khỏa qua qua, vì sợ quân con nít ngồi câu trên bờ tọc mạch. Về nhà kêu con tháo ra được cả một chậu đầy. Cá tôm thì kho tương, kho khế, trai ốc xào chuối xào măng hay nấu dấm. Cua đem rang với lá tắt, hoặc giã vắt lấy nước nấu canh rau, hay dấm chuối, dấm mùng. Bã dùng cho gà ngan vịt lợn... thời đói kém người làng sống nhờ những món này. Trẻ con lớn lên khỏe mạnh cũng nhờ những món này. Các cô gái xinh đẹp da trắng hồng, tóc dài đen mượt mắt sáng long lanh cũng nhờ những món này cả. Mặc dù trong mỗi bữa ăn khoai sắn thường nhiều hơn cơm. Hai bàu này không bao giờ khô nước. Hết mùa thu hoạch rảnh thời gian mọi người lại ùa xuống bàu kiếm tôm kiếm cá. Mùa rét bắt cá cóng. Mùa nóng bắt cá say nắng. Giữa rốn bàu còn có mấy cái đìa như đìa cố Giảng, đìa cố Sửu, đìa cố Hoe Đoan có rất nhiều cá, nếu đắp cửa đìa tát có khi bắt được những con cá tràu cá gáy nặng một đến hai kg. Thỉnh thoảng còn bắt được rắn, trăn, kỳ đà nữa. Bàu tuy sâu nhưng vãn cấy được hai vụ lúa, vụ đông xuân cấy lúa chiêm và vụ thu hè cấy lúa ba tháng. Vụ mùa không cấy được vì lụt. Khoảng từ tháng 7 âm lịch đến tháng 12 âm lịch bàu để không, mọi người nơm vó thoải mái, chỉ trừ mấy cái đìa là thuộc sở hữu cá nhân, nhưng khi vắng chủ bọn trẻ vẫn a lê hấp nhào xuống nơm trộm. Bàu Dì có hai cái bờ quai, được thanh niên trống dong cờ mở đắp từ thời mới thành lập hợp tác xã để bà con đi làm đồng cho tiện, đỡ phải đi vòng. Một cái đi qua Cơn Mưng sang cồn Độn, bàu dưới vẫn gọi bàu Dì, bàu trên gọi bàu Mưng; một đi qua Cơn Trai sang tận cửa nhà ông Lý Tụy. bàu dưới vẫn gọi bàu Dì, bàu trên gọi là bàu Trai. Cái bờ quai này hơi trái nẻo nên dân ít đi hơn. Lứa bọn tôi hồi nhỏ cứ đi học về, cất sách vở là kêu nhau xách nơm xách oi xuống bàu. Tôi cũng thuộc loại may cá nên chẳng bao giờ về không. Mẹ tôi lại khéo tay chế biến. Bởi vậy nhiều khi ăn không hết thì nướng, phơi khô để mùa lụt ăn, loại muối làm mắm tôm mắm tép ăn dần. Mắm này không phải ai cũng biết làm, phải là người khéo tay và chịu khó mới làm được. Muốn ngon phải có thính gạo rang, măng vòi, ớt vỏ quýt hay vỏ tắt thì mới dậy mùi. Nhiều bữa mẹ không nấu cơm mà nấu bánh đúc chấm với mắm tự chế ăn rất ngon, hương vị quê nhà đậm đà nhớ mãi. Quê ta có nhiều món ăn ngon. Bánh mướt, bánh đúc chấm mắm tôm mắm tép cũng là một trong số đó.
Bàu Dì nắm dưới chân rú Nhôn rú Quạ. Không hiểu từ đâu mà trong dân gian vẫn truyền nhau câu sấm: "Nhôn Sơn nhất giải. Huyệt tại Vòi Voi. Thiên hạ đến coi. Thượng thư phát mãi". Có người đọc là: Nhôn sơn cửu đỉnh, huyệt tại vòi Voi. Nhôn sơn tức Rú Nhôn thì đã rõ. Còn huyệt tại Vòi Voi thì ở chỗ nào chả ai biết. Cũng chưa thấy dòng họ nào quanh đây có "Thượng thư phát mãi". Có người bảo Vòi Voi là núi Voi béo và núi Voi con cũng thuộc xã Thanh Phong nhưng ở bên kia Rào Gang, gần xã Nhân Sơn, mấy năm nay thuộc quân đội quản lý. Lại có người bảo vòi Voi là vùng bàu ông Voi nằm phía tây bắc Rú Nhôn. Huyệt quý, có hay không? Đến nay vẫn chưa ai biết./. Quang Lê. (tức Lê Quang Đạo)