Thứ Hai, 24 tháng 10, 2022

CẦU LÀNG QUÊ TÔI

Cầu Làng quê tôi – một thời để nhớ. Quê tôi xã Thanh Phong có con hói chảy gần vòng quanh xã, bốn phía tiếp giáp các xã Thanh Hưng, Thanh Tường, Xuân Sơn, Minh Sơn, Nhân Sơn đều phải lội hoặc đi qua những cây cầu khỉ, cầu gỗ như Cầu Bào, cầu Cần, cầu Vinh Ân... Cầu Làng là một trong những cái cầu đơn sơ như thế. Cầu Làng bắc qua con hói chảy qua làng Hòa Mỹ chia đôi làng này thành 2 nửa, Phong Hòa và Phong Trà, nằm trên đường liên xã liên huyện từ Thanh Đồng lên Minh Sơn, nay gọi là Quốc lộ 7B. Qua thăng trầm của lịch sử, cầu đã được tu sửa làm mới nhiều lần. Ngày xưa cầu làm bằng những bó tre hai ba cây bắc qua hói, có dàn tay vịn. Trâu bò không thể đi qua mà chỉ có người mới đi được. Trẻ con những đứa yếu bóng vía cũng không dàm bò qua bởi hói sâu, nhìn xuống hơi bị ngợp. Bên cầu có mấy cây đa rợp bóng nay thì đã chết vì già cỗi. Tôi có đứa cháu là Trần Văn Mão gọi tôi bằng cậu, nay cũng đã làm cán bộ tỉnh, hồi ấy mới khoảng 7 tuổi mà vẫn dám bò qua cầu một mình đi bộ lên Phong Diên thăm ông bà ngoại và nhờ cậu cắt tóc, bởi vùng ấy, thời ấy không có thợ cắt tóc như bây giờ. Mà cậu thì vốn đa năng, không giỏi nhưng cấy chi cũng biết. Ông bà khen, các cậu, dì đều khen nức nở: thằng ni gan thật. Năm 1969, sau khi Bác Hồ mất, với tinh thần biến đau thương thành hành động cách mạng, huyện Thanh Chương cũng như xã Thanh Phong đều huy động thanh niên đi làm các công trình thủy lợi lớn phục vụ quốc kế dân sinh. Chúng tôi được huy động đi xây công trình thủy lợi đập Cầu Cau ở Thanh An, nay là hồ Đảo Chè, một thắng cảnh đẹp đang thu hút nhiều khách du lịch đến từ các vùng miền trong cả nước. Tiếp đà cách mạng tiến công, xã Thanh Phong cũng mở công trình xây dựng đập Cầu Làng, bằng cách đào một khúc hói mới uốn dòng chảy và làm cầu bê tông kiên cố rộng khoảng 2,5m, chặn dòng chảy của con hói cũ, phá cầu khỉ. Từ đây quê nhà như bước sang trang mới. Cuộc sống, sự đi lại của người dân quê tôi đã được đổi đời. Đập nước dâng cao gần chục mét, nước trong xanh 4 mùa đủ tưới cho cả mấy cánh đồng làng tốt tươi màu mỡ. Người xe đi lại thuận tiện, trâu bò qua lại dễ dàng, đặc biệt các em nhỏ tới trường học không phải bò qua cầu tre lắt lẻo hàng ngày nữa. Tôi nhớ anh cán bộ kỹ thuật của phòng Thủy lợi huyện về trực tiếp chỉ đạo thiết kế và thi công tên là Hân, người mảnh khảnh, da hơi đen, có cặp mắt sáng và đặc biệt rất nhiệt tình, trách nhiệm và sâu sát. Anh quê đâu thì tôi cũng không rõ. Ngày nay ai đi qua Cầu Làng nhìn xuống thấy một khúc con hói cũ bị ngăn dòng vẫn còn dấu tích. Sau đập Cầu Làng, anh Hân còn giúp xã tôi xây đập Cơn Ớt để phục vụ tưới tiêu cho đồng Rai Rái và mấy cánh đồng khác, mà trước đây phụ thuộc nước nông giang lấy từ Ba ra Đô Lương. Dân quê tôi vẫn không bao giờ quên hình ảnh thân thương và tình cảm, sự đóng góp của anh đối với xã nhà. Cũng nhờ có cầu, có đập thủy lợi mà cuộc sống của người dân quê tôi ngày càng khởi sắc, không còn là vùng đất “tứ tắc” như ngày xưa nữa. Mỗi lần đi qua cầu thấy các chị các cô gái dưới cầu giặt áo, gội đầu hong tóc, cười nói râm ran, các em nhỏ nô đùa bơi lội trên dòng nước mát cảm thấy quê hương thật thanh bình yên ả. Mặc dù thời chiến tranh, lại thời kỳ làm ăn tập thể nên kinh tế vẫn nhiều thiếu thốn. Bước sang thế kỷ 21 con đường liên xã xưa được quy hoạch và nâng cấp lên thành Quôc lộ 7B nối đường Quốc lộ 46 chạy qua xã nhà, lên Minh Sơn, Tân Sơn băng qua Quốc lộ 7A chạy ra Yên Thành, Diễn Châu. Đây là dự án lớn của nhà nước. Đường được nắn lại và mở rộng, Cầu Làng bằng bê tông xưa cũ được thay bằng cây cầu hiện đại bề thế lớn hơn rất nhiều, 4 làn thì chưa được nhưng 2 làn thì ô tô chạy thoải mái. Đường được đắp cao, cầu cũng xây cao nên không còn bị lũ lụt ngập như trước nữa. Mỗi khi về quê, trước đây đường khúc khuỷu lầy lội, nay xe cứ chạy bon bon một mạch về tận nhà thật là biết bao sung sướng. Nhớ lời bài hát của Giáp Văn Thạch phổ thơ Đỗ Trung Quân: “Quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày” sao mà nồng nàn da diết. Con em Thanh Phong dẫu học tập, công tác hay làm ăn khắp 4 phương trời vẫn luôn nhớ về quê hương, nơi quê cha đất tổ với những kỷ niệm đẹp đẽ thân thương và tình đất tình người sâu nặng./. Viết theo lời hẹn với bạn Trịnh Xuân Ngũ khi được đọc bài thơ của bạn ấy trên trang “Quê Nhà Thanh Phong”. Cảm ơn bạn Ngũ và các bạn rất nhiều! TP Vinh 2/4/2022 Quang Lê tức Lê Quang Đạo. Trước nhà ở xóm 6B nay là xóm 5, dưới chân rú Bạc, phía trong Cây Sui lịch sử.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét