Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2022

CHIẾU BÓNG VỀ LÀNG

CHIẾU BÓNG VỀ LÀNG. MỘT THỜI ĐỂ NHỚ "Các anh về mái ấm nhà vui. Tiếng hát câu cười rộn ràng xóm nhỏ. Các anh về tưng bừng trước ngõ. Lớp lớp đàn em hớn hở chạy theo sau"... Xin mượn mấy câu thơ của HTT để nói lên niềm vui và tình cảm nồng ấm của bà con thôn quê khi Đội chiếu bóng về làng phục vụ. Ngày ấy người ta hay gọi là Đoàn chiếu phim, hoặc Đoàn Điện ảnh. Sau hiệp định Pa - ri ngày 27/1/1973 về lập lại hòa bình ở Việt Nam, chúng tôi, những anh lính chiếu bóng được trên giao nhiệm vụ mang phim ảnh về tận các làng quê tuyên truyền thắng lợi của ta tại Đàm phán Pa ri, và thông qua các tác phẩm điện ảnh, tuyên truyền những chủ trương đường lối của Đảng, đặc biệt chiến dịch lịch sử 12 ngày đêm "HÀ NỘI - ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG". Chúng tôi đã cùng anh em trong Đội chiếu bóng lưu động 192 và 271 tỏa đi khắp các làng xã chiếu phim phục vụ đồng bào và cán bộ chiến sĩ. Mỗi xã ít nhất cũng có 2 đến 3 đêm được xem phim truyện và phim tài liệu, thời sự/năm. Hồi ấy chúng tôi tuổi còn rất trẻ, khát khao được cống hiến. Được phục vụ đồng bào đối với lớp chúng tôi là hạnh phúc lớn lao. Sứ mệnh ấy đã nâng bước chân chúng tôi đi khắp mọi vùng quê đồng bằng, miền núi, vùng sâu vùng xa. Vất vả thiếu thốn nhưng rất vui. Thanh chương có sông Lam chảy suốt chiều dài, lại có nhiều sông con sông nhánh. Cả huyện có trên 40 bến đò ngang, nên có hôm hành quân phải chuyển máy móc qua 2 lần đò là chuyện bình thường. Vừa qua đò sông Cả lại qua đò sông con như đò Ba Bến, đò Mỏ Vịnh.v.v.. Có những dịp chiếu phim đặc biệt như phim "Rút Lan và lút Mi La" hay học nghị quyết, 2 đơn vị cùng phục vụ chung một điểm tại Dùng, hay Thanh Ngọc. Tôi nhớ ở huyện có bác Nguyễn Phương Quê, bác Đàm Huy Chiên, bác Lạc bên tuyên giáo cùng dự. Hồi ấy mỗi khi có phim chạy nhanh (phim hay, phim mới) trên phân để chạy doanh thu bù cho chương trình phim luồng phục vụ nhiệm vụ chính trị. Chúng tôi thường phải hành quân xa về những điểm chiếu có đông khán giả, đó là các thị trấn, thị tứ. Đời lưu động sống trong tình thương yêu đùm bọc của đồng bào, đồng chí. Tôi nhớ ở Rộ có gđ anh chị Khiếng, bà Niên, nhà anh Thắng có em Lợi tàn tật; ở Thanh lương chợ Cồn có gđ bác Bình; ở Phuống có gđ ông Ngự cắt tóc ngay chợ; ở Thanh Chi, Thanh An có công trường Cầu Cau, chúng tôi ở trong nhà ông Tám, bác sĩ bệnh viên phong Quỳnh Lập, có anh Trịnh Xuân, em Soa, em Hà, em Hai con gái bác Truy rất xinh gái, có đôi mắt biết nói. Chúng tôi được ăn tro ăn trám bà con chế biến nhiều món rất ngon rất bùi. Ở Thanh Phong thường chiếu ở chợ Nông, có khi chiếu ở sân kho hợp tác, anh em ở trong nhà ông Hoe Đức, bà Chắt Bảy (với Thanh Phong sẽ có bài viết riêng khi có dịp). Và còn nhiều nhà ở các xã khác nữa, biết bao ân tình không thể kể hết. Lúc đã chia xa càng thấm câu thơ của chế Lan Viên: "Khi ta ở đất chỉ là đất ở, Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn". Nhớ đến tên đất tên người, niềm xao xuyến lại dâng trào khôn tả. Có những kỷ niệm khó phai mờ. Đêm chiếu bóng phục vụ, ban ngày ngoài những đồng chí đi công tác, chúng tôi giúp dân các việc nhà như sửa nhà sửa cửa, vườn tược, có khi cả việc đồng áng, thậm chí ra sông kéo gỗ về làng giúp dân. Qua những công việc dân vận đó càng thắt chặt tình cảm với bà con, đi dân nhớ, ở dân thương. Vậy nên chúng tôi về đâu cũng được bà con chào đón nồng hậu nhiệt tình và tạo mọi điều kiện tốt nhất về nơi ăn chốn ở. Chúng tôi nhớ nhiều lắm. Các buổi chiếu phim tại các nông trường, lâm trường, công trường các chị các em rất quý lính chiếu bóng: Anh hỏi rằng em yêu ai nhất? Em thẹn thùng đưa mắt liếc sang ngang. Tiếng em thỏ thẻ dịu dàng: Đời em chỉ biết yêu chàng Chiếu phim. Thấy các anh trái tim đập mạnh. Nhìn các anh nét mặt vui tươi. Gặp anh em nở nụ cười, Ửng đồng đôi má, chào người Xi nê. (chiếu phim, điện ảnh) Có lần về chiếu phục vụ cán bộ công nhân viên nông trường Thanh Mai và các chuyên gia Cu Ba đang công tác ở đó. Sau khi chiếu ở chợ Phuống, Thanh Giang xong, xe chở vào nông trường Thanh Mai, sau đó lại quay ra phục vụ bà con nhân dân xã Thanh Mai. Vui lắm. Hồi đó phim ảnh còn rất hiếm. Điện chưa có. Truyền hình chưa có. Sân bãi là một cái kho hợp tác xã ở sát ven đường lớn từ Phuống vào nông trường. Chúng tôi ở trọ trong nhà dân quanh đó. Vườn của các gia đình có rất nhiều chè xanh, cây ăn quả. Nhà bên có cô Tuyến khi đó đang sinh viên đại học
giao thông Hà Nội có nụ cười tươi, đẹp như mùa thu tỏa nắng. Phim về không khí rộn ràng khắp các thôn làng, các ngõ xóm náo nức như ngày hội. Các anh chị thanh niên giục nhau lo kết thúc công việc đồng áng để về còn tắm gội, diện đồ đẹp kịp đi xem. Các em thiếu niên thì lấp ló ngoài cổng xem các chú các anh chuẩn bị máy móc, phim ảnh. Chiều, sau khi nghe tiếng loa cổ động, không khí đã rạo rực, đã có tiếng gọi nhau í ới chờ tối ôm đòn ôm ghế chạy ra sân sớm hơn để xí chỗ ngồi ngay trước buồng máy. Tối đến trên khắp các ngả đường từng đoàn người già trẻ lớn bé lũ lượt kéo về sân bãi, đèn đuốc sáng lòe, xôn xao cười nói. Mùi thơm của hương bưởi hương chanh, hương bồ kết từ những mái đầu mới gội thoảng bay trong gió. Mở đầu chương trình là lãnh đạo xã phát biểu chào mừng, tiếp theo chiếu phim thời sự, nhiều người gọi là phim phụ, sau đó là phim truyện, thường là phim chiến đấu, phim cổ tích, phim tâm lý xã hội như NHỮNG NGƯỜI BÁO THÙ KHÔNG THỂ BỊ BẮT, VUA XĂNG TAN, VĨ TUYẾN 17 NGÀY VÀ ĐÊM, CHỊ TƯ HẬU.v.v.. Thời đó kỷ luật nghiêm, không ai dám phá phách. Sau buổi chiếu, thu dọn sân bãi xong chúng tôi thường được mời đi chơi. Tôi cùng anh Hiệp quê Nghi Lộc đến nhà O Liễu khi đó đang học Đại học Sư phạm Vinh, người cao ráo, xinh, da trắng, nhà cách đó mấy trăm mét. Bà mẹ rất nhiệt tình mời chè xanh, hoa quả vườn nhà, không khí thân tình ấm áp. Nhớ mãi. Cũng quá lâu rồi không biết cô Tuyến, cô Liễu hiện nay thế nào? Nếu ai biết hay ở gần xin cho chúng tôi gửi lời tri ân và lời thăm hỏi sức khỏe. Ban đêm chiếu phim, hôm sau anh em chúng tôi giúp ông bà chủ nhà đi kéo gỗ ngoài bến đò Phuống cách đó mấy cây số về để chuẩn bị làm nhà. Trưa được đãi cơm rượu thịt chó. Qua chuyến kéo gỗ tuy vất nhưng hiểu biết thêm đời sống văn hóa, những câu hò làng ta kéo gỗ truyền đời vui đáo để. Có một việc mà tôi còn nhớ là khi đi qua cầu Sắn, tôi bỏ quên chiếc áo bạt, áo này ngành trang bị cho mỗi người một chiếc rất bền. Về tận nhà mới biết quên vội đạp xe ra tìm, may vẫn nguyên bên đầu cầu không ai nhặt. Mừng quá. Quả là quê nghèo nhưng người dân nơi đây rất thật thà, chất phác. Thời gian phục vụ mỗi xã chỉ vài ngày. Chia tay bà con trong sự lưu luyến bịn rịn. Ai cũng bùi ngùi, rưng rưng hẹn ngày gặp lại. Vì nhiệm vụ chúng tôi phải tiếp tục lên đường đến những vùng quê khác. Thời gian sau tôi được điều chuyển công tác sang đơn vị khác, chưa có dịp trở về thăm lại làng xóm và những người quen cũ. Nhớ lắm quê ta, một vùng quê nghèo, nhưng đẹp tươi tình nghĩa vẫn mãi hằn sâu trong ký ức./. Quang Lê (Lê Quang Đạo)

KÝ ỨC TUỔI THƠ - VƯỜN XƯA NHÀ CŨ - PHẦN II

VƯỜN XƯA NHÀ CŨ PHẦN II. Sở dĩ phần trên nói khi rào làng chiến đấu thì làng kín mít, một con chó cũng khó vô lọt, là vì lũy tre bao quanh rìa làng có các bụi gần nhau, xem giữa lại có các bụi mây bụi hèo nhiều gai nhọn. Đã vậy mỗi khi có lệnh rào làng là người ta vít ngọn tre các bụi quật lại với nhau, dùng giây buộc chặt, các cây mây cây hèo cũng được quật về 2 phía, thế là đã kín càng thêm kín vì mây tre đan xen nhau. Cổng làng cũng bịt kín. Phía trong lũy tre là hào giao thông chạy dài. Người trong làng có thể nhìn ra phía ngoài quan sát động tĩnh, nhưng người ngoài thì không thể nhìn thấy gì bên trong. Hồi ấy không chỉ làng tôi mà nhiều làng xóm khác ở quê tôi đều vậy. Thế mới có bài thơ: Lũy tre xanh xanh Làng tôi làng anh Cùng giống nhau nhỉ Có lũy tre xanh Trong lũy tre xanh Có mái nhà tranh Có người cày cấy Nuôi tôi và anh Trên lũy tre xanh Có con sáo sậu Nó hót thanh thanh Chúng ta yêu lũy tre xanh Yêu làng yêu xóm yêu anh đi cày. Nay vì xây dựng nông thôn mới hơn nữa các vật dụng gia đình từ mây tre đều được thay thế đồ nhựa, nên hầu hết các lũy tre làng đều đã bị chặt bỏ. Hình ảnh Cây tre Việt Nam có lẽ chỉ còn trong ký ức. Kể về vườn nhà tôi thì rộng và đẹp lắm. Quê tôi vườn thường gọi là nương. Vì ở ngoài đồng nên nương nhà tôi rộng khoảng 2000 m2. Được phân làm 3 khu vực, nương trên, nương giữa và nương dưới. Giờ gọi vườn cho nó phổ thông. Hi hi. Bao quanh vườn là tre, mây, hèo kín mít. Chiều tối chim cò, cói về đậu trắng trên các ngọn tre. Các loại chim như cói, ác là, cà cưởng, bò chao... cũng tìm về làm tổ. Vui nhất là khi BÒ CHAO BỂ Ổ, kêu nhao nhác điếc cả tai. Có lẽ đất lành chim đậu. Trong lũy tre, mây là con mương chạy dài bao quanh vườn, vừa để thoát nước vừa ngăn rễ tre ăn lan ra vườn. Đoạn giáp ruộng trọt, cha tôi đào rộng và sâu hơn để giữ nước, còn gọi là đìa trong. Cái đìa trong này được khoét cống thông qua bờ tre ra đìa ngoài trồng mùng, rau muống. Nhờ 2 cái đìa trong đìa ngoài này mà nhà tôi hay có cá, chạch để cải thiện. Hồi đó cá ruộng nhiều. Mùa hè trời nắng nóng cá thường tìm vô đìa ở. Nhiều con to lại muốn chui vào đìa trong cho mát hơn và hay có thức ăn hơn, vì thỉnh thoảng nhà tôi cho thả cám thính vào đìa. Khôn thế chứ lị. Mỗi khi thấy trong đìa có cá to là chạy ra ngoài bịt cống lại dùng nơm bắt. Có khi lấy chậu tát nhưng cha tôi hay dùng nơm. Con nhỏ tha để dành tạo nguồn cho tương lai, chạch cũng như cá. Chỉ bắt con to. Bắt xong lại ra tháo cống cho thông lại như cũ. Phía trong mương là trồng chuối và các loại cây ăn quả. Vườn trên làm nhà ở, chuồng trâu, sân và các loại cây mít, bưởi, cam, chanh, tắt... Trước sân có mấy hàng cau thẳng tắp. Vườn giữa có mấy cây nhãn to trĩu quả, dứa gai bao quanh, một cây dừa, giàn trầu không, vài cây chay dùng vỏ để ăn trầu, một cái giếng sâu đường kính khoảng 3m, nước mạch trong vắt, có bậc đá lên xuống lấy nước chứ không dùng đài. Vì nhà tôi ở biệt lập ngoài đồng nên ông tôi mới phải đào giếng nhà cho tiện, chứ hồi ấy chưa ai có giếng gia đình. Nhiều năm đại hạn giếng làng cạn nước dân trong xóm phải ra xin nước nhà tôi. Vườn dưới cũng có mấy hàng cau, chuối, nhưng chủ yếu là các loại rau, hoa màu hành tỏi bốn mùa. Nói chung là vườn thập cẩm, thứ chi cũng có. Cha tôi thường nói "một mẫu trạch bằng bách mẫu điền". Tức một mẫu vườn bằng trăm mẫu ruộng. Tôi hỏi vì sao, cụ bảo vì cây ăn quả trồng một lần thu hoạch quanh năm, tre pheo cũng vậy. Còn ngoài ruộng chỉ năm 2 vụ, lại phải cày cấy chăm sóc phân bón... nên hiệu quả không cao. Nói về cây ăn quả trong vườn thì ông tôi đều kỳ công chọn giống tốt, ngon, lắm quả mới trồng nên mít bưởi ổi cam chanh cây nào cũng ngon và sai quả. Đặc biệt có 2 cây nhãn lồng như cổ thụ quả to, ngọt, mu dày, hạt nhỏ. Bởi vậy nên mùa nhãn, ban đêm bọn dơi nhãn thường bay về ăn phá. Rập, bẩy mãi kiểu chi cũng không hết. Để xua đuổi chúng, ông tôi sáng tạo mấy cái mõ có chong chóng lợi dụng sức gió tự động quay treo cao trên ngọn. Mùa hè gió nam nồm thổi suốt, nên chong chóng quay suốt đêm ngày, chong chóng quay làm dùi tự động gõ liên hồi, mõ kêu cốc cốc vang xa hàng mấy trăm mét, dân trong xóm cũng nghe rõ. Nhờ vậy mà bọn dơi sợ hãi không dám đến quấy phá. Ăn không hết bà tôi còn đem nhãn ra chợ Nông bán kiếm thêm tiền tiêu vặt. Nhãn ngon nên đắt khách. Có năm dân chợ đặt hàng mua trọn gói, nhưng ông tôi chỉ bán một cây, còn một cây để cho con cháu dùng. Kể về mấy cái mõ tự động đuổi dơi của ông tôi thời ấy thì những người cao tuổi trong làng nhiều người còn nhớ. Đó là một sáng tạo kỹ thuật tuyệt vời mà không phải ai cũng nghĩ ra và có thể làm được. Còn tiếp nữa! LÊ QUANG ĐẠO

KÝ ỨC TUỔI THƠ. VƯỜN XƯA NHÀ CŨ - PHẦN 4

VƯỜN XƯA NHÀ CŨ PHẦN 4. Cũng là phần cuối. Sau trận bom năm 1968, cả xóm cả làng đều di dời vô làng mới. Số lượng các hộ ở các xóm khác trong xã di vào làng mới đợt đó cũng rất đông. Trước đó, đất vườn đã được lập quy hoạch, chia lô và bốc thăm theo chủ trương của trên. Ước tính trên 50% tổng số dân phải di từ vùng thấp lên đồi để lấy đất phục vụ canh tác. Vào quê mới đường đi lối lại cũng được quy hoạch rộng, thẳng và đẹp hơn xưa. Xóm Phong Phượng tôi có 2 họ lớn được ưu tiên chọn đất làm nhà thờ họ trước khi xã viên bốc thăm. Đó là họ Lê Văn và họ Nguyễn Cảnh, 2 họ này đều có nhà thờ đại tôn khá bề thế. Hai họ được ưu tiên chọn một suất đất đẹp nhất, sau đó chia đôi, mỗi họ sử dụng 1/2. Sau khi xem xét địa thế địa hình mọi mặt, các bô lão 2 họ thống nhất lấy một suất đất ruộng khô khá bằng phẳng, sạch sẽ, không cao quá, cũng không thấp quá, và là ở vị trí trung tâm xóm, đối diện với sân kho hợp tác.. Số còn lại sau đó mới tiến hành bốc thăm đại trà. Sơ đồ các thửa đất thì đã được HTX cử người đo đạc phân lô, giăng dây đóng cọc. Ai trúng đâu ở đó. Diện tích bằng nhau cả. Đến cuối năm 1968 việc di dời vào làng mới cơ bản hoàn thành. Để lập vườn mới, mỗi buổi trưa, bọn con nít, thanh niên mới lớn thường vác cuốc, choòng, dao rựa ra khu xóm cũ tìm đào các gốc tre, chuối và các loại cây ăn quả đem về trồng trong nương mới. Tre hóp, chuối trồng dọc bờ rào, cây ăn quả trồng góc vườn, nhà tôi cũng quy hoạch một khu trồng cây ăn quả, phía dưới vườn đào một cái ao nhỏ để giặt rửa, và cũng có thả một ít cá cho vui mắt. Bốn góc vườn trồng 4 bụi tre. Hai góc phía trong bên cạnh gốc tre còn có thêm 2 bụi mây để đan lát, thắt gióng và dùng vào những việc lặt vặt. Thời gian đầu lập làng mới, việc đi lại vẫn giữ thói quen thông thương ngang tắt qua nhà nhau như ngoài xóm cũ. Phần vì đường sá chưa xong, phần vì đi tắt cho nó gần, cũng là thói quen cố hữu khó sửa. Sau khoảng 4 hoặc 5 năm, đường làng ngõ xóm được đắp cao dần và đổ đất đồi, việc đi lại đã đỡ lầy lội, bờ rào bờ dậu giữa các nhà cũng được hình thành dần, cây cối cũng tốt dần, việc ngang tắt theo năm tháng cũng dần dần bớt hẳn. Nhưng mỗi khi đi uống nước chè xanh hàng xóm láng giềng vẫn khá bất tiện vì cảnh gần nhà xa ngõ, nên có ít nhà vẫn mở lối đi nhỏ hoặc xé rào ngang qua nhau. Đó là chuyện mấy chục năm trước, còn nay thì ai mời nước chè xanh, người ta đi xe máy tới dựng ngoài cổng. Có hôm có dăm sáu chiếc xe máy dựng giữa sân, trông như nhà có đám, hay con cháu ở xa về. Nhưng không phải, mà là xe của các bác hàng xóm đến uống nước chè xanh. Thời hiện đại có khác. Xóm mới hình thành, nhà cửa đã tương đối ổn định. Khu vườn xưa dân được phép tăng gia sản xuất khoảng 1 năm. Điều đặc biệt là do có hơi người ở lâu ngày nên vườn nhà ai cây cối, rau các loại cũng đều tốt mơn mởn đến kỳ lạ. Cà mướp, đậu đỗ đều rất sai quả và bầu bí quả cũng rất to. Mặc dù không phải bón phân hay bỏ nhiều công chăm bón. Vụ sau thì có kém hơn chút. Sau đó thì HTX điều chỉnh quy hoạch, giao đất cho dân xóm Diên Thọ ở gần đó san lấp canh tác. Xóm tôi được phân các khu ruộng lúa ruộng màu trong núi phía sát rào Gang để đi làm cho gần. Tre pheo, mây hèo, cây ăn quả... của nhà ai chặt chuyển được cây gì thì chặt còn không thì dân xóm khác cũng đào, chặt và san lấp cho bằng phẳng để họ tăng gia sản xuất. Trên 2000 m2 đất vườn thổ cư nhà tôi cũng biến mất từ đó. Bác hai tôi có một thửa vườn vuông vức rất đẹp mua lại của người khác trước đó mấy năm ở giữa xóm, gần đường cái quan cũng mất luôn trong dịp đó. Mà điều lạ là cũng chả ai hỏi han hay kiện cáo gì cả, xem đó là chuyện đương nhiên. Không chỉ nhà tôi, nhà bác hai tôi mà nhiều nhà khác cũng vậy. Qua đó mới thấy sự tin tưởng vào chủ trương của đảng và nhà nước và sự đồng thuận của dân hồi ấy là rất cao. Vài tháng sau, thì các cơ quan nhà nước sơ tán về cũng chia nhau san bớt về ở trong nhà dân xóm mới. Nhà tôi có chú Tuấn, quê miền nam, chú Vân quê Quỳnh Diễn, Quỳnh lưu, đều là cán bộ Ủy ban kế hoạch nhà nước tỉnh ở. Sau chú Tuấn chuyển đi thì chú Xiển lại xin về cùng ở với chú Vân. Khoảng cuối 1969 thì các chú cơ quan ủy ban kế hoạch chuyển qua xóm khác để nhường xóm tôi cho một đơn vị bộ đội thông tin của quân khu về đóng quân. Đơn vị này về ở khá lâu, hàng mấy năm trời. Hầu như nhà nào cũng có bộ đội ở. Nhà tôi có chú Kiều quê Phúc Sơn, Anh Sơn, chú Đại quê Hưng Chính, Hưng Nguyên ở. Bộ đội ở lâu, đông nên họ đào ao đào giếng để sinh hoạt cho tiện. Ao bộ đội đào sau hồi nhà ông Cảnh Chương, phía trước cổng ông Nguyễn Cảnh Cận, nay thuộc vườn nhà ông Cảnh Dung. Giếng bộ đội đào sau góc vườn nhà anh Hoe lý, nhà bếp bộ đội dựng trong vườn nhà ông Tùng Tuất, phía trước nhà ông Lê Văn Tâm. Có ao có giếng nên bộ đội sinh hoạt, tắm rửa, giặt giũ thoải mái. Hơn nữa những vị trí đó vốn là những vùng nước sinh, nên nước trong và không bao giờ cạn. Bộ đội còn xây mấy cái hầm bê tông kiên cố trong xóm để dấu điện đài và các thiết bị thông tin khác. Đến nay mấy cái hầm bê tông vẫn còn nguyên, ao giếng bộ đội chỉ còn dấu tích. Mùa thu 1978, mưa to suốt mấy ngày đêm. Đê Phượng Kỷ và đê Cẩm Thái vỡ. Lụt ngập cả vùng hạ du Sông Lam. Đây là trận lụt lịch sử, chỉ có thể so sánh trận lụt 1954. Nhà tôi cũng bị ngập lên tận mái ngói. Bị trôi mất một con lợn nái. Trong làng khoảng 2/3 số hộ bị ngập lụt. Sau lụt mấy tháng cha tôi xoay lại hướng nhà ở. Ban đầu cả nhà cả ràn liền một dãy dài, nhìn về hướng tây, phía cây Sui bên Diên Thọ. Cha tôi đã tách nhà ở ra khỏi ràn và quay 90 độ nhìn về hướng nam, phía Hủng Lái. Ràn, bếp và chuồng lợn vẫn để nguyên. Ở hướng này mát hơn, lại nhà lợp ngói âm dương nên càng mát. Cha làm thêm cái bếp lợp ngói sát gần nhà ở để tiện nấu nướng, đỡ phải đi lại ngoài trời khi mưa gió. Năm 1983, mẹ tôi ốm mất. Cha cũng không nuôi trâu nữa, chỉ nuôi lợn gà, nhưng chỉ vài năm sau cha tôi bán luôn cả cái ràn ấy. Khoảng 1997 nhà có đảo ngói một lần và sửa lại bếp, sửa lại nền giếng. Năm 2009 cha tôi mất. Nhà cửa vườn tược lại nhờ cô em gái áp út lấy chồng kế bên trông coi chăm sóc. Năm 2021, sau hơn 100 năm trơ gan cùng tuế nguyệt, chống chọi cùng nắng mưa gió bão, nhà có phần xuống cấp, vườn ngập nước. Tôi bàn với các em và con cháu nâng vường, tôn tạo lại nhà, để giữ lấy di tích mà cha mẹ, ông bà đã đổ bao công sức gây dựng và trao truyền lại cho con cháu. Trên cơ sở giữ nguyên kiểu dáng xưa. Chỉ thay những bộ phận bị hỏng. Ngói vảy âm dương Phượng Kỷ do lâu ngày bị phún hết nên cũng phải thay, mà ngói vảy cùng loại không có nên buộc phải thay ngói kiến thiết. Mấy bức cửa ván, ô đố, ván ấm, song cửa vẫn giữ nguyên. Ngưỡng cửa lâu ngày mòn vẹt, hỏng cũng phải thay luôn. Thay gạch lát sân, nền bằng gạch men cho khang trang sạch sẽ. Nền nhà và sân cũng được tôn cao. Tôi ở xa lại sức yếu nên mọi việc đều nhờ bác Lệ - con trai bác cả và anh Lê Cường tộc trưởng giúp đỡ. Với sự tham gia tích cực của vợ chồng O Minh, dượng Hải. Tiền thì con cháu đóng góp. Không đầy tháng, tính từ khi khởi công nhà đã hoàn thành, kể cả xây mới bờ rào. Ngôi nhà mới sửa khang trang, đẹp đẽ, thoáng đãng, nhìn có vẻ rộng hơn bởi tôi đã cho giỡ bỏ bức ngăn có cửa lùa giữa nhà trong và nhà ngoài. Rất cảm ơn vợ chồng em Minh Hải, bác Lệ, anh Cường và các anh em thợ bạn trong xóm đã nhiệt tình giúp đỡ. Năm tháng qua đi, vật đổi sao dời. Nhìn cảnh cũ nhớ người xưa. Ba ngôi nhà mà ông bà nội tôi làm cho ba người con trai, trong đó có nhà tôi cũng là nhà ông bà sống và mất ở đó. Nay chỉ còn nhà tôi và nhà bác cả. Nhà bác cả làm bằng gỗ mít làm sau nhà tôi, tức từ khi bác lấy vợ ở riêng, nay cháu đích tôn bác cũng đã sửa lại. Nhà bác cũng đã gần trăm năm. Trong ba nhà đó thì nhà tôi là cổ nhất. Nhà được làm bằng gỗ lim nên rất bền, không mối mọt. Các O tôi cũng sinh ra và lớn lên từ ngôi nhà này. Bây giờ chỉ còn O út tức O thứ 11, cũng gần 90 tuổi đang sống ở làng Vinh Ân, xã Thanh Tường. Vậy là từ ông bà nội, cha mẹ, anh em chúng tôi, thế hệ con và cháu. Đến nay đã trải trên trăm năm, qua 5 đời ở ngôi nhà này. Thật đáng tự hào. Theo thăng trầm của lịch sử, cảnh quan làng xóm đổi thay, bên cạnh những nhà bê tông kiên cố, vẫn còn thấp thoáng trong thôn xóm, những mái nhà cũ rêu phong cổ kính hàng trăm năm tuổi, và vẫn được bảo tồn qua nhiều thế hệ, để con cháu hiểu về cội nguồn, ông cha ta đã từng sống một thời như thế. Đời sống vật chất có thể thay đổi nhưng những giá trị tinh thần, tình quê hương, tình anh em, họ đang, tình làng nghĩa xóm vẫn ấm áp, ân tình, đẹp tươi không bao giờ thay đổi. Bến nước quê tôi tuy không còn, cây đa giếng nước sân đình cũng không còn, lũy tre làng cũng không còn, nhưng may thay một số công trình văn hóa tâm linh nổi tiếng linh thiêng như đền Họ Lê, đền Mo Cau, đền Đá Hàn.v.v.. ẩn mình dưới chân rú Trè, rú Bạc, rú Ngai vẫn đang được con cháu các thế hệ nối tiếp giữ gìn, trùng tu, tôn tạo như là những mảnh hồn làng, tô thắm cảnh sắc quê nhà, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa của người dân quê tôi, cũng là sợi dây kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Là nơi neo giữ những tình cảm cùng những kỷ niệm, những ký ức thiêng liêng của người đi xa và người ở lại, trong cuộc đời đầy biến động. Với người đi xa thì những hình ảnh mang đậm bản sắc đó thực sự là đang neo giữ "Một cõi đi về" sau bao năm tháng lăn lộn, đua chen chốn phồn hoa phố thị hay trên quê người đất khách xa xăm. Viết đến đây sực nhớ lời bài hát của Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn: "Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt. Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt. Dõi suốt trăm năm Một cõi đi về". Vườn xưa nhà cũ là một phần của cuộc sống. Dẫu đã là quá khứ nhưng mỗi khi nghĩ đến hay mỗi khi có ai nhắc đến, hai tiếng Quê Nhà vẫn ngân lên trong tôi niềm xúc động bồi hồi khôn tả, nhớ về ông bà, cha mẹ và các bậc tiền nhân đã vất vả đổ bao công sức lập làng lập xóm. Những kỷ niệm êm đềm của một thời tuổi trẻ trong tôi lại thức dậy, ùa về với bao bạn bè, người thân, những tên đất tên người sao mà thân thương gần gũi. Quê hương hai tiếng ngọt ngào. Vì thế: Cụm từ QUÊ CHA ĐẤT TỔ vẫn còn vọng mãi đến muôn sau! Quang Lê tức Lê Quang Đạo. Ảnh nhà sau khi tu sửa cuối năm 2021.

KÝ ỨC TUỔI THƠ: VƯỜN XƯA NHÀ CŨ - PHẦN 3

VƯỜN XƯA NHÀ CŨ Phần 3. Sau CCRĐ xóm làng tiêu điều, sự nghi kỵ lẫn nhau vẫn còn âm ỉ. Giếng làng ban đêm vẫn phải có người canh gác đề phòng bọn phản động bỏ thuốc độc xuống giếng. Giếng nằm ngoài rìa làng, gần nhà ông Chương Nguộn. Có hôm mẹ tôi đến phiên gác bà đưa tôi đi theo. Hai mẹ con co ro ngồi trong cái lều canh bé tí, gần sát bờ rào ông Chương Nguộn, mỗi bề khoảng hơn 1 mét. Có cái ghế tre làm bằng hai khúc tre ghép lại, 2 đầu có 4 cọc chôn xuống đất, trên lợp tranh. Đêm nghe tiếng ếch nhái kêu rất sợ. Bất cứ tiếng động nào cũng phải chú ý đề phòng. Tôi còn bé quá nên ôm mẹ ngủ lúc nào không hay. Cuối 1958, sau khi nông dân được chia ruộng vài năm, theo chủ trương của Đảng và nhà nước, đa số các gia đình đều vào HTX theo con đường làm ăn tập thể,, chỉ trừ một số rất ít là vẫn làm ăn cá thể. Nhà tôi gia nhập lớp đầu tiên. Hàng chục thửa ruộng xa gần đều góp vào HTX. Vài mùa đầu còn đỡ, sau đó thu hoạch cứ kém dần, có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là trình độ quản lý yếu kém của ban lãnh đạo, và cơ chế tập thể “cha chung không ai khóc”. Nhà tôi may có vườn rộng nên cũng có thêm thu hoạch từ hoa màu và cây cối trong vườn, mà vườn liền nhà thì HTX không quản lý. Hồi đó để vận động mọi người vào HTX, trên đã cho xuất bản cuốn Nông thôn Hợp tác Diễn ca. Phát không cho mọi nhà. Tôi còn nhớ mấy đoạn: "Xuân vui xuân có hoa hồng. Ta vui ta có ruộng đồng của ta. Mấy lời nhắn nhủ thiết tha Nông thôn hợp tác diễn ca tỏ bày. Bà con ta đọc câu này. Nghĩ đêm cho thấu nghĩ ngày cho thông. Nghĩ sao cho lúa thêm bông. Cho ngô lắm hạt, cho hồng nhiều hoa. Kể từ cách mạng nổ ra. Dân ta nhờ có đảng ta chỉ đường. Long trời một trận bài phong. Dẹp tan địa chủ ruộng đồng về tay..." V.v... Bài diễn ca này chắc bác Trần Huy Quang và nhiều bạn khác còn nhớ? Cuối năm 1961 ông nội mất. Cha đi vắng, nhà toàn đàn bà con nít nên cha quyết định chuyển nhà vô trong xóm, ở gần sát với bác cả và bác hai tôi. Nhà tôi là nhà cuối cùng chuyển từ xóm Cơn Bàu ngoài đồng vô xóm. Các nhà khác họ đã chuyển từ sau Cải cách, khoảng 1957, 1958. Bà nội vẫn ở với nhà tôi như trước. Vào trong xóm thì vui hơn nhưng đất chật, chỉ đủ nhà và sân, không có vườn. Nhà này qua nhà khác cũng không có bờ rào bờ dậu chi cả. Ranh giới giữa các nhà với nhau chỉ là mặc định. Thời ấy cũng không ai lấy làm quan trọng. Ban đêm con nít cả xóm tụ tập chơi các trò trẻ con ở những nhà có sân rộng. Vào xóm được khoảng 3 năm thì chiến tranh xẩy ra. Mỹ leo thang cho máy bay bắn phá miền Bắc. HTX xóm Đông Phượng tôi có 4 đội, mỗi đội có khoảng 20 hộ, chung một sân kho ở giữa là nhà kho còn 4 phía là 4 sân nhỏ dành cho 4 đội. Giáp kho hợp tác là 4 cái kho phân của 4 đội liền nhau, một phía sát đường cái quan, một phía sát nhà ông Hoe Giá, ông Trần Thể. Làm ăn tập thể cũng có nhiều chuyện vui, cũng nhiều chuyện cười ra nước mắt. Xin kể vài chuyện vui vui: Nhập phân: Hồi ấy ruộng đất, trâu bò, nông cụ đều đã góp cổ phần vào HTX. Canh tác muốn năng suất thì như các cụ xưa đã dạy: "nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống". Hồi ấy phân hóa học còn hiếm, nên bón ruộng vẫn chủ yếu là phân chuồng. Vậy nên hàng tháng các gia đình xã viên phải nhập phân chuồng vào kho của đội. Mỗi tạ được tính 1,2 đồng, sau quy ra thóc đến mùa mới được nhận. Cân phân thường có 2 người, một người ghi chép và một người cân. Mà thường chỉ cân một đầu sau đó nhân đôi lên thành trọng lượng cho cả gánh. Hầu hết bà con đều biết mẹo gánh cọng. Nghĩa là một đầu dặt cho nặng, còn đầu kia nhẹ nhưng khơi khơi lên để trông có vẻ quân bình. Ví dụ một đầu khoảng 30 kg và một đầu khoảng 20kg. Khi cân bà con thường quay đầu nặng về phía người cân, nếu 30 cân thì tính cả gánh là 60 cân. Nhưng khó nhất là khi gánh cộng phải làm ra vẻ cân bằng, mặc dù một tay cố ghìm đậu nhẹ và tay kia cố nâng đầu nặng để mọi người khỏi nghi ngờ. Mẹo này chắc người cân phân cũng biết nhưng toàn anh em hàng xóm láng giềng nên cho qua. Nếu người cân có cảm tình với em mô có khi còn được ưu ái, 25 cân thì xướng lên 30 cân. Sướng nhé. Tệ rong công phóng điểm còn làm được thì việc tăng mấy kg phân cho người quen thân là nhỏ như con muỗi. Chia rơm: làm ăn tập thể thì rơm rạ đều phải chia cho đều, đó là nguyên tắc. Vấn đề là trong rơm còn có nhiếu thóc. Những người trục cũng không trục kỹ, mệt. Khi xêu rơm đáng lẽ phải rủ sạch rồi mới xêu ra ngoài để chia phần, nhưng họ chỉ rủ qua loa và xêu ra ngoài, mặc dù trong rơm còn rất nhiều thóc. Khi đã chia xong đủ các phần cho các hộ thì có khi tiện đâu lấy đó, cũng có khi xếp vần theo abc, cũng có khi bắt thăm. Tất cả đều do ban chỉ huy đội quyết định. Vậy nên đi nhận rơm mà hai đầu cũng phải có 2 cái thúng đề phòng thóc rơi vãi lãng phí. Có những anh chàng nghịch ngợm khi chia phần rơm cố ý lăn mấy cái trục rồi tấp rơm lên nhìn có vẻ to hơn phần khác. Khi hô mời bà con vào nhận thì những phần ấy là sẽ có người giác đầu tiên. Mừng hết nói. Nhưng khi ôm được một ít thì lòi ra mấy cái trục. Lại đau hơn hoạn. Thế mới có bài vè cho con nít hát: "Trời thì tối mập mò. Lo tranh phần to. Mắc đi ba cì trục. Hắn chưởi mình suốt đêm". Đúng là kẻ cười người khóc thật. Bắt cá ao: thường thì ao hợp tác chỉ mỗi năm tát bắt 1 lần cho xã viên ăn tết, còn nếu khi nào có khách cấp trên về thì lãnh đạo viết giấy cho bắt tiếp khách. Mỗi lần tát ao bắt cá vui như ngày hội của làng. Nhưng vui nhất là bọn con nít chờ để hôi cá. Nói con nít nhưng cũng có nhiều đứa khôn và lanh, lõi đời. Tuy cả đám ngồi xem trên bờ nhưng nó biết chú nào đang giấu cá chỗ nào dưới bùn là nó lập tức ghi vào bộ nhớ, căn tọa độ giữa trục tung trục hoành chờ sẵn. Tuy nhiên những chú giấu cá phần lớn con em họ cũng được mách trước chờ sẵn. Khi có lệnh cá đã bắt xong, tháo khoán cho mọi người xuống hôi, là tất cả con nít kẻ nậy đều nhào xuống ao lội nhanh đến những điểm đã xác định lôi ngay lên những chú chép, mè, trắm, trôi khá to yuwf dưới bùn sâu, bí mật bỏ vào giỏ. Việc này nhiều khi cũng xảy cãi lộn. Con này của cha tau giấu đó răng mi bắt? Răng mi biết cha mi giấu ở đó? Vớ vẩn, không sợ tau báo lên ban đội à? Thế là dàn hòa. Tối đó nào nghệ nào khế nào hành nào tương.v.v.. cả làng cả xóm sực nức mùi cá kho. Cái hương vị dân giã quê mùa này còn mãi trong người đi xa mỗi khi nhớ về quê nhà yêu dấu. Ngày 5/8/1964, Mỹ leo thang đánh phá miền bắc. Ngày 19/3/1965 máy bay đánh phá Dùng, Rạng và một số địa điểm khác làm nhiều nhà cháy, nhiều người chết. Sau đó các cơ quan đơn vị đều sơ tán về những vùng quê xa các mục tiêu trọng điểm. Cơ quan Công an Vũ trang tỉnh, nay là Bộ đội Biên phòng cũng sơ tán về xã tôi. Vườn nhà tôi rộng, kín, cây cối nhiều nên đội xe đóng ở đấy. Tuy đã lâu nhưng tôi vẫn nhớ mấy chú. Chú Chung chú Tú quê ở Trù Đại lái xe tải, chú Kha quê Thanh Hóa lái xe mô tô ba bánh, chú Tình lái xe con com-măng-ca.v.v.. Năm 1967 công trường 67 chuyên xây dựng các công trình quốc phòng cũng về xin đóng trong vườn. Tôi còn nhớ bác Vĩnh người Quảng Trị, cán bộ miền Nam tập kết năm 1954 làm chủ nhiệm công trường. Nhà bác đông con, có đến 8 người gồm 3 gái 5 trai: Thanh, Thành, Tâm, Toán, Minh, Tuấn, Tú, Thảo. Bác gái làm cấp dưỡng. Ngoài giờ hành chính bác Vĩnh còn tranh thủ cắt tóc, gò thùng, chậu, gàu múc nước bằng tôn để kiếm thêm thu nhập nuôi con. Vườn trên nhà tôi công trường đặt xưởng mộc, vườn giữa để xe ô tô tải cũng với xe của Công an Vũ trang. Công trường có hai xe tải to do chú Mao và chú Quýnh lái. Tuy ẩn trong vườn đầy cây cối tre pheo nhưng xe cọ đều được các chú ngụy trang kín đáo. Nhà tôi chỉ còn vườn dưới để tăng gia sản xuất. Lũy tre bao quanh cũng bị chặt phá một ít để lấy đường cho các loại ô tô ra vào. Theo đó sinh kế từ vườn cũng bị chiết giảm. Năm 1968 lại thêm mấy đơn vị pháo cao xạ về đóng ở quê. Xe kéo pháo và các loại xe khác lại ùn ùn về ẩn nấp trong xóm, vườn nhà tôi cũng không ngoại lệ. Mấy trận địa đặt ngoài đồng Cơn Bàu, Cơn Cồng, Cơn Tắt, và đồng Rai Rái. Còn ban chỉ huy đóng trong nhà dân. Nhà bác cả tôi rộng nên ban chỉ huy chọn đặt chỉ huy sở. Nhà bác hai tôi liền kề đặt điện đài và bộ phận thông tin. Phần lớn các chú đều quê miền bắc, nói giọng bắc. Bộ đội, cơ quan về xóm làng vui lắm. Các chú làm công tác dân vận tốt nên ai cũng mến. Có mấy chú bên Công an Vũ trang còn dạy hát cho thiếu nhi vào các buổi tối tại sân kho hợp tác nữa. Các cô gái chưa chồng trong xóm cũng ăn mặc chải chuốt hơn. Những buổi tối trăng thanh gió mát thường tổ chức hò đối đáp giữa bộ đội và thanh niên địa phương, đến nay tôi vẫn còn nhớ nhiều câu hay đáo để. Mỗi lúc có máy bay, pháo ta bắn lên như mưa, xe xích gầm rú để chuyển trận địa sau mỗi trận đánh. Mưởng đạn pháo bay chíu chíu trên đầu, có khi rơi thủng cả mái nhà. Trẻ con đi làm đi học phải đội mũ rơm. Đang vui, đang khí thế tưng bừng cả nước cùng ra trận, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Tin chiến thắng khắp các mặt trận dồn dập báo về. Anh Hoe Lý nhà gần nhà tôi lúc đó là Bí thư Chi đoàn, luôn có báo mới. Nói là mới nhưng cũng đã phát hành bốn năm ngày. Vì đường giao thông từ Hà Nội về đang vị đánh phá ác liệt. Tôi được giao đọc tin tức hàng ngày. Cứ cơm trưa xong là tôi lên nhà anh lấy mấy mấy tờ báo rồi trèo lên chạng ba cây mít sau hồi nhà anh, tay cầm báo tay cầm loa đọc. Cũng có hôm có mấy bạn cùng tham gia. Khoảng nửa buổi ngày mùng 1 tháng 7 âm lịch (nhuận), tức 24/8 dương lịch năm 1968, có mấy tốp máy bay phản lực bay qua lên phía Ba ra Đô Lương rồi bất chợt vòng lại ném mấy loạt bom bi, loại bom có tính sát thương rất cao. Bộ đội cao xạ bắn trả rầm rầm, các lực lương dân quân tự vệ cũng phối hợp xả đạn tầm thấp dữ dội, nên chúng không dám bay thấp bổ nhào cắt bom, mà liệng lên cao, nhưng càng bay cao thì phạm vi sát thương của bom bi càng rộng. Chúng cắt vội mấy loạt bom rồi hè nhau tháo chạy ra phía biển. Những người ngồi xa có thể nghe thấy tiếng bom nổ rền vang hay lụp bụp nhưng ở gần ngay trong khu vực thì chỉ nghe tiếng rào rào. Liền đó là mấy nhà bốc cháy lửa khói nghi ngút, nhiều người chết, trâu bò kêu loạn xạ. Khi đó nhìn lên trời thấy bom rơi tôi chỉ kịp la to và nằm sấp xuống sau hè giáp nhà bác hai tôi chứ không kịp chạy xuống hầm. Sau còi báo yên nhổm dậy thấy chi chít hố bom và nhiều bi găm vào tường, nhà. Hôm đó xóm tôi chết 7 người, trong đó có bác hai tôi, bác Lê Văn Tường, năm đó bác chưa đầy sáu chục, mấy người phụ nữ và 2 em bé tuổi thiếu nhi. Thật đau buồn vô hạn. Bác tôi vốn là người cẩn thận, hay sợ bom nên đào hầm xuyên dưới gốc những bụi tre già rất kiên cố, nghe tiếng máy bay là xuống hầm ngay, nhưng hôm đó mải làm nên chạy không kịp. Năm đó cũng đã có chủ trương di dân lên núi, gọi là phong trào: "Mạ vô sân, dân vô rú" thực hiện trên khắp cả tỉnh. Nhà tôi và các bác tôi đều đã được phân đất vườn nơi ở mới là xóm Cồn Nghè nằm dưới chân Rú Bạc. Vì là bốc thăm nên nhà hai bác tôi không ở gần nhà tôi như ngoài xóm cũ nữa. Bác hai tôi khi đó đã chuyển được ràn vào trong vườn mới, nhưng hôm đó trời xui đất khiến thế nào mà bác lại quay về nhà cũ, thế là không may gặp nạn. Trước đó cũng đã có một số gia đình đã chuyển được nhà hoặc ràn vô nương mới, nhưng đa số còn dè dặt, lần lữa. Sau trận bom chẳng ai bảo ai mạnh ai nấy chạy kẻo nó quay lại bắn phá trận nữa thì chết. Vì các trận địa bộ đội cao xạ vẫn còn bám trụ chưa di dời địa điểm. May có chủ trương của trên, các xóm không bị bom trong cùng hợp tác đã huy động nhân lực hỗ trợ chuyển nhà cho dân xóm tôi. Việc tháo dỡ do gia chủ đảm trách, người các xóm chỉ lo vận chuyển gỗ lạt, gạch ngói sao cho nhanh và an toàn. Tuy vậy HTX cũng khoán công điểm cho từng nhà, tùy vào nhà to hay nhỏ ,khối lượng vận chuyển nhiều hay ít. Đó là một chủ trương đúng và hỗ trợ kịp thời của lãnh đạo xã và HTX. Nhà tôi cũng được di chuyển trong đợt đó. Từ nay bố mẹ tôi lại tiếp tục cuộc hành trình gây dựng cơ đồ trên nương vườn mới: Xóm Đông Phượng thuộc làng Phú Thọ, đã chuyển thành Phong Phượng thuộc HTX Phong Diên, rồi Cồn Nghè dưới chân Rú Bạc, và hiện nay là xóm 5 Thanh Phong. Tiếc rằng không có bức ảnh nào của xóm cũ để minh họa. Mặc dù hồi ấy tôi vẫn thấy mấy chú đem máy về chụp ảnh cho 2 chị con gái bác hai và chụp chung cả gia đình. Máy ảnh được đặt trên cái chân ba cháng, trùm vải đen kín mít, cũng ngắm đi chỉnh lại rồi hô 123, nhưng chờ mãi vẫn không có ảnh. Chắc là bị hỏng. Các trận địa pháo trên các cánh đồng làng sau đó cũng rút, chỉ để lại một khẩu cao xạ 57 ly bị hỏng nhưng nhìn còn khá nguyên vẹn ở giữa đồng Cơn Bàu, sau xã đã cho kéo về trụ sở xã để làm kỷ niệm minh chứng cho một thời đạn lửa trên đất quê nhà. Vẫn còn chưa hết. Quang Lê (Lê Quang Đạo)