Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2022

KÝ ỨC TUỔI THƠ. VƯỜN XƯA NHÀ CŨ - PHẦN 4

VƯỜN XƯA NHÀ CŨ PHẦN 4. Cũng là phần cuối. Sau trận bom năm 1968, cả xóm cả làng đều di dời vô làng mới. Số lượng các hộ ở các xóm khác trong xã di vào làng mới đợt đó cũng rất đông. Trước đó, đất vườn đã được lập quy hoạch, chia lô và bốc thăm theo chủ trương của trên. Ước tính trên 50% tổng số dân phải di từ vùng thấp lên đồi để lấy đất phục vụ canh tác. Vào quê mới đường đi lối lại cũng được quy hoạch rộng, thẳng và đẹp hơn xưa. Xóm Phong Phượng tôi có 2 họ lớn được ưu tiên chọn đất làm nhà thờ họ trước khi xã viên bốc thăm. Đó là họ Lê Văn và họ Nguyễn Cảnh, 2 họ này đều có nhà thờ đại tôn khá bề thế. Hai họ được ưu tiên chọn một suất đất đẹp nhất, sau đó chia đôi, mỗi họ sử dụng 1/2. Sau khi xem xét địa thế địa hình mọi mặt, các bô lão 2 họ thống nhất lấy một suất đất ruộng khô khá bằng phẳng, sạch sẽ, không cao quá, cũng không thấp quá, và là ở vị trí trung tâm xóm, đối diện với sân kho hợp tác.. Số còn lại sau đó mới tiến hành bốc thăm đại trà. Sơ đồ các thửa đất thì đã được HTX cử người đo đạc phân lô, giăng dây đóng cọc. Ai trúng đâu ở đó. Diện tích bằng nhau cả. Đến cuối năm 1968 việc di dời vào làng mới cơ bản hoàn thành. Để lập vườn mới, mỗi buổi trưa, bọn con nít, thanh niên mới lớn thường vác cuốc, choòng, dao rựa ra khu xóm cũ tìm đào các gốc tre, chuối và các loại cây ăn quả đem về trồng trong nương mới. Tre hóp, chuối trồng dọc bờ rào, cây ăn quả trồng góc vườn, nhà tôi cũng quy hoạch một khu trồng cây ăn quả, phía dưới vườn đào một cái ao nhỏ để giặt rửa, và cũng có thả một ít cá cho vui mắt. Bốn góc vườn trồng 4 bụi tre. Hai góc phía trong bên cạnh gốc tre còn có thêm 2 bụi mây để đan lát, thắt gióng và dùng vào những việc lặt vặt. Thời gian đầu lập làng mới, việc đi lại vẫn giữ thói quen thông thương ngang tắt qua nhà nhau như ngoài xóm cũ. Phần vì đường sá chưa xong, phần vì đi tắt cho nó gần, cũng là thói quen cố hữu khó sửa. Sau khoảng 4 hoặc 5 năm, đường làng ngõ xóm được đắp cao dần và đổ đất đồi, việc đi lại đã đỡ lầy lội, bờ rào bờ dậu giữa các nhà cũng được hình thành dần, cây cối cũng tốt dần, việc ngang tắt theo năm tháng cũng dần dần bớt hẳn. Nhưng mỗi khi đi uống nước chè xanh hàng xóm láng giềng vẫn khá bất tiện vì cảnh gần nhà xa ngõ, nên có ít nhà vẫn mở lối đi nhỏ hoặc xé rào ngang qua nhau. Đó là chuyện mấy chục năm trước, còn nay thì ai mời nước chè xanh, người ta đi xe máy tới dựng ngoài cổng. Có hôm có dăm sáu chiếc xe máy dựng giữa sân, trông như nhà có đám, hay con cháu ở xa về. Nhưng không phải, mà là xe của các bác hàng xóm đến uống nước chè xanh. Thời hiện đại có khác. Xóm mới hình thành, nhà cửa đã tương đối ổn định. Khu vườn xưa dân được phép tăng gia sản xuất khoảng 1 năm. Điều đặc biệt là do có hơi người ở lâu ngày nên vườn nhà ai cây cối, rau các loại cũng đều tốt mơn mởn đến kỳ lạ. Cà mướp, đậu đỗ đều rất sai quả và bầu bí quả cũng rất to. Mặc dù không phải bón phân hay bỏ nhiều công chăm bón. Vụ sau thì có kém hơn chút. Sau đó thì HTX điều chỉnh quy hoạch, giao đất cho dân xóm Diên Thọ ở gần đó san lấp canh tác. Xóm tôi được phân các khu ruộng lúa ruộng màu trong núi phía sát rào Gang để đi làm cho gần. Tre pheo, mây hèo, cây ăn quả... của nhà ai chặt chuyển được cây gì thì chặt còn không thì dân xóm khác cũng đào, chặt và san lấp cho bằng phẳng để họ tăng gia sản xuất. Trên 2000 m2 đất vườn thổ cư nhà tôi cũng biến mất từ đó. Bác hai tôi có một thửa vườn vuông vức rất đẹp mua lại của người khác trước đó mấy năm ở giữa xóm, gần đường cái quan cũng mất luôn trong dịp đó. Mà điều lạ là cũng chả ai hỏi han hay kiện cáo gì cả, xem đó là chuyện đương nhiên. Không chỉ nhà tôi, nhà bác hai tôi mà nhiều nhà khác cũng vậy. Qua đó mới thấy sự tin tưởng vào chủ trương của đảng và nhà nước và sự đồng thuận của dân hồi ấy là rất cao. Vài tháng sau, thì các cơ quan nhà nước sơ tán về cũng chia nhau san bớt về ở trong nhà dân xóm mới. Nhà tôi có chú Tuấn, quê miền nam, chú Vân quê Quỳnh Diễn, Quỳnh lưu, đều là cán bộ Ủy ban kế hoạch nhà nước tỉnh ở. Sau chú Tuấn chuyển đi thì chú Xiển lại xin về cùng ở với chú Vân. Khoảng cuối 1969 thì các chú cơ quan ủy ban kế hoạch chuyển qua xóm khác để nhường xóm tôi cho một đơn vị bộ đội thông tin của quân khu về đóng quân. Đơn vị này về ở khá lâu, hàng mấy năm trời. Hầu như nhà nào cũng có bộ đội ở. Nhà tôi có chú Kiều quê Phúc Sơn, Anh Sơn, chú Đại quê Hưng Chính, Hưng Nguyên ở. Bộ đội ở lâu, đông nên họ đào ao đào giếng để sinh hoạt cho tiện. Ao bộ đội đào sau hồi nhà ông Cảnh Chương, phía trước cổng ông Nguyễn Cảnh Cận, nay thuộc vườn nhà ông Cảnh Dung. Giếng bộ đội đào sau góc vườn nhà anh Hoe lý, nhà bếp bộ đội dựng trong vườn nhà ông Tùng Tuất, phía trước nhà ông Lê Văn Tâm. Có ao có giếng nên bộ đội sinh hoạt, tắm rửa, giặt giũ thoải mái. Hơn nữa những vị trí đó vốn là những vùng nước sinh, nên nước trong và không bao giờ cạn. Bộ đội còn xây mấy cái hầm bê tông kiên cố trong xóm để dấu điện đài và các thiết bị thông tin khác. Đến nay mấy cái hầm bê tông vẫn còn nguyên, ao giếng bộ đội chỉ còn dấu tích. Mùa thu 1978, mưa to suốt mấy ngày đêm. Đê Phượng Kỷ và đê Cẩm Thái vỡ. Lụt ngập cả vùng hạ du Sông Lam. Đây là trận lụt lịch sử, chỉ có thể so sánh trận lụt 1954. Nhà tôi cũng bị ngập lên tận mái ngói. Bị trôi mất một con lợn nái. Trong làng khoảng 2/3 số hộ bị ngập lụt. Sau lụt mấy tháng cha tôi xoay lại hướng nhà ở. Ban đầu cả nhà cả ràn liền một dãy dài, nhìn về hướng tây, phía cây Sui bên Diên Thọ. Cha tôi đã tách nhà ở ra khỏi ràn và quay 90 độ nhìn về hướng nam, phía Hủng Lái. Ràn, bếp và chuồng lợn vẫn để nguyên. Ở hướng này mát hơn, lại nhà lợp ngói âm dương nên càng mát. Cha làm thêm cái bếp lợp ngói sát gần nhà ở để tiện nấu nướng, đỡ phải đi lại ngoài trời khi mưa gió. Năm 1983, mẹ tôi ốm mất. Cha cũng không nuôi trâu nữa, chỉ nuôi lợn gà, nhưng chỉ vài năm sau cha tôi bán luôn cả cái ràn ấy. Khoảng 1997 nhà có đảo ngói một lần và sửa lại bếp, sửa lại nền giếng. Năm 2009 cha tôi mất. Nhà cửa vườn tược lại nhờ cô em gái áp út lấy chồng kế bên trông coi chăm sóc. Năm 2021, sau hơn 100 năm trơ gan cùng tuế nguyệt, chống chọi cùng nắng mưa gió bão, nhà có phần xuống cấp, vườn ngập nước. Tôi bàn với các em và con cháu nâng vường, tôn tạo lại nhà, để giữ lấy di tích mà cha mẹ, ông bà đã đổ bao công sức gây dựng và trao truyền lại cho con cháu. Trên cơ sở giữ nguyên kiểu dáng xưa. Chỉ thay những bộ phận bị hỏng. Ngói vảy âm dương Phượng Kỷ do lâu ngày bị phún hết nên cũng phải thay, mà ngói vảy cùng loại không có nên buộc phải thay ngói kiến thiết. Mấy bức cửa ván, ô đố, ván ấm, song cửa vẫn giữ nguyên. Ngưỡng cửa lâu ngày mòn vẹt, hỏng cũng phải thay luôn. Thay gạch lát sân, nền bằng gạch men cho khang trang sạch sẽ. Nền nhà và sân cũng được tôn cao. Tôi ở xa lại sức yếu nên mọi việc đều nhờ bác Lệ - con trai bác cả và anh Lê Cường tộc trưởng giúp đỡ. Với sự tham gia tích cực của vợ chồng O Minh, dượng Hải. Tiền thì con cháu đóng góp. Không đầy tháng, tính từ khi khởi công nhà đã hoàn thành, kể cả xây mới bờ rào. Ngôi nhà mới sửa khang trang, đẹp đẽ, thoáng đãng, nhìn có vẻ rộng hơn bởi tôi đã cho giỡ bỏ bức ngăn có cửa lùa giữa nhà trong và nhà ngoài. Rất cảm ơn vợ chồng em Minh Hải, bác Lệ, anh Cường và các anh em thợ bạn trong xóm đã nhiệt tình giúp đỡ. Năm tháng qua đi, vật đổi sao dời. Nhìn cảnh cũ nhớ người xưa. Ba ngôi nhà mà ông bà nội tôi làm cho ba người con trai, trong đó có nhà tôi cũng là nhà ông bà sống và mất ở đó. Nay chỉ còn nhà tôi và nhà bác cả. Nhà bác cả làm bằng gỗ mít làm sau nhà tôi, tức từ khi bác lấy vợ ở riêng, nay cháu đích tôn bác cũng đã sửa lại. Nhà bác cũng đã gần trăm năm. Trong ba nhà đó thì nhà tôi là cổ nhất. Nhà được làm bằng gỗ lim nên rất bền, không mối mọt. Các O tôi cũng sinh ra và lớn lên từ ngôi nhà này. Bây giờ chỉ còn O út tức O thứ 11, cũng gần 90 tuổi đang sống ở làng Vinh Ân, xã Thanh Tường. Vậy là từ ông bà nội, cha mẹ, anh em chúng tôi, thế hệ con và cháu. Đến nay đã trải trên trăm năm, qua 5 đời ở ngôi nhà này. Thật đáng tự hào. Theo thăng trầm của lịch sử, cảnh quan làng xóm đổi thay, bên cạnh những nhà bê tông kiên cố, vẫn còn thấp thoáng trong thôn xóm, những mái nhà cũ rêu phong cổ kính hàng trăm năm tuổi, và vẫn được bảo tồn qua nhiều thế hệ, để con cháu hiểu về cội nguồn, ông cha ta đã từng sống một thời như thế. Đời sống vật chất có thể thay đổi nhưng những giá trị tinh thần, tình quê hương, tình anh em, họ đang, tình làng nghĩa xóm vẫn ấm áp, ân tình, đẹp tươi không bao giờ thay đổi. Bến nước quê tôi tuy không còn, cây đa giếng nước sân đình cũng không còn, lũy tre làng cũng không còn, nhưng may thay một số công trình văn hóa tâm linh nổi tiếng linh thiêng như đền Họ Lê, đền Mo Cau, đền Đá Hàn.v.v.. ẩn mình dưới chân rú Trè, rú Bạc, rú Ngai vẫn đang được con cháu các thế hệ nối tiếp giữ gìn, trùng tu, tôn tạo như là những mảnh hồn làng, tô thắm cảnh sắc quê nhà, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa của người dân quê tôi, cũng là sợi dây kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Là nơi neo giữ những tình cảm cùng những kỷ niệm, những ký ức thiêng liêng của người đi xa và người ở lại, trong cuộc đời đầy biến động. Với người đi xa thì những hình ảnh mang đậm bản sắc đó thực sự là đang neo giữ "Một cõi đi về" sau bao năm tháng lăn lộn, đua chen chốn phồn hoa phố thị hay trên quê người đất khách xa xăm. Viết đến đây sực nhớ lời bài hát của Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn: "Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt. Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt. Dõi suốt trăm năm Một cõi đi về". Vườn xưa nhà cũ là một phần của cuộc sống. Dẫu đã là quá khứ nhưng mỗi khi nghĩ đến hay mỗi khi có ai nhắc đến, hai tiếng Quê Nhà vẫn ngân lên trong tôi niềm xúc động bồi hồi khôn tả, nhớ về ông bà, cha mẹ và các bậc tiền nhân đã vất vả đổ bao công sức lập làng lập xóm. Những kỷ niệm êm đềm của một thời tuổi trẻ trong tôi lại thức dậy, ùa về với bao bạn bè, người thân, những tên đất tên người sao mà thân thương gần gũi. Quê hương hai tiếng ngọt ngào. Vì thế: Cụm từ QUÊ CHA ĐẤT TỔ vẫn còn vọng mãi đến muôn sau! Quang Lê tức Lê Quang Đạo. Ảnh nhà sau khi tu sửa cuối năm 2021.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét