Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

Trang thơ


Từ ấy (Tố Hữu)

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim...
Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.
Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ...



Việt Bắc (Tố Hữu)
- Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?

- Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…

- Mình đi, có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù
Mình về, có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?
Mình về, rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già
Mình đi, có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son
Mình về, còn nhớ núi non
Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh
Mình đi, mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?

- Ta với mình, mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh
Mình đi, mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu…
Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia sông Ðáy, suối Lê vơi đầy
Ta đi, ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi…

Thương nhau, chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng
Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Ðịu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô
Nhớ sao lớp học i tờ
Ðồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan
Nhớ sao ngày tháng cơ quan
Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo.
Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều
Chày đêm nện cối đều đều suối xa…
Ta về, mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.

Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây
Núi giăng thành lũy sắt dày
Rừng che bộ đội rừng vây quân thù
Mênh mông bốn mặt sương mù
Ðất trời ta cả chiến khu một lòng.

Ai về ai có nhớ không?
Ta về ta nhớ Phủ Thông, đèo Giàng
Nhớ sông Lô, nhớ phố Ràng
Nhớ từ Cao-Lạng nhớ sang Nhị Hà…
Những đường Việt Bắc của ta
Ðêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Ðèn pha bật sáng như ngày mai lên.
Tin vui chiến thắng trăm miềm

Hòa Bình, Tây Bắc, Ðiện Biên vui về
Vui từ Ðồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.

Ai về ai có nhớ không?
Ngọn cờ đỏ thắm gió lồng cửa hang.
Nắng trưa rực rỡ sao vàng
Trung ương, Chính phủ luận bàn việc công
Ðiều quân chiến dịch thu đông
Nông thôn phát động, giao thông mở đường
Giữ đê, phòng hạn, thu lương
Gửi dao miền ngược, thêm trường các khu…

Ở đâu u ám quân thù
Nhìn lên Việt Bắc: Cụ Hồ sáng soi
Ở đâu đau đớn giống nòi
Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền.
Mười lăm năm ấy ai quên
Quê hương cách mạng dựng nên Cộng hòa
Mình về mình lại nhớ ta
Mái đình Hồng Thái cây đa Tân Trào.

- Nước trôi nước có về nguồn
Mây đi mây có cùng non trở về?
Mình về, ta gửi về quê
Thuyền nâu trâu mộng với bè nứa mai
Nâu này nhuộm áo không phai
Cho lòng thêm đậm cho ai nhớ mình
Trâu về, xanh lại Thái Bình
Nứa mai gài chặt mối tình ngược xuôi.
- Nước trôi, lòng suối chẳng trôi
Mây đi mây vẫn nhớ hồi về non
Ðá mòn nhưng dạ chẳng mòn
Chàm nâu thêm đậm, phấn son chẳng nhòa.
Nứa mai mình gửi quê nhà
Nước non đâu cũng là ta với mình
Thái Bình đồng lại tươi xanh
Phên nhà lại ấm, mái đình lại vui…

- Mình về thành thị xa xôi
Nhà cao, còn thấy núi đồi nữa chăng?
Phố đông, còn nhớ bản làng
Sáng đèn, còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?
Mình đi, ta hỏi thăm chừng
Bao giờ Việt Bắc tưng bừng thêm vui?

- Ðường về, đây đó gần thôi!
Hôm nay rời bản về nơi thị thành
Nhà cao chẳng khuất non xanh
Phố đông, càng giục chân nhanh bước đường.
Ngày mai về lại thôn hương
Rừng xưa núi cũ yêu thương lại về
Ngày mai rộn rã sơn khê
Ngược xuôi tàu chạy, bốn bề lưới giăng.
Than Phấn Mễ, thiếc Cao Bằng
Phố phường như nấm như măng giữa trời
Mái trường ngói mới đỏ tươi.
Chợ vui trăm nẻo về khơi luồng hàng
Muối Thái Bình ngược Hà Giang
Cày bừa Ðông Xuất, mía đường tỉnh Thanh
Ai về mua vại Hương Canh
Ai lên mình gửi cho anh với nàng
Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng
Vải tơ Nam Ðịnh, lụa hàng Hà Ðông
Áo em thêu chỉ biếc hồng
Mùa xuân ngày hội lùng tùng thêm tươi
Còn non, còn nước, còn trời
Bác Hồ thêm khỏe, cuộc đời càng vui!

- Mình về với Bác đường xuôi
Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người
Nhớ ông Cụ mắt sáng ngời
Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường!
Nhớ Người những sáng tinh sương
Ung dung yên ngựa trên đường suối reo
Nhớ chân Người bước lên đèo
Người đi rừng núi trông theo bóng Người…

- Lòng ta ơn Ðảng đời đời
Ngược xuôi đôi mặt một lời song song.
Ngàn năm xưa nước non Hồng
Còn đây ơn Ðảng nối dòng dài lâu
Ngàn năm non nước mai sau
Ðời đời ơn Ðảng càng sâu càng nồng.

Cầm tay nhau hát vui chung
Hôm sau mình nhé, hát cùng Thủ đô.
 

Đi đi em - Tập thơ Từ ấy

Rứa là hết! Chiều ni em đi mãi
Còn mong chi ngày trở lại Phước ơi!
Quên làm sao, em hỡi, lúc chia phôi
Bởi khác cảnh, hai đứa mình nghẹn nói.

Em len lét, cúi đầu, tay xách gói
Áo quần dơ, cắp chiếc nón le te
Vẫn chưa thôi, lời day dứt nặng nề
Hàng dây tiếng rủa nguyền trên miệng chủ!

Biết không em, nỗi lòng anh khi đó ?
Nó tơi bời đau đớn lắm  em ơi!
Bàn chân em còn luyến tiếc không rời
Nơi em đã cùng anh vui phút chốc.

Những đêm tối, anh viết bài em học
Cho em quên bớt nỗi nhọc ban ngày
Nơi bao nhiêu âu yếm tuổi thơ ngây
Anh đã trút cho lòng em tất cả!

Em ngoái cổ nhìn anh ta chỉ trả
Thầm cho nhau đôi mắt ướt ly sầu!
Biết làm sao, em hỡi, nói cùng nhau ?
Tiếng chưởi mắng vẫn phun hoài, nhục nhã!

Thì em hỡi! Đi đi, đừng tiếc nữa!
Ngại ngùng chi ? Nấn ná chỉ thêm phiền!
Đi đi em, can đảm bước chân lên
Ừ đói khổ đâu phải là tội lỗi!

Anh mới hiểu: càng ngậm ngùi khổ tủi
Càng dày thêm uất hận của lòng ta
Nuôi đi em, cho đến lớn, đến già
Mầm hận ấy trong lồng xương ống máu

Để thêm nóng mai kia hồn chiến đấu
Mà hôm nay anh đã nhóm trong lòng!

Huế, 2-1938


  Tâm sự
(Trả lời một bạn văn nước ngoài)

- Bạn hỏi vì sao đất nước này
Ngày đêm khói lửa vẫn hăng say
Tóc tang lòng vẫn không cay đắng
Gánh nặng đường xa chẳng chuyển lay ?

Có lẽ nghìn năm đã dạn dày
Anh hùng xưa để giống hôm nay
Khổ đau nhiều mới yêu thương lắm
Quen vượt trùng dương lái vững tay.

- Thù bạn đời nay có khác xưa,
Nghĩa tình e sớm nắng chiều mưa ?
Chợ trời thật giả đâu chân lý ?
Hàng hoá lương tâm cũng thiếu thừa ?

Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu
Trái tim lầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu...

Chuyện cô du kích xóm Lai Vu
Rắn quấn bên chân vẫn bắn thù:
"Mỹ hại trăm nhà, lo diệt trước
Rắn, mình em chịu, có sao đâu!"

Chân lý, mặt trời soi sáng mãi
Lỗi lầm âu cũng bóng mây qua
Lương tâm đều vẫn trong như ngọc
Tình nghĩa anh em lại một nhà.

 Tâm sự cuối cùng

Xin tạm biệt đời yêu quý nhất
Còn mấy vần thơ một nắm tro
Thơ gửi bạn đường, tro gửi đất
Sống là cho và chết cũng là cho.

                                      Tố Hữu

Việt Nam máu và hoa
                                   Tố Hữu
Khao khát trăm năm, mãi đợi chờ
Hôm nay vui đến, ngỡ trong mơ
Một trời êm ả, xanh không tưởng
Mặt đất bình yên giấc trẻ thơ
Đây cuộc hồi sinh, buổi hóa thân
Mùa đông thế kỷ chuyển sang xuân
Ôi Việt Nam! Từ trong biển máu
Người vươn lên, như một thiên thần!
Thế này chăng? Thuở xưa hoang dã
Chàng Sơn Tinh thắng giặc Thủy Tinh
Càng dâng nước, càng cao ngọn núi
Chân Trường Sơn đạp sóng Thái Bình.
Chúng muốn đốt ta thành tro bụi
Ta hóa vàng nhân phẩm, lương tâm
Chúng muốn ta bán mình ô nhục
Ta làm sen thơm ngát giữa đầm.
Ta sẵn sàng xé trái tim ta
Cho Tổ quốc, và cho Tất cả
Lá cờ này là máu là da
Của ta, của con người, vô giá.
Trắng khăn tang, em chẳng khóc đâu
Hỡi em gái mất cha mất mẹ
Nước mắt rơi, làm nhòa mặt quân thù
Em phải bắn, trúng đầu giặc Mỹ.
Tình thương lớn, mạnh hơn lửa thép
Trận địa đây xây giữa lòng người
Dẫu mưa nắng, trái đất tròn vẫn đẹp
Đời yêu ta, ta phải thắng cho Đời.
Cút sạch đi, bầy sói hôi tanh!
Đã đến buổi cuối cùng phán quyết:
Trả về ta, đất rộng trời xanh
Cho bay, những hố bom làm huyệt.
Lịch sử muốn bay cúi đầu tội lỗi
Dưới gươm thiêng hùng khí Thủ đô
Cả bốn biển hoan hô Hà Nội
Pháo đài bay rụng đỏ mặt hồ.
Ngọc Hà em! Lộng lẫy hoa tươi
Xin thơm khắp miền Nam, miền Bắc
Chắc Bác Hồ vui, xin kính dâng Người
Và tặng cả anh em cùng ta đánh giặc.
Không nỗi đau nào riêng của ai
Của chung nhân loại, chiến công này,
Việt Nam ơi, máu và hoa ấy
Có đủ mai sau, thắm những ngày?
Chưa dễ lành đâu, những vết thương
Nửa mình còn nhức, hỡi quê hương!
Song mùa vui đã mang xuân tới
Đã tắt hôm nay lửa chiến trường.
Rừng núi đã xanh màu giải phóng
Hãy trào lên, ơi sóng Cửu Long
Quét phăng những rác bùn ứ đọng
Những thép gai ngăn mặt, cắt lòng.
Ta lại về ta, những đứa con
Máu hòa trong máu, đỏ như son.
Sài Gòn ơi, Huế ơi! Xin đợi
Tái hợp, huy hoàng, cả Nước non!



Xuân 1973

Lính Mà Em
Mình trách anh hay hồi âm thư trễ
-Em đợi hoài! Em sẽ giận cho xem
Thư anh viết:- Bao giờ anh muốn thế
Hành quân hoài đấy chứ- Lính mà Em!
Anh gởi về em mấy cành hoa dại:
-Để làm quà không về được Noel
Không đi lễ nửa đêm cùng em gái
Thôi đừng buồn anh nhé- Lính mà em!
Anh kể chuyện hành quân nằm sương gối súng
Trăng tiền đồn không đủ viết thư đêm
Nên thư cho em nét mờ, chữ vụng
-Hãy hiểu dùm anh nhé- Lính mà Em!
Qua hành lang Eden ghi kỷ niệm
Buổi chiều mưa hai đứa đứng bên thềm
Anh che cho em khỏi ướt tà áo tím
-Anh quen rồi, không lạnh- Lính mà em
Ngày về phép anh hẹn mình dạo phố
Tay chinh nhân đan năm ngón tay mềm
Mình xót xa đời anh nhiều gian khổ
Anh cười buồn khẽ nói:- Lính mà em!
Ghét anh ghê! Chỉ được tài biện hộ
Làm “người ta” càng thương mến nhiều thêm
Nên xa lánh những cuộc vui thành phố
Để nhớ một người hay nói LÍNH MÀ EM !
                                          (Lý Thuỵ Ý)

 Hai Sắc Hoa Tigôn

T.T.K.H.

Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi cảm thấy buồn
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc
Tôi chờ người đến với yêu đương

Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng
Dải đường xa vút bóng chiều phong,
Và phương trời thẳm mờ sương, cát
Tay vít dây hoa trắng chạnh lòng

Người ấy thuờng hay vuốt tóc tôi
Thở dài trong lúc thấy tôi vui
Bảo rằng: "Hoa, dáng như tim vỡ
Anh sợ tình ta cũng thế thôi!"

Thuở ấy nào tôi đã hiểu gì
Cánh hoa tan tác của sinh ly
Cho nên cười đáp: "Màu hoa trắng,
Là chút lòng trong chẳng biến suy!"

Đâu biết một đi một lỡ làng,
Dưới trời đau khổ chết yêu đương
Người xa xăm quá! Tồi buồn lắm,
Trong một ngày vui pháo nhuộm đường...

Từ đấy, thu rồi, thu lại thụ..
Lòng tôi còn giá đến bao giờ
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ
Người ấy, cho nên vẫn hững hờ

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi,
Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tim bóng một người

Buồn quá! Hôm nay xem tiểu thuyết
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa
Nhưng hồng tựa trái tim tan vỡ
Và đỏ như màu máu thắm pha!

Tôi nhớ lời người đã bảo tôi
Một muà thu trước rất xa xôị..
Đến nay tôi hiểu thì tôi đã
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi!

Tôi sợ chiều thu nhạt nắng mờ
Chiều thu hoa đỏ rụng. Chiều thu
Gió về lạnh lẽo chân mây vắng
Người ấy sang sông đứng ngó đò

Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng
Trời ơi! Người ấy có buồn không
Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng


Em đi Chùa Hương


Hôm nay đi Chùa Hương,
Hoa cỏ mờ hơi sương.
Cùng thầy me em dậy,
Em vấn đầu soi gương.

Khăn nhỏ, đuôi gà cao,
Em đeo giải yếm đào;
Quần lĩnh, áo the mới,
Tay cầm nón quai thao.

Me cười: «Thầy nó trông!
Chân đi đôi dép cong,
Con tôi xinh xinh quá!
Bao giờ cô lấy chồng?»

Em tuy mới mười lăm
Mà đã lắm người thăm,
Nhờ mối mai đưa tiếng,
Khen tươi như trăng rằm.

Nhưng em chưa lấy ai,
Vì thầy bảo người mai
Rằng em còn bé lắm!
(Ý đợi người tài trai.)

Em đi cùng với me.
Me em ngồi cáng tre,
Thầy theo sau cưỡi ngựa,
Thắt lưng dài đỏ hoe.

Thầy me ra đi đò,
Thuyền mấp mênh bên bờ.
Em nhìn sông nước chảy
Đưa cánh buồm lô nhô.

Mơ xa lại nghĩ gần,
Đời mấy kẻ tri âm?
Thuyền nan vừa lẹ bước,
Em thấy một văn nhân.

Người đâu thanh lạ thường!
Tướng mạo trông phi thường.
Lưng cao dài, trán rộng.
Hỏi ai nhìn không thương?

Chàng ngồi bên me em,
Me hỏi chuyện làm quen:
«Thưa thầy đi chùa ạ?
Thuyền đông, trời ôi, chen!»

Chàng thưa: «Vâng thuyền đông!»
Rồi ngắm trời mênh mông,
Xa xa mờ núi biếc,
Phơn phớt áng mây hồng.

Dòng sông nước đục lờ.
Ngâm nga chàng đọc thơ.
Thầy khen: «Hay! Hay quá!»
Em nghe rồi ngẩn ngơ.

Thuyền đi, Bến Đục qua.
Mỗi lúc gặp người ra,
Thẹn thùng em không nói:
«Nam Mô A Di Đà!»


Réo rắt suối đưa quanh.
Ven bờ, ngọn núi xanh,
Nhịp cầu xa nho nhỏ.
Cảnh đẹp gần như tranh.

Sau núi Oản, Gà, Xôi,
Bao nhiêu là khỉ ngồi.
Tới núi con Voi phục,
Có đủ cả đầu đuôi.

Chùa lấp sau rừng cây.
(Thuyền ta đi một ngày.)
Lên cửa chùa em thấy
Hơn một trăm ăn mày.

Em đi, chàng theo sau.
Em không dám đi mau,
Ngại chàng chê hấp tấp,
Số gian nan không giàu.



Thầy me đến điện thờ,
Trầm hương khói tỏa mờ.
Hương như là sao lạc,
Lớp sóng người lô nhô.

Chen vào thật lắm công.
Thầy me em lễ xong,
Quay về nhà ngang bảo:
«Mai mới vào chùa trong.»

Chàng hai má đỏ hồng
Kêu với thằng tiểu đồng
Mang túi thơ bầu rượu:
«Mai ta vào chùa trong!»

Đêm hôm ấy em mừng.
Mùi trầm hương bay lừng.
Em nằm nghe tiếng mõ,
Rồi chim kêu trong rừng.

Em mơ, em yêu đời!
Mơ nhiều... Viết thế thôi!
Kẻo ai mà xem thấy,
Nhìn em đến nực cười!

Em chưa tỉnh giấc nồng,
Mây núi đã pha hồng.
Thầy me em sắp sửa
Vàng hương vào chùa trong.

Đường mây đá cheo veo,
Hoa đỏ, tím, vàng leo.
Vì thương me quá mệt,
Săn sóc chàng đi theo.

Me bảo: «Đường còn lâu,
Cứ vừa đi ta cầu
Quán Thế Âm Bồ Tát
Là tha hồ đi mau!»

Em ư? Em không cầu,
Đường vẫn thấy đi mau.
Chàng cũng cho như thế.
(Ra ta hợp tâm đầu.)

Khi qua chùa Giải Oan,
Trông thấy bức tường ngang,
Chàng đưa tay lẹ bút
Thảo bài thơ liên hoàn.

Tấm tắc thầy khen: «Hay!
Chữ đẹp như rồng bay.»
(Bài thơ này em nhớ,
Nên chả chép vào đây.)

Ô! Chùa trong đây rồi!
Động thắm bóng xanh ngời.
Gấm thêu trần thạch nhũ,
Ngọc nhuốm hương trầm rơi.


Me vui mừng hả hê:
«Tặc! Con đường mà ghê!»
Thầy kêu: «Mau lên nhé!
Chiều hôm nay ta về.»

Em nghe bỗng rụng rời
Nhìn ai luống nghẹn lời!
Giờ vui đời có vậy,
Thoảng ngày vui qua rồi!

Làn gió thổi hây hây,
Em nghe tà áo bay,
Em tìm hơi chàng thở.
Chàng ôi, chàng có hay?

Đường đây kia lên trời,
Ta bước tựa vai cười.
Yêu nhau, yêu nhau mãi!
Đi, ta đi, chàng ôi!

Ngun ngút khói hương vàng,
Say trong giấc mơ màng,
Em cầu xin Trời Phật
Sao cho em lấy chàng



Nguyễn Nhược Pháp

Nhớ con sông quê hương


Tác giả: Tế Hanh

Quê hương tôi có con sông xanh biết
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là những buổi trưa hè
Toả nẵng xuống giòng sông lấp loáng

Chẳng biết nước có giử ngày giử tháng
giử bao nhiêu kỹ niệm của giòng trôi
Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi
Tôi giử mãi mối tình mới mẽ

Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ
Sông của miền Nam nước Việt thân yêu
Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu
Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy

Bạn bè tôi tụm năm tụm bảy
Bầy chim non khua lội bên sông
Tôi giơ tay ôm nước vào lòng
Sông mỡ nước ôm tôi vào dạ

Chúng tôi lớn lên mỗi người mổi ngã
Kẻ sớm khuya chài lưới bên sông
Kẻ cuốc cày mưa nắng ngoài đồng
Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến

Nhưng lòng tôi như mưa người gió biển
Lại trở về lưu luyến bên sông
...................................................
Hôm nay sống trong lòng miền Bắc
Sờ lên ngực nghe trái tim thầm nhắc
Hai tiếng Quê Hương hai tiếng miền Nam

Tôi ngớ không nguôi ánh nắng màu vàng
Tôi quên sao được sắc trời xanh biếc
Tối nhờ cả những người không quên biết
Những buổi trưa tôi đứng dưới hàng cây
Bổng nghe dâng một nổi tràn đày
Hình ảnh con sông quê mát rượi
Lai láng chảy hồn tôi như suối tưới
Quê hương ơi tình tôi cũng như sông
Tình Băc nam tuôn chãy một giòng
Không ghềnh thác nào ngăn cản được
Tôi lại trở về nơi tôi hằng mơ ước
Tôi sẽ trờ về sông nước của quê hương
Tôi sẽ trở về sông nước của tình thương

Còn gặp nhau thì hãy cứ vui

 Còn gặp nhau thì hãy cứ vui
Chuyện đời như nước chảy hoa trôi
Lợi danh như bóng mây chìm nổi
Chỉ có tình thương để lại đời

Còn gặp nhau thì hãy cứ thương
Tình người muôn thuở vẫn còn vương
Chắt chiu một chút tình thương
khắp muôn phương vạn nẻo đường.

Còn gặp nhau thì hãy cứ chơi
Bao nhiêu thú vị ở trên đời
Vui chơi trong ý tình cao nhã
Cuộc sống càng thêm nét tuyệt vời.

Còn gặp nhau thì hãy cứ cười
Cho tình thêm thắm, ý thêm tươi
Cho hương thêm ngát, đời thêm vị
Cho đẹp lòng tất cả mọi người.

Còn gặp nhau thì hãy cứ chào
Giữa miền đất rộng với trời cao
Vui câu nhân nghĩa tròn sau trước
Lấy chữ chân tình gửi tặng nhau.

Còn gặp nhau thì hãy cứ say
Say tình say nghĩa bấy lâu nay
Say thơ, say nhạc, say bè bạn
Quên cả không gian lẫn tháng ngày.

Còn gặp nhau thì hãy cứ đi
Đi tìm chân lý, lẽ huyền vi
An nhiên tự tại - lòng thanh thản
Đời sống tâm linh thật diệu kỳ!


Tôn Nữ Hỷ Khương sinh năm 1937 tại Vỹ Dạ (Huế)- bà là con của nhà thơ nổi tiếng ưng Bình Thúc Giạ Thị - một nhà viết tuồng nổi tiếng đã viết những câu hò mà nhiều người đã lầm tưởng là từ dân gian như " Chiều chiều trên bến Vân Lâu - Ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm..."

Bà cũng có rất nhiều tập thơ được nhiều người biết đến và yêu mến. Chỉ có điều phần đông độc giả của bà là những người thuộc thế hệ lớn tuổi hay cùng làm trong ngành nghệ thuật, có liên quan đến nghệ thuật như Giáo sư Trần Văn Khê hay GS Hoàng Chương. Thế hệ trẻ không biết đến thơ bà nhiều, có lẽ bởi thơ bà chứa đựng những tâm tư và trải nghiệm với cuộc sống nhiều, dù thơ bà rất giản dị, dễ đi vào lòng người .

Cũng vậy, bài thơ " Còn gặp nhau thì hãy cứ vui" - giản dị, như một lời chân tình, nghe có chút gì âm hưởng của triết lý đạo Phật. Trong cuộc đời, có hiềm khích, có ghen tị, có giận hờn và cả những tổn thương... nhưng đừng để lòng mình chất chứa, thả trôi lòng mình để nhìn thấy những điều tốt lành nơi người khác. Cuộc sống cần có một tấm lòng rộng mở và bao dung. ..

Đã bao giờ trên con đường mình đi, bất chợt gặp lại một người từng làm mình tổn thương, tưởng chừng sẽ không bao giờ còn gặp lại - Đã bao giờ vô tình phải đối mặt lại với người mà từng giận đến mức thề sẽ không bao giờ nhìn mặt - thì hãy để lòng mình lắng lại, bình yên... rồi hãy "cứ vui, cứ chào, cứ chơi và cứ thương ...". Bước qua được giận dữ, sẽ thấy mình "an nhiên tự tại, lòng thanh thản".

Nhớ Kinh Phật cũng có nói "Quên oán nhớ ơn sâu, đó là phép mầu của con người biết sống" và bài thơ giản dị "Còn gặp nhau thì hãy cứ vui" cũng chứa đựng ít nhiều âm hưởng câu nói ấy .

-100 bài thơ hay thế kỷ 20 được công bố tại Quốc Tử Giám nhân ngày thơ Việt Nam .

1 ) Nguyên Tiêu - Hồ Chí Minh.
2 ) Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử.
3 ) Hai sắc hoa tigôn - T.T.KH.
4 ) Bến đò ngày mưa - Anh Thơ.
5 ) Quê hương - Giang Nam.
6 ) Nguyệt cầm - Xuân Diệu.
7 ) Mắt buồn - Bùi Giáng.
8 ) Thu điếu - Nguyễn Khuyến.
9 ) Những bóng người trên sân ga - của Nguyễn Bính.
10) Núi Đôi - Vũ Cao.
11) Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm.
12) Tràng Giang - Huy Cận.
13) Say đi em - Vũ Hoàng Chương.
14) Đường về quê mẹ - Đoàn Văn Cừ.
15) Tây tiến - Quang Dũng.
16) Thăm mả cũ bên đường - Tản Đà.
17) Đường khuya trở bước - Đinh Hùng.
18) Tỳ bà - Bích Khê.
19) Tiếng thu - Lưu Trọng Lư.
20) Nhớ rừng - Thế Lữ.
21) Cuộc chia ly màu đỏ - Nguyễn Mỹ.
22) Thị Màu - Anh Ngọc.
23) Trời và đất - Phan Thị Thanh Nhàn.
24) Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương - Việt Phương.
25) Lời mẹ dặn - Phùng Quán.
26) Có khi nào - Bùi Minh Quốc.
27) Tự hát - Xuân Quỳnh.
28) Áo lụa Hà Đông - Nguyên Sa.
29) Tống biệt hành - Thâm Tâm.
30) Nghe tiếng cuốc kêu - Hữu Thỉnh.
31) Màu thời gian - Đoàn Phú Tứ.
32) Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng - Chế Lan Viên.
33) Thương vợ - Trần Tế Xương.
34) Em tắm - Bạc Văn Ùi.
35) Nhớ vợ - Cầm Vĩnh Ui.
36) Đồng chí - Chính Hữu.
37) Viếng bạn - Hoàng Lộc.
38) Ông đồ - Vũ Đình Liên.
39) Những mùa trăng mong chờ - Lê Thị Mây.
40) Khi con tu hú - Tố Hữu.
41) Mưa đêm lều vó - Trần Huyền Trân.
42) Bài thơ tình ở Hàng Châu - Tế Hanh.
43) Bến Mi Lăng - Yến Lan.
44) Chiều - Hồ Dzếnh.
45) Tạm biệt Huế - Thu Bồn.
46) Đêm nay Bác không ngủ - Minh Huệ.
47) Vào chùa - của Đồng Đức Bốn.
48) Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc - Văn Cao.
49) Sư đoàn - Phạm Ngọc Cảnh.
50) Ngày Hòa bình đầu tiên - Phùng Khắc Bắc.
51) Anh đừng khen em - Lâm Thị Mỹ Dạ.
52) Nhớ - Hồng Nguyên.
53) Dặn con - Trần Nhuận Minh.
54) Khóc người vợ hiền - Tú Mỡ.
55) Một ngày ta ngoái lại - Đinh Thị Thu Vân.
56) Người đàn bà ngồi đan - Ý Nhi.
57) Dọn về làng - Nông Quốc Chấn.
58) Đò lèn - Nguyễn Duy.
59) Cha tôi - Lê Đạt.
60) Mẹ và quả - Nguyễn Khoa Điềm
61) Núi mường Hung dòng sông Mã - Cầm Giang.
62) Những đứa trẻ chơi trước cửa đền - Thi Hoàng
63) Nỗi niềm Thị Nở - Quang Huy.
64) Lên Cấm sơn - Thôi Hữu.
65) Lời nói dối nhân ái - Trang Thế Hy.
66) Gánh nước đêm - Á Nam Trần Tuấn Khải.
67) Hội Lim - Vũ Đình Minh.
68) Nhớ máu - Trần Mai Ninh.
69) Đợi - Vũ Quần Phương.
70) Tên làng - Y Phương.
71) Bài thơ của một người yêu nước mình - Trần Vàng Sao
72) Người đẹp - Lò Ngân Sủn.
73) Đồng dao cho người lớn - Nguyễn Trọng Tạo.
74) Dấu chân qua trảng cỏ - Thanh Thảo.
75) Đất nước - Nguyễn Đình Thi.
76) Những người đàn bà gánh nước sông - Nguyễn Quang Thiều.
77) Bao giờ trở lại - Hoàng Trung Thông.
78) Bờ sông vẫn gió - Trúc Thông.
79) Thăm lúa - Trần Hữu Thung.
80) Nói sao cho vợi - Thu Trang.
81) Bên mộ cụ Nguyễn Du - Vương Trọng.
82) Nhớ Huế quê tôi - Thanh Tịnh.
83) Bếp lửa - Bằng Việt.
84) Vườn trong phố - Lưu Quang Vũ.
85) Miền Trung - Hoàng Trần Cương.
86) Lên Côn Sơn - Khương Hữu Dụng.
87) Đọc thơ ức Trai - Sóng Hồng.
88) Đêm mưa - Hoàn.
89) Cửu Long giang ta ơi - Nguyên Hồng.
90) Người về - Hoàng Hưng.
91) Trở về quê nội - Ca Lê Hiến.
92) Một vị tướng về hưu - Nguyễn Đức Mậu.
93) Gửi bác Trần Nhuận Minh - Trần Đăng Khoa.
94) Đèo cả - Hữu Loan.
95) Cô bộ đội ấy đã đi rồi - Phạm Tiến Duật.-
96) Quê hương - Nguyễn Bá Chung.
97) Cổ lũy cô thôn - Phạm Thiên Thư.
98) Bông và mây - Ngô Văn Phú.
99) Mẹ - Nguyễn Ngọc Oánh.
100) Tháp Chàm - Văn Lê.

Quê hương

Tác giả: Giang Nam

Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ
"Ai bảo chăn trâu là khổ?"
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao
Những ngày trốn học
Đuổi bướm cầu ao
Mẹ bắt được..
Chưa đánh roi nào đã khóc!
Có cô bé nhà bên
Nhìn tôi cười khúc khích..

Cách mạng bùng lên
Rồi kháng chiến trường kỳ
Quê tôi đầy bóng giặc
Từ biệt mẹ, tôi đi
Cô bé nhà bên (có ai ngờ)
Cũng vào du kích
Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích
Mắt đen tròn (thương quá đi thôi)
Giữa cuộc hành quân không nói được một lời
Đơn vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại
Mưa đầy trời nhưng lòng tôi ấm mãi..

Hòa bình tôi trở về đây
Với mái trường xưa, bãi mía, luống cày
Lại gặp em
Thẹn thùng nép sau cánh cửa
Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ
Chuyện chồng con (khó nói lắm anh ơi!)
Tôi nắm bày tay nhỏ nhắn ngậm ngùi
Em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng
Hôm nay nhận được tin em
Không tin được dù đó là sự thật
Giặc bắn em rồi, quăng mất xác
Chỉ vì em là du kích em ơi!
Đau xé lòng tôi, chết nửa con người..

Xưa quê hương vì có chim, có bướm
Có những ngày trốn học vị đòn, roi
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi.

1960

Những bóng người trên sân ga

Tác giả: Nguyễn Bính

Những cuộc chia lìa khởi từ đây
Cây đàn sum họp đứt tuôn dây
Những lời bèo bọt, thân đơn chiếc
Lần lượt theo nhau suốt tháng ngày

Có lần tôi thấy hai cô bé
Sát má vào nhau khóc sụt sùi
Hai bóng chung lưng thành một bóng
- Đường về nhà chị chắc xa xôi

Có lần tôi thấy một người yêu
Tiễn một người yêu một buổi chiều
ở một ga nào xa vắng lắm
Họ cầm tay họ bóng xiêu xiêu

Hai chàng tôi thấy tiễn đưa nhau
Kẻ ở sân ga kẻ cuối tàu
Họ giục nhau về ba bốn bận
Bóng nhòa trong bóng tối từ lâu

Có lần tôi thấy vợ chồng ai
Thèn thẹn chia tay bóng chạy dài
Chị mở khăn trầu anh thắt lại
- Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi!

Có lần tôi thấy một bà già
Đưa tiễn con đi một chốn xa
Tàu chạy lâu rồi bà vẫn đứng
Lưng còng đổ bóng xuống sân ga

Có lần tôi thấy một người đi
Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân ly

Những chiếc khăn màu thổn thức bay
Những bàn tay vẫy những bàn tay
Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt
Buồn ở đâu hơn ở chốn này

Tôi đã từng chờ những chuyến xe
Đã từng đưa đón kẻ đi về
Sao nhà ga ấy sân ga ấy
Chỉ để cho lòng dấu biệt ly

 NÚI ĐÔI
Tác giả: VŨ CAO

Bảy năm về trước em mười bảy
Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng
Xuân Dục, Đoài Đông hai nhánh lúa
Bữa thì anh tới bữa em sang.

Lối ta đi giữa hai sườn núi
Đôi ngọn nên làng gọi núi Đôi
Em vẫn đùa anh sao khéo thế
Núi chồng, núi vợ đứng song đôi.

Bỗng cuối mùa chiêm quân giặc tới
Ngõ chùa cháy đỏ những thân cau
Mới ngỏ lời thôi đành lỗi hẹn
Ai ngờ từ đó mất tin nhau.

Anh vào bộ đội lên Đông Bắc
Chiến đấu quên mình năm lại năm
Mỗi bận dân công về lại hỏi
Ai người Xuân Dục Núi Đôi chăng.

Anh nghĩ quê ta giặc chiếm rồi
Trăm nghìn căm uất bao giờ nguôi
Mỗi tin súng nổ vùng đai địch
Sương trắng người đi lại nhớ người.

Đồng đội có nhau thường nhắc nhở
Trung du làng nước vẫn chờ trông
Núi Đôi bốt dựng kề ba xóm
Em vẫn đi về những bến sông.

Náo nức bao nhiêu ngày trở lại
Lệnh trên ngừng bắn anh về xuôi
Hành quân qua tắt đường sang huyện
Anh nhớ thăm nhà thăm Núi Đôi.

Mới đến đầu ao tin sét đánh
Giặc giết em rồi, dưới gốc thông
Giữa đêm bộ đội vây đồn Thứa
Em sống trung thành chết thuỷ chung.

Anh ngước nhìn lên hai dốc núi
Hàng thông, bờ cỏ, con đường quen
Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói
Núi vẫn Đôi mà anh mất em.

Dân chợ Phù Linh ai cũng bảo
Em còn trẻ lắm, nhất làng trong
Mấy năm cô ấy làm du kích
Không hiểu vì sao chẳng lấy chồng.

Từ núi qua thôn đường nghẽn lối
Xuân Dục Đoài Đông cỏ ngút đầy
Sân biến thành ao nhà đổ chái
Ngổn ngang bờ bụi cánh dơi bay.

Cha mẹ dìu nhau về tận đất
Tóc bạc thương từ mỗi gốc cau
Nứa gianh nửa mái lều che tạm
Sương trắng khuấy dần chuyện xót đau.

Anh nghe có tiếng người qua chợ
Ta gắng mùa sau lúa sẽ nhiều
Ruộng thấm mồ hôi từng nhát cuốc
Làng ta rồi đẹp biết bao nhiêu.

Nhưng núi còn kia anh vẫn nhớ
Oán thù còn đó anh còn đây
Ở đâu cô gái làng Xuân Dục
Đã chết vì dân giữa đất này?

Ai viết tên em thành liệt sĩ
Bên những hàng bia trắng giữa đồng
Nhớ nhau anh gọi em, đồng chí
Một tấm lòng trong vạn tấm lòng.

Anh đi bộ đội sao trên mũ
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường
Em sẽ là hoa trên đỉnh núi
Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm.

 Bên Kia Sông Đuống
Tác giả: Hoàng Cầm

Em ơi! Buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lỳ
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ

Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc
Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay

Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm đồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn

Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu

Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa đôi ngả
Đám cưới chuột tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu ?

Ai về bên kia sông Đuống
Cho ta gửi tấm the đen
Mấy trăm năm thấp thoáng
mộng bình yên
Những hội hè đình đám
Trên núi Thiên Thai
Trong chùa Bút Tháp
Giữa huyện Lang Tài
Gửi về may áo cho ai
Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu
Những nàng môi cắn chỉ quết trầu
Những cụ già phơ phơ tóc trắng
Những em xột xoạt quần nâu
Bây giờ đi đâu ? Về đâu ?

Ai về bên kia sông Đuống
Có nhớ từng khuôn mặt búp sen
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng
Chợ Hồ, chợ Sủi người đua chen
Bãi Tràm chỉ người dăng tơ nghẽn lối
Những nàng dệt sợi
Đi bán lụa mầu
Những người thợ nhuộm
Đồng Tỉnh, Huê Cầu
Bây giờ đi đâu ? Về đâu ?

Bên kia sông Đuống
Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong
Dăm miếng cau khô
Mấy lọ phẩm hồng
Vài thếp giấy dầm hoen sương sớm
Chợt lũ quỷ mắt xanh trừng trợn
Khua giầy đinh đạp gẫy quán gầy teo
Xì xồ cướp bóc
Tan phiên chợ nghèo
Lá đa lác đác trước lều
Vài ba vết máu loang chiều mùa đông

Chưa bán được một đồng
Mẹ già lại quẩy gánh hàng rong
Bước cao thấp trên bờ tre hun hút
Có con cò trắng bay vùn vụt
Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu ?
Mẹ ta lòng đói dạ sầu
Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ

Bên kia sông Đuống
Ta có đàn con thơ
Ngày tranh nhau một bát cháo ngô
Đêm líu díu chui gầm giường tránh đạn
Lấy mẹt quây tròn
Tưởng làm tổ ấm
Trong giấc thơ ngây tiếng súng dồn tựa sấm
Ú ớ cơn mê
Thon thót giật mình
Bóng giặc dày vò những nét môi xinh

Đã có đất này chép tội
Chúng ta không biết nguôi hờn

Đêm buông xuống dòng sông Đuống
-- Con là ai ? -- Con ở đâu về ?

Hé một cánh liếp
-- Con vào đây bốn phía tường che
Lửa đèn leo lét soi tình mẹ
Khuôn mặt bừng lên như dựng giăng
Ngậm ngùi tóc trắng đang thầm kể
Những chuyện muôn đời không nói năng
Đêm đi sâu quá lòng sông Đuống
Bộ đội bên sông đã trở về
Con bắt đầu xuất kích
Trại giặc bắt đầu run trong sương
Dao loé giữa chợ
Gậy lùa cuối thôn
Lúa chín vàng hoe giặc mất hồn
Ăn không ngon
Ngủ không yên
Đứng không vững
********* phát điên
Quay cuồng như xéo trên đống lửa
Mà cánh đồng ta còn chan chứa
Bao nhiêu nắng đẹp mùa xuân
Gió đưa tiếng hát về gần
Thợ cấy đánh giặc dân quân cày bừa
Tiếng bà ru cháu buổi trưa
Chang chang nắng hạ võng đưa rầu rầu
"À ơi... cha con chết trận từ lâu
Con càng khôn lớn càng sâu mối thù"
Tiếng em cắt cỏ hôm xưa
Hiu hiu gió rét mịt mù mưa bay
"Thân ta hoen ố vì mày
Hờn ta cùng với đất này dài lâu..."

Em ơi! Đừng hát nữa! Lòng anh đau
Mẹ ơi! Đừng khóc nữa! Dạ con sầu
Cánh đồng im phăng phắc
Để con đi giết giặc
Lấy máu nó rửa thù này
Lấy súng nó cầm chắc tay
Mỗi đêm một lần mở hội
Trong lòng con chim múa hoa cười
Vì nắng sắp lên rồi
Chân trời đã tỏ
Sông Đuống cuồn cuộn trôi
Để nó cuốn phăng ra bể
Bao nhiêu đồn giặc tơi bời
Bao nhiêu nước mắt
Bao nhiêu mồ hôi
Bao nhiêu bóng tối
Bao nhiêu nỗi đời

Bao giờ về bên kia sông Đuống
Anh lại tìm em
Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi trảy hội non sông
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh.

Việt Bắc, tháng 4, 1948 

 

 Đường Về Quê Mẹ
Tác giả: Đoàn Văn Cừ

U tôi ngày ấy mỗi mùa xuân,
Dặm liễu mây bay sắc trắng ngần,
Lại dẫn chúng tôi về nhận họ
Bên miền quê ngoại của hai thân.

Tôi nhớ đi qua những rặng đề,
Những dòng sông trắng lượn ven đê .
Cồn xanh, bãi tía kề liên tiếp,
Người xới cà, ngô rộn bốn bề .

Thúng cắp bên hông, nón đội đầu,
Khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu
Trông u chẳng khác thời con gái
Mắt sáng, môi hồng, má đỏ au .

Chiều mát, đường xa nắng nhạt vàng,
Đoàn người về ấp gánh khoai lang,
Trời xanh cò trắng bay từng lớp,
Xóm chợ lều phơi xác lá bàng.

Tà áo nâu in giữa cánh đồng,
Gió chiều cuốn bụi bốc sau lưng.
Bóng u hay bóng người thôn nữ
Cúi nón mang đi cặp má hồng.

Tới đường làng gặp những người quen.
Ai cũng khen u nết thảo hiền,
Dẫu phải theo chồng thân phận gái
Đường về quê mẹ vẫn không quên.

  Con gái Bản Tông 

Của Lò Ngân Sủn: 

Mông em tròn mập như bắp chuối.
Váy em buộc thắt đáy lưng ong.
Ngực em căng hai bầu sữa ngọt.
Tóc chảy xuống như một dòng suối.
Mắt em tỏa ánh sao mơ.
Hai má em như hai quả đào chín.
Hai môi em như hai miếng thịt nướng.
Thân hình em trông như một bó củi chắc nịch.
Da thịt em hừng hực như lửa.
Vai em khỏe như vai con trâu.
Bụng em khỏe như lưng con ngựa.
Để em thồ tình yêu, chở hạnh phúc.
Để em vui những cuộc chợ phiên 




Thăm lúa
Bài thơ "Thăm lúa" là một bài thơ hay của nhà thơ Trần Hữu Thung. Bài thơ được ông viết năm 1950 trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Thăm lúa mang giọng thơ năm chữ, đôi chỗ gợi nhớ nhịp điệu hát dặm Nghệ - Tĩnh, nhưng đã đầy đủ cốt cách một thi phẩm mới mẻ của nền thơ cách mạng đang thời trứng nước và được phổ biến rộng rãi khắp cả đất nước, đoạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước, (giải thưởng thơ tại Liên hoan thanh niên thế giới ở Buy- ca- rét 1953), được đưa vào Sách giáo khoa THPT. Bài thơ được xếp vào 100 bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ 20.
Ông sinh năm 1923, tại Diễn Minh, Diễn Châu, Nghệ An. Ông hoạt động Việt Minh bí mật tại quê nhà từ 1944, Trong kháng chiến chống Pháp là cán sự văn hóa, cán bộ tuyên truyền. Làm thơ, viết ca dao nhiều từ dạo đó. Trần Hữu Thung có phong cách một nhà thơ dân gian. Thơ đối với ông, những ngày đầu cầm bút, chỉ là phương tiện công tác, ông viết để ca ngợi chiến công, phổ biến chủ trương chính sách, phản ánh đời sống người nông dân kháng chiến. Lời lẽ mộc mạc, tình cảm thật thà, từng là Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam; cán bộ Vụ Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương; Hội trưởng Hội Văn nghệ Nghệ - Tĩnh. Ông mất năm 1999 tại quê nhà.
CV sưu tầm và giới thiệu với các bạn bài: Thăm lúa của nhà thơ Trần Hữu Thung. Mời các bạn cùng đọc và suy ngẫm và chia sẻ nha.


Thăm lúa (Trần Hữu Thung)
Mặt trời càng lên tỏ
Bông lúa chín thêm vàng
Sương treo đầu ngọn gió
Sương lại càng long lanh.

Bay vút tận trời xanh
Chiền chiện cao tiếng hót
Tiếng chim nghe thánh thót
Văng vẳng khắp cánh đồng

Đứng chống cuốc em trông
Em thấy lòng khấp khởi
Bởi vì em nhớ lại
Một buổi sớm mai ri

Anh tình nguyện ra đi
Chiền chiện cao cùng hót
Lúa cũng vừa sẫm hột
Em tiễn anh lên đường
Chiếc xắc mây anh mang

Em nách mo cơm nếp
Lúa níu anh trật dép
Anh cúi sửa vội vàng
Vượt cánh đồng tắt ngang

Đến bờ ni anh bảo
"Ruộng mình quên cày xáo
Nên lúa chín không đều
Nhớ lấy để mùa sau
Nhà cố làm cho tốt"

Xa xa nghe tiếng hát
Anh thấy rộn trong lòng
Sắp đến chỗ người đông
Anh bảo em ngoái lại

Cam ba lần ra trái
Bưởi ba lần ra hoa
Anh bước chân đi ra
Từ ngày đầu phòng ngự

Bước qua kì cầm cự
Anh có gửi lời về
Cầm thư anh mân mê
Bụng em giừ phấp phới

Anh đang mùa thắng lợi
Lúa em cũng chín rồi
Lúa tốt lắm anh ơi
Giải thi đua em giật

Xoè bàn tay bấm đốt
Tính cũng bốn năm ròng
Người ta bảo không mong
Ai cũng nhủ đừng trông

Riêng em thì vẫn nhớ

Chuối đầu vườn đã lổ
Cam đầu ngõ đã vàng
Em nhớ ruộng nhớ vườn
Không nhớ anh răng được

Mùa sau kề mùa trước
Em vác cuốc thăm đồng
Lúa sây hạt nặng bông
Thấy vui vẻ trong lòng
Em mong ngày chiến thắng.

01-01-1950

LỜI BÌNH
Bài thơ Thăm lúa của nhà thơ Trần Hữu Thung có nội dung giống như một truyện ngắn. Có nhân vật (hai vợ chồng), có cốt truyện mạch lạc (vợ tiễn chồng ra mặt trận, chờ đợi bốn năm chưa thấy chồng về, nhưng vẫn thuỷ chung chờ đợi, tin ngày chiến thắng) và có cả tính cách nhân vật, anh chồng là một chàng trai bẽn lẽn (Sắp tới chỗ người đông/ Anh bảo em ngoái lại) và chị vợ là người tần tảo, đảm đang, thuỷ chung, nồng nàn (Ai cũng nhủ đừng mong, Riêng em thì em nhớ). Vậy thì bài thơ trả lời ngay rằng, bài thơ sống được chính là vì cái "chất truyện" thấm đẫm trong hồn cốt và nhờ cái giọng thơ mộc mạc, chân chất, cái điệu thơ như một bài ví dặm của xứ Nghệ quê hương nhà thơ!
Nhân vật và tâm trạng của các nhân vật trong cuộc đưa tiễn trong thơ Trần Hữu Thung gần gũi với chúng ta, và nhất là tình người trong cảnh chia ly:
Cái sắc mây anh mang
Em nách mo cơm nếp
… Xa xa nghe tiếng hát
Anh thấy rộn trong lòng…
Chia tay người vợ để ra trận, đi chiến đấu cho một lý tưởng tốt đẹp là giải phóng đất nước, thì cái "mo cơm nếp" của người vợ và đôi dép cao su của người chồng (lúa níu anh trật dép) của Trần Hữu Thung, những chi tiết ấy cũng chỉ là cái hiện đại bên ngoài, cái vẻ ngoài của vợ chồng người chiến sỹ mà thôi. Cái hiện đại đích thực nằm bên trong, nghĩa là trong tâm hồn và bản lĩnh của con người hiện đại. Ra đi rồi, người lính dặn vợ ở lại điều gì. Thì đây, điều quan thiết nhất của anh là:
"Ruộng mình quên cày xáo
Nên lúa chín không đều
Nhớ lấy để mùa sau
Nhà cố làm cho tốt!"
Nếu có một lỗi no âu còn vướng bận trong lòng người chiến sỹ nông dân ấy thì đó là nỗi lo cho ruộng đồng, cho mùa màng mà thôi! Bản chất tính cách và tâm hồn nhân vật thơ được thể hiện rõ ràng được khắc hoạ rất điển hình trong lời đối thoại kia. Không những thế, để thể hiện bản chất của người đàn ông "ra đi không vướng thê nhi", nhà thơ chỉ biết hai câu rất nhẹ nhàng, giản dị:
Sắp đến chỗ người đông
Anh bảo em ngoái lại
Viết hai câu thơ trên, tôi cứ nghĩ nhà thơ sẽ mỉm cười hóm hỉnh và tự chiêu một ngụm nước chè, nếu không phải là một ly rượu!
Nửa bài thơ còn lại, nhà thơ giành để mô tả người vợ nơi quê nhà, thể hiện tâm trạng, tình cảm của một "nàng vọng phu" mới. Nàng vọng phu hiện đại đếm tháng ngày xa chồng bằng mùa vụ cây trồng, hơn thế, nàng còn đếm những tháng năm xa bằng những "mùa chiến dịch".
Cam ba lần có trái
Bưởi ba lần ra hoa
Anh bước chân ra đi
Từ ngày đầu phòng ngự
Bước qua kỳ cầm cự…
Thật là một cách đếm tháng ngày vô chừng độc đáo, có một không hai, mà có lẽ duy chỉ có những người đàn bà xa chồng (người xứ Nghệ) mới đếm được! Đợi mãi rồi cũng nhận được một lá thư từ chiến trường gửi về, niềm vui vô hạn ấy được thể hiện lặng lẽ và kín đáo làm sao: Cầm thư anh mân mê /Bụng em giừ phấp phới. Trong niềm vui ấy, người phụ nữ hậu phương liền ngầm nảy ra ý định thi đua với chồng nơi tiền tuyến:
Anh đang mùa thắng lợi
Lúa em cũng chín rồi
Lúa tốt lắm anh ơi
Giải thi đua em giật
Thế rồi, một năm nữa lại trôi đi, nỗi nhớ thương trong lòng người thiếu phụ nơi quê nhà càng thêm cháy bỏng. Chị lại bắt đầu đếm từng ngày, từng ngày trôi qua trên những đốt ngón tay:
Xòe bàn tay bấm đốt
Tính đã bốn năm ròng
Người ta bảo không trông
Ai cũng nhủ đừng mong
Riêng em thì em nhớ
Trong những câu thơ trên, Trần Hữu Thung tỏ ra rất lão luỵên và tinh diệu trong xử lý ngôn ngữ. Ba tiếng trông, mong, nhớ được nhà thơ sử dụng với ba màu sắc tình cảm khác nhau. Nếu như trông và mong có quan hệ tương tác giữa hai đầu thương nhớ, có thể làm cho người ở nơi xa kia nóng ruột, thì người phụ nữ thương chồng này chỉ chọn chữ "nhớ" thôi. Nhớ nghĩa là chỉ từ một phía, phía chủ thể, phía chủ quan, phía hi sinh hứng chịu, phía đợi chờ…
Nỗi nhớ sẽ không ảnh hưởng gì đến người được nhớ, để người ấy yên tâm mà đánh giặc, không máy mắt, không nóng ruột, sốt lòng. Rõ ràng biện pháp tu từ ở đây là hết sức tự giác, thể hiện một bản lĩnh rất cao cường. Sự phân trần tiếp sau đó của người thiếu phụ mới chân thành và cảm động lòng người làm sao:
Chuối đầu vườn đã lổ
Cam đầu ngõ đã vàng
Em nhớ ruộng, nhớ vườn
Không nhớ anh răng được?!
Bài thơ khép lại bằng khổ thơ cuối thanh thản hơn, tự tin và cũng tin tưởng hơn vào ngày thắng lợi. Dường như chịu đựng mãi rồi cũng quen người phụ nữ không đếm từng ngày nữa. Nhìn vào mùa màng bội thu, biết công sức của mình đã được đền đáp, chị chỉ còn trông chờ vào ngày chiến thắng anh sẽ về.
Mùa sau kề mùa trước
Em vác cuốc thăm đồng
Lúa sây hạt nặng bông
Thấy vui vẻ trong lòng
Em trông ngày chiến thắng!
Giống như các nhà thơ cùng thời, trong bài thơ Thăm lúa, nhà thơ Trần Hữu Thung cũng sử dụng rất nhiều từ địa phương (vùng Nghệ Tĩnh). Nào là: Sáng mai ni, đến bờ ni, nào là: bụng em chừ, ai cũng nhủ, chuối … đã lổ, răng được… Những từ ngữ địa phương ấy không những không làm "địa phương hoá" bài thơ mà còn tạo được một nét duyên thầm cho phong cách thơ, tạo nên sự chân thực của cảm xúc, màu sắc riêng tư của tác giả để bài thơ trở nên đặc sắc, riêng biệt, không thể trộn lẫn. Ông vẫn rõ là nhà thơ dân gian, với tất cả phẩm chất cao quý của từ này.




Người con gái Việt Nam

                                                                          (Kính tặng nữ anh hùng Trần Thị Lý)

Em là ai ? Cô gái hay nàng tiên
Em có tuổi hay không có tuổi
Mái tóc em đây, hay là mây là suối
Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông
Thịt da em hay là sắt là đồng ?

Cho tôi hôn bàn chân em lạnh ngắt
Cho tôi nâng bàn tay em nắm chặt
Ôi bàn tay như đôi lá còn xanh
Trên mình em đau đớn cả thân cành

Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng
Em đã sống lại rồi, em đã sống!
Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung
Không giết được em, người con gái anh hùng!

Ôi trái tim em trái tim vĩ đại
Còn một giọt máu tươi còn đập mãi
Không phải cho em. Cho lẽ phải trên đời
Cho quê hương em. Cho Tổ quốc, loài người!

Từ cõi chết, em trở về, chói lọi
Như buổi em đi, ngọn cờ đỏ gọi
Em trở về, người con gái quang vinh
Cả nước ôm em, khúc ruột của mình.

Em đã sống, bởi vì em đã thắng
Cả Nước bên em, quanh giường nệm trắng
Hát cho em nghe như tiếng mẹ ngày xưa
Sông Thu Bồn giọng hát đò đưa...

Cả nước cho em, cho em tất cả
Máu tiếp máu, cho lại hồng đôi má
Cho mái tóc em xanh lại ngày xuân
Cho thịt da em lại nở trắng ngần

Em sẽ đứng trên đôi chân tuổi trẻ
Đôi gót đỏ lại trở về quê mẹ
Em sẽ đi, trên đường ấy thênh thang
Như những ngày xưa, rực rỡ sao vàng!

Ôi đôi mắt của em nhìn, rất đẹp
Hãy sáng mãi niềm tin tươi ánh thép
Như quê em Gò Nổi, Kỳ Lam
Hỡi em, người con gái Việt Nam!

(7-12-1958) Tố Hữu



Đợi Anh Về 
Konstantin Mikhailovich Simonov (Tố Hữu dịch)


Em ơi đợi anh về
Đợi anh hoài em nhé
Mưa có rơi dầm dề
Ngày có buồn lê thê
Em ơi em cứ đợi.
Dù tuyết rơi gió thổi
Dù nắng cháy em ơi
Bạn cũ có quên rồi
Đợi anh về em nhé!
Tin anh dù vắng vẻ
Lòng ai dù tái tê
Chẳng mong chi ngày về
            Thì em ơi cứ đợi! 


Em ơi em cứ đợi
Dù ai thương nhớ ai
Chẳng mong có ngày mai
Dù mẹ già con dại
Hết mong anh trở lại
Dù bạn viếng hồn anh
Yên nghỉ nấm mồ xanh
Nâng chén tình dốc cạn
Thì em ơi mặc bạn
Đợi anh hoài em nghe
Tin rằng anh sắp về!
Đợi anh anh lại về.
           Trông chết cười ngạo nghễ.


Ai ngày xưa rơi lệ
Hẳn cho sự tình cờ
Nào có biết bao giờ
Bởi vì em ước vọng
Bời vì em trông ngóng
Tan giặc bước đường quê
Anh của em lại về.
Vì sao anh chẳng chết?
Nào bao giờ ai biết
Có gì đâu em ơi
Chỉ vì không ai người.
            Biết như em chờ đợi.

Em đi tìm anh trên bán đảo Ban-căng

                      Khổng Văn Đương

Em đi tìm anh trên bán đảo Ban-căng
Tìm không thấy chỉ thấy trời im lặng
Một mình em trong màn đêm thanh vắng
Tim bồi hồi chân bước vội dưới trăng

Em trèo lên đỉnh núi cao Các-pát
Nhìn theo anh mất hút biết về đâu
Chân ai đi xa lắc tím trời Âu
Dòng nước mắt bỗng trào ra chua chát!

Em lại đến Biển Đen xưa dào dạt
Sóng xô bờ liên tiếp gọi triền miên
Buồn! Chao ôi, gió làm em phiêu bạt
Thân cô đơn kinh khiếp cả trăng hiền!

Ôi dòng xanh rầm rì sông Đa- nuýp
Mây trời in lồng lộng giữa dòng sông
Nên ngàn năm êm đềm trôi một nhịp
Chỉ mình em nhức nhối vết thương lòng!


Hỡi trái đất rộng làm chi bát ngát

Cho loài người chia biên giới thế gian
Cho sa mạc nổi bùng cơn bão cát
Cho tình anh chưa bén đã lụi tàn?


Em xin hỏi Trời cao và Đức Phật

Cõi Niết Bàn có mãi mãi mùa xuân
Đâu trời Tây, đâu xa gần cực lạc
Mà trần gian đầy bể khổ trầm luân?


Con lạy Chúa Jêsu ban phép lạ

Cho nước Người hết ly biệt, chia phôi
Hai chúng con quỳ trước Người đa tạ
Xin hoà tan làm một, ngàn đời!


Em cầu nguyện. Còn anh anh chẳng biết

Trái tim anh sao giá lạnh thờ ơ?
Và hôm nay dù tình anh đã hết
Em vẫn mong, vẫn hy vọng, vẫn chờ...


Vẫn trèo lên đỉnh cao Các-pat

Vẫn theo dòng Đa-nuýp những đêm trăng
Em lại đến Biển Đen xưa dào dạt
Đi tìm anh trên bán đảo Ban-căng!
                             Bucarest, 19-3-1969

Chuyện tình không biên giới và bài thơ tình hay nhất thế kỷ XX
                                                                          
          Chàng là một sinh viên Việt Nam tài hoa với rất nhiều tài lẻ, du học tại Rumani những năm 60 cuả thế kỷ XX. Nàng là sinh viên người bản xứ, xinh đẹp, tóc vàng, mắt biếc. Như duyên trời định, họ bất ngờ gặp và quen nhau trong một kỳ nghỉ hè bên bờ Biển Đen. Và họ yêu nhau. Tình yêu nồng nàn đắm say của tuổi trẻ dạt dào như sóng biển. Thế nhưng, do hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ quá khắc nghiệt, chàng bị "tổ chức" bắt buộc phải chia tay nàng mà không được tiết lộ với người yêu nguyên do... Bỗng dưng chàng biến mất, cô gái đã phát bệnh tâm thần và lang thang đi tìm người yêu ở tất cả những nơi trước đây 2 người đã từng hò hẹn, từng chỉ non thề biển... Chàng trai đau khổ đến tột cùng khi phải câm lặng chứng kiến nỗi đớn đau vì bị phụ tình của cô gái trong trái tim mình, chàng đã bật lên những lời thơ, mà lúc ấy chàng không hề nghĩ rằng nó đã lập tức trở thành những áng thơ tình bất hủ và sau này còn được bình chọn là một trong những bài thơ tình hay nhất thế kỷ XX...
          
 Rụt rè... vụ kiện đòi nhận bản quyền của "thi phẩm bất hủ"
Hơn 30 năm qua, các thế hệ sinh viên VN, đặc biệt là SV miền Bắc và những người yêu thơ đã cực kỳ yêu thích bài thơ "Em đi tìm anh trên Bán đảo Ban- căng", một bài thơ tình với những lời thơ nồng nàn, da diết: "Em đi tìm anh trên Bán đảo Ban-căng/ Tìm không thấy chỉ thấy trời im lặng/ Một mình em trong màn đêm thanh vắng/ Tim bồi hồi chân bước vội dưới trăng". Chúng tôi đã thuộc, đã chép cho nhau, truyền tay nhau những câu thơ tình bất hủ, mặc dù không biết tác giả là ai, nhưng ai cũng nghĩ rằng đó là câu chuyện tình của những chàng trai cô gái châu Âu xa xôi. Cho đến năm 1990, khi NXB Văn hoá cho ấn hành cuốn sách Almanach Người mẹ và phái đẹp, trong mục "Những bài thơ tình hay của Việt Nam và thế giới" đã tuyển chọn bài thơ này và ghi rất rõ tác giả là Onga Becgon (một nữ thi sỹ nổi tiếng của nước Nga) thì chúng tôi càng hồn nhiên tin rằng đó là một tác phẩm xuất sắc của thi ca châu Âu, mặc dù NXB không ghi rõ ai là dịch giả.
          Thật bất ngờ, cuối năm 2004, trong một lần gặp gỡ bạn bè thân thiết ở TP Hồ Chí Minh ra công tác Hà Nội, vô tình tôi được tiếp xúc với kỹ sư hóa học Khổng Văn Đương. Thấy chúng tôi nói chuyện văn chương, Khổng tiên sinh rụt rè thổ lộ rằng thời trẻ ông cũng từng làm thơ, ông có bài thơ "Em đi tìm anh trên Bán đảo Ban-căng" được in trong cuốn Almanach, nhưng tiếc rằng NXB lại nhầm là của Onga Becgon. Chúng tôi vô cùng sửng sốt. Nhưng sau khi nghe ông kể lại toàn bộ câu chuyện tình của ông khi còn là chàng SV Việt Nam trên đất Rumani với cô gái người bản xứ tóc vàng, bi kịch bị ép buộc phải từ bỏ tình yêu của mình và bức thư oán trách của cô gái đã là khởi nguồn cho bài thơ ra đời, thì chúng tôi đã thực sự bàng hoàng kinh ngạc. Và chúng tôi càng kính trọng tác giả của bài thơ hơn khi biết rằng suốt mấy chục năm qua, ông đã giữ im lặng hoàn toàn, cho dù hàng triệu người yêu thơ cũng như rất nhiều nhà xuất bản nghiễm nhiên coi "đứa con tinh thần" của ông là của người khác. Thấy chúng tôi chân thành khuyên ông nên làm đơn gửi kèm các chứng cứ đến Trung tâm quyền tác giả văn học (thuộc Hội Nhà văn VN) yêu cầu xác minh, chứng nhận bản quyền, Khổng Văn Đương rụt rè thổ lộ: ngay sau khi cuốn Anmanach do NXB Văn hoá xuất bản, ông đã viết một bức thư định gửi cho NXB yêu cầu đính chính, nhưng đắn đo mãi đến nay vẫn chưa gửi.
           

Chuyện tình không biên giới của chàng SV Việt

          Khổng Văn Đương sinh năm 1945, tuổi ất Dậu, quê ở Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Ông không chỉ học rất giỏi mà còn làm thơ hay. Đến nay ông vẫn còn lưu giữ nhiều bài thơ trong số hơn 100 bài do ông sáng tác, từ sáng tác "đầu tay" khi còn là HS phổ thông cho đến khi ông phải "ngửa mặt lên trời than rằng "từ nay ta không làm thơ nữa" và bẻ gãy cây bút vào năm 1969 bởi nỗi lòng đau khổ vì yêu"- theo như ông tâm sự. Năm 1965 ông được Bộ Giáo dục chọn đi học Đại học Hoá học tại trường Đại học Bách khoa Georges Dej Bucarest Rumani. Số phận run rủi hay duyên kỳ ngộ khiến mùa hè năm 1966 khi đi nghỉ mát tại Biển Đen, Khổng Văn Đương đã gặp Valentina một cô gái Rumani tóc vàng hạt dẻ, mắt xanh, cô 17 tuổi học sinh lớp 12.
-Một năm sau, vào dịp nghỉ hè năm 1967, Valentina lên nhà ông chú ở Bucarest chơi, ngay chỗ tôi đang học. Nàng gọi điện cho tôi đến chơi. Run bắn lên vì sung sướng, tôi vội vàng đi gặp nàng. Chúng tôi đã gắn bó với nhau suốt kỳ nghỉ hè. Đó là một thời gian tuyệt đẹp - Khổng tiên sinh bồi hồi nhớ lại. Tình yêu của hai chúng tôi nảy nở tốt đẹp, chúng tôi yêu bằng cả trái tim chân thành và trong sáng. Tôi đã cùng người bạn học thân thiết là anh Doanh về thăm nàng tại quê vào mùa đông năm 1967. Hôm đó bão tuyết mịt mùng, khi thấy tôi, nàng mừng đến nỗi nhảy chồm lên ôm lấy tôi, rồi nàng giới thiệu tôi với bố mẹ. Sau đó mỗi lần tôi đến chơi, mẹ nàng lại cho lúc giỏ táo, lúc trứng gà, lúc rượu trái cây. Nhưng tiếc rằng thời điểm đó chiến tranh chống Mỹ của nhân dân ta đang vào giai đoạn khốc liệt, nên chuyện yêu đương của bất cứ một SV Việt Nam nào với người bản xứ đều không được Ban chấp hành Đoàn và tổ chức SV tại Rumani chấp nhận. Tôi bị tổ chức phát hiện, bắt làm kiểm điểm và yêu cầu phải chấm dứt quan hệ. Thấy rõ nguy cơ nếu tiếp tục duy trì tình yêu thì sẽ bị trục xuất về nước, lúc đó thì gia đình, họ hàng dòng tộc chắc không ai thèm nhìn mặt tôi nữa, vả lại thâm tâm tôi cũng thấy phần nào có lỗi với các chiến sỹ ta đang chiến đấu ở chiến trường khốc liệt, do đó trong một lần đi chơi với Valentina, tôi đã đề nghị và quyết định hai chúng tôi phải cắt đứt quan hệ mà không nói lý do thực. Tôi hoàn toàn không ngờ việc đó đã gây ra một hậu quả rất đau buồn đối với nàng. Sau đó khoảng nửa tháng, tôi nhận được một lá thư  của Valentina với lời lẽ hết sức bi thiết và oán hận. Xúc động trước tình cảm chân thành, tha thiết này, tôi đã viết bài thơ "Em đi tìm anh trên bán đảo Bancăng" chỉ trong một buổi chiều. Bài thơ đã phỏng lại gần như toàn bộ nỗi niềm ai oán, giận hờn của Valentina thể hiện trong thư nàng và tâm hồn tôi lúc đó cũng vô cùng trơ trọi, trống vắng. Một điều hết sức đau khổ nữa là sau cú sốc đó, đang là SV trường Đại học Tổng hợp Bucarets, Valentina bị ngẩn ngơ đến nỗi phải nghỉ học mất một năm. Còn tôi bị tổ chức tịch thu tập thơ (trong đó có khoảng 50 bài tôi viết cho nàng), cả thư từ, ảnh chụp với nàng. Vì vậy tôi đã bẻ bút, thề không làm thơ nữa... Và cho đến nay, 40 năm trôi qua, tôi quả thực không hề làm một câu thơ nào nữa, nhưng tôi có thể sẽ công bố một số bài thơ sáng tác lúc còn... chưa bẻ bút...

 Kết thúc có hậu chính từ tình yêu đẹp trong cuộc sống

          -Vậy thời gian sau đó ông có thông tin gì về nàng không?
          -Sau khi về nước công tác, tôi vẫn canh cánh trong lòng nỗi niềm và lo lắng cho nàng. Nhưng thật may mắn, năm 1979, có dịp đi công tác tại Tiệp Khắc, tôi đã hồi hộp tìm kiếm cơ may gặp lại nàng. Đến Tiệp Khắc, tôi liền điện thoại tìm nàng. Mấy hôm sau nàng đã cùng chồng và một đứa con có mặt tại Tiệp Khắc thăm tôi. Lúc ấy nàng đang làm việc tại Hội hữu nghị Rumani-Đức. Tôi thật vui mừng khôn xiết vì nàng khoẻ mạnh, vẫn xinh đẹp và đã có hạnh phúc gia đình, không như tôi vẫn canh cánh lo cho nàng...
          Câu chuyện tình của Khổng Văn Đương quả có một kết thúc có hậu, và câu chuyện về bài thơ bị thất truyền của ông cũng đã kết thúc có hậu. Đó là sau khi nghe theo lời khuyên của chúng tôi, ông gửi hồ sơ đến Trung tâm Bản quyền của Hội Nhà văn VN, Trung tâm đã xác minh, và bài thơ "Em đi tìm anh trên Bán đảo Ban-Căng" đã được trả lại tên cho khổ chủ, Khổng Văn Đương được cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả.
Nhưng còn một bất ngờ nữa mà chàng thi sỹ từng "bẻ bút rồi ngửa mặt lên trời thề không làm thơ nữa" này không hề ngờ tới, đó là khi câu chuyện về tác giả đi tìm lại bản quyền thơ sau gần 40 năm của ông được chúng tôi đăng tải trên một tờ báo, lập tức có hàng nghìn bạn đọc ở khắp nơi trong nước và nước ngoài đã gửi thư, điện thoại liên hệ với ông và với toà soạn. Nhiều người bạn cùng học biết rõ về ông, về hoàn cảnh và xuất xứ bài thơ thì vui mừng vì tìm lại được bạn cũ sau mấy chục năm xa cách, còn những người khác là SV cùng thế hệ với ông tại Rumani, thuộc bài thơ, yêu quý bài thơ nhưng không hề biết mặt tác giả, hoặc quên mất tên tác giả, dù họ đều biết xuất xứ bài thơ là của một chàng SV Việt sáng tác tại Rumani. Khổng tiên sinh vui vẻ khoe:
-Ông Lâm Quế- nguyên là Bí thư thứ 2 Đại sứ quán VN tại Rumani phụ trách lưu học sinh thời ấy, cũng vừa đến thăm và an ủi tôi "Khổng Văn Đương nên coi chuyện cũ là một kỷ niệm...".
          -Thế là nhà hóa học Khổng Văn Đương bỗng nổi tiếng như cồn với tư cách một nhà thơ có tác phẩm bất hủ của thế kỷ?
          -Cuộc đời quả không định trước. Tôi bỗng nhiên gặp các bạn, khiến "máu" văn chương nổi lên, thế là đem câu chuyện gần 40 năm không ai biết ra kể. Thực ra cũng đã có lúc tôi định gửi thư cho NXB Văn hoá sau khi họ in Amanách, nhưng tôi lại sợ không ai tin mình chứ. Khi các bạn khuyên tôi nên gửi đơn đến Trung tâm bản quyền, tôi cũng làm theo với suy nghĩ không nhằm đòi hỏi một quyền lợi gì về vật chất mà chỉ mong bất kể ai cũng có thể sao chép vào những mục đích tuyên truyền văn hoá lành mạnh, tôi chỉ muốn bài thơ thêm chút thi vị và những bạn yêu thơ có quyền biết về nguồn gốc ra đời của tác phẩm...

Em đi tìm anh trên bán đảo Ban-căng
                          Khổng Văn Đương

Em đi tìm anh trên bán đảo Ban-căng
Tìm không thấy chỉ thấy trời im lặng
Một mình em trong màn đêm thanh vắng
Tim bồi hồi chân bước vội dưới trăng...

 




Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

Thêm một lá số đã kiểm nghiệm



Chào anh Lê Quang!
Nhờ Anh kiểm chứng giúp em, cuộc đời của em về cuối đời hình như không được tốt lắm đúng không ạ? Có gì không tốt anh cứ nói, em không sợ đâu ạ.
Em sinh vào 21g45' ngày 1/4/1973 (dl). Em cám ơn anh trước ạ!


-Chào em! Tổng hợp Lá Số của em đây:  
-Sinh Giờ ất hợi, ngày đinh mão, tháng ất mão, năm quý sửu.
Quẻ dich nhân mệnh là:
ĐỊA LÔI PHỤC
tl- -Tử Tôn Dậu Kim
hv- -Thê Tài Hợi Thủy
bh- -Huynh Đệ Sửu Thổ (Ứng)*
px- -Huynh Đệ Thìn Thổc
tr- -Quan Quỷ Dần Mộc
ct---Thê Tài Tí Thủy (Thế)
CHẤN VI LÔI
 - -HĐ Tuất Thổ (Thế)
- -TThân Kim
---PM Ngọ Hỏa
- -HĐ Thìn Thổ (Ứng)
- -Quan Dân Mộc
---Tài Tí Thủy
Thế Tài lâm tử địa, bị ứng khắc, được tl tử tôn hào 6 sinh, hào 5 quý nhân phù trợ, song hào 6 dậu bị xung phá nên lực hơi yếu. Tuy vậy đi ra vẫn có người quan tâm giúp đỡ, quý nhân phù trợ.
-Tứ trụ thuần âm, (Tuất hợi không). Có thiên ấn, Thất sát, thiên tài lộ; quý nhân hợi ngày, (mão năm); nhật chủ cường vượng; mệnh mộc sinh tháng 2 mùa xuân được vượng. Tính khí hơi thất thường, không được ổn định lắm, thường có biểu hiện đứng núi này trông núi nọ. Nhật chủ và năm tháng tương khắc, Cuộc đời cũng khá vất vả đấy. Nhưng nếu là công chức cố gắng sẽ có chức vụ, sẽ được giao con dấu đỏ và được quyền ký tên mình dưới con dấu ấy (Quốc ấn). 
Về tiểu hạn năm nay thì còn 3 tháng cuối năm tốt, có người giúp đỡ, có tin mừng về tài sản, điền trạch hoặc văn thư giấy tờ, có khi còn liên quan đến anh em.

- Em là người thông minh, học giỏi, biết khá nhiều nghề, ưa sự an nhàn. Con cái thông minh, ngoan ngoãn. Chồng nhìn cũng khá, đẹp, nhưng có vẻ hay ăn chơi, làm cho em nhiều lúc lo lắng phân tâm về chồng của mình. Những người có thể giúp em trong cuộc sống thường là những người tuổi Dậu, Hợi, Tỵ, Mão.

Theo quẻ dịch thì hào tử tôn dậu kim bị nhật nguyệt xung phá, giờ sinh lại rơi vào tuần không nên đường con cái việc chăm sóc con sẽ có vất vả đấy, nhưng may là có hào Huynh đệ động sinh cho tử tôn nên cũng có hơi đỡ.
Hình như khoảng giữa đầu năm nay 2012 em có điều mừng phải không?
 
-Em chào anh ạ. Mấy ngày hôm qua em bận nên không check mail của anh được . Em xin lỗi về sự chậm chạp này ạ.
Em xin phản hồi lại những phần anh luận ạ:
Vậy là trong cuộc sống thường có người quan tâm giúp đỡ (cái này đúng ạ)
nhưng đường tình duyên thì không được thuận, rút cục sẽ có phần vất
vả,
(cái này cũng đúng ạ)
Em là người thông minh, học giỏi, tính khí không ổn định, biết
khá nhiều nghề, ưa sự an nhàn.
====(cái này đúng ạ)
Con cái thông minh, ngoan ngoãn. Chồng nhìn cũng khá nhưng có vẻ hay
ăn chơi, làm cho em nhiều lúc lo lắng phân tâm về chồng của mình.

====(cái này đúng ạ)
Những người có thể hay giúp em trong cuộc sống thường là những người
tuổi Dậu, Hợi, Tỵ, Mão
=== (Cái này thì để em suy ngẫm đã ạ, vì em ko biết tuổi thực của họ)

-Theo quẻ dịch thì hào tử tôn dậu kim bị nhật nguyệt xung phá, giờ sinh lại rơi vào tuần không nên đường con cái việc chăm sóc con sẽ có phần vất vả đấy. (Cái này đúng ạ)
Hình như khoảng giữa đầu năm nay 2012 em có điều gì mừng phải không?

Em xin hồi âm tiếp để anh kiểm chứng:
Tháng 3 được chồng mua tặng một chiếc xe máy ạ
Còn về con cái thì en nuôi con trai đầu vất vả lắm, cháu hay gặp tai nạn lắm ạ. Năm 2003, con trai em bị điện giật gần chết, phải mổ. Cùng năm đó cháu lại bị gãy tay 2 lần. Cũng năm đó bố đẻ em cũng nằm viện 2 lần, có một lần mổ. Vất vả lắm anh ạ!
 
-Cám ơn em đã hồi âm! Anh cũng đã gửi Mail cho em rồi. Anh xin luận tiếp:
Còn nói về Vấn đề Trăng hoa của chồng là bởi trong số tử vi có biểu hiện của sự chơi bời và khá mạnh về chuyện chăn gối, hơn nữa trong quẻ dịch anh thấy hào Quan chồng rất vượng, lại được mùa sinh dính đào hoa nên anh nghĩ là chồng đẹp, khá, nhưng có hay chơi bời tý chút, với đàn ông thì đó cũng là "chuyện nhỏ" em ạ, theo thời gian rồi cũng sẽ giảm dần, đừng lo nhiều mà ảnh hưởng sức khoẻ em nhé!
- Về số tử vi của em, Mệnh có thiên đồng hãm địa, cung tài có Thiên lương, Lộc tồn tại tý, có Địa không chấn ngữ, may cung Quan có cơ âm vượng, gặp Trường sinh lại có thêm quốc ấn, hoá khoa, long đức... Vậy là về công việc làm ăn vẫn thuận lợi, cung thiên di gặp địa kiếp không hay lắm, Thân cư phu vô chính diệu có Hồng loan, Thanh long, riêu, y và Hoả tinh, cho biết chồng em cũng khá và cũng đẹp (cái vụ này anh đã nói ở trên). Cung Phúc đức cũng khá có thái dương miếu địa tại Ngọ, còn được hưởng phúc ấm tổ tiên, trong anh em họ hàng có nhiều người đẹp. Tam hợp Mệnh nằm trong Tam hợp âm long trực cho biết tính tình khá nhuần nhị, dịu dàng, tính tốt có trách nhiệm, và trong cuộc sống thường hay chịu nhiều thua thiệt, ngại va cham, ngại đấu tranh và nói chung là ngại việc tranh dành, nhưng bản tính ấy lại được nhiều người quý mến, có khi còn được người trên nhiệt tình giúp đỡ nữa.
-"Anh kiểm chứng giúp em, cuộc đời của em về cuối đời hình như không được tốt lắm đúng không ạ? Có gì không tốt anh cứ nói, em không sợ đâu ạ".
-Về vận hạn thì em nằm trong tam hợp tỵ dậu sửu thuộc hành kim, đại vận 15 đến 25 tuổi nhiều thuận lợi, đại vận 25 đến 35 tuổi thuộc hành Hoả, nên em gặp khá nhiều khó khăn bởi hoả khắc kim tức bị khắc nhập, không tốt, đại vận 35 đến 45 thuộc cung mùi có tam hợp ngũ hành thuộc mộc, mình khắc chế được nên trong vận này em khá thuận lợi về nhiều mặt, mặc dầu cũng phải cố sức để khắc chế ngoại cảnh, đại vận 45 đến 55 tuổi, mất thiên thời và bị sinh xuất nên có phần vất vả và chịu thua thiệt, có khi còn tồn hao tài vật, sang đại vân 55 tuổi đến 65 tuổi em được thiên thời, trong tam hợp thái tuế, lại được cung mệnh tương sinh nên mọi việc đều thuận lợi.

-Em chào anh
Anh luận về em đúng lắm ạ.
Cảm ơn anh nhiều!

Em muốn hỏi tí chút:

Em muốn hỏi về công việc của em, cuối năm nay hoặc sang năm tới em có sự thay đổi gì trong công việc không ạ??
Em rất muốn chuyển cty nhưng mà chưa có cơ hội tốt ạ.

-Chào em! Căn cứ giờ em hỏi lập được quẻ Đoài vi trạch, biến Trạch Lôi tuỳ, quẻ chủ kim tỳ hoà, quẻ biến Chủ khắc dụng, kim khắc mộc. Là dấu hiệu cho thấy sẽ chuyển được nhưng không mấy suôn sẽ. Mặc dù mình khắc chế được khách quan nhưng vì mộc ở mùa đông, tháng 10 vẫn mạnh, nên cần phải tích cực cố gắng nhiều nhé. Bởi nếu mình được sinh thì tốt hơn, điều kiện khách quan thuận lợi đem đến cho mình.
Tốt nhất nên tiến hành trong tháng 12 âm lịch, bởi sang mùa xuân, mộc vượng kim bị suy khó khắc chế được mộc.
Thân ái chào em! lequang306@gmail.com