Thứ Tư, 14 tháng 4, 2021

Lập quẻ và dự đoán quẻ dịch. (Tiếp theo)

Chu dịch dự đoán: NGHI LỄ GIEO QUẺ THEO BỐC PHỆ CHÍNH TÔNG Lấy ba đồng tiền đồng, xông lên trên lư hương, kính cẩn vái rằng: Dịch âm Hán văn: Thiên hà ngôn tai, Khấu chi tức ứng, Thần chi cách hề, Cảm nhi toại thông. Kim hữu...(mỗ tánh) Hữu sự quan tâm, Bất tri hưu cửu, Võng thích khuyết nghi, Duy thần duy linh, Nhược khả nhược phủ, Vọng thùy chiêm báo Lời Việt: Trời bảo thế nào, Xin ứng như vậy Thần có linh thiêng, Cảm thì liên thông Nay có .......(Họ tên) Có việc quan tâm, Không rõ dở hay, Để giải ngờ vực, Duy thần linh thiêng, Nên hay không nên, Dám xin báo rõ. Khấn xong, gieo tiền: một đồng sấp là đơn, ghi dấu (------), hai đồng sấp là sách ghi (-- --), ba đồng sấp là trùng, ghi dấu ( 0 ), ba đồng ngửa 3 là giao, ghi dấu ( x ). Từ dưới trang lên, ba lần gieo, thành nội quái. Rồi lại khấn rằng: Dịch âm Hán văn: Mỗ cung tam tượng, Cát hung vi phán, Tái cầu ngoại quái tam tượng, Dĩ thành nhất quái, Dĩ quyết ưu nghi. Lời Việt: Ba tượng cung này, Cát hung chưa phân, Lại cầu ngoại quái tam tượng, Cho thành một quẻ, Để quyết ngờ lo. Khấn xong, lại gieo quẻ thêm ba lần nữa, được ba hào trên hợp thành một quẻ để đoán cát hung. Dự Đoán Nhà Đất Dự đoán Nhà đất hung dữ, cát lộc ra sao ngoài bằng tượng quẻ thể dụng thì còn có thể dự đoán chính xác bằng hào 1- DỰ ĐOÁN NHÀ ĐẤT 1.1 .Dự đoán nhà đất theo tượng quẻ: Sinh khắc Dụng Thể Trong dự đoán về nhà đất theo tượng quẻ ta lấy quẻ Thể là chủ nhà, còn quẻ Dụng là nhà. Ý nghĩa sinh khắc Thể Dụng như sau: - Quẻ Dụng sinh quẻ Thể: Người sống trong nhà sẽ thuận lợi, được của, kinh tế dần phát triển. - Quẻ Dụng khắc quẻ Thể thì nhà không dễ ở, nhiều hiểm nguy. - Quẻ Thể khắc quẻ Dụng: Nhà ở được tốt lành, may mắn. - Quẻ Thể sinh quẻ Dụng: Người trong nhà bị hao tốn tiền tài sinh lực hoặc bị cướp. - Quẻ Thể Dụng tỷ hòa: Nhà ở yên ổn bình an vô sự. Thân mến!

Chủ Nhật, 11 tháng 4, 2021

CÁCH LẬP QUẺ VÀ ĐOÁN QUẺ CHU DỊCH

Cách lập quẻ và đoán quẻ "Quẻ vạch đã lập, liền có lành dữ vì là Âm Dương đi lại giao thác ở trong. Thời của nó thì có tiêu đi, lớn lên khác nhau: cái lớn lên là chủ, cái tiêu đi là khách; việc của nó hoặc có nên chăng khác nhau, cái nên là thiện, cái chăng là ác. Theo chỗ chủ khách thiện ác mà phân biệt thì sự lành, dữ sẽ rõ. Vì vậy nói rằng: Tám Quẻ định sự lành dữ. Sự lành dữ đã quyết định không sai, thì dùng nó để dựng các việc, nghiệp lớn sẽ từ đó sinh ra. Đó là thánh nhân làm ra Kinh Dịch, dạy dân xem bói, để mở cái ngu của thiên hạ, để định cái chí của thiên hạ, để làm nên các việc của thiên hạ, là thế. Có điều từ Phục Hy về trước chỉ có sáu vạch, chưa có văn tự truyền được; rồi đến Văn vương Chu công mới đèo thêm lời, cho nên nói rằng: “Thánh nhân đặt quái xem Tượng, đèo Lời vào để tỏ lành dữ”. Khi Quẻ chưa vạch, nhân xem pháp tượng tự nhiên của trời đất mà vạch ra; đến lúc Quẻ đã vạch rồi, thì quẻ nào riêng có Tượng của quẻ ấy. Tượng nghĩa là có chỗ giống giống, cho nên thánh nhân mới theo tượng đó mà đặt ra tên. Văn vương coi hình tượng của quái thể mà làm Thoán từ. Chu công coi sự biến đổi của quái hào, mà làm Hào từ, cái Tượng của sự lành dữ lại càng rõ rệt." (Ngô Tất Tố) Như đã biết ở trên, Thoán từ và Hào từ quá đơn giản, ít ai hiểu, nên người đời sau phải chú thích thêm, tổng hợp thành bản Thập dực. . Thập dực còn được gọi là Thập truyện (truyện là giải thích). Đại truyện giải thích Thoán từ, Tiểu truyện giải thích Hào từ. Sau khi lập được quẻ, ta đối chiếu với Kinh Dịch để tìm ra quẻ tương ứng. Căn cứ vào lời lẽ của quẻ trong Kinh (Thoán từ, Hào từ và Thập truyện) ta có thể xác định được cát hung họa phúc, đồng thời tìm ra biện pháp đối ứng. Một số thuật ngữ cần biết: Tứ Đức: Đọc các quẻ, chúng ta sẽ gặp những chữ này: nguyên, hanh, lợi, trinh, mà Chu Dịch gọi là tứ đức, có thể hiểu là bốn đặc tính của các quẻ. Ý nghĩa thông thường của tứ đức đó như sau: - Nguyên là đầu tiên, lớn, trùm mọi điều thiện. - Hanh là hanh thông, thuận tiện, tập hợp các điều hay. - Lợi là nên, thỏa thích, hòa hợp các điều phải. - Trinh là chính, bền chặt, gốc của mọi việc. Và vài chữ khác: Cát (một quẻ cát) nghĩa là tốt lành. Hung ngược lại với cát, xấu nhất. Hối là lỗi, ăn ăn. Lận là lỗi nhỏ, tiếc. Vô cữu là không có lỗi hoặc lỗi không về ai cả. 1/ Quẻ tĩnh Khi đọc giải quẻ, nếu trong 6 hào không có hiện tượng hào biến: -- xem tên quẻ, tượng quẻ, thoán từ, thoán truyện để đoán định. -- Không xem hào từ. 2/ Quẻ có hào động (hào biến) Khi trong quẻ có hào động phải căn cứ theo các nguyên tắc sau: -- xem tên quẻ, tượng quẻ, thoán từ và thoán truyện của quẻ chủ (quẻ gốc) -- xem hào từ của hào động quẻ chủ -- xem thoán truyện của quẻ biến Hào động rất quan trọng vì nó chỉ ra cát hung, được thua, còn mất... và chỉ ra nguyên nhân cùng cách ứng biến. Phải lấy hào từ của nó làm chủ (làm chính) dù nghĩa có ngược với thoán từ, thoán truyện! Cách chọn hào chủ (hào từ) của các hào động: -- Khi có 1 hào động: xem hào từ của hào động đó. -- Khi có 2 hào động: Dựa vào hào từ của 2 hào biến trong quẻ biến để đoán định, đồng thời dựa vào hào biến phía trên để làm chủ (hào chủ) nếu 2 hào khác nhau, hào biến phía dưới làm chủ nếu 2 hào giống nhau. -- Khi có 3 hào động: Nếu hào biến không bao gồm hào sơ thì lấy quẻ gốc làm chính, nếu hào biến gồm cả hào sơ thì lấy quẻ biến làm chính và xem hào biến ở giữa là chủ. -- Khi có 4 hào động: Dựa vào hai hào tĩnh (không biến) để đoán định, đồng thời dựa vào hào tĩnh phía dưới làm chủ nếu 2 hào giống nhau, hào tĩnh phía trên để làm chủ nếu 2 hào khác nhau -- Khi có 5 hào động: Dựa vào hào tĩnh (không biến) của quẻ biến để đoán định. -- Khi cả 6 hào đều động: Quẻ Càn thì dùng hào từ "dụng cửu", quẻ Khôn thì dùng hào từ "dụng lục" để đoán định. Các quẻ còn lại thì dựa vào quái từ và thoán từ, tượng từ, thoán truyện của quẻ biến để đoán định. Trong sách bói, lý số, ngoài việc tìm biến quái người ta còn dùng Quẻ hỗ (Hỗ quái): Cách lập thành hỗ quái : - Trừ hào trên cùng, lấy từ hào 5 xuống ( 5,4,3), để lập ngoại quái - Trừ hào dưới cùng, lấy từ hào 2 trở lên (2,3,4) để lập nội quái Thí dụ: Quẻ Sơn Hỏa Bí trên (quẻ chủ), hào 5 (âm) là hào động, đổi âm thành dương thành quẻ biến là Phong Hỏa Gia Nhân và có quẻ hỗ là Lôi Thủy Giải ䷕ ䷧ ䷤ quẻ chủ quẻ hỗ quẻ biến Sơn Hỏa Bí Lôi Thủy Giải Phong Hỏa Gia Nhân Nhiệm vụ các quẻ: -- Quẻ chủ (quẻ gốc) là chủ của sự việc, cũng là giai đoạn đầu -- Quẻ hỗ là sự hỗ trợ để tìm diễn biến của sự việc, cũng là giai đoạn trung gian. -- Quẻ biến là chung cuộc, là kết quả. Phải lấy quẻ chủ làm trung tâm, không được phân tán, xa rời. Khi không cần thiết thì không cần xem quẻ hỗ và quẻ biến. *** Để hiểu thêm về phương pháp đoán quẻ, chúng tôi trích một số mẩu chuyện sau đây để các bạn tham khảo. 1- C. G. Jung bói về việc viết Lời Giới thiệu Kinh Dịch cho bản dịch tiếng Anh Gieo 3 đồng tiền, ông được quẻ Khảm ䷜ với hào 3 động, do đó biến thành quẻ Tỉnh ䷯ . ䷜ ䷯ quẻ Khảm ---> quẻ Tỉnh Thoán từ quẻ Khảm bảo: Hai lớp Khảm( tức hai lần hiểm) nhưng có đức tin, chỉ trong lòng là hanh thông, cứ tiến đi (hành động) thì được trọng và có công. Thoán từ quẻ Tỉnh bảo: Giếng đổi ấp chứ không đổi giếng, nước giếng không kiệt mà cũng không thêm, người qua người lại để múc nước giếng. Gần đến nơi (đến giếng) chưa kịp thòng cái gàu xuống mà bể cái bình đựng nước thì xấu. Cứ theo Thoán từ 2 quẻ đó thì ông nên có đức tin, cứ tiến đi sẽ giúp ích được cho mọi người, như nước giếng. Còn lời khuyên thận trọng đừng để bể cái bình đựng nước thì có vẻ không liên quan gì đến điều ông hỏi cả, có thể bỏ. Hào từ của hào 3 quẻ Khảm nói hào nầy âm nhu, bất trung, bất chính, ở trên quẻ nội Khảm, tiến lên thì gặp ngoại Khảm, toàn là hiểm cả, cho nên xấu. Tuy nhiên đó chỉ là mới khởi đầu, chưa biến. Khi biến thành hào 3 quẻ Tỉnh thì hóa tốt, vì Hào từ bảo: Hào này là người có tài, ví như cái giếng nước trong mà không ai múc. Nếu được dùng thì sẽ giúp cho mọi người được nhờ. Vậy là công việc làm sẽ có ích. Cái ý hiểm trong hào 3 quẻ Khảm (quẻ chủ) không liên quan gì đến việc viết Giới thiệu , có thể bỏ. Nhưng Jung cơ hồ không theo sát ý nghĩa hào 3 khi chưa biến và khi đã biến, chỉ dùng cái ý hào 3 quẻ Tỉnh rồi kết hợp với ý hào 1 cũng quẻ đó là cái giếng cũ, bùn lầy, không ai dùng nữa và đóan rằng nên viết lời Giới thiệu, vì Kinh Dịch “như một cái giếng cổ, bùn lầy lấp cả rồi, nhưng có thể sửa sang mà dùng lại được”. đòan như vậy không thật đúng phép (vì hào 1 quẻ Tỉnh, không phải là hào chủ, đáng lẽ không được dùng để đóan) nhưng có thể tạm chấp nhận được vì vẫn là dùng lời trong quẻ Tỉnh, không lạc đề hẳn. 2. Tấn Thành Công trở về nước : Sách Quốc ngữ kể : Tấn Thành Công lưu vong ở Chu. Khi Thành Công trở về Tấn, một người nước Tấn bói xem lành dữ ra sao ? Bói được của Càn (quẻ chủ) ䷀ với hào 1,2,3 động, do đó biến thành quẻ Bĩ ䷋ Xem xong kết luận là việc Thành Công về Tấn bất thành. Quả nhiên là thế. Lập luận như sau : Càn là trời, là quân (vua), phối với trời là tốt. Nhưng quẻ dưới của Càn biến thành Khôn (là đất,là thần), tức là quân biến thành thần, nên không có kết quả. Quẻ lại có 3 lần biến, nên vua phải 3 lần ra khỏi nước. Lại thêm, Thoán từ: bĩ chi phỉ nhân, bất lợi quân tử trinh, đại vãng tiểu lai., nên kết luận là không tốt, bất thành. 3.Trùng Nhĩ về nước : Sách Quốc ngữ viết : Trùng Nhĩ (sau này là Tấn Văn Công) muốn về nước làm vua, bói được quẻ Dự: ䷏ với hào 1, 4, 5 động do đó biến thành quẻ Truân ䷂ Đưa cho thầy bói là Tư Không xem. Thầy bói cho rằng : Quẻ Truân dưới là Chấn (xe), trên là Khảm (nước, đường bị nứt); tức xe không đi được (Như đã nói , xét Quẻ từ dưới lên trên), là bế tắc không thông, việc không thành. Tư Không dựa vào Thoán từ của quẻ Truân là: nguyên, hanh, lợi, trinh, vật dụng, lợi du vãng, lợi kiến hầu. Thoán từ quẻ Dự lại viết : Lợi kiến hầu hành sư. Rồi kết luận lợi kiến hầu là được việc nước, Trùng Nhĩ nên về nước. Trùng Nhĩ về nước, quả nhiên được làm vua nước Tấn. *** Trước khi kết thúc, xin các bạn nhớ lại, sau khi lập được quẻ, ta đối chiếu với Kinh Dịch để tìm ra quẻ tương ứng. Căn cứ vào lời lẽ của quẻ trong Kinh (Thoán từ, Hào từ và Thập truyện) ta có thể xác định được cát hung họa phúc, đồng thời tìm ra biện pháp đối ứng. Nhớ là phải giải đoán từ dưới lên trên, từ Nội Quái lên Ngoại quái! Thân mến!