Thứ Hai, 1 tháng 8, 2022

KÝ ỨC TUỔI THƠ - VƯỜN XƯA NHÀ CŨ - PHẦN I

VƯỜN XƯA NHÀ CŨ Phần 1: Ông nội tôi là một thầy đồ nho hay chữ. Đã từng được mời làm chức Hương bạ, trông coi nhân khẩu, đất đai, thuế má của cả xã. Ông bà tôi sinh được 11 người con gồm 4 trai 7 gái, trong đó có 1 bác và 1 cô mất sớm. Bà nội tôi người họ Nguyễn Cảnh ở làng Phú Thọ. Cha tôi là con thứ 8 và là con trai út của ông bà. Năm 1946 sau khi cướp chính quyền, cha tôi tham gia Vệ Quốc Đoàn, tức Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay, ở trung đoàn 47 bộ đội chống Pháp. Sau thuộc Đại đoàn Vinh Quang, sau lại đổi là sư 308. Ông to cao, đẹp trai, hát hay đàn giỏi, nên được cấp trên phiên vào ban tuyên truyền văn nghệ, còn gọi là ban Tuyên Văn Giáo Huấn, hay ban Tuyên Văn chuyên công tác dân vận và tôn giáo vận. Từng tham gia nhiều trận đánh ở miền Tây Bắc như trận Cò Nòi, Cò Lủng, Thượng Lào.v.v.. Từng đóng quân nhiều nơi, trong đó Cha hay kể nhất là ở Thanh Hóa, ở trong nhà bà Hàn Thanh, một nhà giàu nổi tiếng nhất nhì không chỉ xứ Thanh Nghệ mà của cả miền Bắc. Gia đình bà từng nuôi ăn và chu cấp quân trang cho cả trung đoàn. Con trai bà cũng tham gia quân đội cách mạng. Nhưng nghe nói hồi Cải cách ruộng đất gia đình bà cũng bị đấu tố khốn khổ. Bạn bè Cha tôi đều hay kể và xác nhận điều này. Nay có cô Thanh An 93 tuổi quê ở tp Vinh, cựu chiến binh Trung đoàn hiện cư trú ở tp HCM tuy ít tuổi hơn Cha tôi, nhưng là bạn chiến đấu và cùng tham gia nhập ngũ năm 1946, khi trung đoàn mới thành lập. Cô An khi đó công tác bên Ban Quân y. Sau này cô học lên bác sĩ và giảng dạy tại Đại học Y Hà Nội. Ông ngoại tôi họ Đặng quê làng Hiếu Thiện, xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương, là Chánh tổng của Tổng Thuần Trung, đứng đầu 9 xã phía nam phủ Anh Sơn thời ấy, nay tổng này thuộc tây nam huyện Đô Lương. Ông được triều đình phong hàm Cửu Phẩm, nên dân làng hay gọi là cố Cửu, hay cụ Chánh, còn chúng tôi gọi ông ngoại là ông Cửu. Ông tôi giỏi Nho Y Lý Số, là thầy thuốc mát tay trong vùng. Tôi nhớ vì tình thông gia, ông ngoại tôi có tặng cho ông nội tôi một cái địa bàn để đo phương hướng nhà đất, ông tôi thích lắm. Ông hay đem ra đo đạc tính toán. Tuy còn bé nhưng ông tôi đã bày cho tôi tám hướng Càn, Khảm, Cấn Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài, tức 8 Phượng vị ghi trên địa bàn theo hệ bát quái (tám quẻ) trong Kinh dịch và bảo tôi học thuộc. Nhưng vì còn bé dại mải chơi nên tôi cũng chỉ nhớ đại khái chứ cũng không mấy quan tâm. Ông bà tôi sinh được 4 người con, mẹ tôi là con út. Mẹ được ông bà cưng chiều và cho đi học chữ. Sau cướp chính quyền 1945, Mẹ tham gia công tác Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ của xã, là ủy viên Hội đồng nhân dân xã. Sau được điều lên huyện công tác, là Chấp hành Phụ nữ huyện Đô Lương, sau lấy chồng chuyển về công tác tại Hội Phụ nữ huyện Thanh Chương, vẫn ủy viên Ban Chấp hành. Từng in dấu chân công tác khắp 42 xã trong huyện. Sinh thời, hễ gặp ai bà hỏi quê đâu là bà biết ngay tên đất và nhiều tên người ở những vùng đó. Sau vì Cha tôi công tác bộ đội xa nhà, con nhỏ, ông bà nội già yếu nên Mẹ tôi xin nghỉ. Ông bà nội tôi có vườn rộng, nhiều ruộng. Ba người con trai của ông đều nhà ngói, ràn ngói, trong khi cả làng cả xã hầu hết đang nhà tranh. Trong Cải cách ruộng đất, xóm tôi có 3 địa chủ, một người bị bắn, cả 3 đều nằm trong họ Lê nhà tôi. Oái oăm hơn cả ba đều là bác, chú trong chi họ tôi. May là nhà tôi và bác cả không bị, nhưng trước đó dân quân vẫn ngày đêm canh gác xung quanh đề phòng tẩu tán "tài sản của nông dân". Riêng bác hai tuy không bị địa chủ nhưng bị quy phú nông, suýt bị tịch thu tài sản, bị kỳ thị. Hết khổ. Cha tôi là con trai út nên ở chung với ông bà. Nói về vườn nhà tôi thì khá rộng, thậm chí rất rộng so với các nhà khác trong xóm, vì ở biệt lập ngoài đồng. Muốn vô xóm chơi với các anh chị con các bác bọn tôi phải đi qua một cái trọt, mà ban đêm rất sợ. Nhiều khi mải chơi hơi khuê phải chạy thục mạng, về đến nhà vẫn tim đập chân run. Hôm nào có thằng em lon ton chạy theo thì còn đỡ sợ nhưng vẫn cầm tay nhau cố chạy cho mau, nhiều khi theo không kịp nó khóc rạo. Hồi ấy các nhà ở trong xóm thường vườn rất chật, nhà kề nhà, nhiều gia đình chỉ có nhà và khoảnh sân nhỏ, không có vườn tược gì cả. Nhà này qua nhà khác cứ thông thiên thông địa, không cần và cũng không có bờ rào, đi làm đi học, đi gánh nước cứ đi qua sân nhau. Cũng có một số có bờ râm bụt, chè tàu nhưng rất ít, trong vườn lèo tèo vài cây ăn quả như mít, bưởi, khế, cam, quýt, chanh, tắt, chuối... nhưng ít có thu hoạch vì hay bị bọn con nít vặt trộm. Gà thả rông chạy khắp xóm, nhiều nhà lợn cũng thả rông luôn vì không có vật liệu làm chuồng. Cũng như các xóm làng khác, quanh xóm tôi có lũy tre xanh bao quanh rất đẹp. Ở ngoài nhìn vào rất trù phú và thanh bình yên ả, nhưng khi rào làng chiến đấu thì một con chó, một con chim cũng khó vô lọt. Còn tiếp nữa LÊ QUANG ĐẠO