Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

Số phận long đong của một người đẹp Hà thành



Chuyện tình bi thảm của cô Phượng 
- Là người con gái có học, tâm hồn lãng mạn, yêu văn thơ và dám sống với tình yêu, vượt qua mọi khuôn khổ lễ giáo phong kiến hẹp hòi, cô Phượng Hàng Ngang đã có một mối tình đẹp với nhà báo Hoàng Tích Chu – nhà báo tài hoa, đoản mệnh. Nhưng sau khi mối tình của cô Phượng Hàng Ngang với nhà báo Hoàng Tích Chu tan vỡ, cô Phượng đã trải qua những cảnh ngộ đau thương và bi kịch, được người đời ví như nàng Kiều của phố cổ Hà Nội.

Cô Phượng Hàng Ngang tên thật là Vương Thị Phượng, là con gái cưng của thương gia Hoa kiều Vương Toàn Thắng, một nhà buôn bán hàng tơ lụa giàu có ở phố Cổ.
Sở dĩ Vương Thị Phượng được gọi là cô Phượng Hàng Ngang, vì hồi đó, gia đình cô sống ở Hàng Ngang. Nhiều người đẹp thời xưa như cô Síu Cột Cờ, cô Nga Hàng Gai, cô Bính Hàng Đẫy, cũng có tên gọi theo nơi sinh sống như thế.

Là tiểu thư lá ngọc cành vàng, được thừa hưởng sắc đẹp của mẹ, một mỹ nhân tuyệt sắc may mắn trở thành vợ của thương gia họ Vương, nên từ khi mới sinh ra, cô Phượng đã sở hữu một làn da mềm mại và trắng nõn nà như trứng gà bóc, vóc dáng mềm mại và những nét thanh tú trên gương mặt.
Nhan sắc của cô Phượng Hàng Ngang qua năm tháng càng trở nên lộng lẫy, đặc biệt rực rỡ khi cô ở tuổi thiếu nữ mười tám, đôi mươi.
Như rất nhiều phụ nữ Hà thành xưa, cô Phượng Hàng Ngang có lối phục trang rất nền nã. Cô mặc áo yếm, áo lụa dài, may khéo, để làm tôn thêm vóc dáng nở nang.
Nhưng có một điều lạ là, những bộ trang phục đó, khi được khoác lên người cô Phượng, luôn có một vẻ rực rỡ, lộng lẫy lạ kỳ, khiến cho người đàn ông nào đứng trước mặt cô Phượng cũng khó giữ được bình tĩnh.
Đã  có không ít ký giả thời đó tìm mọi cách để diện kiến nhan sắc cô Phượng Hàng Ngang và viết bài về vẻ đẹp của cô. Nhiều người còn so sánh cô đẹp đến nỗi “Tây Thi khiếp vía, Hằng Nga giật mình”.
Nhà văn Vũ Ngọc Phan, trong cuốn hồi ký “Những năm tháng ấy” đã dành những từ ngữ hoa mỹ nhất để mô tả vẻ xuân sắc của người đẹp: “Cô Phượng người tầm thước, có đôi mắt bồ câu long lanh, với cặp mi cong, đôi lông mày xanh và dài, môi đỏ mọng đầy dục vọng, mũi dọc dừa thanh tú và đôi má lúm đồng tiền khi cười.
Gò má cô hơi cao, ửng hồng, làm cho khuôn mặt của cô có sức quyến rũ, giống như nữ diễn viên điện ảnh Marlen Dietrich lừng danh thời bấy giờ. Nhiều người còn nói cô Phượng Hàng Ngang có sắc đẹp ma mị chết người như thuốc phiện, ai đã vướng vào thì khó lòng dứt ra được”.
Sở dĩ nói vậy, bởi nhan sắc của cô Phượng Hàng Ngang có một sức quyến rũ đáng kinh ngạc. Khi cô Phượng ở tuổi trăng tròn, không chỉ những thanh niên ở phố cổ Hà Nội mà cả những người đàn ông trung niên cũng vẫn ngày đêm tơ tưởng đến cô Phượng.
Những người này thường kiếm cớ đi qua nhà cô Phượng ở Hàng Ngang mỗi ngày vài lần, chỉ để được ngắm cô mới yên. Tiếng đồn về nhan sắc của cô Phượng Hàng Ngang lan xa khỏi Hà Nội, đến các tỉnh khác, khiến nhiều người tò mò.
Đến nỗi có những người ở ngoại tỉnh còn lặn lội về Hà Nội để được tận mục sở thị nhan sắc cô Phượng. Có người nói, sở dĩ cửa hàng lụa của thương gia Vương Toàn Thắng lúc nào cũng tấp nập khách ra vào mua bán là bởi, khách vào mua hàng, có không ít người mục đích ngắm cô Phượng là chính.
Thương gia Vương Toàn Thắng  - bố của cô Phượng Hàng Ngang rất cưng chiều cô con gái cưng duy nhất của mình. Nhưng ông cũng rất lo lắng khi thấy con gái mình nhan sắc ngày càng rực rỡ.
Là người yêu văn thơ, mỗi lần nhìn thấy con gái, ông thường nghĩ đến nàng Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du và những câu thơ báo trước số phận sóng gió: “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”.
Ý thức được con gái mình quá đẹp so với những thiếu nữ khác – ông thường nén tiếng thở dài khi nghĩ đến tương lai con gái mình có thể gặp nhiều sóng gió.
Để chuẩn bị cho con gái mình một tương lai ổn định, ông không chỉ dạy con gái nề nếp gia phong, mà còn vời thầy giáo về dạy con học chữ, học cầm kỳ thi họa. Cô Phượng Hàng Ngang vốn là người sáng dạ, học một biết mười.
Được dạy dỗ cặn kẽ như cô là điều rất hiếm so với phụ nữ thời đó. Nhưng cũng chính vì hiểu biết nhiều, được học nhiều, đọc nhiều, tâm hồn lại nhạy cảm, lãng mạn, thường mơ ước những điều đẹp đẽ, tinh tế, mà cuộc đời cô Phượng Hàng Ngang gặp hết dang dở này đến dang dở khác.
Thương gia Vương Toàn Thắng rất nâng niu con gái nên cố gắng lựa cho con gái một tấm chồng. Ngày đó có không biết bao nhiêu công tử Hà thành si mê nhan sắc của cô, theo đuổi cô Phượng, mơ ước được lấy cô làm vợ.
Nhưng thương gia Vương Toàn Thắng là một người có tư tưởng rất phong kiến. Ông quan niệm rằng, là người Tàu thì phải lấy người Tàu, cùng chung phong tục, nếp sống, thì gia đình mới êm ấm hạnh phúc được.
Thời đó, trạc tuổi với cô Phượng Hàng Ngang có A Đẩu sống ở Hàng Đào, cháu ruột của nhà tư sản chuyên buôn bán lụa Phan Vạn Thành.
Thấy gia đình hai bên môn đặng hộ đối, lại cùng là người gốc Hoa di cư sang Việt Nam, bản thân nhà tư sản Phan Vạn Thành cũng là một người thông minh, tốt bụng, nên thương gia Vương Toàn Thắng đã đồng ý gả cô Phượng cho A Đẩu, đinh ninh con gái mình đã chọn được một chỗ êm ấm, giàu sang để nương tựa tấm thân. Đám cưới cô Phượng Hàng Ngang thời đó là một trong những đám cưới to nhất nhì Hà Nội.
Tuy hai nhà ở hai phố gần nhau, nhưng cả một đoàn nam thanh nữ tú bưng lễ vật, đi trên hàng chục chiếc xe kéo sang trọng, đến rước cô dâu về nhà chồng. Thương gia Vương Toàn Thắng cũng dành cho con gái một khoản lớn những vàng bạc, châu báu làm của hồi môn.
Bỏ chồng theo tiếng gọi tình yêu
Quả nhiên khi về nhà  chồng, cô Phượng Hàng Ngang được sống một cuộc đời hết sức sung túc, không phải lo lắng gì về chuyện áo cơm. Ngày ngày cô ra cửa hàng ngồi bán hàng cùng mẹ chồng, việc quán xuyến nhà cửa, cô cũng không phải động tay vào, vì đã có người hầu kẻ hạ làm hết.
Khi cô Phượng Hàng Ngang sinh con trai đầu lòng, cô càng được bố mẹ chồng cưng chiều. Lúc nào nhớ bố mẹ đẻ, cô chỉ việc nói với mẹ chồng một câu, là có thể được phép về nhà thăm bố mẹ ở ngay con phố bên cạnh. Đó là điều mà nhiều cô gái sống cảnh làm dâu thời đó khao khát mà không được.
Nhưng dù sống trong cảnh sung túc lụa là là vậy, cô Phượng vẫn thấy mình ngày một héo mòn. Tuy nhan sắc vẫn xinh tươi, nhưng sự rạng rỡ trong đôi mắt cô đã mất dần mất mòn sau những năm sống bên cạnh người chồng công tử của mình.
A Đẩu vốn là một công tử nhà giàu, đẹp trai, nhưng chỉ được cái tốt mã, còn bên trong thì trống rỗng. Tay này được bố mẹ cưng chiều, mải ăn mải chơi, nên học hành không tới đâu.
A Đẩu cũng là một người thiếu tinh tế, ăn nói cục mịch, sỗ sàng và vũ phu. Khi có chuyện gì bực dọc, anh ta sẵn sàng thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ.
A Đẩu không hề yêu quý gì cô Phượng. Với A Đẩu, việc lấy cô Phượng chỉ như một “chiến tích” để hắn khoe với bạn bè. Hắn coi cô Phượng như một chiến lợi phẩm, một thứ đồ trang trí đắt tiền, xinh xắn cho sự giàu sang của hắn.
Không chỉ thế, A Đẩu còn là một người cờ bạc, rượu chè và mê gái. Sống bên cạnh một người chồng như thế, một người yêu văn thơ, sống lãng mạn, từng chìm đắm vào trong những câu chuyện tình đẹp trong tiểu thuyết như cô Phượng không thể nào cảm thấy thỏa mãn.
Không ít lần cô Phượng về nhà, than khóc với mẹ về cuộc hôn nhân buồn tủi của mình. Nhưng mẹ cô Phượng Hàng Ngang – một người phụ nữ rất coi trọng lễ giáo truyền thống, chỉ biết khuyên con gái sống cảnh an phận thủ thường.
Giữa lúc đang bàng hoàng vì hôn nhân không hạnh phúc, cô Phượng Hàng Ngang đã gặp gỡ nhà báo Hoàng Tích Chu – người đàn ông tài hoa đất Kinh Bắc. Hoàng Tích Chu là con trai của một quan tri huyện ở Bắc Ninh, từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, hào hoa.
Lớn lên, Hoàng Tích Chu lên Hà Nội học nghề báo, xin vào làm việc ở các tòa báo ở Hà Nội. Ở đây, Hoàng Tích Chu thường được nghe các ký giả nói về nhan sắc “danh bất hư truyền” của cô Phượng nên đã một đôi lần tìm đến cửa hàng lụa của gia đình chồng cô Phượng để mục sở thị.
Bấy giờ cô Phượng đã có con, “gái một con trông mòn con mắt” nên ngay khi gặp gỡ, nhà báo Hoàng Tích Chu đã ngẩn ngơ.
Bản thân cô Phượng Hàng Ngang cũng rung động mạnh trước người thanh niên đẹp trai, nho nhã, cử chỉ lịch thiệp, ăn nói duyên dáng, hóm hỉnh, lại rất hiểu biết này – đó là những điều mà chồng cô Phượng – A Đẩu không có được.
Quãng thời gian sau đó, cô Phượng Hàng Ngang thường tìm cách gặp gỡ Hoàng Tích Chu, cùng nhà báo Hoàng Tích Chu đàm đạo truyện văn thơ, thế sự.
Lúc mới lấy chồng, cô Phượng đã nghĩ coi như số phận của mình đã an bài, nhưng khi gặp Hoàng Tích Chu, cô nhận ra rằng đây mới là một nửa đích thực của mình.  Cô đã quyết định bỏ chồng đi theo tiếng gọi của tình yêu.
Năm 1927, cô Phượng Hàng Ngang lặng lẽ bỏ theo Hoàng Tích Chu vào Sài Gòn, chỉ để lại một lá thư từ biệt đầy nước mắt cho gia đình. Cả Hà Nội chấn động khi nghe tin cô Phượng “bỏ chồng theo trai”. Nhà báo Hoàng Tích Chu không phải một người giàu có.
Đi theo Hoàng Tích Chu, nghĩa là cô Phượng đã chấp nhận từ bỏ một cuộc sống nhung lụa để được sống trọn vẹn với tình yêu của mình. Nhưng sự đời không như ý cô Phượng muốn. Nhà báo Hoàng Tích Chu vốn có mơ ước được sang Pháp học nghề báo.
Khi vào Sài Gòn, tìm được cơ hội đi Pháp, Hoàng Tích Chu đã quyết định sang Pháp theo đuổi ước mơ của mình. Nhưng ông không thể đưa cô Phượng theo được.
Hoàng Tích Chu đành bảo cô Phượng về Bắc Ninh tìm gia đình mình, với bức thư thống thiết do chính tay mình viết, xin cha nhận cô Phượng là con dâu trong nhà. Cả hai đã chia tay nhau trong nước mắt.
Kết thúc bi thảm của một người đẹp đất Hà thành
Cô Phượng mang theo lá thư của Hoàng Tích Chu về gặp gia đình người yêu. Nhưng bố của Hoàng Tích Chu – một ông quan huyện có quan niệm truyền thống khe khắt không thể nào chấp nhận được chuyện con trai mình đi yêu một cô gái nạ dòng, dám “bỏ chồng theo trai”.
Ông cự tuyệt mong muốn được trở thành dâu con trong gia đình của cô Phượng và cho người đưa cô Phượng về gặp chồng xin chồng tha thứ. Dĩ nhiên A Đẩu không bao giờ tha thứ cho vợ. Bản thân cô Phượng cũng không muốn về sống chung với người chồng thô mịch, cục súc đó nữa.
Lúc này vợ chồng thương gia Vương Toàn Thắng đều đã qua đời. Không còn nơi nương tựa, cô Phượng Hàng Ngang đành phải sống bằng nghề buôn bán để nuôi thân, chờ đợi ngày Hoàng Tích Chu về.
Có lúc, cô Phượng đã vào Sài Gòn kiếm sống, chờ ngày Hoàng Tích Chu hoàn thành ước mơ, trở về Việt Nam. Nhưng một người phụ nữ mưu sinh giữa cuộc đời không dễ. Cô Phượng bị lừa hết vốn liếng, gia sản khánh kiệt, phải thất thểu quay trở lại Hà Nội.
Không còn cách nào khác, cô phải cậy nhờ sự giúp đỡ của một số người đàn ông si mê cô. Cái gì cũng có cái giá của nó, cô đã phải đánh đổi tấm thân mình để có được sự giúp đỡ đó. Ước vọng chờ Hoàng Tích Chu trở về của cô Phượng coi như tiêu tan.
Trong số những người tình của cô Phượng, có một người tên là Lưu, cũng là người phong nhã, lịch thiệp. Lưu giàu có và si mê cô Phượng, nhưng Lưu là người đã có vợ, vợ lại là người nổi tiếng có máu Hoạn Thư, nên Lưu đã thuê cho cô Phượng một ngôi nhà bên Long Biên làm nơi tình tự.
Lưu cũng là người Hoa nên đã có dự định đưa cô Phượng sang Hồng Kông sinh sống và kinh doanh bên đó. Nhưng ý định này của Lưu sớm bị vợ phát hiện.
Người đàn bà ghê gớm này đã phong tỏa tài sản của chồng, khiến Lưu không còn cơ hội để gặp cô Phượng. Cô Phượng quá đau khổ khi nghĩ về chuyện tình trắc trở của mình, đã quyết định về Hưng Yên, tìm một ngôi chùa xin xuất gia.
Nhưng  duyên trần chưa hết, khi chưa thực hiện được ý định xuất gia, thì có một lần, có một viên tham tán ở Hưng Yên tên là Bách ghé thăm ngôi chùa, đã lập tức si mê nhan sắc của cô Phượng. Sau khi dò hỏi về gia cảnh cô Phượng, viên Tham tán này đã xin sư bà trụ trì cưới cô Phượng làm vợ.
Tham tán Bách còn gọi vợ lên đón cô Phượng về làm vợ lẽ. Nghĩ mình phận bèo dạt mây trôi, cô Phượng cũng đành nhắm mắt đưa chân.
Sống với viên tham tán Bách, cô Phượng có một khoảng thời gian hạnh phúc khi được chồng hết mực cưng chiều. Nhưng cũng chính vì điều này mà người vợ cả nảy sinh lòng ghen.
Nhân có lần Tham tán Bách được phân về Lai Châu, phải để lại cô Phượng và người vợ cả lên sau, trên đường đi lên Lai Châu gặp chồng, người vợ cả đã lén cho cô Phượng uống một thứ thuốc lạ khiến cô hóa điên.
Thấy cô Phượng ra nông nỗi đó, Tham tán bách phải gửi cô về Hà Nội chữa bệnh. Nhưng chẳng bao lâu sau thì cô Phượng mất.
Về phần Tham tán Bách, sau ngày cô Phượng hóa điên, ông ta luôn ngày đêm thương nhớ cô. Một đêm, ông ta nằm mơ thấy có người về báo mộng chuyện cô Phượng bị vợ cả hãm hại và sắp chết, ông ta lập tức về Hà Nội tìm cô Phượng.
Lúc Tham tán Bách về đến nơi cũng là lúc cô Phượng hấp hối. Tham tán Bách thấy vậy chỉ còn biết khóc òa, thương  xót cho người vợ lẽ bạc mệnh. Ông ta là người duy nhất tham dự lễ tang của cô Phượng và đưa cô đi chôn cất.
Trên mộ cô, ông khắc tấm bia: “Mộ người bạc mệnh Vương Thị Phượng” – mộ cô Phượng nằm ngay đối diện với bệnh viện Bạch Mai ngày nay, nhưng nay đã mất dấu vết.
Nhà báo Hoàng Tích Chu khi trở về Hà Nội sau nhiều năm du học ở Pháp thì cô Phượng đã qua đời. Từng được nghe cô Phượng kể về chuyện tình với Hoàng Tích Chu, Tham tán Bách đã đưa Hoàng Tích Chu đến mộ cô Phượng.
Cả hai người đàn ông đã rơi nước mắt trước mộ người tình hồng nhan, bạc mệnh của mình. Không biết có phải do sự sắp xếp của số phận hay không mà sau này, khi cô Đốc Sao mất, cô cũng được chôn cất gần đó, cách mộ cô Phượng không xa.
Cái chết của cô Phượng và chuyện tình bi thảm mà cô Phượng đã phải trải qua đã được nhiều ký giả viết lại. Có nhà văn đã viết cả một cuốn tiểu thuyết với tên “mộ cô Phượng” – kể lại cuộc đời đẫm nước mắt của mỹ nữ Hà thành.
Dù còn rất nhiều người ngày đó lên án cô Phượng là người đàn bà dâm loạn, bỏ chồng, bỏ con “theo trai”, nhưng hầu hết đều thương cảm cho cô Phượng và ủng hộ sự can đảm, dám vượt lên những lễ giáo khắt khe, để sống hết mình về tình yêu của cô.