Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

Du lịch Lào: Xứ Lào nửa trái tim tôi



Hàn Lệ Nhân
 
Tôi sinh ra và lớn lên tại Savannakhet, Trung Lào, cách thủ đô Vientiane khoảng 500 cs về hướng Nam. Từ thuở biết băn khoăn suy nghĩ, ngày lại ngày, tôi hít thở vui buồn dưới bóng Trường Sơn, bên khúc sông Cửu êm đềm thơ mộng, chảy ngang Savannakhet nơi mỗi buổi tà dương là mỗi bức tranh kỳ diệu. Hăm ba năm trường, ngoài tình thương đùm bọc của gia tộc, tôi sống giữa vòng ôm hồn hậu, chất phác của người bản xứ. Niềm hồn hậu và bản tánh chất phác đó, trong nhiều thập niên, đã bị nhiều ngoại kiều - trong đó có tôi - hiểu lầm đưa đến kết luận vu vơ gọi là sự quê mùa, lạc hậu ... !
 
Trước 1975, ở Lào nói chung, học sinh lớp nhất (nay là lớp 7), trường tư hay trường công, muốn học tiếp trung học đệ nhất cấp (lớp 6 đến lớp 9) và đệ nhị cấp (lớp 10 đến lớp 12) chương trình Pháp đều phải thi vào. Ngoại kiều chưa nhập Lào tịch đều phải chịu một hạn chế bất thành văn là cứ 100 người đậu thì ngoại kiều chỉ được 2%. Do đó hầu hết học sinh việt nói riêng đều chọn cách đi vòng, nghĩa là nhập tịch Lào. Thời đó tôi không hiểu do đâu song thân tôi nhất định không chịu cho tôi " đi vòng " dù hai cụ biết hai năm rõ mười tôi chỉ thuộc típ " cậu ấm " chơi phá giỏi dang, học hành làng xàng !
 
Bây giờ tôi đã hiểu, hai thân tôi tiềm tàng cái gọi là Tự Tôn Văn Hoá ! Mà tự tôn văn hoá, ai cũng biết, cách tự tôn dân tộc chỉ độ nửa sợi tóc ! Sở dĩ bấy giờ hai cụ tôi có lối " nhìn xuống " đối với người Lào cũng như lối nhìn của thực dân, đế quốc đối với người Việt, một là bởi sự hiểu lầm vai trò đích thực của mấy chữ Văn Minh và Văn Hoá ; hai là bởi người tự tôn đều cho rằng chỉ Lẽ Sống của mình là đúng, là cao. Đúng và cao ở đây ngụ ý hợp với ý thích của người tự tôn, mặc dù kẻ bị xem là "thiếu văn minh, kém văn hoá" vốn đã sẵn ý thích từ rất lâu đời của họ. Kết quả, người tự tôn manh mún áp đặt ý thích của mình lên người bản xứ, mặc dù nơi đây cuộc sống ít xáo trộn, ít chênh lệch ; không gây cho con người những khủng hoảng trầm kha, những căn bệnh quái gỡ như thực trạng trong xã hội " văn minh đúng, văn hoá cao". Tuy nhiên, như thế không phải người "văn minh sai, văn hoá thấp" chê " cái đúng, cái cao " trên kia đâu, cũng không có nghĩa họ luôn cố định, bất biến. Bằng cớ là ngày nay các bộ tộc tận hang cùng, rừng thẳm đều có ít nhiều sự hiện diện của " văn minh đúng, văn hoá cao " tức là có sự thay đổi. Nhưng, sự thay đổi - nếu có - phải nằm trong đặc tánh của địa phương đó tức là " mọi ảnh hưởng bên ngoài chỉ du nhập trong chiều hướng thuận tiện của tánh chất cá biệt của nó. Vì thế mà tánh chất cá biệt dù bị ảnh hưởng đến đâu cũng không bị đồng hoá ". Hoà đồng: Có. Hoà tan: Không. Lấy trường hợp người " văn minh đúng, văn hoá cao " - với hậu ý trục lợi hơn là nhân bản - định cư, dựng nhà, lập làng cho thổ dân theo kiểu hiện đại, cấp phát cho họ những nhu yếu mới mẻ. Sau một thời gian chung đụng với " văn minh ", thổ dân đã làm nhíu mày những nhà hảo tâm kia. Nhà dựng cho họ, họ ra rừng ở. Giường tặng cho họ, họ đạp gãy làm củi đốt để được ngủ dưới đất... Rốt cuộc thổ dân chỉ còn giữ lại cái dao, cái búa, cái kim khâu ... và âm thầm khước từ mọi thứ khác.
 
Từ sự kiện trên tôi tạm hiểu rằng văn minh chỉ là khoa học mà văn hoá là đạo học. Khoa học lo cho cuộc sống. Mục đích của nó không ngoài việc nâng cao mức sống vật chất của con người. Đạo học tôi hiểu ở đây không đồng nghĩa với ý thức tín ngưỡng, tôn giáo mà chỉ là tâm hồn, bản chất của con người, là Lẽ Sống của con người. Khoa học hay kỹ thuật học và đạo học tuy được phân chia ra nhiều nhánh nhiều ngành song quay đi quẩn lại cũng chỉ nằm trong hai mục đích mưu cầu sự sống và lẽ sống cho con người.
 
Thực trạng các nơi " văn minh đúng, văn hoá cao " mà tôi đã có dịp viếng thăm dạy tôi điều nầy: Khi phát triển khoa học tiến nhanh hơn đạo học thì con người dễ đẩy nhau vào vòng xâu xé, xa rời lẽ sống uyên nguyên. Ngược lại, khi nền đạo học tiến mau hơn khoa học, con người dễ đưa nhau vào vòng lệ thuộc thần linh, lệ thuộc tín ngưỡng (giáo điều), làm cho xã hội con người cô đọng, thiếu ý thức cải tạo, tự biến thành thiêu thân cho các chuyên viên bán ghế trên thiên đàng, bán chỗ cõi tịnh như.
 
Nếu thu hẹp ý trên vào từng cá nhân thì lời cụ Trần Trọng Kim, cách nay hơn nửa thế kỷ trong cuốn Đường Thi, quả không có gì lầm lẫn: "Trong người ta bao giờ cũng có hai phần: Một phần Người và một phần Vật cùng đi đôi với nhau, điều hoà với nhau. Hể để phần Người át phần Vật quá độ thì người không đủ sức làm việc ; hể để phần Vật át phần Người quá độ thì hành vi của ta thành ra đê hạ, mất cả phẩm giá".
 
Tôi chưa đủ kiến thức để lạm bàn, bóc tách thế nào là Văn Minh, thế nào là Văn Hoá. Với tôi, hai thứ nầy tôi ví như quả trứng gà và con gà. Song tôi đã tự đặt câu hỏi: Văn hoá là gì ? Sách vở đã trả lời cho tôi: " theo nghĩa rộng rãi, văn hoá là tinh hoa tích lũy của nếp sống thể hiện qua cách thức, cảm nghĩ và thực hành của mỗi dân tộc trong những lãnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục, giao tế, phong tục ...". Nếu hiểu theo nghĩa trên thì một người Mẹ quê mù chữ vẫn là người có văn hoá vì bà Mẹ ru con mang trong mình những kiến thức, những lối sống, những suy tư, cách thức ru con, tuy mộc mạc nhưng sâu xa, văn vẻ và có tính cách dân tộc (ca dao, tục ngữ, lời thánh hiền, chuyện cổ tích). Và như thế, ta dựa vào cái gì để luận chuyện văn minh nhiều, văn minh ít ; có hay không có văn hoá cũng như văn hoá cao, văn hoá thấp ? Mỗi chủng tộc có mỗi nền văn minh, văn hoá là do không cùng hoàn cảnh địa dư, kiến trúc xã hội, quan niệm nhân sinh, cảm xúc lãnh hội, phong tục tập quán...
 
Do đó, sau 30 năm tạm dung trên đất Pháp và đã có duyên may đặt chân lên nhiều nước có tiếng là văn minh, tiên tiến trên thế giới, tôi nghiệm xét lại sự ngộ nhận ấu trĩ của cá nhân tôi trong loạt bài này.
 
Niềm hồn hậu và bản tánh dung dị của các bộ tộc Lào không phải khi không mà có, không phải vô tình mà có, mà phần lớn chính là kết quả của cả một quá trình tôi luyện lâu dài, qua nhiều thế kỷ, dưới ánh sáng của đạo Phật đấy, các bạn ơi. Niềm hồn hậu và bản tánh chất phác của họ, trên phương diện xã hội, phản ánh quan niệm bất tranh mà thắng, bất luận mà đắc nhân tâm. Cứ lấy ví dụ khi ta bàn về một dân tộc khác quanh ta: Dân tộc Khmer làm ta nghĩ ngay đến tệ nạn Cáp Duồn, đến thảm trạng Khmer Đỏ dưới thời Polpot ; dân tộc Xiêm La cũng thế, cọng thêm tánh " hồi đao " (1) ; dân tộc Tàu làm ta nghi ngại, ngay ngáy lo sợ tuyệt chiêu " tằm ăn dâu, vết dầu loang " ... Tóm lại, khi nghĩ đến các dân tộc hàm hồ trích dẫn, trên phương diện cá nhân, hoặc ta có ngay ác cảm hoặc không mong được kết thân, còn trên phương diện quốc gia, nếu có kết thân gần gũi thì cũng chỉ là dạng đãi bôi chính trị, lợi nhuận bán buôn. Riêng dân tộc Lào nói chung, khi ta nghĩ đến họ trên cả hai phương diện, bỏ qua sự ngộ nhận, có ấn tượng xấu lưu-tập nào tự động nẩy ra không ? Thân kính mời các bạn tự trả lời.
 
Nếu chưa có dịp sống ít lâu trên xứ Lào, tôi thành thật mời bạn đi thăm một chuyến. Có điều phải nói ngay đây, nếu mục đích của bạn khi viếng đất nước nầy là để tìm tiện nghi theo tiêu chuẩn bốn năm sao phương Tây, như bải tắm như mơ, kỳ quan thế giới, kỳ nữ rẽ đẹp ... Tôi khuyên bạn đừng đi vì chỉ uổng công, hao bạc lại bực mình rồi đâm ra ngộ nhận. Ngược lại, bạn sẽ thấy: Từ thủ đô đến khoéng (tỉnh), nơi nào người bản xứ ( kể cả tướng tá uy quyền) cũng rút về sống gần thiên nhiên, thoải mái ngoài đồng ngoài ruộng trong những căn nhà sàn cổ truyền hay cách tân. Hầu như họ " bỏ mặc " phố xá kiến trúc tây phương cho ngoại kiều.
 
Tôi may mắn có dịp chu du từ Nam chí Bắc xứ Lào, nay xin sơ lược theo cảm quan riêng, vài địa danh tôi đã đặt chân tới và yêu thích, giới thiệu với các bạn cùng lúc coi như tự đưa mình về lại nơi chốn cũ thêm một lần.
 
Có ba phương tiện di chuyển để đến bất cứ nơi nào trên xứ Lào. Thông thường bạn dùng máy bay thì đương nhiên bạn phải đáp xuống thủ đô Vientiane. Từ Việt Nam bạn có thể qua Lào bằng xe đò hay xe nhà. Từ Thái Lan, ngoài hai phương tiện kể trên còn có thuyền, đò đưa bạn vào đất Lào.
 
1. Vientiane
 
Thủ đô Vientiane có hai sân bay kề sát bên nhau trong địa phận Wattay, cách trung tâm thành phố độ 4 cây số. Một quốc tế. Một nội địa. Thủ tục nhập cảnh rất đơn giản, nhanh chóng và sẽ không có cảnh mè nheo, cố ý làm khó vòi vấn đề đầu tiên trong thủ tục thị thực visa, kiểm tra hành lý.
 
Vientiane có đến hai tên: Vientiane-thủ đô và Vientiane-thị trấn. Mộ-bi thời Sai Fong đã chứng mình địa phận Vientiane, xưa, vốn thuộc đế quốc Khmer và sử biên niên của Lào có ghi vua Fa Ngum đã đánh chiếm hai vùng đất nầy vốn kề nhau, cai quản bởi hai ông hoàng. Vientiane trở thành thủ đô Vương Quốc Lào từ 1563 dưới triều vua Setthathirat. Cả hai Vientiane gộp lại rộng 19.837 cs vuông với dân số 1.066.600 người (2004). Chia ra bốn khu chính: Chanthaboury và Saysettha là trung tâm ; Sikhottabong phía Tây và Sisattanak phía Nam. Chính vua Setthathirat đã cho xây dựng cảnh quan That Luang với ngôi chùa và đại tháp cùng tên (1566) và Chùa Phra keo (1565), nổi danh cho đến ngày nay. Xứ Lào là xứ Chùa. Tổng cộng Lào có 1.400 ngôi chùa. Do đó, đến Vientaine bạn nên viếng thăm mấy cảnh chùa (Vat) nổi tiếng như cảnh quan That Luang và Chùa Phra Keo nói trên, Chùa Ông Tự, Chùa Sí Mương, Chùa Sisaket, Suốn Xiêng Khuôn (tục gọi là Suốn Phụt tức Vườn Chư Phật), quần thể hàng trăm bức tượng đúc theo Phật thoại, trong vùng Thà-Đừa, cách Vientiane khoảng 25 cs, gần cầu Hữu Nghị Lào-Thái. Ở Vientiane có một ngôi chùa Việt tên Bàng Long, khá nguy nga. Từ chợ sáng trên đại lộ Lan Xang, bạn đã thấy sừng sửng đài Anou Savary (đài chiến sĩ vô danh), sau 1975 được đổi tên thành Patousay (Khải Hoàn Môn), toạ lạc giữa bùng binh giới ranh phố Vientiane và khu vực That Luang. Đài Anou Savary được tạo dựng từ 1958, phần dưới và ngoài mô phỏng theo đài Arc de Triumphe tại Paris, phần trên và trong gồm những nét kiến trúc, phù điêu đặc thù Lào. Đứng trên tầng cao nhất của Anou Savary ta có thể thấy toàn diện cảnh quan Vientiane.
 
Con đường huyết mạch ở Vientiane là đường Sí Mương-Samsenthay, sầm uất trù phú, dấu ấn kiến trúc còn lại của thực dân Pháp chạy xuyên suốt từ khu That Khao lên trung tâm Ô-Điên - SengLao, ra đến vùng Si Khay - Wattay, rồi bổng dưng ngừng lại, nhường cho kiến trúc cổ truyền Lào: Nhà sàn. Đúng là thực dân Pháp chỉ " khai hoá " thành công các phố thị Lào và đã thất bại hoàn toàn đối với hương thôn xứ nầy.
 
Vientiane nằm thoai thoải ven sông Mêkông. Bên kia bờ là tỉnh NongKhai (Thái Lan). Khúc sông nầy, năm 1994 chính phủ Úc đã tài trợ xây chiếc cầu Hữu Nghị Lào-Thái (Lao-Thai Friendship Bridge) dài 1240m. Bờ sông Vientiane chưa được khai thác đúng mức, chủ yếu mới ở mặt hàng ăn, quán cóc. Quán cóc ven bờ sông Vientiane rất đa dạng về thực phẩm, bạn có thể gọi bất cứ món ăn Lào nào, lạ miệng, ngon mà giá lại quá phải chăng so với Dollar hay Euro. Mỗi ngày đưa nhau đi viếng cảnh thủ đô, chân cẳng rả rời, chạng vạng ra bờ sông gọi vài chai bia Lào (Beer Lao) hay vài trái dừa nướng ướp lạnh, gắp thịt gà nướng, đĩa Tằm Mạc Hùng (nộm đu đủ), đĩa lạp bò chín hay tái (gỏi thịt), tô canh chua gà hay cá, típ xôi trắng dẽo hay nếp lam nướng trong ống tre... Gió sông hây hẩy, trời chiều bảng lảng ... Bạn bè cũ, kỷ niệm xưa, chuyện trên trời dưới đất. Đâu mất cả rồi những phiền toái ngay ngáy mang theo từ các xã hội " văn minh đúng, văn hoá cao" ?
 
Có bạn sẽ thắc mắc: Còn khi phố đã lên đèn, ở Vientiane có mục gì ? Ở Lào cũng giống hệt ở Việt Nam, hồi mới " chiến thắng ", chuyện ba biếc tuyệt đối bị cấm, chuyện chị em ta là tội lỗi đối với cách mạng ; song khi men chiến thắng tiêu hết nồng độ, đâu lại hoàn đấy, địa điểm du hí mọc lên như nấm, đa dạng, rẻ và hiện đại hơn thời "đồi trụy" gấp nhiều lần.
 
Cộng đồng người Việt có mặt tại Vientiane từ những năm 1930, sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Hiện có khoảng 10.000 người (1%, nguồn: Sứ quán Lào tại Pháp, 2004) sống rãi trong 13 phường như Thạt Kháo, Sí Mương, Khoua Đinh, Sa La Đeng, Ban Phai, Đôông Pa Lan, Sái Lôm ... Nghề chính: Buôn bán và xây cất. Nhìn chung người mình thành công trên phương diện thương mại, kinh tế. Có Hội Người Việt tại Vientiane, trực thuộc đại sứ quán XHCNVN, hiện nay do bà chị Trần Thị Huệ (Mayvanh Phouleuanghong) điều hành với sự khích lệ, phụ giúp cật lực của chồng là ông anh Đồng (Somphou Phouleuanghong). Trước 1975, Vientiane đã có nhiều ngôi trường việt như Nguyễn Du, Hy Vọng, Việt Anh ... Hiện nay Hội Người Việt tại Vientiane đang khởi công một dự án dài hơi, đồ sộ: Xây nguyên một khuôn viên trường học cho người việt trên một chu vi đất 10 ha do chính phủ Lào biếu, cách Vientiane 25cs.
 
Nói đến thủ đô Vientiane không thể không nhắc tới Lễ Hội hay Hội Chợ That Luang ( Boun That Luang).
 
Cảnh quan That Luang (Đại Tháp, tên chữ nguyên văn là Phra Chedi Lokatiounlamani = Phrả chê đi lô ka chun la ma ni, tạm dịch là Hoàn Vũ Đại Đỉnh Phật Tích) toạ lạc cách Vientiane 3 cs, về hướng Đông, được tôn tạo từ 1566 dưới triều vua Setthathirat. Theo truyền thuyết, trong tháp nầy có lưu giữ xá lợi của Đức Phật là một sợi tóc và rất nhiều châu báu. That Luang gồm tháp chính cao 45 thước, bao quanh là các tháp phụ, sơn thếp vàng rực rỡ, uy nghiêm dưới trời xanh trong.
 
Người Lào gọi lễ hội là Bun. Bun có nghĩa là phước, làm Bun = làm phước để được phước. Lễ Hội That Luang được tổ chức hàng năm vào ngày 13 đến 15 tháng 12 lịch Lào ( tháng 11 dl), gồm phần Lễ và phần Hội.
 
Phần Lễ trong Boun That Luang
 
Lễ là nghi thức tế tự do chính con người tưởng tượng ra để giao cảm với thần linh. Ngoài tính cách tín ngưỡng dân gian như nghi thức rước Phí Mương ( thần bảo hộ tỉnh) từ Chùa Sí Mương đến That Luang, lễ trong Boun That Luang còn mang ý nghĩa chính trị của Một Ngày Hội Thề. Từ thời vua Fa Ngum (thế kỷ XIV) cho đến 1975, lễ nầy do quốc vương Lào làm chủ tế. Trong lễ Hội Thề người ta thấy có mặt đầy đủ chức sắc, đại biểu, tỉnh mường, làng bản trưởng được mời về bàn việc nước...và mỗi vị có một cái kiệu bằng sáp ong (hó phợng), xếp thành hàng ngang trước nơi hành lễ. Nhà sư chủ trì cầm một cuộn dây bằng sợi vải trắng đi vòng nối các tỉnh mường, làng bản lại với nhau. Biểu tượng nầy phản ánh sự cam kết trung thành, thống nhất, đoàn kết quốc gia, cấm chia rẽ.
 
Phần Hội trong Boun That Luang
 
Câu cửa miệng của nguời Lào là " khôn Lao mặc muồn " ( người Lào thích vui) được thể hiện rõ nét trong phần hội. Hội chủ yếu là vui chơi, giải trí dưới nhiều hình thức từ ẩm thực đến văn nghệ, văn hoá, thể thao, mua bán, triển lãm. Đặc biệt Boun That Luang cũng là thời điểm của Hội Chợ triển lãm tầm vóc quốc tế, kéo dài ba ngày, ba đêm. Việt Nam, trước và sau 1975 đều có gian hàng triển lãm hàng hoá đặc sản trong dịp nầy kèm theo các bộ môn văn nghệ rất được bà con việt kiều yêu thích. Những tên tuổi như Thanh Thúy, Trang Thanh Lan ... Duy Khánh, Elvis Phương ... đều từng có mặt nhiều lần trong Boun That Luang trong phái đoàn Tâm Lý Chiến thời VNCH.
 
Xứ Lào có một nguồn vốn văn nghệ dân gian, cổ truyền phong phú, rực rỡ. Trong dịp nầy, mọi thể loại tiêu biểu từ Lăm Lưởng (hát truyện thơ), I Kề ( giống cải lương) ; đến vô số hình thức hò, ngâm như khắp, xởng, cạp, còn ...; đối đáp giao duyên như lăm (hò) vạy, lăm loòng, lăm tơi ; các loại lăm có tính địa phương như lăm Sa La Văn, lăm Si Phăn Đon (Nam Lào), lăm Tằng Vạy ( Trung lào), vũ điệu quốc gia như LamVôông, Natasine ... đều được phô diễn, hài hoà vui nhộn trong tiếng khèn, tiếng la-nạt (bộ đàn gõ), tiếng khui (sáo), tiếng Koong (trống) ... (2)
 
" Ti Khi " là một trò chơi không có không được trong Boun That Luang, nó vừa có tính cách thể thao vừa phản ánh nội dung tín ngưỡng. Ti Khi là lối chơi đánh cù trên sân cỏ, nguồn gốc của môn Polo rất thịnh hành tại Ấn Độ và Anh, với chút khác biệt là người chơi Polo ngồi trên lưng ngựa, còn người chơi Ti Khi thì dùng cặp giò. Trước 1975, vị khán giả đặc biệt là quốc vương Lào, nay là chủ tịch nước.
 
Ti Khi được chia ra hai phe. Phe áo đỏ tượng trưng cho quan chức (nay là cán bộ cao cấp). Phe áo trắng hay phe cởi trần là nông dân. Ti Khi không có luật lệ, không có trọng tài. Một trận đấu được chia làm 3 hồi, mỗi hồi 20-30 phút. Mục đích của đôi bên là làm thế nào dùng cù đánh văng trái banh gỗ (loukkhi) cho quá làn ranh nửa phần sân bên kia. Sau ba hồi, phe nào có điểm cao là phe thắng. Theo tín ngưỡng dân gian, nếu năm nào phe áo đỏ ( phe quan chức) thắng phe nông dân thì đất nước sẽ khó được yên, nhân dân sẽ bị khổ. Do đó, hầu như năm nào phe áo trắng hay phe cởi trần cũng thắng cả. Ngoài ra, Ti Khi còn có thêm ý nghĩa cầu nắng vì vào tháng nầy việc nông tang, đồng áng đã xong.

Chú thích:
 
(1)   Dĩ nhiên là ta không quên khía cạnh nhân bản tích cực của chính phủ Thái Lan trong thảm kịch tỵ nạn Việt-Miên-Lào từ 30/04/1975.
 
(2) Nhạc điệu dân ca Lào rất phong phú, mỗi miền mỗi điệu, mỗi sắc thái: Khạp-thun ( LuangPrabang), Kham-ngum (Vientiane), Lăm Phon-Sà-Vắn (Savannakhet), Lăm Ma-Há-Xay (Khammouane)... Sẽ có một bài riêng cho đề tài nầy. 

2. LuangPrabang
 
Việt Nam có Huế, xứ Lào có LuangPrabang. Cả hai đều là cố đô đồng thời được Unesco công nhận là di sản văn hoá thế giới. Cố đô Huế năm 1993. Cố đô LuangPrabang năm 1995. LuangPrabang là không gian đón nhiều lượt khách du lịch nhất trong xứ Lào.
 
LuangPrabang thuộc vùng núi miệt trung bắc xứ Lào, độ cao khoảng 700m, nằm giữa ngã ba sông MêKông và sông Khan, nối liền thủ đô Vientiane bằng quốc lộ 13, cách nhau 320cs. Quần thể LuangPrabang duỗi mình trên một doi đất có sông, có suối, có núi. Diện tích LuangPrabang và vùng phụ cận được 16.875cs vuông. Dân số 408.800 người (8,24% tổng số quốc dân, 2004), bao gồm 12 bộ tộc : Lao thơng (người Lào miệt trung du): 46% ; Lao Lùm (người Lào miệt đồng bằng): 40% và Lao Súng (người Lào miền núi): 14%. Nội thành LuangPrabang có 20.000 người. Sau 1975, phần lớn ngoại kiều như người việt còn trụ lại Lào đều tản về thủ đô Vientiane.
 
Xưa, LuangPrabang có tên là Mương Xua, kế là Xiêng Đôồng-Xiêng Thoong và LuangPrabang từ thời vua Fa Ngum (thế kỷ XIV) cho đến ngày nay. LuangPrabang có vị thế thủ đô xứ Lào cho tới khi vua Setthathirat, vì vấn đề địa lý chính trị, quyết định dời đô xuống Vientiane vào năm 1560. LuangPrabang trở lại vị thế đế đô từ 1947-1975.
 
Từ khi lập quốc LuangPrabang đã bị ngoại xâm tàn phá, cướp bóc nhiều lần. 1479: bởi bộ tộc Thái Đằm (Thái đen) ; 1525: bởi Việt Nam, triều Lê Chiêu Tông ; 1764: bởi Miến Điện ; 1887: bởi giặc Cờ Đen (Tàu).
 
Truyền rằng tượng Phật Prabang do lão tăng Phra Chounla Nark Théra và 500 vị sư khác sùng tạo bằng vàng (có trộn đồng đỏ và bạc để tăng thêm độ bền và sự bóng loáng) quyên góp được từ tín hữu tại đảo Sri-Lanka từ năm 107 trước CN. Prabang là một tượng Phật đứng, hai tay đưa ra phía trước, hơi gấp lại ở khoảng bán thân. Nặng 48 kg, cao 83 cm.
 
Vào thế kỷ thứ IX, vua Sri-Lanka tặng tượng Prabang cho vua Khmer - Indravarman, người cho xây Angkor Wat. Đến năm 1355, vua Khmer Paramantha Khempraja lại tặng Prabang cho con rể người lào là Chao Fa Ngum (1316-1373), sau khi ông nầy mang quân về xoá triều Mương Xua, thành công năm 1353. Vua Fa Ngum đổi tên kinh đô Xiêng Đôồng-Xiêng Thoong thành đế đô Luang Prabang, lấy tượng Prabang làm biểu tượng quốc gia, xây chùa Pasaman, thờ Prabang như bảo vật trấn quốc. Hiện nay bức tượng trấn quốc Prabang được an vị trong hoàng cung, nay là Bảo Tàng Quốc Gia, tại Luang Prabang. Đương nhiên đây chỉ là bức tượng nhái (copy), bức thật được cất giữ một nơi bí mật khác.
 
LuangPrabang gồm 3 chữ ghép lại. Luang (đọc là luống, do vua Fa Ngum thêm vào) = Lớn ; Pra = Phật ; Bang = tụ phúc, cọng đức. Luang Prabang có thể hiểu là tượng Phật lớn được sùng tạo từ công đức của nhiều người, tạm dịch là Tụ Đức Đại Phật Tượng .
 
Lần đầu tôi đến LuangPrabang vào năm 1972, theo lời mời của một cô bạn tâm thư qua mục Nhịp Cầu Tri Âm trên tờ Phụ Nữ Diễn Đàn. Lần sau vào mùa Tết Tân Tỵ, 2001.
 
Nghe bảo ngày mốt tôi sẽ đi Mương Luang (LuangPrabang) bằng xe đò, vợ chồng mấy người bạn đều giật nẫy lên, cản và khuyên tôi nên lấy máy bay cho tiện vì bấy giờ khúc đường Vientiane-LuangPrabang vừa xấu vừa kém an ninh, thường xuyên bị đột kích bởi nhóm ly khai Hmông. Tôi nói " đi bằng máy bay thì vù độ 1 tiếng là tới nơi, bao nhiêu cảnh đẹp, người các bộ tộc ven đường, ven núi ai ngắm, ai quay dùm tớ ?". Nói vậy nhưng rồi tôi cũng phải nghe lời các bạn, đi bằng máy bay. Ông bạn Pa-Thương (Quyền) bốc điện thoại cái vèo là đâu vào đấy, chẳng là nó có ông em cột chèo người Lào làm chủ một nhà khách (Guest House) ở LuangPrabang, nay qua lời nó tán, cậu em nầy tự nguyện làm hướng đạo cho tôi luôn. Từ máy bay nhìn xuống, LuangPrabang xanh ngát, chập chùng tuyệt đẹp.Sân bay nhỏ, thường. Nhân viên nhập cảnh hầu hết là người Kh'mú và người Hmông. Đón tôi về nhà xong, cậu em KhamĐy hỏi lịch trình của tôi như thế nào trong mấy ngày viếng cố đô. Kỷ niệm về cố đô trong tôi sau bao nhiêu nước chảy qua cầu đều phai nhạt, duy hình ảnh cô bạn nhịp cầu tri âm ngày nào thì vẫn còn nguyên. Do đó, việc đầu tiên tôi nhờ cậu ta là đưa tôi tới ngay địa chỉ nhà cô ấy gần khu chùa Vixun. Cảnh cũ còn đây, bạn xưa đâu tá ?
 
Phố xá LuangPrabang vẫn trầm mặc, gọn gàng, vương giả. Đâu đâu cũng thấy du khách da trắng, nhìn chung dạng ba lô chiếm đa số. Không biết ông bạn Pa-Thương dặn dò thế nào mà tối đầu tiên đó KhamĐy không hỏi ý kiến tôi, đưa ngay tới một nhà hàng Lào, gần hoàng cung cũ, có giàn nhạc cổ truyền Natasine. 80% khách là dân da trắng. Một bữa ăn tối tuyệt vời. Trở về nhà, KhamĐy bảo tôi sáng mai lúc 6 giờ sẽ có buổi Tắc-Bạt (khất thực) dọc đường, dưới chân Phou-Si và thòng thêm câu: anh dậy nổi không ? Tôi cười.
 
Tôi mò dậy lúc 5 giờ. Len lén vác camera đi bộ ra ngay chân cầu thang lên đồi Phou-Si. Trời còn tranh tối tranh sáng. Nửa muốn leo cầu thang lên đỉnh nhưng lại e trễ giờ quay phim buổi khất thực. Bấm bụng đi lòng vòng. Hương Champa (hoa sứ / hoa đại) thoang thoảng trong không gian tinh khiết. Nam nữ tín hữu đã bắt đầu xuất hiện, quỳ trên lề đường Sisavang Vong, trên tay mỗi người đều có một hai típ xôi, một cái khánh (ô) bạc đầy thức ăn. Đoàn tăng lữ Theravada áo cam chân trần có đến 50/60 người nối đuôi nhau, yên lặng đi ngang qua hàng tín hữu đang cung kính nâng khánh bạc lên ngang trán. Mỗi vị sư khi ngừng trước mặt một tín hữu, mở nắp bình bát ra, tín hữu bốc một vắt xôi kèm chút thức ăn, vái một cái rồi bỏ tất cả vào trong bình bát. Hoạt cảnh khất thực kéo dài trong thanh lặng đến khoảng 6 giờ 30 thì dứt. Phố xá bắt đầu lao xao. Vừa lúc Khamdy ra tìm.
 
Điểm tâm nhẹ trong một quán café bên cạnh Phou Si, xong tôi đưa cho KhamĐy tên các địa danh tôi muốn đến, tùy cậu ta sắp xếp thời gian. KhamĐy định về lấy xe hơi đưa tôi đi, tôi không chịu, tôi bảo chỉ có hai người, tôi khoái đi bằng xe gắn máy, gọn tiện hơn nhiều. Gửi xe với quán café. Chúng tôi leo lên Phou Si.
 
A. Cảnh quan từ đỉnh Phou Si
 
Phou Si (Núi Màu) là một ngọn đồi hay núi nhỏ rộng 250m, dài 1.000m và cao 80m. Trên đỉnh Phou Si có That Chom Si (tháp trên đỉnh núi màu, cao 20m). Muốn lên viếng cảnh Phou Si ta phải leo 329 bực thang bằng gạch đỏ, tráng xi măng, sơn trắng. Có mấy trạm nghỉ chân. Hai bên cầu thang phần dưới đất là hai tượng rồng Lào đúc, chầu hai bên rất linh động, dài trên dưới 10m với hàng trăm gốc Champa cổ thụ trên trăm năm tuổi ; thân, cành sần sùi kỳ quái, có gốc to đến 2 người ôm. Thời gian tôi có mặt nhằm tháng hai, hoa tuy ít nhưng hương vẫn ngát. Tháp được dựng từ 1804 dưới triều vua Anourout, Unesco trùng tu lần sau cùng năm 1994, là biểu tượng và trung tâm văn hoá, tín ngưỡng của cố đô LuangPrabang. Hiện nay khuôn viên núi Phou-Si còn lại 5 ngôi chùa. Toàn cảnh trên Phou Si thật cổ kính, thanh thoát ẩn hiện giữa rừng hoa đại. Từ đây dõi mắt, tôi thấy từ xa dòng Nam Khan uốn khúc lặng lờ dưới ánh sương mai, hai bên bờ là màu xanh của các ô vườn hoa trái, rau cỏ, chấm phá dăm bóng người lom khom cắt hái hay qua lại tưới nước. Đảo mắt qua, là cả khuôn viên hoàng cung rộng lớn, vườn thượng uyển vẫn đẹp, trăm hoa vẫn khoe sắc. Bức tượng đồng vua Sisavang Vong vẫn uy nghi đứng giữa trời, lặng nhìn bể dâu dâu bể... Kéo ống kính Camera lại gần, tôi thấy tấm bảng trên cổng vào, có chút thay đổi: Hoàng Cung Vương Quốc Lào nay là Bảo Tàng Viện Quốc Gia CHDCND Lào.
 
Ngoài ra, ta còn thấy gần xa rất nhiều mái chùa như bọc quanh lấy LuangPrabang: Wat Aham, nơi có Hó Phí Khôn (miếu thần hộ trì LuangPrabang và là nơi cất giữ các mặt nạ Pu Nhơ-Nha Nhơ, biễu tượng tổ tiên người Lào) Wat Mày (Chùa Mới, nơi ở của Phra Sangkharath, tăng thống Phật giáo Lào), Wat Vixun ... LuangPrabang có 36 ngôi chùa.
 
Dừng chân ở góc hướng tây, phóng mắt qua bên kia bờ Mêkông, tôi thấy một ngọn núi có hình thể một người đàn bà nằm quay lưng lại, hỏi KhamĐy, cậu giải thích đó là Phou Nang ( Núi Nàng), cách đó không xa là Phou Thao (Núi Chàng), dưới là bản Xiêng Men. Mốt em sẽ đưa anh qua đó. KhamĐy nói tiếp " bây giờ em đưa anh đi tham quan cảnh Wat Xiêng Thoong, coi kỹ chùa này thôi, mấy chùa khác em nghĩ không cần, sau đó ta đi Bản Phanôm. Ta phải quay lại, lên Phou Si cho kịp giờ thưởng thức cảnh ráng chiều rơi trên Mương Luang để anh còn tức cảnh làm thơ hoài niệm cái cô nhịp cầu tri âm nào đó ... Mai ta dành trọn ngày đi Thác Kuang Sí và Thặm Tìng.
 
B. Wat Xiêng Thoong
 
Khuôn viên Chùa Xiêng Thoong nằm ở bán đảo hình thành bởi ngã ba sông Mêkông và dòng Nam Khan. Được sùng tạo dưới triều vua Setthathirat năm 1559-1560. Là ngôi chùa đẹp và quan trọng nhất của LuangPrabang với lối kiến trúc đặc thù Lào, mái cong cong buông xuống gần mặt đất. Wat Xiêng Thoong là ngôi chùa chính bao quanh là những miếu đường nhỏ có cùng một lối kiến trúc, hợp thành một cảnh quan tuyệt mỹ. Từ ngoài vào trong, trên các tường ta thấy cơ man phù điêu, điêu khắc, chạm trỗ công phu, sắc sảo nội dung dựa theo phật tích. Nội thất của Wat Xiêng Thoong phải kể là tuyệt tác. Mỗi miếu đường cũng vậy.
 
Mỗi năm, vào dịp Pimay Lao ( Tết Lào) mọi chức sắc trong giáo hội Phật giáo Lào cũng như quan chức trong chính quyền tại LuangPrabang đều hội tụ về Chùa Xiêng Thoong hành lễ chào mừng năm mới, rước tượng Prabang từ Bảo Tàng Viện về an vị trong sân Wat Xiêng Thoong, hoà cùng dân chúng, nối đuôi tắm tượng Phật Prabang bằng nước hoa Champa suốt một ngày, biểu hiện lòng sùng tín đối với Phật giáo.
 
C. Bản Phanôm
 
Hai chúng tôi đến làng lúc 14 giờ. Từ cổng làng tôi đã thấy thấp thoáng dưới mỗi nhà sàn đều có một vài phụ nữ người Lự đang ngồi dưới khung cửi. KhamĐy dẫn tôi tới một căn nhà sàn khá lớn, có lẽ là chỗ quen biết. Dưới sàn có sáu cô đều còn trẻ. Hai tay đang thoăn thoắt phóng ống thoi qua lại thật điệu nghệ. KhamĐy sổ một tràng tiếng Lự, mấy cô nhìn nhau cười khúc khích. Tôi chấp tay chào mấy cô bằng tiếng Lào, mấy cô đồng thanh chào lại. Hai cô trẻ nhất, độ 22-23, ngưng dệt, đi lên nhà, một lúc sau trở xuống, một cô bưng một khay đu đủ chín và cô kia một khay có hai ba chai nước ngọt. Thế là màn giới thiệu bắt đầu và tôi được dịp thăm hỏi đủ thứ chuyện lẫn quay cảnh các cô đưa thoi.
 
Làng Phanôm chỉ cách LuangPrabang 3 cs về hướng đông, là một làng người Lự, một bộ tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Thái-kađai, di cư qua Lào từ thế kỷ XVII, gốc vùng Síp Soóng Phăn Na (12 ngàn thửa ruộng), Vân Nam (Trung Quốc), dân số 134.100 người, tản mác khắp miệt bắc Lào. Làng nầy nổi tiếng về nghề dệt và thủ công, đặc biệt kỹ thuật làm giấy bằng bông vải.
 
Trai gái Lự được tự do tìm hiểu nhau rồi xin ý kiến cha mẹ để kết hôn. Con trai phải ở rể vài ba năm rồi ra ở riêng. Người Lự sống tình nghĩa, thủy chung, vợ chồng rất ít ly dị, nếu trai bỏ vợ, gái bỏ chồng đều bị phạt nặng theo tập tục. Người Lự ở nhà sàn, hai mái, mái phía sau ngắn, còn mái phía trước kéo dài xuống che cho cả hàng hiên và cầu thang. Trong nhà có hai bếp, một bếp để nấu ăn và một bếp để đun nước tiếp khách.
 
KhamĐy sổ thêm một tràng tiếng Lự nữa, các cô cười ồ lên. Tôi ngơ ngác chẳng hiểu gì, chỉ đoán là họ đang trao đổi về tôi. Ăn đu đủ chín, uống nước ngọt xong, tôi bảo KhamĐy đi sâu vô làng. KhamĐy đáp anh đi dạo với cô này, vừa nói vừa chỉ vào một cô xinh nhất, tên Vén Phệt (nhẩn ngọc). Được người đẹp làm hướng dẫn viên tôi mừng quá, cám ơn rối rít. Đi sâu vào làng, đó đây tre xanh cao vút ven đường, rù rì như chào khách. Những xấp " máy " (tơ lụa), những fứn sịn ( váy lào), áo cánh, phạ biềng ( khăn choàng)... đủ sắc, đủ kiểu được móc trên vách trong mỗi cửa hàng nho nhỏ, trông như tranh Van Gogh, thật thích mắt. Chúng tôi vào một ngôi chợ khá khang trang, hoàn toàn là đồ dệt và các thủ công mỹ nghệ sản xuất tại Bản Phanôm. Vén Phệt cho tôi biết, sản phẩm từ Làng Phanôm chỉ được bán tại chỗ và trong chợ đêm LuangPrabang của người Hmông thôi. Tôi nhờ Vén Phệt chọn cho hai xấp, mua về tặng bà xã may sịn (váy lào), một xấp tặng vợ KhamĐy. Tôi có ý muốn tặng Vén Phệt một xấp, cô nàng cười ré lên " ai lại chở củi về rừng, anh ơi ! ". Ừ ha, rõ thật ngớ ngẩn. Trong làng có chỗ làm rượu cần. Vén Phệt nói gì đó với ông chủ làm rượu, ông đưa ngay ra một hủ độ 5 lít, đặt xuống nền nhà bằng đất, cắm vào ba ống hút cong cong bằng tre dài khoảng 50cm, vui vẻ mời tôi và Vén Phệt. Tôi vốn chỉ uống được bia nhẹ, từng nghe nói tới loại rượu cực mạnh nầy nên do dự, sợ bị vật lăn quay ra đây thì chẳng ra thể thống gì. Ông chủ nhà rượu cũng tinh ý, bảo tôi " hủ nầy mới cất, nồng độ chưa cao, anh thử chút cho biết, không say đâu ; mà dẫu có say thì đã có cô đây đưa về nhà ... cô ta. Đến từ xa mà không thử đặc sản nầy thì uổng quả. Tây làm gì có thứ nầy ". Nễ tình, tôi hút hai lần, mỗi lần hai hơi. Cay sè. Nuốt xuống cổ mới có chút vị ngọt. Hai người kia họ hút liên tục. Ngồi một lúc, tôi móc tiền ra trả, chào để đi tiếp, ông chủ khoát tay cười " tôi mời hai người mà, anh đưa hủ nầy về Pháp tập uống, mai mốt trở lại, về đây uống suốt đêm với tụi nầy ".
 
Ra khỏi quán rượu cần, Vén Phệt đưa tôi tới một nơi làm giấy. Thợ làm giấy cũng toàn mấy cô. Tôi thấy mấy chục khung giấy điểm hoa văn được dựng phơi trước chòi. Nhìn dụng cụ của họ tôi không hiểu với bí quyết nào mà họ có thể lèn những hoa văn màu lên mảng giấy bằng bông gòn trắng mỏng tanh đó được. Đồ nghề họ sử dụng chỉ là một khung lưới rộng chừng 80cm x 80cm, lỗ nhỏ li ti. Một chậu nước cũng hình vuông to gấp đôi khung lưới. Vật liệu tôi thấy là bông gòn trắng phau. Có thể còn nhiều công đoạn mà họ giấu. Loại giấy nầy có phải người mình gọi là giấy dó chăng ? Nhưng loại giấy nầy sẽ làm tôi ngạc nhiên hơn nữa khi viếng cảnh Thác Kuang Sí. 
 
Hồi sáng, từ đỉnh Phou Si tôi đã thấy trời-đất-nước LuangPrabang dưới ánh bình minh, tranh thủy mạc Trung Quốc phải nói là chưa thể so sánh được. Vì đó là một bức tranh thiên tạo ngẫu hứng, ngắn, duy nhất, không bao giờ có bức thứ hai y như thế. Ống kính camera DV đã ghi lại đầy đủ: cũng chỉ là bản sao vì thiếu khoảnh khắc sống.
 
Từ thuở còn học trung học tôi đã có nhiều kỷ niệm liên quan với hoàng hôn về trên sông. Nói cách khác, hoàng hôn là chứng nhân của nhiều kỷ niệm học trò trong đời tôi, từ đó hoàng hôn đã trở thành nỗi ám ảnh hay một đam mê trong tôi. Bất cứ đặt chân đến nơi nào có sông, có suối, nói chung là có bến nước, thế nào tôi cũng tìm hỏi bạn bè hay cư dân không và thời gian đẹp nhất khi hoàng hôn về trên sông của địa phương đó.
 
KhamĐy thả tôi dưới chân Phou Si, hẹn trở lại một tiếng sau " em về tắm rửa trước, tối nay vợ chồng em có mục dành cho anh". Tôi leo lên lại, đến đỉnh lúc 18 giờ 15. Khách chờ thưởng lãm hoàng hôn đã lố nhố tự bao giờ, hầu hết là khách da trắng, có một cặp người Nhật hay Đại Hàn khá lớn tuổi. Tất cả yên lặng, như nín thở. Chờ. Tôi châm điếu thuốc và trong một sát na, cuốn phim 30 năm về trước chập chờn theo khói thuốc...
 
Màn trời trắng bạc, vân xanh nhạt chuyển dần theo màu cam lửa từ cái đĩa tròn vo đang từ từ hạ xuống bên kia hai ngọn Phou Thao (núi chàng), Phou Nang (núi nàng), phản chiếu xuống dòng Nam Khan thành hai cái cùng một màu, nhưng với hai diễn biến khác nhau. Cái ở trên, nghiêm nghị uy nghi. Cái ở dưới, óng ánh, lung linh, nhấp nhô theo triều nước. Cái ở trên có mây ngủ sắc vờn quanh, có cánh chim lượn tiển. Cái ở dưới có thêm dăm bóng thuyền chài soi bóng.
 
Bức tranh nầy hoạ sĩ nào ghi lại nổi, nói chi tưởng tượng. Huống hồ " văn sĩ " như tôi. Cao xanh đã ưu ái dành cho LuangPrabang một khoảng không gian với hai mốc thời gian miên viễn tuyệt vời...
 
Tôi xuống đến chân cầu thang thì đã thấy KhamĐy ở đấy. Cậu em hỏi tôi " sao anh, tuyệt ha. Thế từ trên đó xuống đây, anh đã có ý tứ gì chưa ?". Tôi trả lời " đâu chỉ có ý tứ thôi, mà đã làm và chiếu xong một cuốn phim Tâm Thư Hoài Niệm và đã cất lại trên đó luôn rồi ".

Hàn Lệ Nhân
 
Hơn nửa ngày viếng cảnh, đừ người, chỉ muốn về tắm vội rồi leo lên giường ... ghi sổ tay. Cuộc đời đâu đơn giản vậy. Vừa bước vào phòng khách tôi thấy 8, 9 người ngồi chuyện trò quanh salon, vợ KhamĐy đang bưng khay nước mời họ. Thấy tôi, vợ KhamĐy nói " à, họ đây rồi ". Theo phản ứng tự nhiên tôi chấp tay chào mọi người. KhamĐy lên tiếng " xin giới thiệu cùng các bạn, đây là anh Th., bạn anh Pa-Thương, từ Pháp về. Khới hạng (rể hụt) Mương Luang của chúng mình đó ! " Tôi cười, lại chấp tay lên tiếng chào thêm lần nữa. " Còn đây là vài nguời bạn của vợ chồng em. Hai cặp nầy là người Kh'mú U. Cặp nầy người Hmông. Chú nầy người Việt. Hai chị em nầy người Phou Noi ". Nghe lời giới thiệu của KhamĐy, tôi sướng mê người, bao nhiêu nhọc nhằn biến đâu cả, trừ cái nóng dẫu là tháng hai. Tôi xin phép được đi tắm một cái, rồi tính sau.
 
Pa-Thương quả được chuyện, không có nó "ngoại giao" làm gì mình tụ được bức phác hoạ tộc người nầy. Tôi thầm cám ơn vợ chồng KhamĐy cùng thằng bạn tốt bụng và tế nhị. Hèn gì mỗi lần gặp lại, chúng nó cứ bảo " mầy đã làm được ít việc mà tụi tao không nghĩ tới, cá nhân tao chỉ có thể giúp mầy ba chuyện lăng nhăng thôi ". " Như vầy mà là ba cái chuyện lăng nhăng, mầy thật khéo nói, xiều (bạn quí) ạ". Vừa tắm tôi thú vị nghĩ đến thằng bạn từ thuở mài đũng quần xà-lỏn trên ghế trường tiểu học việt ngữ Lạc Hồng.
 
Bước ra phòng khách tôi thấy trên bàn đã được phủ một lớp đĩa đầy thức ăn Lào. Ông người Việt lên tiếng bằng lào ngữ ngay:
 
- Tôi nghe nói falăng (tây) tắm lâu lắm mà, sao bạn làm lẹ vậy ?
 
Tôi phịch cười:
 
- Có thể falăng tắm lâu thật, còn tôi có phải falăng đâu, 26 năm ở Pháp, thời gian dài hơn thời gian tôi ở xứ Lào, tôi biến thành " chệc " (Tàu) thì có.
 
- Nghĩa là thế nào ?
 
- Lúc trước ở xứ nầy người lào gọi tôi là " bặc keo" (thằng việt), về Việt Nam họ cho tôi là "thằng lèo", qua Pháp, tây-rệp-lọ kêu tôi là " thằng chệc " (le chinois / the chinese).
 
Mọi người cười ồ lên.
 
- Thế anh thấy anh là người gì ? Cô người Kh'mú hỏi.
 
- Tôi tự ví tôi như sỉn sám sẳn (thịt ba chỉ) và ví con cái tôi như quả chuối chín.
 
- Thịt ba chỉ thì tụi nầy hiểu vì anh mới nói ở trên, nhưng quả chuối chín thì xin anh nói rõ.
 
- Có gì đâu, chuối chín vỏ vàng, ruột trắng. Tôi có vợ việt, con cái đều sanh ra tại Pháp, tức là da vàng. Các cháu nói được tiếng việt, nhưng cách suy nghĩ, lối sống là cậu tây, cô đầm cả, nghĩa là tâm hồn âu tây. Điều tôi hằng áy náy là đã không dạy các cháu nói được tiếng Lào.
 
- Hẳn anh đã có quốc tịch Pháp, thì anh là người Pháp rồi ?
 
- Đúng vậy, tôi nhập Pháp tịch từ 1986. Đối với nước Pháp tôi là một công dân gồm mọi bổn phận và quyền lợi nhưng trong đời sống hàng ngày, người Pháp chính thống hay người da trắng nói chung coi tôi là người á châu. Mà bản thân tôi, trong tiềm thức, kiếp nầy tôi mãi mãi là người việt-lào.
 
- Xin lỗi, hỏi anh câu nầy hơi tò mò, anh có tên Tây không ?
 
- Không. Trước ở Lào tôi vẫn giữ quốc tịch Việt, dù chưa bao giờ được quyền bỏ phiếu các cuộc bầu bán tại Việt Nam. Con cái tôi cũng không có tên Pháp. Nhập Pháp tịch, chính phủ Pháp không có điều khoản nào bắt buộc bất cứ ai muốn có quốc tịch Pháp phải lấy tên Pháp cả, tùy quyết định và chọn lựa của cá nhân người đó. Khác hẳn ở đây, vào quốc tịch Lào là phải chọn tên họ Lào.
 
Các món ăn trên bàn tôi đã quen ăn từ nhỏ, bên Pháp có đủ cả trừ món đặc sản nổi danh của LuangPrabang là món Chèo boong Mương Luang trộn da trâu thái mỏng. Tôi vốn dốt đặc trong chuyện bếp núc, song thiết tưởng nhân đây cũng đáng chép giới thiệu cùng các bạn món ăn đặc thù LuangPrabang nầy. Cheo boong Mương Luang là một loại tạm gọi là " ruốc " hay thức chấm vừa ngọt vừa cay, có thể dùng ăn kèm với xôi, thịt khô, cá nướng …, ngon lạ lùng. Vật liệu chính là tỏi, ớt, tôm khô, nước mắm, mật, đường, gừng và da trâu. Cách thức chế biến mời các bạn vào đây:
 
http://laos.luangprabang.free.fr/gastronomie/recettes/Tio_Bong.htm.
 
Buổi họp mặt rất thú vị vì ai cũng dùng ngôn ngữ quốc gia là tiếng Lào. Và trong buổi họp mặt bất ngờ nầy, cũng chính ông gốc việt, khi có cơ hội, cố ý lái tôi vào khía cạnh chính trị, tôi ý thức được hoàn cảnh tế nhị nên du di " Thiên Long Bát Bộ " lách ra an toàn. Tựu trung cả chín người bạn mới đều " đứng núi nầy, trông núi nọ ". Cũng là chuyện thường tình.
 
Bộ Tộc Kh'mú U
 
Ở Lào có ba nhóm người Kh'mú: Kh'mú U (506.250 người), Kh'mú Rok (56.250 người) và Kh'mú Me (39.375 người). Tổng cộng bộ tộc Kh'mú U là bộ tộc đông dân thứ nhì sau bộ tộc Lào (1.800.000 người). Người Kh'mú U, gốc từ Trung Quốc, có mặt tại Lào từ thế kỷ XI, sinh sống chủ yếu trong bốn tỉnh bắc Lào: Houaphăn, Phôôngsaly, Vientiane và LuangPrabang. Tiếng Kh'mú U thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer/Nam Á (Austro-asiatique). Người Kh'mu theo tín ngưỡng dân gian tức thờ " Phí " (ma), sinh sống bằng nghề nương rẫy.
 
Bộ Tộc Phou Noi
 
Bộ tộc Phou Noi có khoảng 50.000 người, sinh sống quanh vùng Phongsaly và LuangPrabang, bắc Lào. Gốc gác từ Nam Trung Quốc.Tiếng Phou Noi thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng-Miến. Người Phou Noi thường lập thành các nhóm nhỏ, từ 10 đến 20 căn nhà làm bằng gỗ hay tre. Phương tiện sinh sống chính là săn bắn, làm rẫy.
 
Bộ Tộc Hmông
 
Trước kia người Lào dùng từ Mẻo, người Việt dùng từ Mèo để chỉ định bộ tộc Hmông, đọc trại từ chữ "Miêu" theo cách gọi của Trung Quốc, nơi xuất phát của bộ tộc nầy. Nhưng chính họ, bộ tộc nầy, lại khẳng định họ là bộ tộc Hmông, nghĩa là người. Người Hmông di cư qua vùng bắc Lào vào khoảng hậu bán thế kỷ XVII. Tiếng Hmông thuộc nhóm ngôn ngữ Hmông-Dao, Hán-Tạng. Trong nhiều thập niên người Hmông sống bên lề xã hội Lào, không có quan hệ với hành chính Lào. Họ thích sống trên rẻo cao, có trình độ sản xuất nông nghiệp thâm canh, chăn nuôi giỏi và có một nền văn hoá dân tộc độc đáo. Người Hmông được biết tới từ năm 1918, dưới thời Pháp thuộc, nhân một cuộc bạo loạn mà nguyên nhân chính do thực dân Pháp áp đặt khổ dịch và thuế khoá quá cay nghiệt đối với họ. Từ 1920 đền 1945 là khoảng thời gian vàng son của người Hmông trong việc trồng hoa Anh Túc (cây thuốc phiện). Năm 1945 là một khúc rẽ quyết định tương lai của bộ tộc nầy trước sự lựa chọn giữa nền Quân Chủ Lào ( hậu thuẩn bởi mặt trận Pháp Tự Do) và phong trào độc lập Lao Issara (hậu thuẩn bởi Việt Minh và Phát Xít Nhật). Bấy giờ, dưới sự lãnh đạo của ông Touby LyFoung, người Hmông đã chọn đứng về phe Quân Chủ Lào và Pháp Tự Do, và trở thành tử thù của cộng sản Lào-Việt.
 
Sau biến cố chính trị tại Lào cuối 1975, ông Vang Pao, ông Touxoua LyFoung (con trai ông Touby) và 200.000 đến 250.000 người Hmông chạy qua Thái Lan xin tỵ nạn cộng sản rồi được rãi ra khắp thế giới: Hoa Kỳ có 140.000 người, Pháp và Guyane thuộc Pháp: 15.000 người …, số còn lại qua Australia, Canada. Một số cố trụ lại Thái Lan vì vẫn hy vọng được trở về với núi rừng trên đất Lào.
 
Theo thống kê năm 2004, ở bắc Lào còn 355.000 người Hmông, gồm Hmông Đẩu (Trắng), Hmông Đu (Đen), Hmông Lềnh (Hoa), Hmông Lia (Đỏ) và Hmông Xua (Xanh).
 
Thế giới đã và đang chuyển từ đối đầu qua đối thoại, do đó theo tôi nghĩ bộ tộc chủ thể độc quyền ở Lào và bộ tộc Hmông nói riêng, nếu đôi bên thật tâm trân quí xứ sở đất rộng, người thưa nầy, không thể kéo dài lâu hơn nữa sự đối nghịch vô ích. Tôi mong sớm có cuộc đối thoại. Đối thoại chứ không độc thoại. Đồng thuận hàng ngang chứ không ai ép ai đoàn kết sau lưng ai cả.
 
Cho đến nay người Việt sinh sống ở Lào, chưa nhập tịch, vẫn được coi như ngoại kiều, chưa là một bộ tộc. Sẽ có một bài riêng cho đề tài nầy.
 
 
Thặm Tìng ( Động Ẩn Sĩ )
 
 
Chín người bạn mới kể trên đều là công chức trong các cơ quan hành chánh. Một trong hai chị em người Phou Noi làm việc tại sân bay LuangPrabang. Tất cả đều có nhà trong phố, chiều thứ sáu, tan sở họ về làng, sáng thứ hai đi làm luôn, trừ ông gốc việt. Gia đình hai cô Phou Noi ở làng Xiêng Men, bên kia sông, là nơi tôi dự định qua viếng trong ngày mốt, thứ bảy.
 
Tôi cố tìm sử liệu về động Thặm Phum và Thặm Tìng ở Pak U (Pak = miệng , U = sông U. Pak U = Cửa sông U) mà đành chịu, đâu đâu cũng chỉ nói đại khái " đã được phát hiện từ lâu lắm rồi ".
 
Bản Pak U có hai cái động nổi tiếng là linh địa của tín hữu Phật giáo Lào tại LuangPrabang: Thặm Prakalay = tên một đồ đệ của Đức Phật hay Thặm Phum (động trên) và Thặm Lư Sí = Động Ẩn Sĩ hay Thăm Tìng (động dưới). Pak U cách LuangPrabang 35 cs phía thượng lưu sông Mêkông. Có thuyền đưa khách tới nơi nhưng vì ngược dòng nên phải mất khoảng 2 giờ và chuyến đầu tiên thường tách bến lúc 10 giờ sáng, khi đã đủ số khách. KhamĐy đề nghị đi bằng xe hơi, tôi vẫn giữ ý dùng xe gắn máy và lên đường lúc 8 giờ sáng. Trên đường đi chúng tôi qua nhiều làng Kh'mú, làng Hmông và làng Thái đằm (thái đen). Đường khá tốt. Đến làng khoảng 9 giờ mà khung cảnh đã nhộn nhịp, 2 chiếc xe ca cỡ nhỏ, 4, 5 chiếc Túc-túc (loại xe lam) đầy khách da trắng và nhật bản có mặt tự bao giờ.
 
Động Pak U nằm trong dãy núi đá vôi, bên kia bờ sông U. Có thuyền đưa qua, mất khoảng 15 phút và 1 đô la / người. Đây là nơi hành hương hàng năm của người Lào trong dịp Pimay (Tết Lào), từ khi Lào mở cửa Pak U liền biến thành địa danh thu hút khách du lịch thế giới. Hai chúng tôi qua tới chân cầu thang để vào động lúc 10 giờ. KhamĐy bảo mình chỉ vô Thặm Tìng thôi, cảnh trong đó sáng rõ nhờ ánh mặt trời chiếu vào. Thặm Phum tối mù, phải cầm đuốc, nên ít người vào. Từ cầu thang nhìn vào Thặm Tìng đã thấy bao nhiêu tượng Phật. Xuôi theo cầu thang, khi lên khi xuống, lúc đầu tôi còn bày đặt nhẩm đếm, nhưng chỉ một lúc sau là ngậm tăm chiêm ngưỡng. Chao ôi, Phật đâu mà lắm thế nầy, đủ cỡ đủ loại (đa số là Phật đứng, đặc điểm Phật ở LuangPrabang), gỗ, đồng, xi-măng. Đúng là một động Phật. Phải vài thế kỷ mới tụ được ngần nầy tượng Phật. Cảnh thạch nhũ trong lòng động cũng ly kỳ nhưng bị số tượng che mờ đi. Từ trong động nhìn ra cảnh trời nước buổi sáng thật đẹp, bên kia bờ thấp thoáng những mái nhà sàn ẩn hiện trong màu xanh của lá chuối và tre.
 
Năm 1996, nhóm khảo cổ Australia đã làm thống kê động Pak U, được 8.126 bức tượng lớn nhỏ. Một bảo tàng khổng lồ như thế mà không hiểu sao không có một cơ quan nào bảo quản hay canh giữ ban đêm, chả trách thỉnh thoảng các " tín hữu " Thái Lan dùng thuyền cao tốc (speed-boat), đột nhập, " thỉnh " nhẹ vài vị đem "phổ biến" ra thị trường đồ cổ Âu-Mỹ:
 
http://www.asie.online.fr/laos.html
 
KhamĐy đi với tôi đủ một vòng là xuội lơ, có thể tại cậu em đến đây nhiều lần rồi nên hết hào hứng. Tôi làm vòng thứ hai một mình, đi thật chậm. Vừa xem vừa trộm nghỉ " thế nầy đúng là họ đã biến ông Bụt thành ông thần nhiệm mầu vạn năng, có phép thưởng lành, phạt ác … Rồi bổng dưng tôi liên tưởng tới Lourdes bên Pháp, nơi tôi có đến hai lần. Lần đầu đi coi vợ chồng bà chị cả đến tạ lời nguyền, chẳng là họ mới bán được giá cái nhà hàng ở phố biển. Lần sau nhân đi công tác mấy ngày ở Tarbes, tây nam Pháp. Tượng Đức Mẹ Maria tràn ngập thánh địa hành hương nầy, chu vi mênh mông quanh hang Massabielle là một siêu siêu thị tượng nước thánh, đủ mọi giá cho mọi túi tiền, mọi niềm tin. Niềm tin vợ tôi nghèo nên lần đầu thỉnh được mỗi một bức bằng nhựa đầy nước thánh cỡ 13cm x 3cm, có biên lai đàng hoàng: 4,50 Euros.
 
Trở lại làng Pak U, KhamĐy đưa tôi đi một vòng. Địa danh nầy đã thành khu du lịch nên các chòi hàng rất đa dạng, nhìn trang phục của mấy cô bán hàng KhamĐy giải thích cho tôi họ thuộc bộ tộc nào, ngoài mấy bộ tộc đã nói qua còn có người Ka Sắc, người Phuôn. Tôi để ý hàng mỹ nghệ Made in China hầu như lấn hẳn hàng thủ công đặc thù thổ nhưỡng. Gần làng Pak U có làng Xang Hay nổi tiếng với "lậu lao" (rượu đế Lào, không phải rượu cần), cất từ nếp trắng. KhamĐy khoe có nhiều bạn bên đó, tôi càng ngại lập lại trường hợp phải uống rượu như ở làng PhaNôm nên không muốn qua, hắn biết ý cười hề hề " anh yên chí, không ai ép anh đâu, anh cứ tự nhiên lai rai với Khới Lao (rể lào) của anh". Trên chai bia lào có đề chữ bia bằng chữ Lào nhưng đọc qua chữ Thái Lan lại thành chữ Khới (rể).
 
Thác Kuang Sí
 
Thác Kuang Sí cách LuangPrabang 30 cs hướng hạ lưu sông Mêkông nên chúng tôi quyết định quay lại LuangPrabang ăn vội mỗi đứa một tô bún cá, nấu kiểu lào. Trời nắng chang chang nên khi KhamĐy đề nghị về lấy xe hơi, tôi đồng ý liền. Chiếc Citroën LNA màu trắng, mới sơn lại, máy còn êm. Xe mới chạy độ mươi phút tôi đã ngủ khì nên chẳng thấy gì dọc đường. KhamĐy lay tôi dậy khi xe bắt đầu vào địa phận Kuang Sí.
 
Có bãi đậu xe cách thác độ 500 m. Tiếng thác vọng ra. Hai bên con đường đất đỏ dẫn vào có mấy cái quán, KhamĐy bảo, ở đây thuộc quyền khai thác của người Kh'mú, trên nguồn thác có làng Hmông. Muốn vào coi thác mỗi người đóng chút lệ phí (tôi không nhớ bao nhiêu). Đang mắt nhắm mắt mở, tôi khựng người trước quang cảnh hiện ra …
 
Cả một không gian rộng lớn với ba màu chính, trắng xoá là trời và nước trên núi đổ xuống, xám-nâu là màu của núi, xanh cẩm thạch là cỏ cây bao quanh và cái hồ ngay chân núi ! Chao ôi, cảnh đâu có cảnh kỳ diệu thế nầy, bút mực nào tả cho được muôn một. Dưới tàng cây, Ban Quản Trị tế nhị đặt đó đây một hai cái ghế dài bằng gỗ cho khách nghỉ chân và ngồi chiêm ngưỡng tuyệt phẩm của hoá công. Có một cái cầu gỗ bắc ngang hồ cẩm thạch tiến vào gần chân núi. Trong một tíc tắc tôi lại trộm nghĩ những triết nhân sống về nghề nói tới cõi trên sao không chịu khó tới đây, dựa vào khung cảnh Kuang Sí để làm cơ sở cho lời thuyết dụ. Cõi trên là đây, tìm đâu cho xa ! Tôi buột mồm đọc ngay:
 
Triết nhân là kẻ có thừa
Dù cho cái có là chưa có gì.
Thường nhân là kẻ ngu si,
Quẳng đi cái có khổ vì cái không !
(Nguyễn Chí Thiện)
 
Ông cụ Marcel Proust thật là chí lý khi bảo " Cuộc du lịch khám phá đích thực không cốt để tìm cảnh mới mà để có những cặp mắt mới " (le véritable voyage de découverte ne consiste pas à chercher de nouveaux paysages mais à avoir de nouveaux yeux).
 
Tôi lanh quanh non hai giờ trong cõi tiên, khi nhìn lại KhamĐy đã ra ngoài, khách viếng cảnh chỉ còn mình tôi. Trời đã bắt đầu chiều, Kuang Sí càng kỳ ảo.
 
KhamĐy ngồi uống nước dừa trong một cái quán có bày bán nhiều kỷ vật tạo bằng các ống tre nhỏ. Tôi cũng gọi một trái dừa. Ngồi chuyện vãn với ông chủ quán một lúc, bổng KhamĐy hỏi tôi " anh có biết cái nhà bên cạnh nầy là nhà gì không? Đây là nhà của một hoạ sĩ người Phuôn, ổng ra đây để vẻ. Căn nhà sàn nầy chính ổng bỏ tiền ra cất lên trên đất của ông chủ quán, hợp đồng là năm năm sau nhà sẽ thành của ông chủ quán." Tôi nhìn sang, thấy căn nhà sàn khá rộng, mới vướng chút màu thời gian, cửa đóng kín. Tôi tò mò hỏi ông chủ quán, tôi muốn gặp ông hoạ sĩ được không? Ông chủ quán sai cậu con trai nhỏ vô làng gọi ông hoạ sĩ. Một lúc sau ông hoạ sĩ theo cậu bé ra quán. Đó là một người khoảng 35/36, mặt mày sáng sủa, tóc tai bồng bềnh, rất tỉnh thành, rất nghệ sĩ. Sau màn giới thiệu, tôi biết ông hoạ sĩ tên Phone Anou ra Kuang Sí đã hơn một năm, ổng mời KhamĐy và tôi lên nhà. Trong nhà không ngăn phòng, chia bếp gì cả, đồ đạc chẳng có gì ngoài một cái nệm đủ cho hai người, còn là tranh và tranh, nhiều bức đã đóng khung, một số còn dang dở. Những bức đã đóng khung nhìn vào tôi chẳng hiểu gì cả, đại loại nhân vật nữ thì 3 hay 1 mắt, cổ cò, ngực bên to bên nhỏ …, nhân vật nam thì mặt mày hom hem như dân cai nghiện, môi miệng như mái hiên, tỉnh vật thì méo mó … màu sắc hoặc quá loè loẹt hoặc quá âm u. Chẳng thấy bức nào về Kuang Sí. Tôi thấy trong ông hoạ sĩ có cái lộn tùng phèo chút Picasso, chút Van Gogh, chút Modigliani … tóm lại là ông hoạ sĩ bị bệnh bắt chước âu tây !
 
Xem xong một vòng tôi hỏi:
 
- Anh vẻ chủ yếu để bán cho ai ?
 
- Cho khách du lịch falăng (da trắng).
 
- Anh đã bán được mấy bức từ khi ra đây ?
 
- Chưa được bức nào.
 
- Làm sao anh sống ?
 
- Thú thật với anh, tôi đang kẹt lắm, vốn liếng gom góp mấy năm một phần bỏ vô căn nhà, một phần nằm ụ trên những tác phẩm nầy. May mà có thằng em ở LuangPrabang tiếp tế …Hai anh thấy thế nào ?
 
KhamĐy trả lời :
 
- Tôi không biết gì về hội hoạ. Anh vẻ tôi không hiểu gì cả, nhìn vào tôi sờ sợ …
 
- Tôi cũng không hiểu, nhưng hình như anh muốn diễn tả sự khắc khoải nội tâm cùng cực đến biểu hiện ra ngoại hình gì gì đó. Tôi lên tiếng.
 
- Đại khái là vậy. Phone Anou trả lời.
 
- Nói thật anh đừng buồn.Cá nhân tôi, đến từ nước ngoài, nhưng không bao giờ tôi mua những bức tranh nầy …
 
- Xin anh thẳng thắn cho biết lý do.
 
- Theo tôi, anh đã phí công, phí của vô ích. Khách du lịch da trắng đời nào họ chịu bỏ tiền ra để chở củi về rừng. Bản thân anh, anh phải biết rõ hơn ai hết là mình đang bắt chước hội hoạ âu tây. Nói xong, tôi kể lại chuyện tôi bị cô Vén Phệt làng PhaNôm cười diễu ra sao khi tôi muốn tặng cô ấy xấp vải của Bản PhaNôm.
 
- Tôi ra nghề gần bốn năm nay, cứ nghĩ tụi da trắng có trình độ thẩm thấu, thích tranh lập thể, siêu thực nên hơn một năm nay tôi bỏ lối vẻ lào để theo trào lưu và thị hiếu tôi đọc được trong sách báo…
 
- Họ lặn lội qua đây là để tìm cái Lào, cái lạ chứ tìm chi ba cái xanh đỏ, méo mó mà họ đã chán ngấy kia. À, anh có thể cho tôi coi mấy bức tranh lối cũ của anh không ?
 
Phone Anou đứng dậy, lôi ra từ trong góc nhà một cuộn tranh to tướng, trải ra giữa sàn nhà. Tôi nhờ KhamĐy ra quán mua mấy chai bia lào với vài món thịt rừng nấu chín. Trong nầy tôi thủng thỉnh coi từng bức tranh một. Có nhiều bức về thác Kuang Sí, rất đẹp nhưng tôi đã bị cảnh thật hớp hồn, vả lại đã quay được nguyên một cuốn phim kỹ thuật số 60 phút nên trả bản vẻ lại chỗ cũ. Có mấy bức chân dung người các phầu (bộ tộc), vẻ bằng bút chì, thật linh động. Tôi lựa được hai bức, cẩn thận để riêng ra một bên, không nói gì. KhamĐy mua bia và đồ nhậu về, có cả xôi. Ba đứa vừa ăn uống vừa nói chuyện linh tinh. Phone Anou mời tôi và KhamĐy ở lại, tối anh đưa đi nghe các cô người La Mệt lăm (hò), sáng mai nghe thác Kuang Sí hát dưới bình minh. KhamĐy nhắc tôi cái hẹn với hai chị em Phou Noi bên làng Xiêng Men. Tôi đành từ chối. Một lát sau, tôi nói với Phone Anou:
 
- Tôi chọn hai bức bằng màu nước đen trắng nầy. Loại giấy anh dùng có phải đến từ Ban PhaNôm không?
 
- Đúng vậy, tôi có cô bồ người Lự. Mà sao anh lại chọn hai bức nầy ?
 
Hai bức phóng hoạ tôi thích nhất được dùng bột màu đen, hoà nước vẻ lên tấm giấy dó 80cm x 80 cm màu ngà. Một bức vẻ cô người Lự gánh nước, áo cánh trắng, sịn (váy) đen. Bức kia là thiếu niên một tay vác cày, tay kia cầm cái cào cỏ, có một chú chó con đi trước. Nét vẻ khoáng đạt, đậm nhạt phóng túng.
 
- Tôi vẻ hai bức nầy có nửa tiếng à.
 
- Anh cho biết tổng cộng bao nhiêu ?
 
- Tôi xin tặng anh làm kỷ niệm buổi tương ngộ nầy.
 
- Không, xin anh cho biết giá.
 
Nói qua nói lại một hồi, Phone Anou đành ra giá : 10.000 Kips hai bức (1USD)
 
Tôi im lặng, nghe xót xa chạy thẳng vào tim, đứng dậy xin đi vệ sinh. Khi trở ra tôi thấy hai bức tranh đã được cuốn tròn bỏ vô một ống tre.Tôi đưa cho Phone Anou một xấp tiền Lào. Cậu ta hoảng lên:
 
- Sao nhiều vậy anh ?
 
- Tôi thích hai bức tranh quá nên tự ra giá, xin gửi anh 300.000 Kips.
 
Phone Anou cầm xấp tiền, nhìn tôi đăm đăm. KhamĐy cũng vậy. Bất chợt Phone Anou quỳ xuống, hướng ra cửa, chấp tay vái lia lịa:
 
- Mẹ ơi, con có tiền về quê thăm Mẹ rồi !
 
 Làng Xiêng Men
 
Quần thể Chùa Xiêng Thoong nằm bên tả ngạn sông Mêkông, có cầu thang xuống tận bến đò để qua bên kia bờ là Bản Xiêng Men. Địa danh nầy nổi tiếng với huyền thoại trữ tình về hai ngọn Phou Thao (Núi Chàng) và Phou Nang (Núi Nàng) ; di tích chùa Long Khoun và các xưởng đồ gốm ở Bản Chăn gần đó.
 
Từ bến Chùa Xiêng Thoong qua làng Xiêng Men bằng thuyền mất độ 20 phút và 3.000 Kips/người. Hai chị em người Phou Noi và hai người bạn trai của họ đã đứng đón KhamĐy và tôi ngay bến đổ, đưa chúng tôi về nhà cha mẹ hai cô. Họ đã chu đáo sắp đặt chương trình đâu vào đấy. Hai cụ khen tôi dù xa Lào đã lâu vẫn còn sử dụng tiếng Lào trôi chảy, lập đi lập lại nhiều lần từ " sí la pin " (nghệ sĩ) làm tôi thầm ngượng cả người. Người lào nói chung rất quí "sí la pin". Tôi nghĩ đây cũng do thằng bạn Pa-thương phóng đại với vợ chồng KhamĐy rồi vợ chồng nầy nói lại nhân tổ chức buổi họp mặt vừa qua. Chứ tôi mà "sí la pin" cái nỗi gì, tôi nhận định về mình như con chim lạc, mất phương hướng, thỉnh thoảng khắc khoải hót vu vơ… Việc tôi chuyên chú vào đề tài xứ Lào chẳng qua đây vẫn còn là một khu đất còn quá nhiều chỗ trống, tôi tha hồ "múa" ; nếu có "múa" tầm phào cũng không ai nỡ xét nét, trách cứ vì tôi chỉ "múa" bằng con tim, thể hiện qua sự giới hạn của con chữ.
 
"Xưa, có một con tinh tên Nang Kinna, sống trong một cơ ngơi khanh trang rộng lớn nằm thoai thoải trên một ngọn đồi. Con tinh cái chưa chồng, chưa con, luôn luôn sống cô độc trong khu rừng trên đồi. Mỗi buổi sáng Kinna thường dạo chơi giữa rừng cây, hoa cỏ ; giữa tiếng suối róc rách reo vui và chỉ quay về nhà khi đến giờ dùng bữa. Sự hiện diện thường xuyên của nàng trong rừng đã gây được nhiều thiện cảm nơi loài dã thú. Đôi khi người ta thấy nàng đùa giởn với các loài chim đến líu lo cho nàng nghe, ngồi trên cổ voi rừng hay vuốt ve những con hươu cái hiền lành, những con sóc xinh xinh…
 
Một sáng kia, Kinna bắt gặp một chàng trai xâm nhập vào rừng, chàng trai khôi ngô tuấn tú ví thể Intha (thần sắc đẹp). Kẻ lạ có trong tay một khẩu súng, một túi vải khoác chéo trên vai. Đã từ lâu Kinna hằng mơ ước có một tấm chồng nên nghe lòng rạo rực vui mừng khôn xiết. Song Kinna sợ sắc diện của nàng sẽ làm chàng trai thất vọng bèn niệm một tràng chú, tự biến nàng thành tuyệt đẹp. Kinna tiến tới gặp chàng trai, hỏi:
 
- Chàng đến đây làm gì ?
 
- Tôi đến săn thú, chàng trai trả lời và ngạc nhiên hỏi lại:
 
- Nàng ở đây một mình à ?
 
- Vâng, tôi sống một mình với cỏ cây, muông thú.
 
Sắc đẹp và sự duyên dáng của người con gái mau chóng chiếm lĩnh trái tim chàng trai tuấn tú. Chàng trai tự giới thiệu tên chàng là Phoutasén, kể cho Kinna nghe gia cảnh của mình. Kinna năn nỉ Phoutasén ở lại mãi mãi bên nàng, Phoutasén vui mừng chấp thuận.
 
Cuộc sống giàu sang, hạnh phúc bên mỹ nhân đã làm Phoutasén quên lãng người mẹ đang sống trong nghèo khó.
 
Một hôm, Kinna thố lộ với người tình:
 
- Phoutasén chàng ơi, em quên chưa nói với chàng là em có một tủ sắt đầy những quả chanh xanh do ông bà em để lại. Những trái chanh nầy có phép nhiệm mầu. Chàng đã đến vườn chanh đó chưa ?
 
- Chưa bao giờ, thế cái vườn đó nằm ở đâu ?
 
- Cách đây độ 3 cây số thôi. Nhưng em yêu cầu anh đừng bao giờ tới đó, nguy hiểm lắm.
 
Phoutasén không nói gì. Trầm ngâm suy nghĩ.
 
Một hôm Kinna có việc phải đi xa. Phoutasén bèn lợi dụng sự vắng mặt của người tình, lén tới khu vườn cấm. Chàng phát hiện một cái hố thật to, rất sâu, đầy xương người. Quá kinh hải, Phoutasén chạy về nhà, lục lấy tất cả chanh trong tủ sắt rồi bỏ đi.
 
Kinna trở về nhà, không thấy chồng, không thấy chanh. Biết là Phoutasén đã phản bội, Kinna vội vàng đuổi theo, chẳng mấy chốc nàng đã bắt kịp Phoutasén. Kinna kêu gào Phoutasén. Phoutasén càng tăng tốc độ và ném ngược lại một quả chanh, bất ngờ một ngọn lửa to lớn bùng lên cháy nguyên một chu vi đất rộng. Kinna càng gào. Để cản bước Kinna, quả chanh thứ hai được tung ra, khoét thành một cái hồ mênh mông. Kinna nhảy xuống nước bơi đuổi theo. Qua tới gần bờ bên kia thì nàng kiệt sức, nước cuốn nàng đi… Rút tàn hơi, nàng phát một lời nguyền xin trời trừng phạt người chồng phản bội, rồi mới buông xuôi vĩnh viễn.
 
Bị ăn năn hối hận dày vò Phoutasén quay trở lại và bắt gặp xác Kinna vẫn còn tươi nằm ven một con suối. Phoutasén vội vàng làm mọi cách để hồi tỉnh Kinna, nhưng quá trễ. Phần quá đau đớn, quá tuyệt vọng, phần kiệt sức Phoutasén gục lên xác Kinna, chết theo.
 
Mấy thế kỷ sau nơi có xác Kinna và xác Phoutasén mọc lên hai ngọn núi huyền thoại, có tên Phou Thao (Núi Chàng) và Phou Nang (Núi Nàng) ở LuangPrabang".
 
Kể xong sự tích, cô chị (PS) nói thêm:
 
- Chắc anh đã thấy Phou Thao, Phou Nang nhìn từ phía Chùa Xiêng Thoong. Ngọn núi có dáng người đàn bà nằm quay lưng lại là Phou Nang. Phou Nang nằm gác đầu lên gót chân Phou Thao.
 
Tôi cám ơn PS, hỏi:
 
- Tôi để ý và thắc mắc: Phou Nang cao lớn hơn Phou Thao, chẳng lẽ thời xưa đàn bà bự con hơn đàn ông ?
 
Cả nhà rộ lên cười, anh K., bạn trai của PS, lên tiếng:
 
- Bộ anh không thấy tôi là Phou Thao và PS là Phou Nang à ?
 
Bấy giờ tôi mới thấy K. thấp hơn PS đến nửa cái đầu ! Lại được thêm một trận cười. Cô em ( PK) cười xong, nói:
 
- Có nhiều ấn bản về sự tích Phou Thao, Phou Nang. Em kể anh nghe ấn bản thứ hai:
 
"Phoutasén là một hoàng tử người phàm. Nang Kang Hy là con gái của một tinh vương. Hai người sống ở hai nơi cách biệt, chưa từng quen biết nhau. Hoàng hậu yêu tinh làm phép đưa Phoutasén đến với công chúa Kang Hy, viện cớ công chúa cần dược thảo nhưng hậu ý lại muốn con gái mình ăn sống vị hoàng tử nầy. Hoàng hậu yêu tinh nhờ hoàng tử Phoutasén đưa đến cho Kang Hy một bức thư có câu "Con gái yêu, con phải ăn chàng trai trẻ nầy ngay".
 
Trước khi đến nơi ở của Kang Hy, Phoutasén dừng nghỉ chân trước một cửa động. Một ẩn sĩ biết chuyện, thương tình Phoutasén, bèn tráo bức thư có nội dung ác độc bằng một lá bùa yêu. Mới gặp mặt hai người đã yêu nhau ngay rồi vội vàng làm đám cưới. Mấy tháng trăng mật trôi qua, một hôm Kang Hy đang ngủ trưa hoàng tử Phoutasén phát hiện vợ mình là loài yêu quái nên bỏ trốn đi. Kang Hy tỉnh dậy không thấy chồng và biết Phouthasén đã lấy hết bửu bối của nàng. Kang Hy nhảy lên lưng ngựa đuổi theo, nhưng làm sao nàng có thể qua sông khi không còn bửu bối.
 
Mòn mỏi bên nầy sông, công chúa Kang Hy tắt nghỉ với lời nguyền "Phouthasén phải trở về và gục chết trên đầu gối nàng". Lời ước của Kang Hy được toại nguyện, nhưng từ trên trời, thượng đế nhìn xuống thấy, xét rằng thế nằm vợ chồng như thế không thích hợp, thượng đế bèn sửa lại, đặt đầu Kang Hy gác lên gót Phouthasén. Phou Thao, Phou Nang hình thành từ đó."
 
Bữa cơm trưa khá thịnh soạn được bày trên chiếu, mọi người ngồi xếp bằng chung quanh. Tôi chú ý đến món Ô Lám, một đặc sản tuyệt vời khác của cố đô LuangPrabang. Trước kia Ô Lám là một thực đơn vương giả. Cách thức chế biến cầu kỳ, vật liệu nhiêu khê. Cư dân LuangPrabang có câu "đến Mương Luang mà không nếm qua Ô Lám là coi như chưa đến". Cụ thể là mời các bạn vào đây:
 
http://laos.luangprabang.free.fr/gastronomie/recettes/o_lam.htm
 
Đường xá trong làng Xiêng Men cần được nâng cấp cho đồng bộ với phong cảnh u nhã của làng. Đó là nhận xét đầu tiên tôi nói với các bạn, trên đường đi viếng cảnh chùa Long Khoun. Tôi rất thích những gốc dừa xanh cao vút trời. Chùa Long Khoun được sùng tạo từ thế kỷ XVIII, không bệ vệ như chùa Xiêng Thoong nhưng đã một thời là nơi quan trọng của hoàng gia Lào. Trước 1975, bất cứ tân vương lào nào cũng phải qua đây tịnh tâm suốt ba ngày rồi mới về LuangPrabang làm lễ đăng quang. Quốc vương Lào cuối cùng qua đây tịnh tâm là vua Sisavang Vatthana (1907-1978). Một vương triều ngoài 600 năm lịch sử đã được hay bị lật qua như một thoáng mơ giữa ban ngày. Lớp sóng phế hưng càng rõ nét khi chúng tôi đến Vặt Thặm Xiêng Men (chùa động Xiêng Men hay Động Sakarine, quốc vương Lào: 1840-1903): Theo tôi, nếu không kíp thời trùng tu bảo quản, những di tích Phật giáo nơi đây chóng chầy sẽ thành phế tích.
 
Ra khỏi chùa động Xiêng Men chúng tôi đi coi vài nơi làm đồ gốm trong làng Chăn, sau đó về lại nhà hai bác người Phou Noi, chờ đến giờ lên Vặt Chom Phệt (Chùa Ngọc Đỉnh) xem tà dương giỡn sóng Mêkông, rồi trở qua LuangPrabang luôn. Trước thịnh tình của gia đình hai bác, tôi không biết đáp lễ ra sao cho hợp tình (đời nào tôi dám đưa tiền), cuối cùng tôi vờ hỏi trong hai cặp, cặp nào sẽ làm đám cưới trước. Cô chị PS dí dỏm lấy tay chỉ vào ngực rồi chỉ vào K. Tôi năn nỉ mãi họ mới chịu nhận như chút quà cưới cái máy hình Olympus loại bỏ túi mà tôi ít dùng tới. Tôi hướng dẫn cho K. bằng cách chụp hết phim trong đó, chỉ cách thay phim với một cuộn mới. Phần cô em PK tôi đã có ý vì biết thế nào tôi cũng gặp lại khi lấy máy bay đi Xiêng Khoáng.
 
Về tới Guest House tôi đã thấy ông bạn gốc việt đang ngồi tán gẫu với một ông khách người da trắng, chờ tôi. Vừa mệt, vừa ngại ổng lại lái tôi vào chuyện chính chị, chính em nên đành " cẩn tắc vô áy náy", từ chối đi ăn tối với ổng.

Xiêng Khoáng & Cánh Đồng Chum
 
Trên chiếc Yun-12 do Trung Quốc chế tạo có 14 người: Anh phi công người Tàu (hay Lào), cô tiếp viên người Kh'mú, 9 khách da trắng, 2 người Nhật và tôi. Máy bay cất cánh lúc 9 giờ sáng. Lộ trình 35 phút.
 
Được sự giới thiệu của PK, cô bạn mới người Phou Noi, nhân viên tại phi trường LuangPrabang, nên suốt thời gian ngồi trong máy bay, xong nhiệm vụ là cô tiếp viên xinh đẹp tên KMN đến ngồi cạnh nói chuyện. KMN mới 1 tuổi năm 1975 nên hầu như không có khái niệm gì đặc biệt về cuộc chiến Đông Dương lần thứ 2, ngoại trừ không kém bài bản khi nhắc tới mấy bác người Lào và nhất là cái bác người Việt mà tôi cũng " quen " từ thuở nảo, thuở nao.
 
KMN thấy tôi thỉnh thoảng cứ nhìn xuống qua cửa sổ, cô bảo "từ đây nhìn xuống núi rừng chẳng có gì lạ so với Savannakhet của anh đâu, duy tí nữa khi vào địa phận Xiêng Khoáng, em sẽ báo trước để anh coi cảnh lạ".
 
Cảnh lạ mà KMN muốn chỉ cho tôi là những hồ nước nhân tạo bằng bom, to nhỏ không đều rãi rác cùng khắp các ô ruộng ! Một phần nhỏ thành quả lao động của non 10 năm không quân Mỹ liên tục oanh tạc Xiêng Khoáng, những mong tiêu diệt Pathet Lào và hậu cần của Bắc Việt tiếp tế vào Nam Việt qua đường mòn H.C.M. Với con số 580.344 phi vụ (1), đổ đồng 8 phút 1 phi vụ, 24giờ / 24, từ 1964-1973, Hoa Kỳ đã tặng cho mỗi cư dân Xiêng Khoáng và vùng phụ cận 350kg bom, nghĩa là xứ Lào là xứ nghèo nhất thế giới trên rất nhiều phương diện vật chất nhưng lại là xứ giàu nhất trần gian ở khoản được ăn bom nổ, chưa tính 1 triệu tấn (2) chưa chịu cất tiếng đòi tự do theo tiêu chuẩn A.W.O.L. Từ 1976, các cơ quan tháo gỡ mìn như U.X.O. (Unexploded Ordnance) và M.A.G. (Mines Advisory Group) ước tính mỗi năm có khoảng 50 người lào thiệt mạng hay trở thành thương tật vì loại bombies (bom chưa nổ) nầy.
 
Máy bay đáp xuống phi đạo Phonesavanh lúc 9 giờ 40. KMN bảo "rất tiếc em phải bay tiếp về Vientiane ngay và liên tục 3 ngày tới không được nghỉ nên không thể đưa anh đi tham quan vùng nầy". Chúng tôi chấp tay xá nhau, từ giả. Buổi sáng ở đây trời se lạnh, tương tự khí hậu ở Paksong miệt Champassak, nam Lào.
 
Ở Paris tôi có mấy người bạn gốc Xiêng Khoáng, họ đã liên lạc và ghi cho tôi địa chỉ mấy thổ công ở ngay Phonesavanh, địa phận Cánh Đồng Chum (Thôồng Háy Hín) nhưng tôi ngại phiền, vả lại chỉ tính lưu lại đây hai đêm, cho nên xong thủ tục nhập cảnh, tôi đổi ý, quyết định tự xoay sở với các cô cậu tiếp thị của các khách sạn hay nhà khách đang niềm nở mời chào. Rốt cuộc tôi lại chọn đúng ngay khách sạn mà KhamĐy đã giới thiệu, toạ lạc cách trung tâm thành phố khoảng 1 cs, 20 phút tản bộ.
 
XIÊNG KHOÁNG
 
Xiêng Khoáng nằm ở hướng đông bắc xứ lào, cách Vientiane 435 cs, địa thế núi non trùng điệp, cao độ là 1.500 đến 2.000 thước do đó khí hậu mát mẻ quanh năm.
 
Diện tích: 15.880 cs vuông ;
 
Dân số (2004): 262.200 người (4.5% tổng số quốc dân),
 
chia ra trong 6 Mương. Thủ phủ hiện nay là Mương Phonesavanh (57.000 dân số), thay thế Mương Khoune (Xiêng Khoáng) hoàn toàn bị không quân Hoa Kỳ san thành bình địa bằng đủ loại bom, 1964-1973. Cũng giống như mọi miền khác trong xứ, Xiêng Khoáng là nơi sống chung của nhiều phầu (bộ tộc), 2 bộ tộc Phuôn và Hmông-Dao chiếm đa số (70%), người việt còn lại 0,3% sau 1975.
 
Địa phận Xiêng Khoáng có chung biên giới với Việt Nam và đã từng là nội thuộc Việt Nam (1434) cũng như bị sáp nhập vào Việt Nam dưới cái tên Trấn Ninh (1479) ; sau khi vua Souriya Vongsa băng hà (1694), Lào bị chia ra ba vương triều, Xiêng Khoáng lại nội thuộc Việt Nam lần nữa. Năm 1893, hiệp ước Pháp-Xiêm được ký kết, Xiêng Khoáng mới trở lại của Lào thuộc Pháp.
 
BỘ TỘC PHUÔN
 
Theo thống kê năm 2004 của ủy ban bộ tộc CHDCND Lào, bộ tộc Phuôn có 112.800 người, chủ yếu sinh sống ở miệt bắc Lào. Họ tự nhận là hậu duệ của người Thái, qua Lào từ thế kỷ XIII, nói tiếng Phuôn, thuộc nhóm ngôn ngữ Thái-Kađai. Người Phuôn thích sống trong các làng bản nhỏ, gần lưu vực ; đơn vị xã hội căn bản là gia đình, theo chế độ tộc trưởng nhưng liên hệ vợ chồng rất hoà thuận. Mưu sinh chính yếu của họ là nông nghiệp, không có phân biệt giới tính trong lao động, có tiếng là cần kiệm, ngay thẳng. 96% thứ Phụt (tin Phật). Từ 1827 đến 1890 rất nhiều người Phuôn bị người Xiêm (thái lan) bắt đưa về bên kia sông như tù binh chiến tranh.
 
Ông chủ khách sạn tên ST, khoảng tuổi tôi, từng sống bên Tây Đức 7 năm, thông thạo tiếng Anh, Đức và cả Pháp (trước học trung học Pháp ở Vientiane). Trong số 9 hành khách da trắng trên máy bay, có bốn người về khách sạn của ST cùng với tôi và ngẫu nhiên làm sao lại nhằm 2 ông Wallons (Bỉ nói tiếng Pháp) và 2 ông Toulousains (tây ở tỉnh Toulouse, nam Pháp). Thế là việc thống nhất ngôn ngữ không mất một giọt nước miếng nào, tự nhiên thành. Ông chủ khoái quá, vì hiếm khi có dịp ôn tiếng Pháp như thế nầy, đích thân làm thổ công cho chúng tôi bằng chiếc 4x4 Toyota, giá cả "très amical" (thân hữu) 6 USD / người / ngày, khách sạn và ẩm thực tính riêng. Hai ông Bỉ già còn kỳ kèo (vì chỉ còn nửa ngày), hai " đồng hương" và tôi bực quá, liên hiệp lên tiếng "hai ông se-rê quá (xiết giá) thì nên đi với nhóm khác, chúng tôi sẳn sàng trả 30 USD cho riêng ba chúng tôi đa". Thế mới yên.
 
SUỐI NƯỚC NÓNG
 
Biết rõ mục đích chính chúng tôi tới đây chỉ vì Cánh Đồng Chum nên nửa ngày hôm đó ST đưa chúng tôi đi thẳng tới coi hai nguồn nước nóng (60°C): Bò Nhày (nguồn lớn), Bò Nỏi (nguồn nhỏ), thuộc Mương Kham, cách Phonesavanh khoảng 50 cs về hướng bắc. Cũng thường, chỉ có việc luộc trứng là thực tiển. Ở Bò Nhày có mấy chỗ tắm, có lời quảng cáo "ôn tuyền" trị được bệnh da..., tôi thích cảnh quê hơn nên không để ý giá cả ra sao.
 
THẶM PIU (động Piu)
 
Gần Mương Kham có Thặm Piu thuộc Bản Na Mơn, cách Phonesavanh 33 cs. Thặm Piu được thế giới biết đến từ năm 1969, cũng là nhờ không quân Hoa Kỳ đã phóng rocket vào giết cùng một lúc 400 đàn bà, trẻ em, và người già đang trốn bom trong đó. Lượng xương và sọ của 400 nạn nhân vẫn còn nguyên ...
 
Quay về Phonesavanh lúc 17 giờ, ST thả chúng tôi giữa chợ. Dạo phố xong chúng tôi đi bộ về ăn cơm tối ngay trong khách san. Là một thủ phủ mới được kiến thiết lại nên Phonesavanh hãy còn ngỗn ngang. Ở đây khó mà phân biệt được ai là người Việt, ngoại trừ mấy chú mấy anh đang làm đường (nhờ cái nón cối). Dạo chợ một vòng tôi để ý có rất nhiều quầy bán thịt thú rừng từ hươu, nai, sóc, heo rừng, trĩ, đa đa (gà gô) ...
 
Trên kia tôi đã nói Cánh Đồng Chum là hấp lực dẫn tôi đến Xiêng Khoáng, nghĩa là trước khi đến vùng đất nầy, tôi đinh ninh chum là đặc sản duy nhất lừng danh thế giới của Xiêng Khoáng. Tản bộ một vòng trong lòng Phonesavanh, tôi phát hiện ra ở đây còn một đặc sản thứ nhì nữa: BOM !
 
Thật vậy. Không ít thì nhiều, nhà nào cũng có sự hiện diện thứ của nợ nầy. Ở khách sạn ST tôi đã thấy cả chục quả bombies, ổi có, dứa có, lựu có ... dùng làm gạt tàn thuốc. Đương nhiên là thuê vàng tôi cũng không dám gạt tàn thuốc lá vào, biết đâu ... Ngoài sân có dựng nguyên một quả bom cao hơn thước, bự cũng tròn một vòng ôm người lớn, không xa là cái giàn bắn rocket. Bây giờ, quanh tôi, nhà nào có rào y như rằng các trụ chính là vỏ bom, nguyên có, sẻ đôi có, cao cũng phải 2 thước trở lên. Nhà nầy treo bombies tòng teng trên cành cây trông như cây thông mùa giáng sinh. Nhà kia hai cột chính chống cái ban công phía hướng ra đường là hai quả bom tổ chảng, được kê trên hai trụ đá. Tôi chưa sống với chiến tranh 1 giây 1 phút nào nên không biết đó là thứ bom gì, hỏi một ông qua đường, thay vì trả lời ổng lại vuốt vuốt, đập đập hai bàn tay vào nhau như xóc bài cào: B-52 ! (3)
 
CÁNH ĐỒNG CHUM
 
Cánh Đồng Chum là tên dịch từ tiếng lào Thôồng Háy Hín, ( tiếng pháp: Plaine des Jarres ; tiếng Anh: Plains of Jars). Điều lạ lùng là Chum chỉ rãi rác khắp địa phận Xiêng Khoáng (nơi khác không có) nhưng cho tới nay, du khách chỉ được phép đến viếng 3 địa điểm quanh Phonesavanh: Địa điểm 1 hay Bản Ang, địa điểm 2 hay Lắt Sén và địa điểm 3 hay Bản Sua, cách Phonesavanh theo thứ tự 12, 23 và 28 cs, tổng cộng diện tích 1.000 cs vuông. Mấy nơi khác chưa bảo đảm được sự an toàn vì chúng ta đừng quên Cánh Đồng Chum vẫn còn là bãi mìn (chưa nổ) khổng lồ.
 
Chúng tôi ra xe lúc 8 giờ sáng. Trời đất phố xá như sương khói, căm căm lạnh. Xiêng Khoáng là xứ sương mù. Bốn ông khách da trắng trông cứ như các phóng viên chuyên nghiệp của ba bốn đài truyền hình hay năm sáu tờ báo lớn, mỗi ông tay sách, nách mang đủ thứ máy ghi hình loại chiến, chẳng bù tôi chỉ có cái camera DV Panasonic bằng bàn tay, máy chụp hình thì đã tặng bạn ở LuangPrabang rồi. Trên đường đi, ST trổ tài hướng đạo:
 
"Truyền thuyết lào cho rằng, xưa, thời Xiêng Khoáng còn là lãnh địa tự trị của bộ tộc Phuôn, Chao Angka là lãnh chúa Mường Pa Kăn quá ác độc đến nổi dân Phuôn chịu không thấu phải đi cầu cứu với Khoun Chương là một lãnh chúa hiền về giải phóng họ. Khoun Chương đưa quân về đánh đuổi được Chao Angka và ra lệnh cho quân sĩ đục đá làm chum ủ rượu cần ăn mừng ngày chiến thắng đến 7 tháng, cách nay 1.500 năm".
 
Sau nầy tôi lục được thêm một truyền thuyết khác ghi rằng " chum đá là các chum rượu của người Kh'mú để uống trong lễ cầu hồn các chiến sĩ trận vong trong chiến tranh...".
 
ĐỊA ĐIỂM SỐ 1 hay BẢN ANG
 
Địa điểm số 1 nằm trên một ngọn đồi lộng gió, cao độ là 1.000 m, ít cây cối, quanh là một khu rừng thưa (vì bị bom tàn phá). Xa xa là dãy Trường Sơn chập chùng trong nắng sớm. Có một khoảng đất trống làm chỗ đậu xe, vô tí là cái quán nước đồng thời là trạm bán vé tham quan: 5000Kips/người. Chúng tôi là khách đầu tiên trong ngày. Lối lên đồng chum là những bậc thang thoai thoải được nện đá núi cẩn thận, mưa xuống cầu thang không bị trơn hay lầy lội. Đứng từ quán nhìn lên, qua hàng phi lao, tôi thấy thấp thoáng dăm cái chum khá lớn dáng nghiêng nghiêng: Mộng đã thành !
 
Bước qua bậc thang cuối cùng phía trên là cả một cánh đồng những chum là chum, rãi rác từng nhóm mươi cái có, 5, 7 cái có, riêng lẻ có, to nhỏ cao thấp không đều, hình dạng khác nhau: Miệng vuông, miệng tròn, miệng lồi ... đứng phơi dưới nắng hay nằm ẩn hiện dưới những tàng cây xanh ; cái đứng hẳn trên mặt đất, cái lún một phần thân dưới đất.
 
"Hiện nay tổng cộng số chum tìm được là 700 chiếc. Địa điểm Bản Ang nầy có 250 chum, nổi tiếng nhất. Chum được làm từ đá vôi, đá ong, đá cẩm thạch. Đường kính trung bình là 0.8m, cao 2.5m, nặng 6 tấn. Chum cao nhất là 3.25m. Số chum nầy đã được các nhà khảo cổ xác định có niên đại cách nay 3.000 năm, tức số năm gấp đôi truyền thuyết của Lào.
 
Theo nhà khảo cổ người Pháp, ông Henri Parmentier, người đã từng đến cánh đồng chum năm 1923, thì chính ông Vinet, một quan thuế Pháp, là người phát hiện và cho thế giới tây phương biết tới những chiếc chum khổng lồ nầy từ năm 1909. Nhưng cả hai ông đều không có phát kiến gì về mục đích của các chum nầy.
 
Năm 1930, bà Madeleine Colani thuộc trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (Ecole Française d'Extrême-Orient) đến Cánh Đông Chum nghiên cứu tận tường. Trong 2 cuốn Mégalithes du Haut-Laos (Cự Thạch Cổ của Bắc Lào,1935) bà Madeleine Colani (gọi Xiêng Khoáng là Trấn Ninh) khẳng định "những chiếc chum khổng lồ nầy không phải là những chum ủ rượu vì chẳng có dấu vết nào chứng mình điều đó cả". "Chẳng ai lại mất công đục đá tảng làm những cái chum khổng lồ và chỉ để ủ rượu ăn mừng chiến thắng. Làm được ngần nầy chum chắc chắn phải mất vài chục năm. Ai lại ăn mừng chiến thắng sau vài chục năm? ". Bà đưa ra giả thuyết mỗi cái chum là một cái quách chôn người chết. Giả thuyết của bà càng được cũng cố khi bà phát hiện ra những dấu vết xương, răng người ; những vòng tay bằng đồng thau, những hạt chuổi bằng thủy tinh và đá carnelian ... trong những chiếc chum khổng lồ nầy, những nồi đất đựng xương người chôn chung quanh chum, cọng thêm một cái động trong đồi đá vôi gần Bản Ang, lòng động xuyên thẳng lên đỉnh đồi như hai ống khói tự nhiên, vết nám đen trên vách... bà cho đó là một cái lò hoả thiêu người chết. Sau đó bà Colani còn nghiên cứu về bộ tộc Phuôn, cư dân của vùng đất nầy và phát hiện thêm phong tục chôn người chết trong chum (mộ chum) theo truyền thống của người Phuôn trùng hợp với thời kỳ cánh đồng chum hình thành. Có điều, khi nghiên cứu, phân tích carbone những xương trong chum, trong nồi các nhà khoa học ngạc nhiên nhận ra rằng tuổi xương còn cao hơn tuổi chum !"
 
Tuy nhiên, đến nay giả thuyết Cánh Đồng Chum là một nghĩa trang khổng lồ vẫn được các nhà khảo cổ thừa nhận. Câu hỏi còn bỏ lửng về những cái chum khổng lồ nầy là: Ai làm ra ? Làm thế nào người xưa có thể vận chuyển các chum lên đây khi mà loại đá dùng làm những chum nầy chỉ có ngoài địa phận Xiêng Khoáng đến 40 cs ?
 
Địa điểm Bản Ang đã được rà soát kỹ, bảo đảm an toàn nên tôi tách ra, lửng thửng đi một mình, xâm xoi coi, ngắm, vuốt ve từng cái một. Áp tai vào chum, lắng nghe, may ra được Chum gửi gắm điều gì.
 
Chúng tôi có vào một cái hang rộng còn sót lại nhiều dấu vết chứng tỏ từng có người ở, ST cho biết đây là nơi trú ẩn của bộ đội Pathet Lào và bộ đội CSVN trong thời kỳ chiến tranh.
 
ĐỊA ĐIỂM SỐ 2 và SỐ 3
 
Địa điểm số 2 hay Lắt Sén có khoảng 100 chum, và địa điểm số 3 hay Bản Sua cũng có ngần ấy chum. 250 chum còn lại nằm rãi rác ở ba địa điểm còn đang được rà dọn mìn. Có lẽ hai địa điểm 2 và 3 do đường xá chưa được nâng cấp, bụi đỏ, ít người đến viếng, nên cảnh quan hơi âm u, cây cối mọc um tùm. Nhưng chính vì thế ta mới thấy rõ sức mạnh của con thú-người văn minh: Những cái chum bị bom đánh trúng hoặc xứt mẻ, bể đôi hoặc bị thủng. Ở giữa những chum bị thủng đáy, theo thời gian, là những rễ, những gốc cây to lớn đâm xuyên qua. Chóng chầy các chum bị thương nầy cũng sẽ bị cây rừng đánh gục. Đá có biết đau không ?
 
Sáng hôm qua, từ trên máy bay, tôi đã thấy những hố bom cùng khắp cánh đồng chum và các ô ruộng trong vùng. Nay, đứng kề sát bên mỗi cái hố, có cái rộng cả chục thước, cái nào khô tôi bước xuống, thấy thân mình nhỏ nhoi làm sao. Đất đá còn tan như vậy, da thịt nầy, nếu bị, còn gì thịt da.
 
Điểm tôi chú ý khác là trong cả ba địa điểm, chum nhiều mà nắp chum quá ít. Có thể nắp chum (không quá nặng) đã được người ta đưa về nhà hay đưa ra ngoại quốc bảo lưu ?
 
HOA ANH TÚC
 
Trên đường quay trở lại địa điểm Bản Ang để ngắm cảnh hoàng hôn trên Cánh Đồng Chum, ST đưa chúng tôi ghé qua một cái làng người Dao, với một điều kiện: Mọi phương tiện chụp hay ghi hình đều phải bỏ lại trong xe, bảo đảm không mất. Cảnh làng bình thường. Nhà sàn lợp tranh, xập xệ. Nhưng nhiều nhà cột chính lại làm bằng vỏ BOM made in USA ! Ai dám bảo dân lạc hậu không biết tận dụng phế liệu của văn minh tiên tiến ?
 
Xe rẻ vào đậu trong sân một căn nhà sàn, cột rào cũng được chống giữ bằng vỏ bom. ST theo cầu thang lên nhà, một lúc sau xuống cùng một phụ nữ phục trang theo lối người Dao, áo và váy màu đen thêu hoa văn trắng, đầu vấn khăn màu đỏ, hai vòng bạc tòng teng hai bên tai. ST ra dấu cho chúng tôi đi theo. Đi độ 20 phút, qua một cái cầu khỉ, dưới là con suối nhỏ. Đi sâu vô rừng độ 10 phút nữa, đến một căn nhà sàn còn ọp ẹp hơn những cái trong làng, phía sau nhà là những cây cao, kín mít. Thiếu phụ Dao và ST vô trước. Trong lúc đứng chờ, tôi thoang thoảng ngửi được mùi hăng hăng trong không khí. ST ra một mình, ngoắc tay bảo chúng tôi vào.
 
Trước mắt tôi là một rừng hoa trắng, hồng nhạt và tím thẩm. Cây Anh Túc cao độ 1 thước. Theo ST, nhựa Anh Túc tím có phẩm chất cao nhất. Có 7, 8 người đang lui cui làm gì đó bên những cây Anh Túc đẹp tuyệt vời. Đẹp đẻ thế ai ngờ lại là lũ quỉ. ST giảng:

 
" Bây giờ là giữa tháng 2, thời điểm tốt nhất để khai thác loài hoa Anh Túc. Có mấy người đang dùng dao thật bén khứa nhẹ vào mấy củ xanh xanh kia, mấy người khác đang hớt nhựa chảy ra từ những vết khứa hôm qua. Muốn có phẩm chất cao mọi công đoạn phải được tinh tế thực hành đúng lúc, ví dụ việc lấy nhựa, lấy sớm quá thì tinh dịch sẽ chảy xuống đất, trễ quá tinh dịch sẽ bị giảm nồng độ. Các công đoạn chế biến tôi không biết, mà cũng chẳng cần biết làm gì ".
 
Nói xong, ST bảo chúng tôi cứ coi tiếp, đi vô nhà. Tôi chợt nhớ tới mấy ông tiên nâu có tiếng trong làng văn nghệ việt nam: Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Vũ Hoàng Chương ... và tròn một niên học ở Vientiane, tôi trọ học bên cạnh phòng của Phi Yên Thu Lam Nguyễn Ba. Chuyện bác Ba đi mây về gió cũng thường. Duy có hai điều đáng kể lại, thứ nhất là bác Ba phương phi, bảnh bao và tắm hàng ngày, tắm ào ào, tắm thiệt thụ chứ không phải hoạ hoằn tắm khô như mấy ông tiên khác ; thứ nhì là hai ngày cuối tuần của bác Ba: Bác ba làm việc cho tây, thứ hai đến thứ sáu bác hút ở nhà. Thứ bảy và chủ nhật bác chơi ở tiệm, cho có bạn. Lúc đầu tôi không để ý, sau hỏi ra bác Ba mới cười, cho biết: mấy con thằn lằn rớt xuống đồm độp là tại đến cữ mà thiếu khói thuốc phiện của bác đó !
 
ST trở ra gọi chúng tôi vào. Chủ nhà đồng ý cho chúng tôi làm khán giả màn phi thiên của ổng (tôi nghĩ ST phải chi tiền vé chút đỉnh). Cái mùi hăng hăng lúc nẩy là từ phòng của ổng bay ra. Căn phòng của tiên ông mờ khói, hư ảo với ngọn đèn dầu le lói. Tiên ông đang nằm trên giường tre lót chiếu. Tiên ông gầy kinh khiếp, không còn khả năng để gầy hơn nữa. Bên cạnh tiên ông có một người đàn bà, tóc tai rối bù, chắc là tiên bà. Không nói không rằng người đàn bà đưa cho chúng tôi coi một cái hộp trong có tiên dược và bộ đồ nghề. Cái ống điếu bằng bạc, chạm trổ đẹp tinh xảo. Tiên ông khoan thai điệu nghệ dùng mủi dao móc chút nhựa đen thui, bỏ lên cái lỗ nhỏ trên ống điếu. Cẩn trọng đưa ống điếu lên ngọn đèn liu riu, nhuần nhuyễn vừa hơ vừa xoay đều chỗ có tiên dược, gặp lửa tiên dược căng lên, nõn nà, mời gọi ... Chúng tôi, khoăn tay, im lặng chiêm ngưỡng... Giữa hai hơi khói, tiên ông chậm rãi tâm sự: Say ả phù dung từ năm 24 tuổi, năm nay tiên ông ĐÃ 47 ( tôi đã lén cho ổng 65). Mỗi ngày tiên ông phải phi 12 điếu, nếu không, không sống nổi. Đó là phần của tiên ông. Còn người đàn bà ? Hồi mới lấy nhau, vợ tiên ông đâu đã được là tiên, chỉ lo têm cữ hầu chồng thôi, ngửi khói riết đắc đạo khi nào không hay. (4)
 
 
Qua thời bà Madeleine Colani (1866-1943) việc nghiên cứu về cánh đồng chum bị bỏ quên, rồi chiến tranh, rồi giải phóng, rồi đóng cửa ... mãi đến 1989, cánh đồng chum mới thấy lại bóng người. Và cánh đồng chum đã trở thành khu di tích lịch sử văn hoá của xứ Lào, đồng thời mỗi năm là địa danh kỳ bí thu hút nhiều ngàn lượt khách du lịch trong và ngoài nước. Hiện nay Unesco đã và đang nghiên cứu, khảo sát, đánh số các chum. Việc nâng cấp hạ tầng cơ sở cho Phonesavanh cũng đã và đang được ráo riết thực hành. Trong một thời gian gần cánh đồng chum sẽ được nằm trong danh sách di sản văn hoá của thế giới như cố đô LuangPraBang (1995) và quần thể Wat Phou ở Champassak, nam Lào (2001).
 
Tôi về lại Pháp được sáu tháng thì xảy ra vụ 11 tháng 9. Trong vô thức tôi thấy những chum đá bị thương ở Thôồng Háy Hín rũ nhau tụ lại trên những đồng ruộng lỗ chỗ, trầm ngâm sắp thành ba con số tiền định... Sự tan hoang ở Xiêng Khoáng cho tôi thấy cái lý và sức mạnh của kẻ mạnh. 911 cho tôi thấy cái lý và sức mạnh của kẻ yếu. Vài năm nữa sẽ mọc lên hai WTC hoành tráng, ngạo nghễ gấp 5, gấp 10 hai cái cũ. Phần Xiêng Khoáng, lòng dặn lòng, kiếp nầy đừng mơ. Hàng năm cả thế giới thắp nến, đốt nhang hoài nguyện 911. Hàng ngày có ai nhớ tới Xiêng Khoáng ?
 
Nhà nghèo lòi ruột không ai xót
Trọc phú sứt tay lắm kẻ rên.

PAKSANE

Quốc lộ 13 là con đường nối liền Vientiane và các khoéng (tỉnh) phía nam xứ Lào, chạy ngang qua sinh quán của tôi, Savannakhet, rồi xuống tận biên giới Lào-Kampuchia. Tôi không nhớ nổi tôi đã đi-về qua chặng đường nầy bao nhiêu lần, kể từ mùa thi 1967, lần đầu tiên tôi được gia đình thưởng cho lên viếng cảnh thủ đô. Kể từ bài nầy tôi sẽ cùng bạn đọc xuyên Lào, qua luôn bên kia biên giới Lào-Kampuchia bằng 2 phương tiện: Xe và thuyền.

Nhìn trên bản đồ, Borikhamxay là vùng đất nằm ngay trung tâm xứ Lào. Borikhan là tên cũ trước 1975 của Borikhamxay, gồm sáu mường: Tha Phabath, Pakkađing, Borikhan, Khamkeuth, ViêngThong và thủ phủ Paksane (đọc Pạc-Săn), tâm điểm của bài nầy. Borikhamxay nằm ở hướng nam Vientiane, địa hình thuộc vùng trung du, rừng nhiệt đới, thác ghềnh ngoạn mục. Đông giáp Việt Nam, qua biên giới Lào-Việt bằng ngã Lak Sao, đường số 8, cảnh đẹp ; phía Việt Nam là cửa khẩu Cầu Treo (đèo Keo Nứa) gần thành phố Vinh, Nghệ An. Tây giáp Thái Lan, biên giới là sông MêKông, tỉnh Beung Kan.

Diện tích: 14.863 cs vuông (Borikhamxay = Borikhan (cũ) + 1 phần Vientiane + 1 phần Xiêng Khoáng, sau 1975) ;

Dân số (2004): 164.900 người (3.41% tổng số quốc dân)

gồm nhiều bộ tộc (phầu) thuộc nhóm tộc Lào-Thái (77.51%), đặc biệt kể từ đầu thập niên 1970 khi không quân Hoa Kỳ tăng cường độ oanh tạc và san bằng Xiêng Khoáng, người Phuôn ở Xiêng Khoáng lánh nạn về đây, ước tính thời đó là 12.000 người, nay là bộ tộc đông nhất.

Mương Paksane được thành lập từ năm 1890, cách Vientiane 147 cs về hướng nam, nằm ở ngã ba dòng Nam San và sông Mêkông, cư dân hiện nay là 35.000 người. Paksane vừa là trung tâm hành chính và thương mại của Borikhamxay, vừa là trục thông thương và trạm nghỉ chân cho hầu hết các tuyến xe đò hai chiều (hay các phương tiện đường bộ khác) giữa Vientiane và các tỉnh phía nam, đặc biệt từ thập niên 1980 sau khi quốc lộ 13 được chính phủ Thụy Điển đài thọ việc nâng cấp, tráng nhựa - đoạn Vientiane-Paksane ; Trung quốc : đoạn Paksane-Khammouane ; Nhật bản: đoạn Khammouane-Champassak.

Là một thủ phủ lại không quá xa thủ đô nhưng đặc điểm của Paksane là sắc thái đậm nét hương thôn trong đời sống và sinh hoạt hàng ngày. Paksane là một thủ phủ đặc thù vì được chia ra thành nhiều bản, nhiều làng, trước hay sau 1975 cũng vậy, do đó khách viếng Paksane sẽ không có cảm tưởng chia cách giữa tỉnh thành và làng quê, ít ra cũng cho tới khi tôi thấy lần cuối (05/04). Phải nói thòng vậy khi mà cái được, cái mất từ đập thủy điện khổng lồ Nam Theun 2 (Nảm Thơn 2)(1), trong tương lai đếm bằng tháng, sẽ ảnh hưởng như thế nào tới con người, cũng như môi trường và cảnh quan hoang sơ tuyệt đẹp của Paksane, không ai lường trước được. Cái được chính hẳn kẻ đầu tư và những người đồng thuận ngồi trên đã tiên kiến, đã nhân chia trừ cọng rạch ròi. Cái mất ra sao dân quê Paksane nói riêng rán chống cày chờ và chịu như đã từng chịu điều phi lý khó tin nhưng có thật : Từ 1996, toàn thể Paksane có điện từ đập thủy điện Nam Theun 1 (Lào) nhưng lại được cung cấp từ ... Thái Lan, nghĩa là Thái Lan " mua sĩ " điện của chính quyền Lào đưa qua bên kia sông Mêkông, phù phép sao đó xong " bán lẻ " ngược lại cho nhân dân Lào, giá cả so le thế nào miễn chiết tính. Chẳng lẽ ghềnh thác Lào sản xuất được loại điện thô như Trung Đông sản xuất vàng đen thô ?

Không nơi nào ở Lào câu thành ngữ " phép nước, lệ làng " lại khích khao hơn ở đây:

Bất chấp mọi biến thiên chính trị, Paksane nói riêng vẫn giữ mô hình tổ chức xã hội Bản-Mường (nhiều bản hợp lại thành một mường) được tập hợp theo hai quan hệ: quan hệ huyết thống và quan hệ láng giềng, ở đây vai trò chủ đạo là quan hệ láng giềng mà người Lào gọi chung là Phì Noỏng (bà con). Nai bản ( trưởng làng) hay Phò bản (bố làng) là người đứng đầu bản và lục bản (con làng) là dân ở trong làng, giao tế ứng xử theo quan hệ gia đình mở rộng và điều hành theo hịt bản khong mương (tạm dịch là tập quán pháp) (2). Ví dụ cụ thể: Sau 1975, xứ Lào là Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân (cộng sản) nhưng Borikhamxay nói chung, Paksane nói riêng vẫn là dân chủ công xã, nghĩa là chế độ già làng: Người đứng đầu làng thi hành các quyết định của hội đồng già làng, khi có việc hệ trọng thì mở hội nghị toàn thể thành viên. Ruộng đất thuộc về của công mà ông phò bản là người đại diện, do đó mới có câu " đình a nha, na phò bản " (đất của quan, ruộng của bố làng). Nguyên tắc quyền sở hữu điền địa ở Lào là đất đai có chủ nhưng để hoang không khai khẩn một thời gian sẽ trở thành của công của làng đó và ông phò bản toàn quyền phân phối cho người dân trong làng. Ví dụ cụ thể: Những năm 1977-1980 phong trào qua sông tị nạn " ải nỏng" (anh em = cộng sản) đã làm trống trải Paksane, đến năm 1998, chính chảo mương (thị trưởng) Mương Paksane, với sự đồng ý của các phò bản, lên tiếng mời gọi dân cư vùng LuangPrabang và PhongSaly về đây chia ruộng cho làm kế sinh nhai: Năm 1999 có 48 hộ gồm 344 người đến từ LuangPrabang ; tháng 3 năm 2000 có 700 hộ đến từ Phongsaly.

Câu cửa miệng của người Lào nói chung là Bò Pền Nhắng (không sao cả), ở Paksane triết lý Bò Pền Nhắng càng rõ nét hơn trong mọi hoàn cảnh giữa người với người: Tương ái (3), Tương dung, tương nhượng, tương kính NHƯNG không qụy lụy và tuyệt đối không chấp nhận tính cách áp đặt. Sự áp đặt nếu vì lý do nào đó trong nhất thời họ phải chấp nhận thì chóng chầy, bằng mọi cách, họ sẽ lật ngược lại hết sức nhẹ nhàng. Ví dụ : 1/ Sau 1975, XHCNVN hay dùng nhóm chữ " Việt và Lào là hai quốc gia anh em". Bò pền nhắng. Dân quê Lào dạy nhau: Việt và Lào là 2 quốc gia láng giềng: Đúng ; hai quốc gia anh em: Không. Sao vậy ? – Láng giềng người ta có quyền lựa chọn, anh em thì không ! 2/ Sau 1975, chính phủ XHCNVN hay cường điệu – cho vui - câu " đảng, nhà nước Việt Nam và Lào xây dựng đất nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không qua chế độ tư bản chủ nghĩa ". Bò pền nhắng: Không phản bác, không lý luận, nhưng : Bước thứ nhất, thay hình Búa Liềm bằng hình tháp That Luang trên quốc huy (điều 76, Hiến pháp 1991) ; bước thứ hai, " chủ nghĩa xã hội là một ước mơ xa vời " (Kaysone Phomvihane, diễn văn nhậm chức chủ tịch nước,1991) rồi bất chấp áp lực của ông anh VN, mở toang cửa ra, đặc biệt đối với Thái Lan. Còn chuyện một nhúm người trong bộ tộc chủ thể ở Lào vẫn còn lay hoay tục tác trong ổ độc đảng, độc quyền, tham quyền cố vị thậm chí ngồi trên cả hiến pháp do chính họ soạn thảo ra lại là chuyện khác, sẽ nằm trong một bài khác.

Lần đầu tôi trở lại Paksane vào tháng tư 1993, lần sau cùng vào tháng năm 2004, tổng cọng qua lại 5 lần. Kỷ niệm thì nhiều, ở đây xin ghi lại một vài ấn tượng đối với cá nhân tôi.

Ở Vientiane tôi có người bạn. Mỗi lần tôi về, suốt thời gian có mặt ở Vientiane là hắn nhường cho tôi một trong mấy cái xe gắn máy của hắn. Lần đó vì đi công tác thiện nguyện nên tôi lưu lại Vientiane 3 tuần. Sau khi đã "no" cảnh Vientiane tôi quyết định một mình đi Paksane bằng xe gắn máy, bất chấp sự ngăn cản của các bạn. Thời đó, từ tỉnh nầy qua tỉnh khác, bất kỳ cư dân hay ngoại kiều, còn phải có giấy phép đi đường, trên trời hay dưới đất, dưới sông cũng vậy.

" Trên con đường đê chia đôi phường Khua Đinh và phường Sí Mương có con dốc nhỏ, xuống một đoạn, rẽ phải là vào xóm Salađeng (hay xóm Nguyễn Du, gọi theo tên trường tiểu học việt ngữ). Đối diện trường Nguyễn Du có một căn nhà bằng gỗ, bao quanh là rào hoa giấy màu hồng nhạt, ở ngõ vào nhà phía bên hông tòng teng mươi giò hoa rừng và một người vừa cùng tên vừa như hoa.

Từ căn nhà nầy đi vào xóm trong, độ 100 thước, có một căn nhà bằng xi-măng và một người khách đến từ phương xa tuổi tên cùng một chữ.

Khách và hoa quen biết nhau do hai gia đình vốn qua lại thân thiết. Hoa chưa chớm nụ, khách tròn đôi tám. Ba tháng hè trôi qua, khách về hoa ở lại. Hè năm sau, khách lại lên. Ba tháng hè trôi qua, khách trở về, hoa ở lại. Hè năm sau nữa, khách trở lên. Hoa vừa chớm nụ, khách hết vị thành niên và họ ấy nhau ...

Khách lên trọ học tại Vientiane trọn niên khoá 1973-1974. Giáng sinh 1973 họ đèo nhau đi viếng cảnh chùa Phabat Phonsan bằng chiếc xe gắn máy Yamaha màu huyết dụ.

VAT PHABAT PHONESANE VÀ DẤU CHÂN ĐỨC PHẬT

Chùa Phabat Phonsan được sùng tạo năm 1933, cách Vientiane 70 cs, thuộc địa phận Paksane. Cũng như mọi ngôi chùa khác khắp xứ Lào, cảnh quan chùa Phabat Phonsan rất đẹp với lối kiến trúc đặc thù Lào, xa xa điệp điệp núi rừng. Chùa Phabat Phonsan là linh địa hành hương của cư dân Borikhamxay và Vientiane vì nơi đây có dấu tích bàn chân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Thực hư thế nào không nằm trong bài nầy, có điều dấu chân Phật đã được phóng đại dài 40 cm, sâu 1.20 cm, móng chân dài 2.40 cm ; có hình bánh xe luân hồi, hoa sen và 108 loài vật dưới lòng bàn chân, hoàn toàn mang tính cách biểu tượng. Ngoài ra, ở đây còn có một bức tượng Phật nằm rất lớn, sơn son thếp vàng, sống động sắc xảo chứng tỏ một tài nghệ đúc khắc cao, dấu vết bể dâu là những đường nứt nhỏ, chẳng khác gì những lớp xếp mờ tỏ trên trán khách, sau 30 năm dâu bể. Ngồi lại chỗ hoa ngồi ngày xưa dưới chân Phật nằm, văng vẳng đâu đây tiếng hoa cười, thoang thoảng mùi hương sứ. Tình học trò sóng nổi, đam mê ... Đã bao lần chạnh lòng hồi tưởng, khách vẫn không có câu trả lời thích đáng cho câu hỏi " lầm lỗi nào để đành chẳng thà chẳng được nhau ? ". Duyên đâu kết trong một sớm một chiều thì chẳng lẽ nợ lại nặng hơn duyên ? Có nợ mà chẳng có duyên đã mấy ai hạnh phúc trong đời. Hoa dang dở, khách long đong trong cảnh đồng sàng dị mộng. Lặng nhìn dáng nằm an nhiên tự tại của Đức Bổn Sư lòng lại bảo lòng "sao ngài không nhín chút thời giờ trả lời giùm con ?". Chỉ biết rằng trong thâm sâu khách hằng mặc niệm "mất em rồi mới biết em là tất cả" ; dường như hoa trả lời " chẳng được nhau mới có nhau trọn kiếp người ".

CHUNG QUANH PAKSANE

Mỗi người mỗi sở thích. Đa số đều thích đến những chốn đèn màu, tôi lại tìm đến các nơi " khỉ ho cò gáy ", tìm hiểu những điều chẳng giống ai. Tôi biết sở thích của tôi không được gia đình đồng tình cho lắm nên khi thằng cháu con bà chị đề nghị đưa cậu lên Vientiane bằng xe nhà, để sau đó tôi về lại Pháp, tôi đặt điều kiện ngay: Cậu muốn đi đâu, dừng ở đâu, dừng bao nhiêu lâu phải theo ý cậu, không thì thôi. Nó gãi đầu, chấp thuận. Làm gì nó không hiểu thế là thế nào khi chung quanh là mẹ nó, nhất là bà ngoại hằng lo ngay ngáy vì biết rõ cậu út thuộc diện tọc mạch không đơn giản, có vấn đề lồng trong lời nói, giữa hai dòng chữ. Thiệt tình thân tôi sắp bạc đầu rồi còn gây phiền đến người thân.

Pak Kađing vừa là tên một trong sáu mường (Mường Pak Kađing) thuộc Borikamxay vừa là tên làng (Bản Kađing) gần Paksane, cách khoảng 50 cs về phía đông. Pak = Miệng, Kađing = tên con suối (hay nhánh sông) chảy ra sông Mêkông, là trạm dừng chân của mọi phương tiện giao thông đường bộ đi-về giữa Vientiane và các tỉnh miền Nam xứ Lào. Nam Kađing (4) nổi tiếng có nhiều loại cá ngon, cách thức chế biến, gia vị cũng đặc trưng. Ngoài ra chung quanh Pak Kađing còn có Bản Nakay-Nam Theun, Bản Nahin và Phou Pha Mane gom lại thành một chu vi núi rừng rộng lớn, kỳ vĩ - 3700 cs vuông - nhất là khoảng thời gian về chiều, được liệt thành Khu Bảo Tồn Đa Dạng Sinh Học Quốc Gia ( National Biodiversity Conservation Area, NBCA) và World Wildlife Fund (WWF) bảo trợ, nơi còn khá nhiều loài thú có nguy cơ tuyệt chủng như gấu đen, báo, voi, cọp, mang lớn (5) sao la (6).

Còn tiếp
Kỳ tới: BOUN BANG FAY Ở PAKSANE

Chú thích:

(1) Nam theun 2 (NTPC) là đập thủy điện khổng lồ, 1.000 MW, lớn nhất Đông Nam Á, với ngân sách liên doanh 1.3 tỉ USD (Công ty điện lực quốc gia Pháp-EDF chiếm đa số cổ phần: 35%, Lào: 25%, Thái: 25% và Liên Doanh Ý-Thái: 15%), dự tính sẽ được khai thác cuối 2006 với một khách hàng duy nhất là EGAT,Thái Lan, tiêu thụ 95% năng xuất. Theo dự kiến 7.000 gia đình (40.000 người) trong 89 làng chung quanh đồng bằng Nakay sẽ bị tái định cư, hàng chục ngàn ngư phủ sẽ bị ảnh hưởng trong việc đánh cá ... Chi tiết dự án xin mời các bạn vào đây:

(2) Ở Lào có một số quy tắc được gọi là " Hịt bản" (tập quán của làng) và " Khoong mương " (điều lệ của mường): a/ Hịt síp xoóng, b/ khoong síp xì, c/ pa phê ni síp hạ, d/ lắc xa nả síp hôốc:

a/ Hịt síp xoóng = Mười hai điều quy định về quan hệ nam nữ, cưới hỏi, ma chay, kiêng kỵ ...Hịt rất đa dạng, nhu nhuyễn theo từng làng nên có câu " hịt pháy, hịt măn (tục lệ nào, làng bản nấy).

b/ Khoong síp xì = Mười bốn điều lệ của mường về quyền sở hữu đất đai, ruộng đồng, núi rừng, sông suối.

c/ Pa phê ni síp hạ = Mười lăm nguyên tắc về nghi thức tín ngưỡng tôn giáo, tín ngưỡng dân gian như làm bun (lễ hội), cúng phí bản (cúng ma làng), cúng phí mương ( cúng ma mường) ...

d/ Lắc xa nả síp hôốc = Mười sáu đặc tánh về cách tổ chức hành chính và chính quyền ( mô phỏng các bộ phận trong cơ thể con người), chẳng hạn Húa Mương (đầu mường), Chày Mương (tim), Háng Mương (đuôi), Khén Mương (tay), Khá Mương (chân), Xạy Mương (ruột) ...

Những điều ghi trên tôi học được từ các bạn Lào, tôi cũng cố truy tìm cho đầy đủ nhưng chịu, do đó nếu bạn đọc biết rõ hơn xin giúp bổ túc cho.

(3) Tôi dùng chữ Tương ái thay vì hoà ái, bởi hoà ái là hai chữ coi như độc quyền của người việt dùng để tự đánh giá người việt. Nhìn từ ngoài, theo tôi, người việt nói chung – trong đó có tôi - chỉ hoà ái với nhau khi đôi bên " hoà ", chứ khi có chút " nghịch ", người việt với người việt chẳng " hoà " tí nào. Mà theo lẽ " hoà ái " tự thân nó chỉ có giá trị thực thụ trong những hoàn cảnh " nghịch": hoà trong lời nói, hoà trong chữ nghĩa, thậm chí hoà trong câu chửi. Thành ngữ có câu " hoà nhi bất đồng " là vậy. Tuy nhiên người việt chúng ta luôn luôn " hoà ái " với người nước ngoài !

(4) Các nhánh sông từ bắc Lào (Nam La, Nam Seng, Nam Tha...) xuống tới Borikhamxay, Kađing là nhánh sông cuối cùng có tên gọi bắt đầu bằng chữ Nam (nảm = nước, Nam Kađing), từ đây xuống tận biên giới Lào-Kampuchia mọi nhánh sông đều bắt đầu bằng chữ Sê (Sê = suối, như Sê Băng Hiêng, Sê Băng Fay, Sê Đôn, Sê Kôông).

Trung Quốc cũng có cách gọi các nhánh sông tương tự: Từ bắc Trường Giang trở lên có tên là Hà, từ nam Trường Giang trở xuống là Giang. Việt Nam không có sự tách biệt nầy.


(5) Giant Muntjac = Mang lớn = Một loại thú móng guốc có họ hàng rất gần với loại mang thường (muntjac) được phát hiện năm 1994 trong chu vi NBCA. Ở Việt nam cũng phát hiện loại thú nầy trong vùng Nghệ-Tĩnh.

(6) Sao la = Spindlehorn = Một loài thú họ bò có cặp sừng dài và nhọn được phát hiện lần đầu tiên năm 1992. Sao la còn có tên Pseudoryx và NgheTinhEnsis.

BOUN BANG FAY Ở PAKSANE

Mỗi lần có dịp trở về Lào, tôi thường chọn từ tháng 2 đến cuối tháng 5, giá vé máy bay rất hạ, trời không quá nóng và nhất là chưa vào mùa mưa, qua đến tháng 7 và tháng 8 mưa liên miên: nhà nông cười, du khách mếu. Ở Lào việc trồng lúa nước là sở trường của người Lao Lùm (Lào vùng đồng bằng), nương rẫy và ruộng bậc thang là sở trường của người Lao Thơng hay Lao Cang (Lào vùng giữa) và Lao Xúng (Lào vùng cao) ; giữa ruộng bây giờ hình ảnh con trâu thân thương từ ngàn xưa đã lần lần được thay thế bằng máy cày loại nhỏ hay vừa và từ hơn mười năm nay ở Paksane nói riêng việc trồng lúa một năm hai mùa ở miệt đồng bằng đã có tính cách phổ cập: Vụ trồng lúa mùa khô bắt đầu khoảng tháng 12 qua hệ thống dẫn thủy nhập điền từ sông Mêkông. Tôi để ý, cũng những chiếc máy cày đó đã được dân quê " linh động " thành những chiếc xe, phiá sau gắn một " toa " bằng gỗ, chạy nhông nhông trên quốc lộ 13, việt nam gọi là xe công nông. Đã đành xe công nông rất đa dụng cho vùng nông thôn, kể cả việc dùng để phát điện để xem ... tivi, nhưng nếu cứ để bà con lái nghênh ngang giữa các tuyến đường tấp nập như quốc lộ 13, e rằng không tránh khỏi tai nạn giao thông ... chết người.

Chúng tôi đến Paksane gần trưa 14 tháng 5 (14 tháng 6 lịch Lào) nhằm ngày Boun Băng Fay và Boun Visakha Bousa, năm nay được tổ chức tại chùa Phabat Phonesane. Boun Băng Fay ở Lào nguyên thủy chỉ mang tính cách tín ngưỡng dân gian (Linh Hồn Giáo): cầu đảo, cầu mưa ; cúng Phí Bản, Phí Mương (ma, thần hộ trì). Cũng như Boun Visakha Bousa vốn là ngày tăng già và tín đồ Phật Giáo tế lễ tưởng niệm ngày đản sanh, chứng ngộ và nhập diệt của Đức Phật. Hai niềm tin nầy trên lý thuyết hoàn toàn khác hẳn nhau, nói thế là vì trong giáo lý nhà Phật mà tôi biết có ghi rõ " không được tin tà ma ngoại đạo, mê tín dị đoan". Chẳng biết tự bao giờ, ở Lào, hai hình thức lễ hội nầy quyện thành Một, tổ chức bởi Một cộng đồng trong Một thời điểm, Một địa điểm. Do đó Boun Bang Phay từ lâu thường ngụ luôn nghĩa Visakha Bousa.

Phải nhận rằng Lào là xứ sở của Boun Ngan (lễ hội), chính thức cho cả nước mỗi tháng có một lễ hội, chưa tính cơ man lễ hội có tính cách địa phương, phản ánh khít khao câu thành ngữ "khôn Lao mặc muồn" (người Lào thích vui). Và trong các lễ hội ở Lào, Boun Bang Fay là lễ hội trộn trạo nhất, thành kính nhất, vui vẻ nhất, phóng túng nhất. Hồi còn ở Lào tôi đã hồn nhiên tham dự, chứng kiến khá nhiều những buổi Boun Băng Fay nhưng bấy giờ tôi mù tịt phần nội dung hoà lẫn giữa Phật Giáo và Linh Hồn Giáo của nó qua những hình thức ngoạn mục sau đây.

Trên đường chúng tôi đã thấy vài đoàn rước Băng Fay (hoả pháo) toàn đàn ông con trai từ các làng lân cận, dẫn đầu là một hai mó thiêm (cậu đồng) đang nghênh nganh múa, hát, hò, reo theo tiếng khèn, tiếng trống, tiếng chiêng tiến về chùa Phabat Phonesane nơi sẽ diễn ra lễ hội Boun Băng Fay.

Mỗi ổ pháo thăng thiên được đặt trên một cái giá nhẹ bằng tre, đầu pháo có đường kính 20/30 phân, dài cả thước, cọng thêm cái đuôi bằng tre 4/5 thước, nặng từ 6 đến 24 kí lô, được trang trí đầu hình Naga (rồng hay rắn thần), có phướn ngũ sắc lộng lẫy, mỗi làng mỗi vẻ. Đám rước ổ pháo của mỗi làng gồm đội múa đàn ông bất luận già trẻ, quan chức đều hoá trang mặt mày, trang phục có hình ảnh những ngành nghề liên quan với sông nước (đeo giỏ, vác chèo, mang lưới ...) ngụ ý cầu mong mưa đúng hạn kỳ hoặc đeo mặt nạ ma quỷ như để đe dọa " thẻn " (trời) ; ngoài ra còn có những hình nộm biểu tượng giao hợp (âm vật, dương vật) mang tính cách phồn thực. Rồi suốt hành trình đến điểm hẹn, đoàn rước của mỗi làng ca múa, reo hò biểu lộ hành vi cọng cảm.

Không hiểu do đâu mà các câu " xởng " (hò) hầu như đều nhắm thẳng vào các bà "mẹ vợ", bởn cợt:

" Bà gia ơi
Con rể tới rồi nè
Mở cửa cho nó đi
và mời nó chén rượu ;
Nếu bà không có rượu
Thì mời nó vắt xôi ;
Nếu bà không có xôi
Mời nó chút Pa-đẹc (mắm cá)
.................
Mở cửa đi bà gia ơi
Nếu bà không mở
Cầu thang nhà bà sẽ bị bay mất ..." ;

Còn những câu "xởng" dành cho các cô thì rất "hiện thực", rất suồng sã, kể cả câu "em ơi cho anh ấy tí".

Những cái chòi cột tre, mái tranh được dựng lên trong khuôn viên chùa, nền được lót chiếu ; cái khang trang nhất coi như khán đài danh dự dành cho chư tăng và chức sắc các làng trong vùng, những cái còn lại dành cho bá tánh, đặc biệt vài cái dành cho các cô cậu còn độc thân ngồi ... tán nhau suốt đêm. Ở giữa là một cái chòi khá lớn (hó chẹc) dành cho việc phong chức trong tăng lữ ngày mai 15 trăng tròn, sau đó tới lễ đốt pháo ven sông Mêkông, nơi đã la liệt các quầy ăn, quán uống tư nhân.

Trong lúc các phù-bào (con trai Lào) trong các đoàn rước mải mê múa hát trên các nẻo đường tìm về nơi tổ chức thì các Phù-sáo (con gái Lào), cô nào cô nấy y trang thật đẹp, son phấn kỹ càng trên tay mỗi cô đều có ít nhất một cái khánh (ô) gồm thực phẩm, thuốc lá, rượu ... lần lượt đến trước, ngồi hàn huyên, đùa dỡn chờ các cậu trong những cái chòi nói trên. Phần các bà mẹ đi theo canh con gái, trên tay có quà dành cho các sư, đặc biệt cho các vị sẽ được phong hay thăng cấp bậc ngày mai. Khi các đoàn rước ổ pháo tề tựu đầy đủ, đặt để theo thứ tự được định trước trong khuôn viên chùa thì trời cũng đã vào đêm, hội vui bắt đầu.

Đã là hội thì vui là chính, ở đâu cũng vậy. Điều đáng nói là cảnh trai, gái Lào (trên 16 tuổi) tự do tán tỉnh nhau ngay trong chùa (1) từ khi lên đèn cho đến bình minh. Tán tỉnh thì mỗi người mỗi bí kíp, mỗi chiêu thức khác nhau, tửng tửng nói ra đây vài đường e làm trò cười cho bạn đọc, song ở Lào chắc đôi bên phải hào hứng, ăn khớp lắm mới kéo dài thâu đêm suốt sáng được chứ ! Rất nhiều cô cậu đã nên đôi, nên lứa từ những buổi giao duyên tập thể nầy. Dĩ nhiên tôi cũng có nhảy vào ăn có - tránh sao khỏi - vô ra vài nơi, mỗi nơi vài hiệp nhưng chẳng sơ múi gì, phần nhỏ do quá đát, phần lớn bởi quên tháo cái nhẩn ở ngón vô danh ...

Khi ánh chiêu dương leo lên quá chóp hàng cây bên kia sông, khoảng 7 giờ sáng, đêm không ngủ coi như chấm dứt, mọi người thức đêm tại chỗ lần lượt đi làm vệ sinh cá nhân, trong khi đó một nhóm phụ nữ khác - của mỗi làng, mỗi chùa có tham dự buổi lễ được phân công từ trước - mang đồ điểm tâm đến và bày biện ra chiếu. Sáng nay các sư không phải nối đuôi nhau đi khất thực như mọi khi. Các sư của mỗi làng được kính cẩn mời trước tiên, sau đó là tín hữu.

Phần hiến tế mang ý nghĩa tưởng niệm Đức Phật (Visakha Bousa) không nằm trong loạt bài nầy, vả lại, tôi nghĩ, hầu hết ai cũng đã biết, đã hiểu ít nhiều.

Boun Bang Fay ở Paksane khi chúng tôi đến được tổ chức trong hai ngày, một đêm vì đặc biệt năm nay, lồng trong đó có buổi lễ thăng cấp trong tăng già (sangha) ở Paksane và vùng phụ cận. (2)

NGHI LỄ THĂNG CẤP TRONG TĂNG GIÀ

Như chúng ta đã biết, cách sinh hoạt nói chung ở Paksane đến nay vẫn còn đậm nét Dân Chủ Công Xã tức chế độ già làng, do đó buổi lễ thăng cấp được trích lược sau đây cũng khá đặc biệt vì nó không nằm trong hệ thống hàng dọc của tăng già chính thống (nghĩa là theo lẽ phải do tăng thống, hoà thượng, thượng tọa quyết định) mà hoàn toàn do đại đa số tín hữu trong bản, trong mường nói chung đồng ý bình chọn trong giáo khu những vị tăng có thành quả tri hành hợp nhất: Tri đạo, hành đạo và quan trọng nhất, sống đạo. Học đạo rồi hành đạo ai cũng có thể làm được, cái khó là Sống đạo vì sống đạo thường bao gồm luôn giá trị của hai phần kia hay đôi khi khỏi cần hai phần kia. Nói cách khác trong đạo, tri và hành không quí bằng đức và hạnh. Người Lào quan niệm "Hệt bun, Thăm bun" (Làm phước, Ban phước) chứ không nói " Há bun, Khó bun" (Kiếm phước, Cầu phước) như một vài nơi khác, thành thử tăng lữ ở Lào không dạy tín hữu mở trương mục tiết kiệm ảo mua vé lên niết bàn bằng hiện kim cũng như chưa từng nghe hay thấy chuyện người sống đạo nào dám phóng một cái lao trị giá mười triệu Euros để rồi hội ma, hội vệ tinh xuất hiện lia chia, tổ chức nhảy đầm loạn xạ, để rồi "hành đạo" cho tín hữu lè lưỡi ra đuổi theo lao từ non mười năm nay.(3)

Giáo hội Phật Giáo Lào chia tăng già thành 6 phẩm trật:

1/ Phra Gnoot Keo (Phrả Nhoọt Kẻo)

2/ Phra Louk Keo (Phrả Lục Kẻo)

3/ Phra Lak Kham (Phrả Lặc Khăm)

4/ Phra Khou (Phrả Khu)

5/ Phra Sa (Phrả Sa)

6/ Phra Sam Det (Phrả Sắm Đệt)

và trong mỗi kỳ có cuộc thăng cấp, tưởng thưởng thành tích công quả, tặng phẩm thường được ấn định như sau:

1. Bad = Bạt = Bình bát để các sư dùng khi đi khất thực.

( Trong chùa Lào không có bếp, không có chuyện nấu nướng do đó không có chuyện chùa tổ chức bán cơm như nhà hàng bán thức ăn)

2. Keub = Kợp = Dép

3. Talabat = Ta la bạt = Quạt làm bằng lá kè để các sư che mặt không nhìn vào đàn bà, con gái.

4. Thôông = Thôống = Túi vải đeo nơi vai.

5. Hom = Hom = Dù che mưa, che nắng.

6. Tray Chivon = Tray Si vôông = 3 thứ y phục của nhà sư: Phạ Khun (áo rộng), pha sa nghiệp ( khăn quàng vai và ngực), và phạ sa bôông (vải che phần dưới thân hình).

7. May Thao = Mảy Thao = Gậy chống để đi đường.

8. Nam Tao = Nảm Tao = Bầu đựng nước.

9. Mit the = Mịt Thé = Dao cạo để sư cạo đầu, râu và lông mày (15 ngày một lần).

10. Phani Sithana = Giường chiếu để nằm, kèm gối, kim, chỉ (để vá quần áo) và một tấm thảm nhỏ để trải ra ngồi (mỗi sư phải ngồi trên thảm của riêng mình).

11. Lap Kham, Lap Ngeun = Lạp khăm, lạp ngân = những tấm vàng lá (hoặc bạc) để ghi quyết định thăng cấp bậc cho sư.

Buổi lễ hôm nay dành thăng thưởng 4 vị: 2 vị từ tiểu (chua) chính thức lên tăng (Phrả Nhoọt Kẻo, cấp 1), 2 vị Phrả Nhoọt Kẻo lên Phrả Lục Kẻo (cấp 2). Tất cả mọi chuẩn bị cho buổi lễ đã sẳn sàng, đúng 9 giờ sáng, có tiếng cồng vang lên báo hiệu giờ hành lễ bắt đầu. Mọi rộn rịp trong khuôn viên chùa bổng ngưng lại, mọi người lần lượt vào ngồi xếp bằng trong hó chẹc, chấp tay trước ngực, đàn ông một bên, đàn bà một bên tách biệt nhau. Người chủ trì buổi lễ hôm nay là một lão tăng đã trên 60, cấp bậc hẳn không dưới cấp 4 (Phra Khu), và là trù trì chùa Phabat Phonesane.

Sau phần tụng kinh, nghi thức thăng thưởng khá nhiêu khê và một buổi thuyết pháp ngắn, gọn, bốn vị được thăng thưởng đến quì mỗi người trên một viên đá đặt dưới lỗ nước chảy ra từ máng xối bằng thân tre. Hai vò "nước phép" được khiêng ra, sư chủ trì khoan thai múc "nước phép" đổ thẳng lên đầu bốn vị mới được thăng cấp, còn các vị sư khác và các tín hữu (thân bằng quyến thuộc) thì múc nước đổ vào "hang hốt" (máng), nước chảy xuống tưới lên đầu 4 sư cho đến khi đầu ướt nhẹp mới ngừng tay. Nước từ trên đầu 4 sư chảy xuống được các tín hữu hứng vào khánh bạc để đem về làm phép hay làm thuốc ... chữa bệnh. Kế đó 4 sư vào sau bình phong thay quần áo mới, trong lúc đó các sư khác ngồi đọc một bài kinh khá dài. Các sư đọc kinh xong, một Chan (sư hoàn tục) đọc một bài văn soạn sẵn, kể lại thành tích công quả, đạo hạnh của 4 sư cùng những đóng góp của tín hữu, nhờ vậy buổi lễ hôm nay đã được mỹ mãn. Mỗi lần vị tu xuất đọc tên một tín hữu đã đóng góp tiền của cho buổi lễ thì cả cử tọa nói to "Mô tha na" (nghĩa là xin cùng một lòng với việc cúng dàng nầy). Vị tu xuất lại đọc vài câu để tỏ lòng biết ơn. Thay quần áo mới xong 4 sư trở ra, ngồi xuống nhận lãnh vật dụng tưởng thưởng kể trên, bao gồm tiền. 4 sư đồng đứng dậy, quay mặt về hướng cử tọa, sụp quì cúi đầu xuống sát đất để tỏ lòng tri ân, tôn kính đối với giáo hữu.

Buổi lễ thăng chức kết thúc vào khoảng hơn 11 giờ 30, đúng giờ cơm của các sư (quá ngọ các sư không ăn cũng như không ăn buổi tối). Giới luật Theravada không cấm chuyện ăn mặn (Khẩu Mặn Tâm Chay) nên các sư hệ tiểu thừa không cần phải Giả Mặn, các đầu bếp chẳng cần phải nhập nhằng sáng tạo đồ chay (rau quả) trong chùa mà trông y chang đồ mặn: cũng heo quay, gà xé phay, bò lụi, mắm Thái, tôm chiên lăn bột ... Đủ cả. Trong kiếm hiệp có cấp Vô Chiêu, quanh tôi có cấp Giả Mặn, tôi gọi là Khẩu Chay Tâm Mặn ; có người bảo gọi thế còn phiến diện, chính xác phải là Mặn Chay Bất Biệt Tâm Tâm Pháp.

BOUN BANG FAY

Băng Fay có nghĩa là pháo lửa, Boun Băng Fay có thể hiểu thêm là lễ đốt pháo (thăng thiên) được tổ chức rầm rộ hằng năm nhất là ở miệt trung Lào, gắn liền với nghi lễ cầu đảo và hội hè đình đám. Phần lễ do các sư sãi phụ trách là lẽ đương nhiên, là chuyện thường tình nhưng điều lý thú là ở phần hội các sư sãi cũng góp phần không nhỏ vì chính các sư của mỗi làng quanh vùng nơi tổ chức là người chỉ đạo, trổ tài chế tạo ra cái pháo tre khổng lồ, để dân trong làng đó đưa rước ổ pháo tới địa điểm có giàn phóng để thi đua, xem pháo làng nào bay xa nhất. Giàn phóng thường được dựng tạm trên bờ sông Mêkông, hướng phóng chỉa về phía bên kia bờ.

Khoảng 14 giờ, sau bữa cơm trưa, cuộc đốt pháo bắt đầu. Mỗi nhóm của mỗi làng kiểm điểm lại lần cuối ổ pháo của mình. Vị sư chỉ đạo việc làm pháo chuyển giao quyền điều hành cho một vị cư sĩ được xem là kinh nghiệm nhất nơi ông đang trù trì, sau đó ông đến ngồi nơi khán đài danh dự hướng ra sông Mêkông chờ xem kết quả tài nghề của mình.

Một cái cầu thang bằng tre cao cũng trên chục thước, dựng thẳng lên tận giàn phóng cũng làm bằng tre, được đặt và cột chặt trên tàng cây cỗ thụ. Nhóm nào đã sẵn sàng là có thể khiêng ổ pháo tới chân giàn phóng, thấp thỏm đứng chờ lịnh của trưởng ban tổ chức việc thi đua, họ không quên hô hê tên làng, tên chùa "của mình". Được lịnh của trưởng ban tổ chức, người điều hành việc đốt pháo và 3 thành viên khác từ từ âu yếm, cẩn thận đưa, chuồi ổ pháo lên từng nấc thang một. Ổ pháo được đặt vào giàn phóng, đầu chỉa thẳng lên trời. Dưới đất, hàng vạn con người đang quây quần như tổ ong, bổng dưng như đồng loạt nín thở, im re, mắt ngước lên ... Ông điều hành rút cây cà-boong (đuốc) gài sau lưng quần ra, bật lửa thắp, chờ cho đầu đuốc tròn ngọn lửa và ...châm vào cái ngòi pháo ! Lửa bén, ngòi cháy, chỉ trong tíc tắc, ổ pháo thở phì phì, cái đuôi "rùng mình"... Lửa xẹt ra đằng sau ... nguyên ổ pháo thoát khỏi giàn phóng, như chớp giật, vút thẳng lên mây, càng lúc càng cao, càng lúc càng xa ... Ở dưới cả vạn cái mồm đồng thanh hú lên như điên dại, nhất là các thành viên "chủ nhân" của ổ pháo vừa được giải phóng: Làng và chùa ta đã thành công, chúng ta sẽ đoạt giải đầu năm nay !

Rồi ổ pháo thứ nhì, thứ ba, thứ tư... Năm đó tôi chứng kiến 17 ổ pháo được đưa lên giàn phóng và dĩ nhiên, trong thi đua cảnh kẻ khóc người cười là lẽ thường tình, vì không phải ổ pháo nào cũng bay lên, bay cao, bay xa: Tôi đếm có 6 ổ "phản động": 3 ổ vừa thoát giàn phóng đã cắm đầu xuống uống nước sông Mêkông đến chết lịm, 2 ổ vừa bay được hai giây đã nổ tan xác trên không trung và 1 ổ tịt ngòi, nằm vạ trên giàn phóng, làm tội 4 pháo binh đành tiu nguỷu hất của nợ văng xuống sông rồi tiu nguỷu xuống đất, lẻn gọn vào đám đông trong tiếng chế diễu, hô hoán của họ.

Cuộc đua tài chấm dứt, năm đó làng Na May chiếm giải nhất, nhưng cuộc vui vẫn tiếp tục, nhất là giữa các nhóm có pháo bay xa và 6 nhóm có pháo "phản động". Những câu hỏi diễu cợt, vui vẻ được réo lên : Nhà sư nào là tác giả của ổ pháo tịt ngòi vậy ta ? Ờ ha, ai đã khéo sáng chế mấy ổ pháo chết khát kia thế ? Hai ổ pháo "chết" chưa kịp "cười" là của chuyên viên làng nào vậy ? Rồi cứ thế lần lần các nhóm vừa tiếp tục ca hát, reo hò vừa đưa nhau trở về làng mình...chuẩn bị tinh thần để đối diện với công việc nặng nhọc đang chờ họ ngoài đồng, ngoài ruộng và khấp khởi hy vọng mưa thuận gió hoà để được mùa hơn năm qua.

Còn tiếp
kỳ tới: Bến khách ở Khammouane

Chú thích:
(1) Phật giáo hệ tiểu thừa ở Lào được chia làm hai:

a/ Thammayut = Phái bảo thủ, chủ trương thi hành nghiêm chỉnh "thamma" (Phật pháp) và cho rằng chùa là nơi cần sự thanh tịnh để tập trung tư tưởng mà thiền định, tu hành do đó không nên cho tổ chức hội hè hát xướng trong khuôn viên của chùa.

b/ Mahanikai = Phái cởi mở, chủ trương tiếp xúc với bá tánh, thường tổ chức các Bun ở chùa như trong bài nầy. Đa số chùa ở Lào theo Mahanikai.

(2) Lễ nầy tên chữ là Boun Kong Hod (Bun Koong Hốt) được tùy nghi tổ chức trọng thể nhân một dịp nào đó. Boun = Lễ, Koong = chỉ số nhiều (ngụ ý chỉ nhiều thành tích, công quả), Hốt = tưới nước.

(3) Cái lao dự kiến từ 2 triệu rồi nay nhảy lên 10 triệu Euros là gì nếu không là sống trong biển lửa, không là cuồng vọng, không là tham-sân-si, trong khi động lực trước hết và sau cùng đưa đến việc xuất gia là để tránh xa biển lửa, để diệt tham-sân-si. Ừ nhỉ, kể cũng có chút khác biệt giữa "nhất tự tam tứ sư" và "nhất sư tam tứ tự". Bao giờ tới giai đoạn "bán tự vi sư" ? Âu cũng là một cái nghề.

Thakhek - Khammouane
 
Mãi sau nầy, trong một lần hàn huyên với Mẹ tôi mới biết mình vốn được Mẹ sinh ra tại Thakhek, thuộc Mương Khammouane, trong xóm số 7, năm Nhâm Thìn. Đến khi tôi được hai tháng tuổi hai thân đưa cả gia đình xuống định cư tại Savannakhet. Thế mà trong giấy tờ lại ghi năm Ất Mùi và sinh quán là Savannakhet. Hỏi ra mới vỡ lẽ : Bấy giờ, việt kiều ở Lào phải đóng thuế thân, do đó hai thân trụt cho tôi ba tuổi, ý là muốn trì hoãn việc đóng thuế cho tôi sau nầy, bù lại tôi chỉ được bắt đầu học i tờ từ năm lên 8 (tuổi thật) thay vì lên 5 như quy định.
 
Diện tích Mương Khammouane : 16.315 cs vuông, cảnh quan cheo leo hiểm trở nhưng đất đai lại thuộc hạng phì nhiêu nhất trong xứ ;
 
chia thành 9 quận : Thakhek ( thủ phủ ), Mahaxay, Nongbok, Hinboun, Nhommalath, Boualapha, Nakaï, Sêbangfay và Xaïbouathong.
 
Dân số : 358.800 người (5, 95% tổng số quốc dân, 2004), gồm các bộ tộc Lào-Thái ( Phouthai, Thái Bô, Thái Sô, Thái Men ...) và Môn-khmer ( Phuan, Tahoï, Ngouan, Tri, Katang, Kh'mú, Maling, Sô...). Người việt trong Mương Khammouane có độ 4.950 người (1,38 %, năm 2004).
 
Ngược dòng lịch sử, trong một giai đoạn ngắn, Thakhek là một đồn tiền tuyến của các vương quốc họ Môn-Khmer như Phù Nam và Sheng La với cái tên Pali: Sri Gotabura, tên lào cũ là Si Khottabong.
 
Địa danh Thakhek là do thực dân Pháp đặt ra, có nghĩa là Bến Khách, thuộc trung Lào. Khách ở đây, bấy giờ ngụ ý gồm các quan chức thực dân Phú Lăng Sa và các thuyền bè ngoại quốc. Hiện nay Thakhek là thủ phủ của Khammouane với 63.000 cư dân ( người việt khá đông nhưng không có thống kê chính xác), nằm trên quốc lộ 13, cách Vientiane khoảng 360 cs, Borikhamxay chừng 110 cs và Savannakhet độ 174 cs theo hướng nam Lào. Bên kia sông Mêkông là tỉnh Nakhon Phanôm của Thái Lan. Khúc sông nầy ngày nay là cửa khẩu quốc tế giữa hai nước Lào và Thái, du khách có thể xin visa lấy liền tại chỗ. Dự án xây một cái cầu bắc ngang đôi bờ đang được nghiên cứu. Thakhek có nhiều điểm tương đồng với Paksane thuộc Mương Borikhamxay trên phương diện văn hoá và dân số ( đa sắc tộc ). Một phần lớn trong chu vi 3.700 cs vuông của Khu Bảo Tồn Đa Dạng Sinh Học Quốc Gia ( NBCA = National Biodiversity Conservation Area / WWF ) Nakaï-NamTheun nằm trong địa phận Khammouane-Thakhek, kề biên giới Lào-Việt.
 
Trước 1975 tôi đã đến Thakhek rất nhiều lần, khi dăm ngày, lúc nửa tháng vì hầu hết người việt ở đây, cụ thể trong xóm số 7, đều quen biết gia đình chúng tôi. Bà chị dâu thứ 3 của tôi là người việt Xiêng Vang-Thakhek, hiện ở gần nơi tôi tạm dung tại Pháp. Tôi trở lại Thakhek lần đầu năm 2001 nhân đi dự đám hỏi giữa một người bạn việt tại Pháp và cô cháu của người chị dâu nói trên. Đám hỏi khá rình rang nhưng kết quả không thành, theo tôi, 2 nguyên nhân chính là bởi " trâu già, cỏ non " và " Trương Chi, Mỵ Nương ".
 
Lần sau cùng tôi về Thakhek vào tháng 04 năm 2004, có cả bà xã, đi chung xe với các anh chị trong Hội Người Việt tại SV nhân cuộc họp quy mô tại Vientiane giữa các ban đại diện người việt trên toàn xứ Lào.
 
Phố chính của Thakhek bao gồm những kiến trúc thời thực dân Pháp để lại, nay đã hiện rõ màu thời gian : hư hao, xuống cấp ; đi vào xóm số 7, nhìn đường xá và cảnh cũ tôi càng buồn cho sự dững dưng của các kiều dân có tiếng khá giả đối với nơi họ sinh sống, thành công từ hơn nửa thế kỷ qua. Âu cũng do " cha nuôi nên chẳng ai khóc ". Đâu mất rồi câu tục ngữ " ăn cây nào, rào cây nấy " ?
 
Tuy nhiên, đến Thakhek du khách sẽ được đền bù bằng những cảnh quan khá kỳ thú - nhân tạo có, thiên tạo có - rải rác đó đây trong chu vi trên dưới 20/30 cây số :
 
1/
Bên cạnh chùa Wat Nabô là Bảo Tàng Viện Khammouane do thực dân Pháp tạo dựng từ đầu thế kỷ XX, trong đó, ngoài những súng ống và hình ảnh vang bóng một thời của cái gọi là đi " khai hoá ", còn lưu giữ nhiều đồ sành, sứ và mây, có thứ trên 2.000 năm tuổi.

2/
Cách Thakhek 8 cs về hướng nam có chùa Wat Si Khottabong do quốc vương Chao Anou sùng tạo từ thế kỷ XVIII mà nền chùa vốn là một đại tháp từ thế kỷ thứ IX dưới triều vua Nanthasen. Chùa Si Khottabong vẫn nguy nga, sừng sửng. Có thể nói, ở Lào sau 1975, chùa là nơi duy nhất được dân chúng thường xuyên lưu tâm bảo quản, trùng tu.
 
3/
Trên quốc lộ số 8, theo hướng đông dẫn qua thành phố Vinh (Việt Nam), trước khi qua cửa khẩu Cầu Treo, có một địa danh khá nổi tiếng, đó là Lak Sao ( cây số 20 ) với khoảng 24.000 dân số. Lak Sao là một thị trấn nhỏ song trù phú vì là gạch giao thương giữa Lào và Việt Nam, quan trọng nhất là hàng gỗ. Lak Sao còn là một cái chợ lạ lùng vì du khách có thể mua nào gấu, nào ó ... nguyên con, kể cả những thú hiếm khác. Quốc lộ số 8 còn nổi danh nhờ vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ, nguyên sơ chập chùng những đỉnh núi đá vôi, những rừng rậm xanh tốt quanh năm, ẩn hiện những làng mạc của các bộ tộc như Hmông trắng, Thái Men ...
 
4/
Địa thế Khammouane, một phiá là sông Mêkông, ba phía còn lại là núi, là rừng nên riêng chung quanh Thakhek, ngoài NBCA đã được nhắc tới trong bài nói về Paksane (phần 7), cũng có nhiều thác, động, suối rất đáng viếng thăm như:
 
A. Thác Kham, thác KhengKham ... ;
B. Động Nang En, động KhongLo, động Xiêng Liệp, động Pha Ban tam...
C. Suối NamĐon, suối Sêbangfay ...
 
và trong bài nầy, chủ ý của tôi là muốn giới thiệu với bạn đọc:
 
1/ Thặm Pà Phả ( Động Phật )
 
Cảnh quan mới được phát hiện trong năm 2004: Đó là Thặm Pà Phả trong làng Na Kan Sang cách Thakhek chừng 10 cs, trên quốc lộ 12. Bản Na Kan Sang là một làng mới được thành lập non 30 năm nay, ít ai biết cho tới khi có sự phát hiện của nông dân Boun Nôông. Ông kể lại:
 
" Một hôm, lang thang đi tìm bắt dơi, tôi để ý thấy trên dốc núi, cách khoảng 15 thước từ mặt đất, có một cái lổ rộng độ 1,5 thước, tò mò tôi quyết định về nhà lấy cái đèn pin rồi trở lại trèo lên xem may ra có tổ dơi trong đó. Thịt dơi vốn là món khoái khẩu của dân làng Na Kan Sang.Vừa chui qua cái lổ, hướng mắt theo ánh đèn pin về phía dưới, tôi thấy một bức tượng Phật cao chừng 1 thước, hồi hộp tôi đến gần quan sát, tôi biết bức tượng được đúc bằng đồng. Sau đó, tôi lần mò đi sâu vào trong động và càng sửng sốt hơn nữa khi phát hiện thêm trên 200 bức tượng Phật khác, to nhỏ từ 15 phân đến 1 thước, tất cả đều bằng đồng.
 
Suốt một tuần, tôi chẳng nói với ai vì vẫn chưa tin được những gì đã thấy, tôi cứ cho là ảo ảnh, tưởng tượng. Một tuần sau, tôi quyết định rũ thêm 9 người bạn trong làng cùng trèo lên xem lại. Các bạn tôi cũng hoang mang không kém. Đến đầu tháng 5, chúng tôi quyết định thông báo cho giới chức địa phương và từ đó tin tức được lan truyền ra Thakhek, lên tới Vientiane rồi khắp xứ và xa hơn nữa ".
 
Tổng cộng Thặm Pà Phả có 229 bức tượng Phật bằng đồng, theo khảo nghiệm sơ khởi tất cả có trên dưới 300 năm tuổi. Ngoài ra, trong Động Pà Phả còn có một cái hồ khá lớn, nước màu cẩm thạch - có dự kiến sẽ cho du khách viếng cảnh bằng thuyền - và dĩ nhiên những thạch nhủ đá vôi tuyệt kỹ tương tự các thạch nhủ mà tôi đã được may mắn chiêm ngưỡng trong lòng động Phong Nha Kẻ Bàng.
 
Từ là một làng yên tỉnh, Bản Na Kan Sang mau chóng trở nên nổi tiếng, nhộn nhịp khách vãng lai và tự nhiên thành một điểm hẹn linh thiêng của tín hữu Phật giáo khắp nước. Cơ quan du lịch ở Thakhek đã tổ chức, sắp xếp cách quản lý, điều hành trước là để bảo vệ quốc bảo 24 giờ/24, sau là thích ứng và khai thác thêm phạm vi dưới chân núi thành dịch vụ du lịch với sự tham vấn của Tổ Chức Phi Chính Phủ về Phát Triển SNV-Hoà Lan ( ONG/NGO Netherlands Development Organization ), có văn phòng chính thức tại Thakhek.
 
Lượng khách lui tới xem báu vật đổ đồng 200 người / ngày trong tuần ; cuối tuần còn nhiều hơn nữa.
 
Trong bài nói về LuangPrabang ( Phần 3 ), tôi có nhắc tới Thặm Tìng nơi lưu giữ 8.126 tượng Phật do tín hữu Phật Giáo lần hồi mang đến cúng dường, nên có xuất xứ rõ ràng. Còn 229 bức tượng Phật bằng đồng trong Động Pà Phả hiện là một nghi vấn: Ai là người mang giấu các báu vật nầy ở đây, và từ bao giờ ? Có giả thuyết cho rằng, sau khi đảng cộng sản Pathet Lao giải thể nền quân chủ Lào cuối năm 1975, giới chức cựu trào đã lén mang số tượng nầy về cất giấu ở đây.
 
Nhưng dù thế nào, nhờ Phật tín cao độ và tinh thần giản phác lương thiện, thượng tôn quyền lợi quốc gia của nông dân Boun Nôông mà xứ Lào lưu giữ được báu vật của đất nước. Ông xứng đáng được lưu danh trong lịch sử Lào. 


BC: Nếu các bạn muốn học tiếng Lào để tìm hiểu và đi du lịch Lào thì hãy liên hệ với tôi. Tôi hiện ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An, nhận dạy tiếng Lào tại nhà và dạy qua mạng.
Địa chỉ liên hệ: lequang306@gmail.com
ĐT: 0983225079