Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018

Phép luận chủ và khách

Phép luận Chủ Khách trong môn Tử vi

Ở bước này, đề xuất xét các bước như đã làm ở mục 6., nhưng không chỉ xét với Chính Tinh mà phải xét cả các Phụ tinh. Ý nghĩa của phép luận Chủ Khách là để phân định mức độ cát hung, tính chủ động hay bị động trong diễn biến cát hung đó.
Phép luận này không chỉ áp dụng cho cung Mệnh mà còn có thể áp dụng cho các cung còn lại, đặc biệt là dùng khi xét đoán hạn.

* Phép phân chia Chủ-Khách của người xưa có ứng dụng rất lớn, trong nhiều môn và thuật khác nhau. Bản chất là dựa vào sự đối đãi của Động-Tĩnh, đó là cái Lý được suy từ quá trình vận động của Âm-Dương mà ra. Phàm cái gì Động (hoặc Động trước) thì coi là Khách, cái gì Tĩnh (hoặc Động sau) thì coi là Chủ. Bên Trong làm chủ mà bên Ngoài làm khách. Thâm sâu làm Chủ mà Nông cạn ấy là Khách,... Bởi vì Động-Tĩnh tuần hoàn thay đổi liên miên bất tuyệt, khi thì Dương động Âm tĩnh, khi thì Âm động Dương tĩnh, đó là do cái thế ta quán xét vậy, hay nói cách khác thì là tùy thuộc vào hệ quy chiếu vậy. Lão Tử cũng nói, Thấp-Cao, Trước-Sau, Ngắn-Dài, Dễ-Khó ấy là tùy vào người ta trông nó ngược hay xuôi vậy.
Đem vận dụng vào môn Tử Vi Đẩu Số thì ta thấy rằng:

* Hi Di tiên sinh nói:
Môn xem Đẩu Số này đây, luôn xét đến động tĩnh của cơ trời.
Trước tiên phân biệt Chủ-Khách mà xét,
Động-Tĩnh, tuần hoàn không dứt,
Chủ-Khách luân phiên thay đổi chứ không gò bó cố định,
Chủ (nếu) mà vô tình, lẽ nào Khách lại có tình cho được,
Khách mà không thường xuyên ứng đối, thì sao đủ xứng mà dùng làm Khách được!
...
Chủ cường Khách nhược, thì có thể đảm bảo là chẳng có gì phải lo ngại.
Chủ nhược Khách cường, thì thấy ngay được là hung hiểm nguy hiểm.
(Phải xem) Chủ-Khách, chỗ hay chỗ dở, đôi đàng tương ứng đối đãi lẫn nhau,
vận hạn Mệnh-Thân cũng đối đãi tương hỗ lẫn nhau.

* Bạch Ngọc Thiềm tiên sinh viết:
Xét tứ chính thấy cát tinh thì định là quý,
Tam phương mà sát tinh vây chiếu thì kém đẹp.
Cung đối chiếu cho biết hung, biết cát,
Cung hợp chiếu cho biết tiện hay là vinh.
Cát tinh nhập mệnh viên (miếu đắc) thì sẽ được cát lợi,
Hung tinh mà hãm địa thì chắc chắn sẽ hung.

* Hung hay cát của các Sao cũng như Cách cục của chúng không chỉ cứ chăm chăm nhìn vào tính chất của chúng, mà còn phải xem nó đi vào triền độ nào, đóng ở cung nào, thế đứng ra sao, miếu vượng hay lạc hãm, có gặp khắc chế hay không.

Hung sát tinh mà đắc địa thì đó là hư hung, đã là hư hung thì không đáng ngại, nếu như hãm địa thì đó là thực hung, đã là thực hung thì nguy hiểm. Hung sát tinh gặp khắc / chế của chúng thì không đáng ngại. Như Hỏa Linh mà gặp Tử Vi hoặc Tham Lang ở chỗ mà Tử hay Tham miếu đắc vượng thì Hỏa Linh có hãm cũng không phải thực hung (ví dụ tại Mùi cung gặp Tham, tại Thân cung gặp Tử Phủ).
Cát tinh mà đắc địa thì mới là thực cát, đã là thực cát thì nhất định có lợi lộc tốt lành vui vẻ, nếu như cát tinh lạc hãm thì là hư cát mà đã là hư cát thì chẳng có gì hay ho thậm chí còn có hại. Ví dụ Thiên Đồng là Phúc tinh, nếu lạc đến chỗ cung Tuất thì nam phiêu lãng ham chơi, nữ thời đa dâm.
* Trên lá số, lấy Bản cung (cung ta đang xét) để mà coi các Sao ở đó làm Chủ, các sao ở Xung cung làm chính Khách Tam hợp cung làm thứ Khách. Vì rằng Xung ấy là khởi nguồn của Động vậy. Giả như Bản cung vô chính diệu thì mượn chính diệu của Xung cung làm Chủ, xem các sao ở Tam Hợp chiếu làm Khách.

Chủ có chính tinh hãm, có sát hung tinh hãm tọa thủ Bản cung thì Chủ nhược yếu:
- nếu tam phương tứ chính có nhiều hung sát mạnh, tức là Khách hung mạnh thì cực kỳ nguy hiểm.
- nếu tam phương tứ chính có cát tinh trợ thì ấy là Khách hiền tới giúp chiếu về thì tuy nguy hiểm nhưng có thể thoát được, có người khác trợ giúp trong lúc ta gặp khó khăn.

Chủ có chính tinh miếu, đắc cách, thành bộ, không có sát tinh, ấy là Chủ cường:
- nếu tam phương tứ chính sát hung tinh đắc địa vây chiếu, ấy là Khách hư hung, thì như xông pha giữa chiến trường lập đại công mà vẫn chẳng mũi tên hòn đạn nào xâm phạm được.
- nếu tam phương tứ chính sát hung hãm, ấy là Khách thực hung, thì giống như là tự lực đối chọi lại với ngoại cảnh khó khăn, hay giống như cảnh ông Khổng Tử có tài mà hoàn cảnh thời vận không ủng hộ vậy.

Chủ cát, cung đối xung hung, 2 cung tam hợp chiếu cát, vậy là đương đầu với khó khăn, với kẻ địch mạnh nhưng được vây cánh trợ giúp ắt sẽ vượt qua vậy.

Nếu như Chủ cát mà tam phương tứ chính cũng toàn cát tinh thì như rồng gặp mây, như hổ mọc thêm cánh. Ấy là tại sao mà cách Tử Phủ Dần Thân đắc Tả Hữu Xương Khúc Khôi Việt ở tam phương chiếu về lại được gọi là quân thần khánh hội (vua tôi mừng tụ hội) vậy.
...
Cứ thế mà phân tích diễn giải cho từng trường hợp chi tiết sẽ thấy rõ rằng khắp 12 cung đều có thể là Ta cũng đều có thể là Địch, đừng bao giờ lậm vào cái suy nghĩ rằng tốt mới là Ta và xấu mới là Địch.

Sách còn viết:

Cát hung tối yếu tế phân minh
bản đối hợp lân hữu trọng khinh
tứ diện sở ca chung tất bại
thiên tường vân tập tự nhiên hanh

(Cát hung phân biệt, xét cho tinh
Bản, đối, hợp, lân, có trọng khinh
Gặp địch bốn bề, cục tất bại
Mây lành tụ tập, tự nhiên vinh).

Tự cường tài thị hảo nhân gia
lân xá duy thiêm cẩm thượng hoa
nhược đáo phùng nguyên chân cảnh địa
xuân phong chích khả cảm tương soa

(Tự cường mới xứng kẻ tài ba
Hàng xóm chỉ như gấm thêm hoa
Nếu được gặp nguồn cảnh địa tốt
Gió Xuân cũng thẹn bởi kém xa)

Lưỡng lân tương vũ khởi vi tai
tự phạt tài giáo đại khả ai
dịch đóa đương đầu nhất côn bổng
nan phòng tả hữu tập binh lai

(Hàng xóm khinh nhờn khởi họa tai
Tự nhiên tốn sức thật bi ai
Đương đầu ác bổng còn dễ né
Tập kích đôi bên khó thoát hoài)

Bản phương cát vị chi do nội tự cường.
Bản phương hung vị chi tòng căn tự phạt.

(Bản phương được cát lợi ấy là do bên trong tự đã có lực mạnh mẽ
Bản phương hung ấy là do nguồn cơn tự phạt chính mình)

Đối phương cát vị chi nghênh diện xuân phong.
Đối phương hung vị chi đương đầu ác bổng.

(Đối phương cát như ngẩng mặt đón gió Xuân
Đối phương hung như đương đầu với cây ác bổng)

Hợp phương cát vị chi tả hữu phùng nguyên.
Hợp phương hung vị chi tả hữu thụ địch.

(Hợp phương cát ấy là hai cánh trái phải gặp được nguồn cội
Hợp phương hung ấy là hai cánh trái phải gặp kẻ địch)

Lân phương cát vị chi lưỡng lân tương phù.
Lân phương hung vị chi lưỡng lân tương vũ.

(Lân phương cát ấy là đôi bên kề cận tương trợ
Lân phương hung ấy là đôi bên kề cận khinh nhờn).

Phương cung giai cát vị chi thiên tường vân tập.
Phương cung giai hung vị chi tứ diện sở ca.

(Cung ở các phương đều cát ấy là ngàn mây lành tụ hội
Cung ở các phương đều hung ấy là bốn bề thọ địch).

Đó chính là yếu quyết để phân định nặng nhẹ chủ khách cát hung theo Bản (bản cung), Đối (cung đối xung), Hợp (2 cung tam hợp chiếu), Lân (2 giáp cung).

Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2018

Hiểu về Thế quái và Kiêm hướng



Thế Quái 
Khi lập tinh bàn (hay trạch vận) của 1 căn nhà thì người ta thường hay gặp phải những căn nhà không thuần hướng (hay chính hướng, tức là hướng nhà nằm tại tâm điểm của 1 trong 24 hướng), mà lại lệch sang bên phải hoặc bên trái. Những trường hợp này còn được gọi là kiêm hướng.
Đối với Huyền không phái, nếu những căn nhà (hay phần mộ) tuy bị kiêm hướng, nhưng nếu kiêm dưới 3 độ thì vẫn có thể áp dụng phương pháp lập tinh bàn như bình thường, tức là vẫn lấy những vận tinh tới tọa và hướng, rồi tùy Tam nguyên long của nó là dương hay âm mà xoay chuyển thuận hay nghịch mà thôi. Nhưng nếu một khi mà hướng của căn nhà (hay ngôi mộ) đó kiêm quá 3 độ so với tâm của chính hướng (dù là kiêm sang bên phải hay bên trái) thì cần phải dùng Thế quái (hay số thay thế). Cho nên Thế quái thật ra chỉ là phương pháp dùng số thế cho nhửng trường hợp kiêm hướng nhiều (trên 3 độ).

Tưởng đại Hồng, một danh sư Phong thủy Huyền không dưới thời nhà Minh đã từng nói:  “Xử dụng phép kiêm hướng thì cần phải dùng bí quyết KHÔN-NHÂM-ẤT”. Nhưng bí quyết KHÔN-NHÂM-ẤT là gì? Nó chính là 4 câu khẩu quyết trong “Thanh nang áo Ngữ” mà Dương quân Tùng đã viết để nói về cách dùng Thế quái như sau:

      KHÔN-NHÂM-ẤT, Cự môn tòng đầu xuất,
      CẤN-BÍNH-TÂN, vị vị thị Phá Quân,
      TỐN-THÌN-HƠI, tận thị Vũ Khúc vị,
      GIÁP-QUÝ-THÂN, Tham Lang nhất lộ hành.

Có nghĩa là:

-Với 3 hướng KHÔN-NHÂM-ẤT (xin coi lại phần 24 sơn hướng và TAM NGUYÊN LONG) thì dùng sao Cự môn (tức số 2) khởi đầu (tức nhập trung cung rồi xoay chuyển thuận, nghịch).

-Với 3 hướng CẤN-BÍNH-TÂN thì vị trí nào cũng dùng sao Phá Quân (tức sồ 7) nhập trung cung thay thế.

-Với 3 hướng TỐN-THÌN-HỢI thì dùng sao Vũ Khúc (tức số 6) nhập trung cung thay thế.

-Với 3 hướng GIÁP-QUÝ-THÂN thì dùng sao Tham Lang (tức số 1) nhập trung cung thay thế.

Lấy thí dụ như nhà hướng 185 độ tức là tọa TÝ hướng NGỌ kiêm QUÝ-ĐINH 5 độ, nhà xây và vào ở trong vận 8, nên khi an vận bàn thì có số 3 đến hướng, số 4 đến tọa. Vì kiêm quá 3 độ nên khi an sơn bàn thì không thể lấy số 4 nhập trung cung, nhưng vì số 4 có 3 sơn là THÌN-TỐN-TỴ, đem áp đặt lên phương tọa của căn nhà thì thấy sơn TỐN của số 4 trùng với tọa (tức sơn TÝ) của căn nhà này. Mà theo khẩu quyết của Dương quân Tùng thì nếu sơn TỐN kiêm độ thì phải dùng sao Vũ Khúc tức số 6 thay thế. Do đó khi lập sơn bàn thì phải lấy số 6 nhập trung cung (thay vì số 4). Kế đó mới xét vì TỐN là dương trong TAM NGUYÊN LONG, nên đem 6 vào trung cung rồi xoay theo chiều thuận là 7 tới TÂY BẮC, 8 tới TÂY, 9 tới ĐÔNG BẮC... để có được sơn bàn cho căn nhà này.

Tuy nhiên, vì trên la kinh có tới 24 sơn, trong khi khẩu quyết của Dương quân Tùng chỉ đưa ra 12 sơn trong trường hợp bị kiêm hướng, tức là ông chỉ biên ra có một nửa, còn một nửa không nhắc đến mà chỉ truyền khẩu cho hậu thế. Vì vậy, người nào được truyền đều tự cho là gia bảo, là “bí mật của mọi bí mật” của Phong thủy Huyền Không. Đến cuối đời nhà Minh, khi Khương Diêu đưa cho Tưởng đại Hồng hai ngàn lượng bạc để Tưởng đại Hồng mai táng cho cha, ông mới được họ Tưởng truyền hết khẩu quyết. Nhưng Khương Diêu cũng dấu kín bí mật này, nên không ai có thể biết hay hiểu được những khẩu quyết của Dương quân Tùng, trừ khi được chân truyền mà thôi. Mãi đến cuối đời nhà Thanh, danh sư Chương trọng Sơn được đích truyền của Huyền không phái mới biên sách để truyền lại cho con cháu, trong đó có nói đến cách dùng Thế quái. Việc này đến tai Thẩm trúc Nhưng, lúc đó cũng đang cố công tìm kiếm, học hỏi về Huyền KHông. Ông bèn bỏ ra một ngàn lạng bạc mượn sách của Chương trọng Sơn trong 1 đêm để ghi chép hết lại. Nhờ vậy mà ông mới biết hết bí quyết của Thế quái mà đặt ra bài “Thế quái ca quyết” sau đây:

      "TÝ, QUÝ tịnh GIÁP, THÂN, Tham Lang nhất lộ hành,
      NHÂM, MÃO, ẤT, MÙI, KHÔN, ngũ vị vi Cự Môn,
      CÀN, HỢI, THÌN, TỐN, TỴ, liên TUẤT Vũ Khúc danh,
      DẬU, TÂN, SỬU, CẤN, BÍNH, thiên tinh thuyết Phá Quân,
      DẦN, NGỌ, CANH, ĐINH thượng, Hữu Bật tứ tinh lâm,
      Bản sơn tinh tác chủ, phiên hướng trục hào hành,
      Liêm Trinh quy ngũ vị, chư tinh thuận, nghịch luân,
      Hung, cát tùy thời chuyển, Tham-Phụ bất đồng luận,
      Tiện hữu tiên hiền quyết, không vị kỵ lưu thần,
      Phiên hướng phi lâm BÍNH, thủy khẩu bất nghi ĐINH,
      Vận thế tinh bất cát, họa khởi chí diệt môn,
      Vận vượng tinh cách hợp, bách phúc hựu thiên trinh,
      Suy, vượng đa bằng thủy, quyền ngự giá tại tinh,
      Thủy kiêm tinh cộng đoán, diệu dụng cánh thông linh."

Tạm dịch:

      TÝ, QUÝ cùng GIÁP, THÂN, đi 1 đường với Tham Lang (số 1),
      NHÂM, MÃO, ẤT, MÙI, KHÔN, 5 vị trí dùng sao Cự Môn (số 2),
      CÀN, HỢI, THÌN, TỐN, TỴ, TUẤT liên tiếp dùng sao Vũ Khúc (số 6),
      DẬU, TÂN, SỬU, CẤN, BÍNH là những vị trí của sao Phá Quân (số 7),
      DẦN, NGỌ, CANH, ĐINH sẽ được sao Hữu Bật bay tới (số 9),
      Sao của bản sơn làm chủ, sao của hướng vận hành,
      Liêm Trinh (số 5) mà tới 5 vị trí này thì phải tính sự thuận, nghịch của các sao.
      Hung, cát chuyển vận tùy theo thời, Tham-phụ sẽ di chuyển trái ngược nhau,
      Theo khẩu quyết của tiên hiền, phải xa lánh tuyến vị Không vong,
      Nếu hướng tinh không ở vị trí BÍNH, thì thủy khẩu không thể ở vị trí ĐINH.
      Gặp lúc thế tinh xấu có thể làm tan cửa nát nhà,
      Lúc thế tinh là vượng tinh thì trăm điều lành sẽ tới,
      Suy hay vượng là căn cứ vào thủy, quyền hành đều do sao quyết định,
      Hợp thủy với sao mà đoán là cách hay nhất để đoán biết mọi việc.

Dựa vào bài “Thế quái ca quyết” đó của Thẩm trúc Nhưng, chúng ta có thể tóm lược lại như sau:

- TÝ, QUÝ, GIÁP, THÂN dùng số 1 nhập trung.
- KHÔN, NHÂM, ẤT, MÃO, MÙI dùng số 2 nhập trung.
- TUẤT, CÀN, HỢI, THÌN, TỐN, TỴ dùng số 6 nhập trung.
- CẤN, BÍNH, TÂN, DẬU, SỬU dùng số 7 nhập trung.
- DẦN, NGỌ, CANH, ĐINH dùng số 9 nhập trung.

Tuy nhiên nếu để ý kỹ thì ta sẽ thấy trong 24 sơn thì chỉ có 13 sơn là dùng Thế quái, còn lại 11 sơn không dùng, cụ thể là:

- Cung KHẢM “NHÂM-TÝ-QUÝ” thuộc Nhất Bạch (Tham Lang), trừ NHÂM dùng Thế quái thành Nhị Hắc (Cự Môn), TÝ-QUÝ vẫn dùng Nhất bạch, tức không dùng Thế quái.

- Cung KHÔN “MÙI-KHÔN-THÂN” thuộc Nhị Hắc (Cự Môn), trừ THÂN dùng Thế quái thành Nhất Bạch (Tham Lang), MÙI-KHÔN vẫn dùng Nhị Hắc, tức không dùng Thế quái.

- Cung CHẤN “GIÁP-MÃO-ẤT” thuộc Tam Bích (Lộc Tồn), nhưng GIÁP dùng Nhất Bạch làm Thế Quái, còn MÃO-ẤT thì dùng Nhị Hắc làm Thế quái.

- Cung TỐN “THÌN-TỐN-TỴ” thuộc Tứ Lục (Văn Khúc), nhưng cả 3 đều dùng Lục Bạch (Vũ Khúc) làm Thế quái.

- Cung CÀN “TUẤT-CÀN-HỢI” thuộc Lục bạch (Vũ Khúc), nhưng cả 3 đều dùng Lục Bạch tức không dùng Thế quái.

- Cung ĐOÀI “CANH-DẬU-TÂN” thuộc Thất Xích (Phá Quân), trừ CANH dùng Cửu Tử (Hữu Bật) làm Thế quái, còn DẬU-TÂN vẫn dùng Thất Xích (Phá Quân), nên không dùng Thế quái.

- Cung CẤN “SỬU-CẤN-DẦN” thuộc Bát Bạch (Tả Phù), nhưng SỬU-CẤN dùng Thất Xích (Phá Quân) làm Thế quái, còn DẦN dùng Cửu Tử (Hữu Bật) làm Thế quái.

- Cung LY “BÍNH-NGỌ-ĐINH” thuộc Cửu Tử (Hữu Bật), trừ BÍNH dùng Thất Xích (Phá Quân) làm Thế quái, còn NGỌ-ĐINH vẫn dùng Cửu Tử (Hữu Bật) tức không dùng Thế quái.

Cho nên với bài “Thế quái ca quyết” của Thẩm trúc Nhưng, chúng ta có thể biết sơn nào (trong 24 sơn) có thể dùng Thế quái. Do đó, trở về với thí dụ ở trên, nhà hướng 185 độ (tức tọa TÝ hướng NGỌ kiêm QUÝ-ĐINH 5 độ), nhập trạch trong Vận 8 nên có Vận tinh số 3 tới phía trước (hướng). Nếu chỉ dựa vào 4 câu khẩu quyết của Dương quân Tùng trong “Thanh nang Áo Ngữ” thì chúng ta không biết Vận tinh này có thể dùng Thế quái hay không. Nhưng với bài “Thế quái ca quyết” thì chúng ta thấy số 3 gồm có 3 sơn là GIÁP-MÃO-ẤT, nếu đem áp đặt lên 3 sơn BÍNH-NGỌ-ĐINH nơi đầu hướng của căn nhà này thì sẽ thấy sơn MÃO của số 3 trùng với Hướng (tức sơn NGỌ) của căn nhà. Theo ca quyết thì sơn MÃO dùng Nhị Hắc làm Thế quái, nên lấy số 2 (tức sao Nhị Hắc) nhập trung cung. Vì MÃO thuộc âm (trong Tam nguyên Long), cho nên lấy số 2 nhập trung cung rồi xoay theo chiều “Nghịch” , tức 1 tới TÂY BẮC, 9 tới TÂY, 8 tới ĐÔNG BẮC... Cũng chính vì điều này mà trong ca quyết mới có câu “sao của bản sơn làm chủ, sao của hướng vận hành”. Chữ “làm chủ” ở đây có nghĩa là quyết định sự di chuyển Thuận hay Nghịch, còn “sao của hướng” tức là Thế quái vận hành.

Một trường hợp khác là khi an vận bàn thì vận tinh số 5 sẽ đến tọa hay hướng của 1 căn nhà. Vì số 5 không có phương hướng, cũng không có Thế quái, cho nên khi gặp những trường hợp này thì chỉ cần coi xem phương tọa hay hướng của căn nhà thuộc sơn gì, và là dương hay âm trong Tam nguyên long, rồi vẫn lấy số 5 nhập trung cung mà xoay chuyển THUẬN hay NGHỊCH theo với sơn tọa hoặc hướng của căn nhà mà thôi. Lấy thí dụ như nhà hướng 185 độ tức là tọa TÝ hướng NGỌ kiêm ĐINH-QUÝ 5 độ, xây xong và vào ở trong vận 1. Nếu an Vận bàn thì lấy số 1 nhập trung cung, xoay theo chiều thuận thì 2 đến TÂY BẮC, 3 đến TÂY, 4 đến ĐÔNG BẮC, 5 đến NAM... Vì nhà này kiêm hướng, nhưng do 5 không có Thế quái, cũng không có phương hướng, nên vẫn dùng hướng chính của căn nhà là hướng NGỌ, thuộc âm trong Tam nguyên Long, nên vẫn lấy số 5 nhập trung cung xoay NGHỊCH mà an Hướng bàn cho căn nhà này.

Một điềm quan trọng khác là có những căn nhà tuy kiêm hướng nhiều, nhưng những vận tinh tới tọa và hướng đều không dùng Thế quái. Về vấn đề này thì nhiều nhà Phong thủy cho là cách cục không tốt, nên dù nhà có đắc vượng tinh tới hướng cũng vẫn có tai họa. Họ cho rằng vì nhà đã kiêm hướng tức là cần phải có Thế quái, nếu như không có thì dù có đắc vượng tinh tới hướng cũng chỉ là miễn cưỡng, hoặc vượng tinh không có đủ uy lực phù trợ cho căn nhà đóï. Nhưng qua thực tế kiểm chứng thì lại thấy những nhà này vẫn phát phúc, công việc và tài lộc của người sống trong nhà vẫn tốt đẹp. Điều này có thể dẫn đến kết luận là dù nhà kiêm hướng, nhưng nếu không có Thế quái mà đắc vượng tinh tới hướng cũng vẫn tốt đẹp như những nhà đắc vượng tinh khác mà thôi. Lấy thí dụ như nhà hướng 320 độ, tức tọa TỐN hướng CÀN kiêm TỴ-HỢI 5 độ, xây và vào ở trong vận 8. Nếu lập Vận bàn thì 8 nhập trung cung, 9 tới TÂY BẮC tức hướng nhà. Bây giờ nếu muốn an Hướng bàn thì trước tiên xem hướng nhà trùng với sơn nào của số 9. Vì nhà hướng CÀN, trùng với sơn NGỌ của số 9. Mà theo bài “Thế quái ca quyết” thì NGỌ vẫn dùng Cửu Tử (tức số 9), tức là không dùng Thế quái. Vì NGỌ thuộc âm trong Tam nguyên Long nên lấy số 9 nhập trung cung xoay NGHỊCH thì 8 đến TÂY BẮC tức đến hướng. Vì đang trong vận 8 mà được hướng tinh 8 tới Hướng nên nhà này thuộc cách đắc vượng tinh tới hướng. Đây là 1 cách tốt, mặc dù là nhà kiêm hướng nhiều mà vẫn không có Thế quái để dùng.

Thứ Hai, 17 tháng 9, 2018

Mấy ngày khảo sát phong thủy trên đất Lam Hồng

Mấy ngày khảo sát phong thủy trên đất Lam Hồng
Kế tiếp đợt khảo sát phong thủy vùng đất Thanh Chương giữa Hội Kinh dịch Phong thủy Nghệ An cùng các thầy trong Viện nghiên cứu và ứng dụng Kiến trúc Phong thủy Việt Nam, trực thuộc Bộ Khoa học & công nghệ cách đây mấy tháng. Sau đợt mưa lũ dài ngày vừa qua, hội Kinh dịch – Phong thủy và Hán nôm Nghệ An, lại tiếp tục phối hợp với một số thầy Phong thủy ở Hà Nội thuộc Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã dành mấy ngày giao lưu và đi khảo sát phong thủy, kết hợp Kinh dịch tìm long mạch trên các dãy núi thuộc Nghệ An và Hà Tĩnh như dãy Hồng Lĩnh, dày Thiên Nhẫn, dãy núi Đại Huệ và một số địa chỉ văn hóa tâm linh khác.
Nhớ lời người xưa:
“Hoan Châu văn khí thiên niên trụ
Học đạo chính tâm vạn cổ truyền”.
(Hoan Châu văn khí ngàn năm vững;
Học đạo chính tâm muôn thuở còn).
Hoan Châu - xứ Nghệ (Nghệ An - Hà Tĩnh) được người xưa coi là vùng đất "Địa linh nhân kiệt"; là đất có khí thiêng sông núi và sinh ra nhiều hào kiệt, Phan Huy Chú đã có nhận xét:
"Nghệ An núi cao sông sâu, phong tục trọng hậu, cảnh tượng tươi sáng, gọi là đất có danh tiếng hơn cả ở Nam Châu. Người thì thuận hòa mà chăm học... được khí tốt của sông núi, nên sinh ra nhiều bậc danh hiền".
Trước hết đoàn chúng tôi vào vùng Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Sau khi dâng hương xin phép, các thành viên của đoàn chia nhau thành các nhóm, nhóm khảo sát văn bia trên các di tích cổ, nhóm đo đạc khảo sát chất đất, cấu tạo địa tầng, xác định long mạch, đo chỉ số Bovis, chỉ số Tesla.v.v.. trên vùng đất quê hương Đại thi hào Nguyễn Du; Danh nhân Đặng Thái Bàng, người từng xin triều đình cho cáo quan để dành thời gian dịch và giải nghĩa bộ sách Kinh Dịch và diến ra bằng thơ truyền lại cho đời sau dễ đọc dễ thuộc; Danh nhân văn võ kiêm toàn Nguyễn Công Trứ, Đền thờ và giếng nước Thánh địa lý Tả Ao nắm sát chân dãy núi Hồng Lĩnh 99 ngọn..
Tiếp theo đoàn quay sang khảo sát vùng Chín Nam dưới chân dãy Thiên Nhẫn 999 ngọn xa trông như đàn ngựa ruổi quanh nhấp nhô nối liền kéo dài mấy chục cây số như vùng Nam Lộc, Khánh Sơn, sang cả Đức Thọ, Hà Tĩnh, cả một vùng non nước hữu tình, dân cư đông đúc, cây cối hoa màu tươi tốt, khí tượng tươi sáng. Trong quá trình đo đạc khảo sát chúng tôi có vào một số nhà dân, tiếp xúc với các bậc cao niên để tìm hiểu thêm tình hình đời sống, sức khỏe, tuổi thọ của cư dân trong vùng, đặc biệt chú trọng những nhà nhìn bề ngoài có khí tượng và đặc điểm nổi trội, chưa cần dùng thiết bị đo đạc, chưa vào nhà, các thầy đã vọng khí và biết được tình hình sức khỏe, sự thịnh vượng của gia chủ. Vào nhà trò chuyện xác minh quả có sự trùng khớp kỳ diệu với thực tế. Xác định long mạch, nguồn nước tốt xấu.v.v.. đều cho kết quả rất khả quan.
Tiếp tục hành trình qua một số vùng dưới chân dãy núi Đại Huệ, trên đỉnh có chùa Đại Tuệ và khu mộ Bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Càng đi sâu vào núi chúng tối phát hiện nhiều vùng có địa khí rất tốt, chỉ số Bovis và Micro Tesla rất cao, có nơi đến 20.000 Bovis. Đang lúc mệt mỏi các thầy liền lại chỗ ấy ngồi nghỉ, chỉ một lúc sau nhờ hấp thu nguồn năng lượng từ lòng đất, mọi người thấy nhẹ nhõm, khoan khoái và hết luôn cả mệt nhọc. Kỳ diệu hơn chúng tôi còn phát hiện ra một loại quặng đá quý có khả năng cản phá ngăn chặn các tia bức xạ xấu do địa mach hoặc do môi trường phát tác, do kiến tạo địa tầng và sự đứt gãy tự nhiên tạo nên.
Sau khảo sát từng vùng chúng tôi lại tổ chức tọa đàm tại chỗ để cùng nhau rút kinh nghiệm và làm sâu sắc hơn những kiến thức thực tiễn để giúp cho những lần khảo sát sau đạt kết quả cao hợn.
Chuyến đi tuy phần lớn di chuyển bằng ô tô nhưng cũng khá vất vả, khá mệt, do leo núi nhiều nhưng điều mà chúng tôi thu được còn lớn hơn cả sự mong đợi, nên cả đoàn ai cũng vui vẻ. Qua khảo sát, chúng tôi càng hiểu hơn về vùng đất quê hương nơi mình sinh ra, một vùng đất địa linh nhân kiệt đầy tiềm năng, để từ đó có những đề xuất hợp lý góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa xã hội tỉnh nhà ngày càng phát triển bền vững.
Cảm ơn các bác cao tuổi trong hội, cảm ơn các thầy từ Hà Nội đã phối hợp rất tích cực, nhiệt tình và hiệu quả!
Quang Lê, tức Lê Quang Đạo. Hội trưởng hội Kinh dịch - Phong thủy NA.
ĐT: 0983225079.
Dưới đây mời các bạn tìm hiểu chỉ số Bovis, tức chỉ số năng lượng đối với sức khỏe con người:
- Từ 0 đến 1.000 đất đai nằm trên giao điểm địa từ trường họăc giao điểm của mạch nước ngầm (còn gọi là căn nhà ung thư, căn nhà có tử khí).
- Từ 1.000 đến 3.000 vùng đất có tử khí là giao điểm của mạng lưới địa từ trường - đũa dạt ra - con lắc quay ngược chiều kim đồng hồ (con gọi là căn nhà vùng đất sinh bệnh nặng).
- Từ 3.000 đến 5.000 vùng đất có âm khí, đây là giao điểm của mạng lưới từ trường - đũa dạt ra - con lắc quay thuận (còn gọi là căn nhà bệnh tật, đất gây ra sự hao hụt năng lượng, sinh mệt mỏi thường xuyên).
- Từ 5.000 đến 6.500 có mức độ năng lượng vật lý dưới trung bình.
- Từ 6.500 là năng lượng vật lý trung bình. tương đối tốt khỏe mạnh
- Từ 6.500 đến 9.000 có mức độ năng lượng vật lý khá tốt, sinh khí khá vượng, địa điểm đạt yêu cầu.
- Từ 9.000 đến 12.000 đất rất tốt
- Từ 12.000 đến 18.000 đất vượng khí
- Từ 18.000 đến 20.000 đất long mạch, năng lượng vật lý thật tốt vượt lên tỷ lệ này thì có khả năng sinh tồn rất cao.