Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2022

KÝ ỨC TUỔI THƠ - VƯỜN XƯA NHÀ CŨ - PHẦN II

VƯỜN XƯA NHÀ CŨ PHẦN II. Sở dĩ phần trên nói khi rào làng chiến đấu thì làng kín mít, một con chó cũng khó vô lọt, là vì lũy tre bao quanh rìa làng có các bụi gần nhau, xem giữa lại có các bụi mây bụi hèo nhiều gai nhọn. Đã vậy mỗi khi có lệnh rào làng là người ta vít ngọn tre các bụi quật lại với nhau, dùng giây buộc chặt, các cây mây cây hèo cũng được quật về 2 phía, thế là đã kín càng thêm kín vì mây tre đan xen nhau. Cổng làng cũng bịt kín. Phía trong lũy tre là hào giao thông chạy dài. Người trong làng có thể nhìn ra phía ngoài quan sát động tĩnh, nhưng người ngoài thì không thể nhìn thấy gì bên trong. Hồi ấy không chỉ làng tôi mà nhiều làng xóm khác ở quê tôi đều vậy. Thế mới có bài thơ: Lũy tre xanh xanh Làng tôi làng anh Cùng giống nhau nhỉ Có lũy tre xanh Trong lũy tre xanh Có mái nhà tranh Có người cày cấy Nuôi tôi và anh Trên lũy tre xanh Có con sáo sậu Nó hót thanh thanh Chúng ta yêu lũy tre xanh Yêu làng yêu xóm yêu anh đi cày. Nay vì xây dựng nông thôn mới hơn nữa các vật dụng gia đình từ mây tre đều được thay thế đồ nhựa, nên hầu hết các lũy tre làng đều đã bị chặt bỏ. Hình ảnh Cây tre Việt Nam có lẽ chỉ còn trong ký ức. Kể về vườn nhà tôi thì rộng và đẹp lắm. Quê tôi vườn thường gọi là nương. Vì ở ngoài đồng nên nương nhà tôi rộng khoảng 2000 m2. Được phân làm 3 khu vực, nương trên, nương giữa và nương dưới. Giờ gọi vườn cho nó phổ thông. Hi hi. Bao quanh vườn là tre, mây, hèo kín mít. Chiều tối chim cò, cói về đậu trắng trên các ngọn tre. Các loại chim như cói, ác là, cà cưởng, bò chao... cũng tìm về làm tổ. Vui nhất là khi BÒ CHAO BỂ Ổ, kêu nhao nhác điếc cả tai. Có lẽ đất lành chim đậu. Trong lũy tre, mây là con mương chạy dài bao quanh vườn, vừa để thoát nước vừa ngăn rễ tre ăn lan ra vườn. Đoạn giáp ruộng trọt, cha tôi đào rộng và sâu hơn để giữ nước, còn gọi là đìa trong. Cái đìa trong này được khoét cống thông qua bờ tre ra đìa ngoài trồng mùng, rau muống. Nhờ 2 cái đìa trong đìa ngoài này mà nhà tôi hay có cá, chạch để cải thiện. Hồi đó cá ruộng nhiều. Mùa hè trời nắng nóng cá thường tìm vô đìa ở. Nhiều con to lại muốn chui vào đìa trong cho mát hơn và hay có thức ăn hơn, vì thỉnh thoảng nhà tôi cho thả cám thính vào đìa. Khôn thế chứ lị. Mỗi khi thấy trong đìa có cá to là chạy ra ngoài bịt cống lại dùng nơm bắt. Có khi lấy chậu tát nhưng cha tôi hay dùng nơm. Con nhỏ tha để dành tạo nguồn cho tương lai, chạch cũng như cá. Chỉ bắt con to. Bắt xong lại ra tháo cống cho thông lại như cũ. Phía trong mương là trồng chuối và các loại cây ăn quả. Vườn trên làm nhà ở, chuồng trâu, sân và các loại cây mít, bưởi, cam, chanh, tắt... Trước sân có mấy hàng cau thẳng tắp. Vườn giữa có mấy cây nhãn to trĩu quả, dứa gai bao quanh, một cây dừa, giàn trầu không, vài cây chay dùng vỏ để ăn trầu, một cái giếng sâu đường kính khoảng 3m, nước mạch trong vắt, có bậc đá lên xuống lấy nước chứ không dùng đài. Vì nhà tôi ở biệt lập ngoài đồng nên ông tôi mới phải đào giếng nhà cho tiện, chứ hồi ấy chưa ai có giếng gia đình. Nhiều năm đại hạn giếng làng cạn nước dân trong xóm phải ra xin nước nhà tôi. Vườn dưới cũng có mấy hàng cau, chuối, nhưng chủ yếu là các loại rau, hoa màu hành tỏi bốn mùa. Nói chung là vườn thập cẩm, thứ chi cũng có. Cha tôi thường nói "một mẫu trạch bằng bách mẫu điền". Tức một mẫu vườn bằng trăm mẫu ruộng. Tôi hỏi vì sao, cụ bảo vì cây ăn quả trồng một lần thu hoạch quanh năm, tre pheo cũng vậy. Còn ngoài ruộng chỉ năm 2 vụ, lại phải cày cấy chăm sóc phân bón... nên hiệu quả không cao. Nói về cây ăn quả trong vườn thì ông tôi đều kỳ công chọn giống tốt, ngon, lắm quả mới trồng nên mít bưởi ổi cam chanh cây nào cũng ngon và sai quả. Đặc biệt có 2 cây nhãn lồng như cổ thụ quả to, ngọt, mu dày, hạt nhỏ. Bởi vậy nên mùa nhãn, ban đêm bọn dơi nhãn thường bay về ăn phá. Rập, bẩy mãi kiểu chi cũng không hết. Để xua đuổi chúng, ông tôi sáng tạo mấy cái mõ có chong chóng lợi dụng sức gió tự động quay treo cao trên ngọn. Mùa hè gió nam nồm thổi suốt, nên chong chóng quay suốt đêm ngày, chong chóng quay làm dùi tự động gõ liên hồi, mõ kêu cốc cốc vang xa hàng mấy trăm mét, dân trong xóm cũng nghe rõ. Nhờ vậy mà bọn dơi sợ hãi không dám đến quấy phá. Ăn không hết bà tôi còn đem nhãn ra chợ Nông bán kiếm thêm tiền tiêu vặt. Nhãn ngon nên đắt khách. Có năm dân chợ đặt hàng mua trọn gói, nhưng ông tôi chỉ bán một cây, còn một cây để cho con cháu dùng. Kể về mấy cái mõ tự động đuổi dơi của ông tôi thời ấy thì những người cao tuổi trong làng nhiều người còn nhớ. Đó là một sáng tạo kỹ thuật tuyệt vời mà không phải ai cũng nghĩ ra và có thể làm được. Còn tiếp nữa! LÊ QUANG ĐẠO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét