Thứ Tư, 5 tháng 10, 2022

KÝ ỨC TUỔI THƠ: CƠN DA BA CHÁNG CHÍN CHỒI

KÝ ỨC TUỔI THƠ: CƠN DA BA CHÁNG CHÍN CHỒI “Cơn da ba cháng chín chồi Ai về Diên Thọ cạp cồi lồ ngô”. Câu ca xưa nói về một thời khốn khó như vẫn còn văng vẳng. Quê tôi cây đa người ta thường gọi là cơn da. Cây đa ở quê tôi ngày xưa nhiều lắm, thường là cổ thụ cành lá sum suê, được trồng ở đầu làng, cuối xóm hay bên cầu bên hói. Nhưng nay thì hầu hết đã bị chặt phá, một số do quá già rồi cũng tự hủy theo quy luật tự nhiên Sinh – Trụ - Hoại – Diệt. Còn cây đa ba cháng chín chồi này là cây đa ở xóm Diên Thọ, thuộc làng Diên Tràng, xã Thanh Phong quê tôi hiện nay vẫn còn, nó cách cây Sui lịch sử khoảng 300m về phía tây. Nó có ba cành lớn mọc ra từ đoạn trên gốc, từ ba cành lớn đó mỗi cành lại mọc ra ba chồi nữa nên gọi là ba cháng chín chồi. Còn những cành con kế tiếp thì nhiều vô kể. Cái này thì hoàn toàn chính xác bởi tôi có hai bà O ruột lấy chồng về xóm này, nên hồi còn nhỏ tôi đã từng đến tận nơi xem và đếm. Chuyện về hai bà O tôi sẽ kể tiếp đoạn sau. Xóm Diên Thọ ngụ trên một quả đồi thấp dưới chân Rú Trè thơ mộng. Xóm tuy nghèo nhưng người dân siêng năng, cần cù chất phác, chịu khó làm ăn. Nhiều người giỏi và thành đạt, tiêu biểu như Cố Phan nhà cách mạng lão thành, đảng viên 30 - 31, ông Nguyễn Bá Thụ, nguyên Cục trường Cục Kiểm lâm Việt Nam, hồi đương chức được lên truyền hình VTV suốt. Hồi Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931, khi Đảng CSVN mới thành lập, Tỉnh ủy Nghệ An đã đóng ở đây, cây Sui lịch sử là nơi cất dấu tài liệu, nhà thờ họ Nguyễn Ích, Nguyện Duy là nơi văn phòng làm việc, hội họp và in ấn tài liệu. Những địa chỉ ấy nay đều là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Nói về con người nơi đây có câu vè: “Nguyên Ngợn, Khoa Cư, Kỹ sư Mạo Bé”. Nguyên Ngợn thì tôi không rõ lắm, sau này tìm hiểu thì được biết ông nổi tiếng vì mát tay, mỗi khi đi chợ các bà bán lợn bán gà đều nhờ ông sờ đầu vuốt đuôi để bán được nhanh và đắt khách. Cứ mỗi lần đến chợ họ nhìn thấy ông là nhờ “lại sờ cho tui một cấy”, ông mần liền, sau khi bán được họ lại tặng mấy đồng để ông ăn quà. Nhiều người trêu ông bảo ông sướng, vừa được sờ vừa được quà, ông cười tít mắt. Còn Khoa Cư là nói về chú Nguyễn Ích Khoa con ông Chắt Cư, chú là em trai dượng Cư tôi. Chú đẹp trai, thông minh học giỏi, có mái tóc mây bồng bềnh trông rất lãng tử. Hồi đầu những năm 60 của thế kỷ trước chú đã thi đỗ và học Đại học Y khoa Hà Nội sau làm bác sĩ Quân y đi chiến trường. Hồi đó mà đã đi học đại học ở Hà Nội là hiếm lắm, hơn nữa lại là học bác sĩ. Quê tôi có nhiều gái đẹp, nhiều cô mê chú, nhưng cuối cùng chú cưới cô Chư con ông Cu Thi. Nhà ông Cu Thi có nhiều con gái, bà đầu sinh 7,8 cô đều trắng trẻo nõn nà. Ông cưới thêm bà hai vần mãi rồi cũng đẻ được một cậu con trai. Cô Chư đẹp người đẹp nết, sau đi ngành lương thực cũng là một ngành hót thời bao cấp. Sau giải phóng 1975 cô theo chồng vào Nam và hiện cả nhà định cư ở Sài Gòn. Còn Mạo Bé là nói về anh Mạo con ông Cu Bé. Ông Cu Bé người to khỏe, da đen trũi, gân bắp cuồn cuộn, ông làm nghề kéo cưa, ông ăn khỏe có tiếng, chắc cái nghề này nó phải vậy, ăn ít sức yếu không kéo cưa được. Hồi đó gỗ hiếm, trong làng trong xã ai có cây to muốn xẻ ván làm nhà đều phải qua tay ông. Vợ mất sớm, ông ở vậy nuôi con. Anh Mão cũng khỏe, da cũng đen như bố, học giỏi. Cũng ra Hà Nội học đại học sau chú Khoa vài năm, sau tốt nghiệp kỹ sư rồi làm việc ở ngoài đó luôn. Chuyện vợ con của anh tôi cũng không rõ lắm. Xóm Diên Thọ gần trung tâm xã, xã tôi lại thuộc vùng đất tứ tắc, bốn bề rào hói bao quanh nên hồi chiến tranh có nhiều cơ quan sơ tán về đây, trong có có cơ quan Ủy ban Kế hoạch Nhà nước tỉnh, ty Thương binh Xã hội... Bởi vậy mà xã tôi thường hay có chiếu phim, có khi có cả văn công về phục vụ. Tôi còn nhớ rõ có lần Đoàn văn công Ca Múa Nhạc về biểu diễn mấy đêm liền, xã phải cắt cử người trực phòng không, khi nghe tiếng máy bay từ xa phải đánh trống báo động để mọi người biết tản ra trú ẩn. Máy bay đi xa, đánh trống báo yên, văn công lại tiếp tục biểu diễn. Trong đoàn có nhiều cô rất trẻ và rất xinh, lại hát hay múa dẻo làm cho trai làng tôi nhiều anh bị “say nắng” xem xong trên đường về bàn tán xôn xao. Sáng mai ngủ dậy đã thấy mấy anh lấp ló đi qua đi lại trước cổng những nhà có văn công đóng, ý chừng là muốn xem mặt, coi mắt. Chắc đêm qua xem văn công về các anh khó ngủ. Nói đến Diên Thọ mà không nói đến Cố Nguyên, nghệ nhân làm nơm của xóm thì hơi khiếm khuyết. Nhà cố cách cây đa ba cháng khoảng dăm chục mét. Cố có tài làm nơm, nơm cố hình trấy bần, vừa đẹp vừa bền. Nguyên liệu làm bằng tre hóa, vành bằng cành cây quỳnh châu. Ai muốn mua nơm phải đặt tiền cọc trước cả tháng. Sở dĩ nơm cố đắt khách một phần vì nó đẹp và chất, một phần nữa nghe làng đồn là may cá. Cố có anh con trai là Nguyễn Duy Ba làm chủ nhiệm HTX Phong Diên, thời kỳ xã tôi có bốn hợp. Nhà cố cũng gần với nhà cố Cu Cảnh tài săn bắt mà tôi đã kể ở mấy bài trước. Giờ nói về hai bà O của tôi. O chị là O Hạnh lấy dượng Nguyễn Ích Niên. O dượng đều đi công trường tận trong Vĩnh Linh, giáp vĩ tuyến 17. Hồi chiến tranh phá hoại, Mỹ leo thang ném bom bắn phá miền Bắc, O đưa con sơ tán về quê, còn dượng vẫn phải bám trụ vừa công tác vừa chiến đấu cho đến khi nghỉ hưu. O dượng sinh được hai trai hai gái, hiện nay có anh Dương con trai trưởng định cư ở thị trấn Quỳ Hợp, về hưu làm thêm nghề xay xát nên kinh tế cũng khá vững. Còn O em là O Đỉnh lấy dượng Chắt Cư, cũng người họ Nguyễn Ích. Dượng Cư tôi khá khéo tay. Hồi mới đến tán O tôi mỗi khi đến chơi dượng thường làm sẵn một con diều con cỡ to hơn bàn tay kèm một đoạn dây tặng tôi. Được tặng diều tôi mừng lắm, liền kéo theo thằng em bé xíu chạy ngay ra ngõ thả, để mặc O dượng nói chuyện thoải mái. Không chỉ tặng diều mà dượng còn hay cắt tóc cho tôi nữa. Dượng cũng hay làm các việc giúp đỡ ông bà tôi. Tôi còn nhớ dượng làm cho bà nội tôi cái khung để đèn hoa kỳ rất đẹp, có đế gỗ và hai thanh thép bảo vệ chắc chắn, thêm cái ngoắc treo. Hai bên chụp đèn được bảo vệ bằng 2 cái lò xo nên chụp giữ được rất lâu, ít bị rơi vỡ. Bà tôi thích lắm. Giờ thì các O dượng tôi đã là người thiên cổ. Chú Hùng con trai làm ăn cũng khá. Vườn rộng trồng chè chuối và nhiều loại cây ăn quả. Trong chuồng có gần chục con hươu nên hàng năm bán lộc nhung cũng kiếm được hàng trăm triệu. Xóm Diên Thọ xưa nghèo khó là vậy, ăn ngô khoai sắn quanh năm, thời đang còn hợp tác xã mỗi ngày công cũng chỉ được dăm ba lạng thóc. Không ít nhà mới sáng mùng một tết đã thấy vào rày nhổ sắn về ăn. Nay nhờ cơ chế đổi mới, lại thêm tính cần cù chịu khó, nên không chỉ chú Hùng em tôi mà nhiều nhà đã mở ra hướng làm ăn mới, chung vốn làm trang trại, mở ốt kinh doanh buôn bán, làm dịch vụ, cho con đi lao động nước ngoài, v.v.. nên đời sống đã khá lên rất nhiều. Đường làng ngõ xóm được mở rộng phong quang sạch sẽ, nhà cửa khang trang, nhiều nhà xây được nhà tầng, xe máy, điện thoại di động, ty vi đời mới, tủ lanh, bếp ga có cả, có nhà còn sắm được cả ô tô nữa. Câu ca: Cây đa ba cháng chín chồi/ Ai về Diên Thọ cạp cồi lồ ngô. Đã thực sự lùi vào dĩ vãng./. Quang Lê (tức Lê Quang Đạo)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét