Thứ Tư, 5 tháng 10, 2022

ĐÌNH LÀNG AI CÒN NHỚ

Đình làng ai còn nhớ? Đình làng là nơi thờ Thành Hoàng làng, những bậc có công với làng với nước, là nơi sinh hoạt cộng đồng, nơi làm việc của các chức sắc, nơi vui chơi giải trí, hội họp của dân làng, là thiết chế văn hóa quan trọng ở các làng quê xưa, nhất là vùng bắc bộ và trung bộ. Đình làng cũng là nơi làng mở hội mỗi khi tết đến xuân về. Hình ảnh cây đa giếng nước sân đình đã ăn sâu trong ký ức của bao thế hệ. Đình làng còn là nơi chứng kiến bao cuộc chia tay tiễn trai làng lên đường ra trận. Có thể nói Đình làng là linh hồn là bộ mặt của các làng quê thời phong kiến đã đi váo thơ ca nhạc họa một thời. Có ai đó từng viết: “Những chiều Trường Sơn núi rừng cô quạnh Mẹ hiền ơi con chợt nhớ quê mình Khói lam chiều giàn mướp lá lên xanh Con bướm nhỏ, mái đình xưa nhớ quá”. Trong dân gian truyền tụng câu ca: “Toét mắt bởi tại hướng đình Cả làng toét mắt riêng mình em đâu”. Câu ca dao đã cho thấy vị trí và tầm quan trọng của đình làng. Hướng đình, theo quan niệm dân gian không chỉ ảnh hưởng tới sự giàu nghèo, thịnh suy của làng mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân cư trú trong làng ấy. Có nhiều chuyện kể hay về đình còn lưu lại đến ngày nay. Chuyện kể lại rằng thầy Địa lý Tả Ao quê làng Tả Ao, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, (trước là Nghệ An) đã từng lấy hướng đình và chỉnh sửa hướng đình cho nhiều vùng quê để làng thịnh vượng, giàu có, phát triển, học hành đô đạt… như làng Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định, hay đình làng Nam Trì ở xã Đặng Lễ, Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.v.v.. Chuyện kể làng Hành Thiện vốn được ở trên một thế đất đẹp, nhiều người học giỏi, nhưng chưa có ai đỗ đạt. Một lần Cụ Tả Ao đi qua, xem xét và nói với mấy người dân nơi đây là có thể chỉnh sửa phong thủy để làng phát khoa bảng, làm quan. Dân làng mừng lắm liền báo với các cụ Thủ chỉ thành tâm sắm lễ nhờ cụ giúp đỡ, cụ bảo thế đất làng này như một con cá đang bơi ra biển nhưng cá không có mắt, và đã chỉ cho làng vị trí đào một cái giếng gần đình làng, gọi là giếng mắt cá, giếng đào xong nước trong vắt, ngọt và mát. Sau đó làng đã có nhiều người đỗ đại khoa, tiến sĩ, phó bảng, nhiều người làm quan to. Thế mới có câu “Bắc Hà Hành Thiện, Hoan Diễn Quỳnh Đôi” Với đình làng Nam Trì, cũng có lần cụ tình cờ đi qua thấy thế đất Phượng Hoàng Hàm Thư rất đẹp, cụ bảo nếu lấy hướng đình làng cho chuẩn thì làng này sẽ có nhiều người đỗ đạt, đường khoa hoạn sẽ được mơ rộng. Dân làng nhờ cụ và cụ đã chỉnh sửa hướng đình cho làng, sau khi chỉnh sửa không lâu làng đã phát khoa bảng, phát quan to. Văn có Tiến sĩ, Võ có Quận công. Dân làng mừng lắm, tôn cụ làm thành hoàng làng và xin lập sinh từ, tức lập đền thờ cụ ngay khi cụ vẫn còn sống. Nghệ Tĩnh cúng là đất văn vật, nơi được mệnh danh là địa linh nhân kiệt cũng từng có rất nhiều đình chùa đẹp như đình Hội Thống, Nghi Xuân, đình Hoành Sơn, đình Trung Cần ở Nam Đán, đình Võ Liệt ở Thanh Chương.v.v.. nhưng hầu hết đều đã bị triệt hạ. Quê tôi xã có 4 làng đều mang những cái tên rất đẹp: Thanh Bang, Phú Thọ, Diên Tràng, Hòa Mỵ. Sau đổi tên là Phong Bang, Phong Phú, Phong Diên, Phong Hòa. Bốn làng có 4 ngôi đình nhưng tôi nhớ đình làng Thanh Bang nay gọi là Phong Bang là to đẹp và bề thế hơn cả. Các đình này hiện nay không còn nữa vì đã bị phá hủy từ sau cải cách và từ những năm đầu xây dựng hợp tác xã để phần thì xoa bỏ tàn tích phong kiến, bài trừ mê tín dị đoan, phần để lấy vật liệu làm kho, làm trụ sở, cửa hàng, trường học. Xung quanh chuyện phá dỡ đình cũng không ít những chuyện bi hài đã xẩy ra. Nếu có điều kiện tôii sẽ kể sau. Với thế hệ tôi thì những ấn tượng sâu sắc vè đình làng vẫn còn hằn sâu trong ký ức với những kỷ niệm đẹp đẽ. Tôi nhớ một kỷ niệm nhỏ nhưng khó quên khi tôi còn tuổi thiếu niên với đình làng Phú Thọ. Đó là dịp đại hội đảng bộ xã, tôi được anh Lê Văn Hạnh phụ trách thiếu nhỉ đưa tôi cùng bạn Lê Văn Hỉ, sau cải tên là Huy, đi biểu diễn văn nghệ chào mừng đại hội. Nói biểu diễn cho oai vạy thôi nhưng chúng tôi chỉ hát có hai bài. Chúng tôi băng qua bàu Dì theo đường bờ quai cơn Trai, đây là đường tắt tuy hơi khó đi nhưng gần. Chúng tôi đi qua cổng nhà anh Cảnh Mậu con ông Lý Tụy, nhà anh Thục con ông Đồ Diện, đi tiếp gần cây số đến đình làng. Đại hội đang họp..Sau lời giới thiệu, anh Hạnh dẫn tôi và bạn Hỉ tiến lên sân khấu. Tôi hồi hộp mang cây đàn Măng-rô cùng bạn Hỉ tiến lên. Chúng tôi biểu diễn 2 tiết mục, tôi đánh đàn còn bạn Hỉ đơn ca bài GIẢI PHÓNG MIỀN NAM và bài VỪNG TRỜI ĐÔNG. Chúng tôi hát xong cúi chào, đại hội vỗ tay. Một bác lên cám ơn. Biểu diễn xong ba anh em chúng tôi lại băng qua Bàu Dì theo đường bờ quai đi về nhà. Kỷ niệm nhỏ nhưng tôi nhớ mái và xem đó là một trong những kỷ niệm có ý nghĩa gắn với đình làng của tuổi thơ tôi và thế hệ chúng tôi. Còn với các bạn thì sao? Đình làn và những kỷ niệm. Ai còn nhớ xin kể tiếp. Quang Lê tức Lê Quang Đạo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét