Thứ Tư, 5 tháng 10, 2022

Ký ức tuổi thơ: BÀU DÌ NHIỀU TÔM CÁ

Ký ức tuổi thơ: BÀU DÌ NHIỀU TÔM CÁ Thanh Phong quê tôi nhiều đồi núi, chia khắp cả bốn làng. Tuy vậy cũng có 2 cái bàu khá to và nổi tiếng. Đó là Bàu Dì và Bàu Rò. Dân gian có câu: "Trọng chi mi, trọng bàu Rò rạch Giám". Đó là muốn nói những nhà có ruộng tốt ở hai vùng ấy, bàu Rò và rạch Giám. Ruộng tốt đến mức không bao giờ phải phân tro vẫn cho năng suất cao. Nếu bón thêm phân thì lúa tốt quá sẽ bị dộp. Bàu Dì rộng hơn bàu Rò rất nhiều. Cá tôm cua ốc trai cũng nhiều hơn. Cả 2 bàu này đều thuộc dân làng Phú Thọ quản lý canh tác. Xã có bốn làng: Phú Thọ, Diên Tràng, Thanh Bang, Hòa Mỵ. Những năm 60 của thế kỷ XX đổi tên Phú Thọ thành Phong Phú, Diên Tràng thành Phong Diên, Thanh Bang thành Phong Bang, Hòa Mỵ thành Phong Hòa. Làng Phú Thọ (tức Phong Phú), có nhiều xóm như Đông Phượng, Đông Tỉnh, Đông Lĩnh, Đông Mỵ, Đông Thanh, Đông Thọ và xóm Độn. Nhà tui thuộc xóm Đông Phượng. Tất cả các xóm đều quần tụ quanh bàu Dì và bàu Rò. Nhớ quê lại nhớ câu ca: "Ai về Phú Thọ mà coi. Bắc cơm lên bếp xách oi ra bàu". Quả vậy, khi nhà có khách chỉ cần xách oi ra đồng một lúc là có thể kiếm được bữa tươi ngon lành tiếp đãi. Nào tôm nào cá, cua ốc ếch... nhưng dễ kiếm nhất vẫn là cua, ốc, trai. Không cần nơm vó hay te rứa nhủi chi hết. Chỉ cần tay không vẫn bắt được cả giỏ. Chả vậy mà mấy bà mấy dì đi cấy khi đi mặc mấn (váy) dài ngang bắp chưn, khi về bà mô bà nấy lận trong lưng mấn mấy vòng tất cả những gì bắt được như tôm, cá, ốc, cua, trai... đến mức mấn kéo lên gần ngang bẹn, để lộ cặp giò trắng phau nần nẫn, khiến các bà các dì khi xuống ao rửa chân không dám cúi thấp mà chỉ khỏa qua qua, vì sợ quân con nít ngồi câu trên bờ tọc mạch. Về nhà kêu con tháo ra được cả một chậu đầy. Cá tôm thì kho tương, kho khế, trai ốc xào chuối xào măng hay nấu dấm. Cua đem rang với lá tắt, hoặc giã vắt lấy nước nấu canh rau, hay dấm chuối, dấm mùng. Bã dùng cho gà ngan vịt lợn... thời đói kém người làng sống nhờ những món này. Trẻ con lớn lên khỏe mạnh cũng nhờ những món này. Các cô gái xinh đẹp da trắng hồng, tóc dài đen mượt mắt sáng long lanh cũng nhờ những món này cả. Mặc dù trong mỗi bữa ăn khoai sắn thường nhiều hơn cơm. Hai bàu này không bao giờ khô nước. Hết mùa thu hoạch rảnh thời gian mọi người lại ùa xuống bàu kiếm tôm kiếm cá. Mùa rét bắt cá cóng. Mùa nóng bắt cá say nắng. Giữa rốn bàu còn có mấy cái đìa như đìa cố Giảng, đìa cố Sửu, đìa cố Hoe Đoan có rất nhiều cá, nếu đắp cửa đìa tát có khi bắt được những con cá tràu cá gáy nặng một đến hai kg. Thỉnh thoảng còn bắt được rắn, trăn, kỳ đà nữa. Bàu tuy sâu nhưng vãn cấy được hai vụ lúa, vụ đông xuân cấy lúa chiêm và vụ thu hè cấy lúa ba tháng. Vụ mùa không cấy được vì lụt. Khoảng từ tháng 7 âm lịch đến tháng 12 âm lịch bàu để không, mọi người nơm vó thoải mái, chỉ trừ mấy cái đìa là thuộc sở hữu cá nhân, nhưng khi vắng chủ bọn trẻ vẫn a lê hấp nhào xuống nơm trộm. Bàu Dì có hai cái bờ quai, được thanh niên trống dong cờ mở đắp từ thời mới thành lập hợp tác xã để bà con đi làm đồng cho tiện, đỡ phải đi vòng. Một cái đi qua Cơn Mưng sang cồn Độn, bàu dưới vẫn gọi bàu Dì, bàu trên gọi bàu Mưng; một đi qua Cơn Trai sang tận cửa nhà ông Lý Tụy. bàu dưới vẫn gọi bàu Dì, bàu trên gọi là bàu Trai. Cái bờ quai này hơi trái nẻo nên dân ít đi hơn. Lứa bọn tôi hồi nhỏ cứ đi học về, cất sách vở là kêu nhau xách nơm xách oi xuống bàu. Tôi cũng thuộc loại may cá nên chẳng bao giờ về không. Mẹ tôi lại khéo tay chế biến. Bởi vậy nhiều khi ăn không hết thì nướng, phơi khô để mùa lụt ăn, loại muối làm mắm tôm mắm tép ăn dần. Mắm này không phải ai cũng biết làm, phải là người khéo tay và chịu khó mới làm được. Muốn ngon phải có thính gạo rang, măng vòi, ớt vỏ quýt hay vỏ tắt thì mới dậy mùi. Nhiều bữa mẹ không nấu cơm mà nấu bánh đúc chấm với mắm tự chế ăn rất ngon, hương vị quê nhà đậm đà nhớ mãi. Quê ta có nhiều món ăn ngon. Bánh mướt, bánh đúc chấm mắm tôm mắm tép cũng là một trong số đó.
Bàu Dì nắm dưới chân rú Nhôn rú Quạ. Không hiểu từ đâu mà trong dân gian vẫn truyền nhau câu sấm: "Nhôn Sơn nhất giải. Huyệt tại Vòi Voi. Thiên hạ đến coi. Thượng thư phát mãi". Có người đọc là: Nhôn sơn cửu đỉnh, huyệt tại vòi Voi. Nhôn sơn tức Rú Nhôn thì đã rõ. Còn huyệt tại Vòi Voi thì ở chỗ nào chả ai biết. Cũng chưa thấy dòng họ nào quanh đây có "Thượng thư phát mãi". Có người bảo Vòi Voi là núi Voi béo và núi Voi con cũng thuộc xã Thanh Phong nhưng ở bên kia Rào Gang, gần xã Nhân Sơn, mấy năm nay thuộc quân đội quản lý. Lại có người bảo vòi Voi là vùng bàu ông Voi nằm phía tây bắc Rú Nhôn. Huyệt quý, có hay không? Đến nay vẫn chưa ai biết./. Quang Lê. (tức Lê Quang Đạo)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét