Thứ Ba, 11 tháng 1, 2011

Tìm hiểu đất nước Lào tươi đẹp

Thương nhau mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua
Việt Lào hai nước chúng ta
Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long. (Hồ Chí Minh)
Mấy vần thơ dung dị mà dạt dào cảm xúc của Bác đã nói lên tình đoàn kết sâu nặng, tình hữu nghị đặc biệt keo sơn gắn bó giữa hai dân tộc Việt - Lào.  Trong xu thế hội nhập và hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng, được sự quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi của hai Đảng, hai Nhà nước, mấy năm qua hàng trăm công ty Việt Nam (trong đó có nhiều doanh nghiệp Nghệ An) đã và đang triển khai các chương trình, dự án hợp tác đầu tư có hiệu quả tại Lào. Để công việc ngày càng mang lại hiệu quả kinh tế cho cả hai bên và tình hữu nghị keo sơn gắn bó ngày càng bền chặt, chúng ta cần tìm hiểu rõ hơn về thiên nhiên đất nước, con người và văn hoá Lào, một nền văn hoá phong phú giàu bản sắc, để từ đó ta càng tin yêu hơn những người bạn Lào, những người anh em gần gũi, thuỷ chung nhất mực sống ở bên mái nhà phía Tây Trường Sơn.
Đất nước, con người:
Nước Lào, trước đây còn gọi là Vương quốc Lạn Xạng, “Lạn” tiếng Lào là triệu, “xạng” là voi. Lạn Xạng có nghĩa là “Triệu Voi”. Có tổng diện tich  236.800 km2, có đường biên giới giáp 5 nước: Phía bắc giáp Trung Quốc, phía tây bắc giáp My-an-ma, phía tây giáp Thái Lan. Phía nam giáp Căm-Pu-Chia, và phía đông giáp Việt Nam. Lào có 17 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, trong đó có 10 tỉnh chung đường biên giới với Việt Nam với chiều dài 2067 km( Riêng đường biên giới chung với Nghệ An là 420 km, gồm 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô ly Khăm xay). Thủ đô là Viêng Chăn. Dân số của Lào hiện nay có khoảng 7 triêu người, bao gồm ba bộ tộc chính là Lào Lùm, Lào Thơng và Lào Sủng, ngoài ra còn có một số ít là người Việt, Người Hoa, người Thái cùng chung sống.. Rừng núi chiếm 3/4 diện tích, có nhiều lâm sản, động vật và khoáng sản quý hiếm. Khí hậu được chia làm 2 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Có dòng Mê-công chảy từ bắc xuống nam dài 1865 km. Có núi Phu-bia cao 2820m so với mặt nước biển, là đỉnh cao nhất nước Lào. Có cố đô Luông-pha-ra-băng là di sản văn hoá thế giới, hàng năm thu hút rất nhiều khách du lịch. Đất nước Lào có nhiều công trình lịch sử văn hoá, có thiên nhiên tươi đẹp, có nhiều cảnh quan kỳ thú như Thạt Luổng (Viêng Chăn), Núi phú Xỉ, chùa Vạtxixun (Luông pha băng), Cánh Đồng Chum huyền bí (Xiêng Khoảng), thác Khôn, thác Quang Xi, Hang Thẳm tình.v.v. Có cuộc sống yên ả, thanh bình và thơ mộng. Người Lào thật thà, hiền hoà, dễ mến, ít tranh đua, ít khi lớn tiếng cãi cọ nhau. Tính cách ấy biểu hiện rõ trên ánh mắt, nụ cười, trên mỗi gương mặt cử chỉ và dáng điệu của mỗi con người. Trong gia đình họ chung sống hoà thuận, ra đường kẻ dưới cung kính chào người trên, trẻ con chắp tay chào người lớn, và đặc biệt họ rất quý trọng tình bạn, quý trọng chữ tín. Chuyện vợ chồng ly hôn cũng rất ít khi xảy ra, vì nó bắt nguồn từ những phong tục thuần hậu truyền đời. Nếu như với người phụ nữ Việt Nam là “tam tòng tứ đức”, thì người phụ nữ Lào là “hươn xảm nậm xi” (ba nhà bốn nước) được giáo dục từ hồi còn tấm bé. Đây cũng là nét văn hoá, phong tục đặc sắc của người Lào.
Hươn xảm (ba nhà) là hươn non, hươn khùa, hươn phôm: Có nghĩa là  người phụ nữ Lào phải luôn biết chăm sóc Nhà cửa, phòng ngủ lúc nào cũng phải sạch; bếp phải sạch sẽ gọn gàng; đầu tóc phải sạch sẽ thơm tho, tuyệt đối không để tóc rụng vương vãi trong nhà.
Nậm xi (bốn nước) là: Nậm chay: Chay tiếng Lào có nghĩa là Tim, là tấm lòng. Khi nào trong lòng cũng phải vui vẻ với chồng và gia đình nhà chồng.
Nậm xạy: lúc nào trong nhà cũng phải có nước sạch để dùng.
Nậm đừm: Khi nào trong nhà cũng phải có nước tiếp khách.
Nậm boc pun: là trong nhà khi nào cũng có vôi, cau trầu để tiếp khách.
Phụ nữ Lào khi thường kín đáo, e ấp trong giao tiếp, rất hiếm khi thấy họ có những cử chỉ suồng sã kể cả trong gia đình cũng như ra ngoài xã hội.
Văn hoá Lào:
Lào là đất nước của bốn mùa lễ hội. Hầu như tháng nào cũng có lễ hội, cả nước có trên 2000 ngôi chùa lớn nhỏ, chùa chiền đền tháp là nơi gắn bó cả đời với người Lào, cũng là chất keo cộng đồng gắn kết các bộ tộc Lào lại với nhau, chất keo văn hoá Phật giáo. Chùa chiền với những mái ngói uốn cong nhiều dáng vẻ còn là biểu hiện sự phát triển của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và thẩm mỹ của người Lào. Lễ hội gắn với chùa chiền, chùa chiền gắn liền với làng bản, là nơi để mọi người gặp gỡ, vui chơi, ăn diện và múa hát. Lễ hội cũng là biểu hiện của văn hoá tâm linh phật giáo từ, bi, hỉ, xả đã ăn sâu vào máu thịt bao đời người dân các bộ tộc Lào, góp phần tạo nên bản sắc văn hoá Lào trường tồn, lung linh mà quyến rũ.
Tết Lào có nhiều, Tết gọi là “Bun”, như Bunphavét (Phật Hoá thân), Bunvysaka (Phật đản), Bunkhaobansa, (mùa chay), Bunkhaodaladin (tưởng nhớ người đã mất), Bunsoangho(hội đua thuyền), rồi lễ hội Thạt Luổng - lễ hội rất lớn diến ra tại thủ đô Viêng Chăn vào Trung tuần tháng 11… Nhưng tiêu biểu nhất, trọng thể nhất là Tết cổ truyền Bun Pi May (Tết năm mới) vào ngày 13/4 đến 16/4 hàng năm còn gọi là Tết té nước. Người dân té nước để cầu may, cầu bình yên cho cả năm, cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt. Đầu tiên họ tưới nước lên các tượng Phật, sau đó còn té nước vào các nhà sư, chùa và cây cối xung quanh chùa, rồi đến những người xung quanh. Họ còn té nước vào nhà cửa, đồ thờ cúng, súc vật và công cụ sản xuất. Trong những ngày này, mọi người thăm viếng chúc tụng lẫn nhau, ăn uống vui chơi, múa hát cầu mong quốc thái dân an, nhà nhà hạnh phúc, người người ấm no. Trong dịp tết còn có lễ phóng sinh, lễ Buộc chỉ cổ tay chúc phúc… Với người Lào, những phong tục trong lễ hội Bunpimay mang nhiều ý nghĩa triết lý nhân sinh sâu sắc.
Văn hoá Lào như một dòng chảy ngọt ngào đời này qua đời khác đã hun đúc nên tâm hồn, cốt cách, và văn hoá của người Lào. Qua thời gian năm tháng được kết tinh ở những phong tục văn hoá đẹp đẽ như Bun hốt nậm  (Tết Té nước) để giải trừ mọi lo âu phiền muộn; Buộc chỉ cổ tay chúc phúc người thân, chúc phúc khách quý, bạn bè… một mỹ tục rất đẹp đẽ, độc đáo và hiếm có; và hoà cùng với tiếng chiêng, tiếng khèn, điệu Lăm vông mềm mại uyển chuyển làm say đắm lòng người, như mời gọi, như níu giữ bước chân du khách đã đặt chân đến đất nước Lào là không muốn rời xa, là dẫu chỉ một lần mà lưu luyến mãi, vấn vương đến trọn đời.
Đất nước, con người và nền văn hoá Lào quả là đang mang trong mình nguốn sức mạnh vô biên, ẩn chứa biết bao điều kỳ diệu, đó chính là tiềm năng và là nguồn nội lực to lớn. Tiềm năng và nguồn lực to lớn đó đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân các bộ tộc Lào trân trọng, giữ gìn, bồi đắp và phát huy trong thời đại mới, thời đại hội nhập và phát triển./.
        
Quang Đạo: Trường Chính trị Nghệ An - Nhận dạy tiếng Lào cho các bạn có nhu cầu.
 ĐT: 0983225079; Email: lequang306@gmail.com
Địa chỉ: 40, Nguyễn Hữu Điển, Phường Lê Mao, TP Vinh, Nghệ An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét