Thứ Tư, 5 tháng 1, 2011

Chuyện về người xích vệ đỏ ngày ấy


Cập nhật  10:54 ngày 06-09-2010
Chuyện về người xích vệ đỏ ngày ấy

NDĐT - Ông Nhỏ, đó không chỉ là nói về dáng người thấp nhỏ mà đó còn là tên gọi thân thiết của người xích vệ đỏ gan dạ, dũng cảm và rất mưu trí Võ Trọng Nhỏ quê ở xã Hưng Xá, tổng Phù Long, Hưng Nguyên, Nghệ An trong thời kỳ cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931.

Có nhiều chuyện kể về ông, không chỉ có dân trong làng mà dân hàng tổng, hàng huyện cũng coi ông như là một huyền thoại về tài xuất quỷ nhập thần, về tinh thần gan dạ hiếm có trong phong trào cách mạng của quê hương thời ấy.

Được Đảng tin tưởng giao nhiều công việc quan trọng bí mật ông đều hoàn thành xuất sắc. Trong công tác ông luôn có tinh thần sáng tạo, mưu trí, biến hóa linh hoạt. Một trong những chuyện ông tâm đắc mỗi khi kể cho lớp hậu sinh nghe là câu chuyện Đánh trống đuổi giặc. Mới nghe qua cứ như là chuyện Khổng Minh gảy đàn đuổi Tư Mã Ý, hay là Tiếng trống Cổ Thành mà trương Phi gióng lên để thử lòng trung của Quan Vân Trường trong Tam quốc diễn nghĩa ngày xưa bên Trung Quốc vậy.

Chuyện rằng, lần ấy khoảng đầu tháng 9 năm 1930 khi Đảng đang chuẩn bị cho cuộc biểu tình lớn vào ngày 12-9 tại Hưng Nguyên, vào một đêm, Chấp ủy Hưng Nguyên tổ chức cuộc mít tinh lớn để cổ vũ phong trào và thông qua đó tập hợp lực lượng, trong cuộc mít tinh ấy có đại diện của cấp trên về dự và diễn thuyết với hàng nghìn quần chúng tham gia. Ông được giao trách nhiệm bảo đảm an toàn cho cuộc mít tinh. Đêm tối đen như mực. Trong khi đang làm nhiệm vụ tại một địa điểm bí mật, ông chợt nhận được tin báo bọn giặc đang kéo về. Ông bò lên quan sát và nghe ngóng. Bỗng phát hiện một toán địch đang lặng lẽ ôm súng tiến vào làng. Chạy về báo thì không kịp, ông liền vác trống bò vào nghĩa trang gần đó, chọn vị trí giữa những ngôi mộ sát bờ ruộng, nằm ngửa và đặt trống lên bụng và… đánh.

Trong đêm thanh vắng, giữa đồng không mông quạnh chợt nghe tiếng trống thùng thùng liên tục, bọn địch ngỡ là đã bị lọt vào trận địa phục kích liền hô nhau nằm xuống và chĩa súng về phía có tiếng trống bắn loạn xạ một lúc. Đạn bay chíu chíu trên đầu, đạn cày vào cả những ngôi mộ mới xung quanh. Một lúc sau, vừa bắn bọn chúng vừa lò dò tiến lại. Ông rút xuống bờ ruộng. Tiếng trống im, chẳng thấy gì chỉ thấy bãi tha ma có nhiều mả mới, cảnh tượng im ắng rợn người, bọn địch vẫn không dám lại gần. Bỗng có tiếng cú rúc, bọn địch hoảng quá bèn kêu nhau ù té mạnh ai nấy chạy như bị ma đuổi. Trong làng, nghe động, cuộc mít tinh giải tán, các cán bộ lãnh đạo và quần chúng nhân dân đã kịp thời rút lui an toàn theo phương án đã định.

Biết bọn địch đã đi xa, ông ngồi dậy vác trống về lòng phấn khởi vì đã hoàn thành nhiệm vụ của Đảng giao, vừa bảo vệ được an toàn cho tổ chức, vừa làm cho bọn giặc một phen kinh hồn bạt vía, ông vẫn an toàn và coi đó như là một cuộc chơi vậy. Nhưng đó là cuộc chơi ý nghĩa và đã trở thành kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông. Hỏi chuyện ông, tại sao lại phải vào bãi tha ma và lại nằm ngửa để đánh trống - Ông bảo đó là mẹo. Nằm giữa bãi tha ma chung quanh có nhiều ngôi mộ lớn, như hàng rào chắn đạn để giữ an toàn cho mình, nằm ngửa để chúng khỏi phát hiện và cũng là để tránh đạn của bọn chúng. Hướng bãi tha ma vắng vẻ, nếu có đạn lạc thì cũng tránh được cho mọi người trong xóm. Đúng là mẹo ông Nhỏ, tuy mẹo nhỏ nhưng ý nghĩa và bài học rút ra không nhỏ.

Ông Nhỏ sau đó được giao làm Bí thư Phủ ủy Hưng Nguyên, đã có nhiều đóng góp cho phong trào cách mạng của quê hương trong suốt hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Ông thực sự là tấm gương sáng về tinh thần mưu trí dũng cảm để các thế hệ cách mạng con cháu noi theo.

LÊ QUANG ĐẠO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét