Thứ Tư, 12 tháng 1, 2011

Phong Thủy và cái gốc của nó



Thật ra cho đến ngày hôm nay, chưa có một tài liệu nào cho chúng ta biết chính xác ai là người đã sáng tạo ra khoa Phong Thủy. Những tài liệu đưa ra từ trước đến nay về vấn đề này chỉ là những giả thuyết hay do sự suy diễn của mỗi cá nhân mà thôi. Và kể cả câu hỏi về thời gian mà khoa Phong Thủy xuất hiện, chúng ta cũng không có câu trả lời chính xác, mà cũng chỉ là những phỏng đoán theo tiến trình lịch sử của Trung Hoa là nơi đã phát sinh khoa Phong Thủy.

Một trong những giả thuyết cho rằng khoa Phong Thủy ra đời cùng với thời gian mà người Trung Hoa khám phá ra đặc tính của nam châm và xử dụng để làm la bàn tìm phương hướng, đó là thời gian mà người ta ước đoán là khoảng năm 2600 trước Công Nguyên. Bởi vậy, chúng ta chỉ lưu ý đến tiến trình của khoa Phong Thủy và những người đã có công hoàn chỉnh bộ môn này với những dữ kiện có thể tin tưởng được.

Lão Tử, vị giáo chủ của đạo Lão, là nhân vật đầu tiên mà đa số những người tìm hiểu về khoa Phong Thủy nghĩ rằng ông đã có công góp phần không ít cho bộ môn này trong buổi sơ khai. Tuy không có một tài liệu chính xác nào lưu lại, nhưng người ta tin tưởng Lão Tử đã dựa vào Kinh Dịch để đặt nền tảng cho khoa Phong Thủy vào khoảng năm 600 trước Công Nguyên.

Bậc thầy thứ hai là Hồng Phạm, trong thời nhà Hán, người đã lập ra hệ phái Cửu Tinh Bát Môn, dựa vào chòm sao Đại Hùng Tinh là 7 sao có thật trên vòm trời mà hồi đó ông đã phát hiện được, cộng thêm với hai sao tượng trưng là Tả Phù và Hữu Bật làm thành nhóm Cửu Tinh mà chúng ta sẽ đề cập đến trong cuốn sách này.

Và trong suốt thời Tam Quốc phân tranh, một người được xưng tụng với danh hiệu Vạn Thế Biểu Sư chính là Khổng Minh Gia Cát Lượng (181 - 234 sau Công Nguyên). Ông là một chiến thuật, chiến lược gia kỳ tài và là một bậc tôn sư về môn Phong Thủy, ông đã áp dụng những nguyên tắc căn bản của môn này vào lãnh vực binh bị, như việc lập doanh trại, địa thế nơi đóng quân v.v... làm cho khoa Phong Thủy được người đời tin tưởng và nghiên cứu để học hỏi nhiều hơn.

Vào khoảng năm 200 trước Công Nguyên, tức là những năm đầu của nhà Hán cho đến thời Hán Sở tranh hùng, qua tài liệu khảo cổ, chúng ta thấy di tích một vài tác phẩm nói về cách chôn cất và cách đặt mộ phần, tức là khoa Phong Thủy Âm Trạch sau này. Nhưng tiếc thay, những tác phẩm nói trên đều viết bằng loại cổ tự Trung Hoa, cách diễn tả khó hiểu và bị mất mát quá nhiều, lại thêm tình trạng "tam sao thất bổn", nên người đời sau không thể dựa vào đó để tham khảo được gì.

Khoảng năm 618 sau Công Nguyên, tức là vào đời nhà Tần, đã xuất hiện nhiều nhà Phong Thủy nổi tiếng, họ như những bậc tôn sư của thời đại, có công hoàn chỉnh và phổ biến sâu rộng khoa Phong Thủy trong nhân gian. Và cũng từ thời điểm này, khoa Phong Thủy chia ra làm nhiều hệ phái như Cửu Tinh Bát Môn, Ngũ Hành Chính Thống, Huyền Không Ngũ Hành, Hồng Phạm Ngũ Hành v.v... và phân ra làm hai lãnh vực: Âm trạch, chủ về mộ phần và Dương trạch, chủ về nhà cửa, cơ sở thương mãi. Rồi cũng từ đó, khoa Phong Thủy đã trở thành những nguyên tắc không thể thiếu sót trong cuộc sống của người Trung Hoa cho đến ngày hôm nay.

Bước vào thế kỷ hai mươi, khoa Phong Thủy không còn là tài sản riêng của người phương Đông nói chung, mà đã được người phương Tây nghiên cứu, học hỏi và áp dụng. Theo đà tiến hóa của xã hội với thời gian, Phong Thủy hôm nay chỉ còn áp dụng nhiều trên hai lãnh vực nhà ở và cơ sở thương mãi. Phần mồ mả, còn áp dụng chăng, có lẽ chỉ ở các nước Á Đông, và tại những vùng chưa đô thị hóa mà thôi. Riêng phần áp dụng khoa Phong Thủy vào hai lãnh vực nhà ở và cơ sở thương mãi, vì để theo đúng bối cảnh sinh hoạt hiện tại, những nguyên tắc của khoa Phong Thủy ngày càng được biến đổi cho phù hợp với thực tế, ngày càng đơn giản và gần gũi với cuộc sống hơn.


-Trong số các môn khoa học huyền bí phương Đông, phải nhìn nhận Phong Thủy là khoa học gần gũi thực tế cuộc sống nhất. Người phương Tây có cơ hội tiếp cận Phong Thủy tuy có cho rằng đây là một khoa huyền bí cổ truyền có lịch sử hàng nghìn năm của xã hội nông nghiệp Trung Hoa, nhưng cơ bản nó vẫn là một môn “khoa học môi trường” mang tính thời đại đáng được tìm hiểu và nghiên cứu ứng dụng nghiêm chỉnh trong xã hội công nghiệp. Ý niệm tác động qua lại giữa “Thiên-Địa-Nhân” (Trời-Đất-Người) của phương Đông không mấy xa lạ với ý niệm về mối quan hệ tương tác giữa “Con người-Xã hội-Thiên nhiên” của phương Tây. Tất cả đều có cùng một mục tiêu là mong muốn tìm kiếm sự hài hòa và cân bằng cho cuộc sống của loài người từng bị xâm hại suốt một thế kỷ phát triển công nghiệp vừa qua.
Các nhà nghiên cứu phương Tây ý thức được rằng muốn hiểu biết thấu đáo Phong Thủy phương Đông không thể không nghiên cứu sâu về Kinh Dịch, cùng các khái niệm về Đạo, Âm Dương, Ngũ Hành, Bát Quái, Hình, Ý, Khí, Long Mạch, tuổi tác, hướng thích hợp theo tuổi và giới tính, ý nghĩa về màu sắc theo quan niệm phương Đông. Quan niệm về “khí” rất quan trọng trong khoa địa lý cũng được người phương Tây thấu hiểu, xem nó tương đương với cái mà khoa học gọi là “năng lượng” vận chuyển trong vũ trụ và con người. Ngoài ra họ còn phải đào sâu tìm hiểu thêm về các trường phái Phong Thủy khác nhau như phái Địa Lý (thiên về “hình”), phái Bát Trạch (nặng về “hướng”), phái Mật Tông (nghiên về “ý”) v.v...
Tuy vậy, sở dĩ người phương Tây dễ tiếp thu khoa Phong Thủy là do bộ môn khoa học huyền bí này không giống như các khoa Tử Vi, Tướng Mệnh chẳng hạn (cho rằng mọi vật có số phận riêng, định mệnh đã an bài, khó lòng thay đổi), mà chủ trương rằng con người có thể chủ động can thiệp nhắm thay đổi, sửa chữa lại những cái gì chưa hoàn hảo để làm tốt hơn cho cuộc sống. Cho nên không ai lấy làm lạ một khi khoa Phong Thủy du nhập vào thế giới phương Tây thì đã nhanh chóng biến thành nghệ thuật ứng dụng, chủ yếu nhắm sắp đặt, trang trí nhà cửa, sân vườn, văn phòng và cơ sở thương mại.
Ứng dụng cụ thể vào cuộc sống
Với những nguyên tắc đơn giản mà hiệu nghiệm, khoa Phong Thủy có thể thích nghi vào xã hội mới, góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp, công việc làm ăn khả quan hơn. Do vậy mà người phương Tây, nhất là người Mỹ, không ngại xông xáo tìm tòi, nghiên cứu và áp dụng môn khoa học môi trường mới đến từ phương Đông này. Họ đã trực tiếp tìm kiếm học hỏi từ các chuyên gia phong thủy ở Trung Quốc ở nước ngoài để rồi truyền bá nó ra qua sách báo, băng hình, giảng dạy, “talkshow” giải đáp thắc mắc trên truyền hình, trên báo chí...
Ngày càng nhiều những nhà kinh doanh phương Tây quay về từ châu Á cũng đã đem khoa Phong Thủy ra áp dụng vào cơ sở làm ăn, nhà cửa của họ. Người Mỹ ở tầm trung bình cũng hiếu kỳ nghiên cứu Phong Thủy, bắt đầu ứng dụng nó vào cuộc sống hàng ngày và họ thừa nhận đã thu đạt kết quả rất tích cực.
Phong thủy trong cộng đồng gốc châu Á ở phương Tây     
Cộng đồng di dân người Hoa rõ ràng là tin tưởng có phần hơi quá đáng vào khoa Phong Thủy cổ truyền của họ, nhiều khi đến mức mê tín dị đoan. Người Việt mình thì cũng tin Phong Thủy khi mua hoặc xây nhà, nhưng không đến nỗi quá đáng như Hoa kiều. Nhiều người mình (gồm cả Việt kiều lớp trẻ) cũng có một số hiểu biết nhất định về Phong Thủy qua nghiên cứu sách báo. Ví như một kỹ sư ở California nhất định không chịu chọn kiểu nhà có cầu thang nhìn thẳng ra cửa chính hoặc đã xây sẵn hồ bơi ngay phía sau khối nhà...
Nay công ty địa ốc lớn nhất nước Mỹ là KB Home đã xây dựng “nhà phong thủy” để bán cho cộng đồng người di dân gốc Á và thuê cả nhân viên bán nhà rành về phong thủy tư vấn khách hàng. Năm nay họ khoe là đã bán được một nửa trong tổng số 32.000 căn nhà của họ cho khách hàng gốc châu Á.
Môn Phong Thủy nay đang được giảng dạy tại các khoa Châu Á học tại các đại học và dự kiến sẽ trình bày như chuyên đề khoa học ở các khoa liên quan đến khoa học môi trường và sinh thái, đến các bộ môn thiết kế như quy hoạch đô thị, kiến trúc, trang trí nội thất, cảnh quan...
Chúng ta không nghĩ rằng Phong Thủy có thể giải quyết được tất cả mọi chuyện của cuộc sống. Tất cả những gì do con người tạo ra đều tương đối, Phong Thủy muốn thành công cần có sự hỗ trợ của những yếu tố khác. Nhưng nó cần được gìn giữ và phát huy theo hướng nhân văn và khoa học, nhắm phục vụ tốt hơn cuộc sống của nhân dân ta bước vào thời đại mới, thời đại khoa học và công nghệ thế kỷ 21.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét