Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

Nghĩ về câu Thời hành tắc hành, thời chỉ tắc chỉ

Kinh Dịch, là cái túi khôn, là minh triết của người phương đông, từ xưa đến nay đã có biết bao thế hệ dày công tìm hiểu, nghiên cứu và ứng dụng vào đời sống hàng ngày. Nội dung của Dịch thật vô cùng phong phú, trên bàn thiên văn, dưới bàn địa lý, giữa bàn việc người, không có chuyện gì mà không đề cập đến. Trong sự phong phú vô cùng tận đó người ta quan tâm nhất đến chữ “Thời”, nhiều người cho rằng chữ Thời là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ sách. Nếu Kinh dịch được đúc vào một chữ thì đó chính là chữ Thời.
Chữ Thời ở đây không chỉ nói thời thế, thời cuộc bên ngoài xã hội mà cái chính là Thời, vận trong mỗi một con người, từ đó mà có câu: “Thời hành tắc hành, thời chỉ tắc chỉ”, đó là kim chỉ nam cho hành động. Chữ Thời nhắc nhở mọi người biết tiến biết thoái, biết dừng đúng lúc. Nhất là với những người cầm quyền dù lớn dù nhỏ. Nếu chỉ biết tiến mà không biết dừng, tham quyền cố vị thì ắt sẽ mang hoạ vào thân, đến lúc đó thì dẫu có muốn thoái cũng không được nữa, mà hoạ đến không chỉ với bản thân mà còn liên luỵ đến người thân trong gia đình. Thời gian gần đây, do sự biến động phức tạp của tình hình chính trị thế giới mà nhiều nhà lãnh đạo cầm quyền ở nhiều nước như Li Bi, Ai Cập… đã chứng minh đó sao, do tham quyền cố vị mà dẫn đến thân bại danh liệt.
Vậy làm sao biết được Thời?  Bàn về chữ Thời trong Kinh dịch thì dài rộng lắm, trong khuôn khổ một bài viết nhỏ thì khó có thể nói hết. Song theo Toán Hà Lạc (xem Bát tự "Tám chữ Hà lạc và quỹ đạo đời người” của nhà văn Xuân Cang xuất bản năm 2004 có giải thích rất rõ), trong Dịch có 8 quẻ gốc (còn gọi là bát quái) gồm Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Khôn, Ly, Đoài và  64 quẻ kép do 6 quẻ đơn xếp chồng lên nhau, mỗi quẻ có 6 hào đều do các hào âm, dương kết hợp lại mà thành quẻ. Tổng cộng có 384 hào, trong quẻ lại quy định mỗi hào là một Thời còn gọi là đại vận. Đại vận của Hào âm kéo dài 6 năm và đại vận của hào dương là 9 năm, 6 hào của quẻ Tiên thiên chủ bề tiền vận, 6 hào của quẻ Hậu thiên chủ về hậu vận. Từ hào âm và hào dương đó lại cấu thành một quẻ mới để xem vận hạn từng năm còn gọi là tiểu thời hoặc tiểu vận. Trong đại vận 9 năm hoặc 6 năm đó có người gặp cát có người gặp hung, và đỉnh cao của sự cát hung đó nằm ở năm nào thì trong quẻ dịch đều nói rõ. (Xin lưu ý đại vận trong Hà lạc Lý số có hơi khác với đại vận trong Tử vi và Tử bình, tuy có khác nhau về độ dài ngắn  song đều bàn đến vận hạn cuộc đời của mỗi con người).
Qua khảo cứu thì rất hiếm người được gặp toàn vận tốt, mà thường có 3,4,5 đại vận tốt là đã may lắm, có người gặp tốt ở tiền vận, có người gặp tốt ở hậu vận, lại có người tốt xấu xen kẽ nhau. Nhưng chung quy lại thì tiền vận vất vả hậu vận thanh nhàn vẫn là hay hơn cả, vì chung cuộc về già được an nhàn thảnh thơi, còn tiền vận sung sướng hậu vận vất vả thì về già đến tuổi nghỉ ngơi mà lại vất vả, khốn khổ cũng chẳng hay gì. Còn những người mà đại vận tốt xấu xen kẽ nhau thì thường là lên voi xuống chó, thăng trầm vô độ, nhưng nếu về già gặp đại vận tốt thì cũng còn may.
Nghiên cứu Dịch học, tri mệnh, biết thời không có nghĩa là từ bỏ đấu tranh, bó tay, bất động, chịu sự an bài của số mệnh. Trái lại, cốt để biết lẽ cùng thông, biến hoá, lúc nào nên làm, lúc nào nên ngừng, lúc nào cần động, cần biến, lúc nào cần tĩnh, cần thủ. Không xuẩn động như lũ thiêu thân thấy lửa lao vào hoặc như chim như cá thấy mồi chạy lại. Tri mệnh để tạo cho mình một thái độ thong dong bình tĩnh, ung dung thư thái đối với việc đời, ứng phó với những biến động ngoài xã hội. Trong Kinh dịch có nhiều quẻ bàn về chữ Thời như quẻ Càn, quẻ Thái, quẻ Bỉ, quẻ Khảm, quẻ Độn, quẻ Cổ, quẻ Lữ, quẻ Kiển… kèm theo quẻ là các Thoán từ, Hào từ khuyên ta nên hành động thế nào cho thích ứng với hoàn cảnh. Thời vận đến thì hành động ra giúp dân giúp nước, thời vận chưa đến hoặc gặp vận xấu thì nên rút lui về ẩn dật tu đức luyện tài chờ thời, giữ trọn danh tiết.
Chữ Thời còn nhắc nhủ khi yên vui ta phải nghĩ tới lúc có thể nguy, khi thịnh thời phải luôn chú ý đề phòng khi thất thế. Bởi vật cùng tắc phản, là luật phản phục trong Kinh dịch, đầy quá sẽ đổ. Cha ông ta đã từng đúc kết:
“Gặp thời thì nổi hoà hênh, hết thời thì lại lênh đênh như bèo”. Hoặc:
 “Có buổi gặp thời mèo đuổi chuột, đến khi thất thế kiến tha bò”. Thật đáng suy ngẫm.
Dịch bàn về chữ Thời và dạy cách ứng xử cho hay cho khéo trong mỗi giai đoạn, mỗi trường hợp, hoàn cảnh cụ thể. “Đáo giang tuỳ khúc, tuỳ thời xử thế”, “Thời hành tắc hành, thời chỉ tắc chỉ” chính là phương châm xử thế khôn ngoan của người xưa, và đó cũng chính là thấm nhuần câu: “Minh triết bảo thân” vậy./.

(Nếu có dịp sẽ xin trở lại vấn đề “Minh triết bảo thân” ở các số báo sau!)
                   
 Quang Đạo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét