Thứ Ba, 28 tháng 12, 2010

Quang Đạo: Câu chuyện cảm động về bộ đội Cụ Hồ với 2 em bé Lào năm ấy

Chuyện cảm động về Bộ đội Cụ Hồ với 2 em bé Lào
Cập nhật lúc 10:58, Thứ ba, 21/12/2010 (GMT+7); Bài của Quang Đạo, Trường Chính trị Nghệ An
NDĐT-Hai em bé Lào, cặp song sinh ngày ấy giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ nay đã là hai người đàn ông trưởng thành  có vợ và có con hiện đang sống tại Việt Nam, Tổ quốc thứ hai vô vàn yêu quý của các em. Người anh tên là Quang, làm con nuôi của ông Đỗ Thế Nhung, cựu chiến binh, nguyên Chính uỷ Viện 48, Binh đoàn Trường Sơn, quê ở Thái Bình. Người em tên là Trung, làm con nuôi của ông Lâm Văn Chiến, cựu chiến binh, nguyên Chủ nhiệm khoa Nội, Viện 48, Binh đoàn Trường Sơn, quê ở Ninh Bình.

Chuyện xảy ra vào cuối năm 1973, tại chiến trường Nam Lào ác liệt đầy máu lửa, nằm ngoài mọi dự kiến, mọi tình huống thường xảy ra ở chiến trường hồi đó.
Cán bộ chiến sĩ Đội điều trị Binh trạm 37, thuộc Đoàn 559 bộ đội Trương Sơn đang chuẩn bị ăn cơm trưa thì nhận được một ca cấp cứu, do một bộ đội Pha thét Lào cùng mấy người dân chuyển đến. Bệnh nhân là một sản phụ đang tím tái và thoi thóp thở. Với lời khẩn cầu gấp gáp: “Các đồng chí bộ đội Việt Nam ơi, xin các đồng chí cứu vợ con tôi”.
Bỏ bữa cơm, rất khẩn trương các bác sĩ, y tá vội vàng bắt tay vào việc cấp cứu. Mặc dù đã hết sức cố gắng chạy chữa nhưng người mẹ đã không qua khỏi, vì chị đã bị kiệt sức, các bác sĩ chỉ kịp phẫu thuật cứu được hai bé trai từ trong bụng mẹ.
Anh bộ đội Lào có tên là Bun-Ma đau đớn, khóc ròng nói qua nước mắt: “Cám ơn các đồng chí bộ đội Việt Nam đã rất nhiệt tình giúp đỡ, tuy không thể cứu được mẹ, nhưng còn hai đứa bé, tuy cứu được nhưng bây giờ biết nuôi nấng chăm sóc làm sao đây, bố thì chinh chiến nay chiến trường này, mai chiến trường khác, gia đình chẳng còn ai thân thích, nếu tôi đem các cháu về thì chúng nó cũng chết mất thôi, trăm sự, vạn sự nhờ các đồng chí chăn sóc nuôi nấng hộ, ơn này tôi không bao giờ quên”.
Trước tình hình đó, ban chỉ huy hội ý và điện báo cáo xin ý kiến cấp trên. Chỉ huy Đoàn điện xuống yêu cầu Binh trạm hãy nhận hai cháu bé và cử người chăm sóc các cháu thật chu đáo. Binh trạm đã phân công hai cô y tá giỏi trực tiếp chăm sóc và nuôi dưỡng hai cháu. Trong điều kiện gian khổ, thiếu thốn của chiến trường, nhưng các cháu đều được đơn vị dành cho những chế độ ưu tiên đặc biệt với tinh thần cái gì tốt nhất đều dành cho các cháu.
Với sự quan tâm chăm sóc tận tình của các y bác sĩ, của hai cô y tá và của toàn đơn vị, ngày qua ngày các cháu đã cứng cáp hơn, nhìn các cháu ngoan, chúm chím cười, các cô chú trong binh trạm ai cũng như nở từng khúc ruột. Tên các cháu ban đầu được đặt là Ba và Bảy (Vì các cháu được sinh ra tại Binh trạm 37).
Sau đó hai cháu được chuyển ra Viện 45, thuộc Đoàn 559 lại được đổi thành Quang và Trung. Quang và Trung là tên của Đoàn vận tải Quang Trung, mật danh của Đoàn 559 hồi đó. Do khí hậu núi rừng ẩm thấp, các cháu hay ốm đau, nhiều khi bị bệnh mà thuốc tây chữa mãi không khỏi, phải tìm thuốc nam trong rừng chữa cho các cháu. Tuy vất vả gian khổ nhưng các cô, các chú trong Viện 45 luôn dành cho các cháu tình thương yêu trìu mến nhất.
Cô y tá Hoàng Thị Cúc, quê Hoàng hoá, Thanh Hoá được phân công chăm sóc cháu Quang và cô Nguyễn Thị Thập, quê Đan Phượng, Hà Tây chăm sóc cháu Trung. Cả hai cô tuy chưa có gia đình, chưa có kinh nghiệm chăm nuôi trẻ, nhưng với tấm lòng của người phụ nữ Việt Nam, các cô đã là những người mẹ tuyệt vời và đã dành trọn tình thương yêu với hai cháu.
Sau hơn một năm trời dằng dặc, các cháu đã chập chững tập bước những bước đi đầu tiên, nhìn các cháu tập đi, cả đơn vị đều vui mừng. Các bác, các cô, các chú tranh nhau bồng bế nâng niu, ai cũng xem các cháu như là ruột thịt của mình vậy, kể cả các thương bệnh binh mới vào điều trị tại Binh trạm. Giữa rừng già Trường Sơn, trong khói lửa đạn bom được nghe tiếng trẻ thơ sao mà thân thương làm vậy. Các cháu đã trở thành những đứa con cưng, là niềm vui chung của cả đơn vị.
Nhưng đến đầu năm 1975, cục diện chiến trường thay đổi, Binh trạm 37 đã di chuyển vào sâu hơn, Viện 45 cũng di chuyển, bom đạn càng nhiều. Ta chuẩn bị mở chiến dịch lớn, tình thế khẩn trương không thể cùng mang các cháu đi theo được nữa.
Trước tình hình đó Ban chỉ huy Viện điện báo cáo cấp trên xin ý kiên chỉ đạo, cấp trên chỉ thị nếu tình huống khó khăn quá thì trả các cháu cho phía bạn. Thời gian quá gấp, và điều quan trọng hơn các cháu còn quá bé, mới chưa đầy tuổi rưỡi, nếu chăm sóc không khéo thì có thể nguy đến tính mạng các cháu, phải xa các cháu ai cũng thương xót, nhất là hai bà mẹ nuôi, các cô nghẹn ngào nói các cháu đã hai lần mất mẹ, bây giờ lại mất mẹ lần nữa, thương và tội nghiệp các cháu quá, trả về Lào rồi sau này làm sao tìm gặp lại được các cháu. Các cô và chỉ huy đơn vị đã đề nghị chuyển các cháu ra Bắc.
Cấp trên nhất trí, nhưng vấn đề là ai bảo lãnh các cháu, ra Bắc rồi giao cho ai. Sau một đêm suy nghĩ, Chính uỷ Đỗ Thế Nhung xin nhận cháu Quang làm con nuôi, và bàn với Chủ nhiệm khoa Nội, bác sĩ Lâm Văn Chiến cũng nhận cháu Trung làm con nuôi. Đồng chí Lâm Văn Chiến đồng ý. Chỉ huy đơn vị mừng quá, liền điện báo cáo lên cấp trên, chỉ huy Binh đoàn phấn khởi cho phép điều động ngay một xe ô tô chở hai ông bố nuôi, cùng hai cô y tá, một quân y sĩ đi kèm để chăm sóc và giải quyết mọi tình huống bất trắc có thể xẩy ra trên suốt cả chặng đường dài ra Bắc.
Sau mấy ngày đêm vật lộn trên các cung đường, đoàn hộ tống cũng đã về được đến Ninh Bình và Thái Bình, quê hương của hai ông bố nuôi, làm mọi thủ tục giấy tờ, khai sinh lại cho các cháu, bàn giao với hai gia đình và chính quyền địa phương, để lại một ít đường sữa, thuốc men cho các cháu. Sau mấy ngày thăm nhà, thăm người thân, đoàn cán bộ lại lên đường trở lại chiến trường tiếp tục nhiệm vụ.
Trong suốt quá trình 37 năm ấy, các cháu luôn được sống trong tình thương yêu chăm sóc của các ông bố, các bà mẹ Việt Nam, sống trong tình thương yêu đùm bọc của các bác, các cô, các chú cựu chiến binh Binh trạm 37, cựu chiến binh Viện 45, Đoàn vận tải Quang Trung - Binh đoàn Trường Sơn, của bà con nhân dân, họ hàng làng xóm. Các cháu ngày một khôn lớn trưởng thành và luôn luôn tự hào về đất nước Việt Nam, tự hào về những người lính Cụ Hồ đã chăm sóc nuôi dạy các cháu, luôn tự răn mình sống sao cho xứng đáng với tình thương yêu chăm sóc vô bờ ấy.
Cách đây mấy năm, qua sự chỉ dẫn của bác Nguyễn Phương Thoan, Cựu chiến binh bộ đội Trường Sơn, là nhân chứng lịch sử quê ở Nghệ An, đài Truyền hình Việt Nam đã phối hợp với đài Truyền hình quốc gia Lào lập chương trình cầu truyền hình trực tiếp về cuộc hội ngộ đầy cảm động giữa hai cháu, hai gia đình và các đồng đội, các nhân chứng lịch sử của hai đất nước Việt Lào và đã cho xe chở hai gia đình Quang và Trung cùng một số cựu chiến binh sang Lào để gặp lại gia đình và người thân của hai em mà các em chưa hề một lần biết mặt.
Câu chuyện cảm động trên là một trong rất nhiều câu chuyện cảm động về hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ, là hình ảnh sinh động trong những hình ảnh sinh động nhất về tình đoàn kết chiến đấu Việt Lào, tình hữu nghị thuỷ chung son sắt hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa cùng sát cánh bên nhau chiến đấu đánh đuổi kẻ thù chung, giành độc lập tự do cho mỗi dân tộc trước đây cũng như mối quan hệ gắn bó đặc biệt Việt Lào trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay. Tình cảm thiêng liêng và tình hữu nghị keo sơn gắn bó ấy sẽ được giữ gìn, phát huy và nhân lên mãi mãi qua những việc làm tình nghĩa của các cấp uỷ đảng, chính quyền, của cán bộ chiến sĩ và nhân dân hai nước.

                                                                                                                          Quang Đạo
Link tin bài:
http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhan-dan-i-n-t/th-i-s/i-s-ng/phong-s-k-s/k-s/chuy-n-c-m-ng-v-b-i-c-h-v-i-hai-em-be-lao-1.278785
Tổng biên tập ĐINH THẾ HUYNH. © Báo Nhân Dân thiết kế và giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.
Trụ sở Bộ biên tập: 71 Hàng Trống - Hà Nội. Tel: (84 4) 38254231/38254232 Fax:(84 4) 38255593/38289432 E-mail: toasoan@nhandan.org.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét