Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2022
KÝ ỨC TUỔI THƠ: VƯỜN XƯA NHÀ CŨ - PHẦN 3
VƯỜN XƯA NHÀ CŨ
Phần 3.
Sau CCRĐ xóm làng tiêu điều, sự nghi kỵ lẫn nhau vẫn còn âm ỉ. Giếng làng ban đêm vẫn phải có người canh gác đề phòng bọn phản động bỏ thuốc độc xuống giếng. Giếng nằm ngoài rìa làng, gần nhà ông Chương Nguộn. Có hôm mẹ tôi đến phiên gác bà đưa tôi đi theo. Hai mẹ con co ro ngồi trong cái lều canh bé tí, gần sát bờ rào ông Chương Nguộn, mỗi bề khoảng hơn 1 mét. Có cái ghế tre làm bằng hai khúc tre ghép lại, 2 đầu có 4 cọc chôn xuống đất, trên lợp tranh. Đêm nghe tiếng ếch nhái kêu rất sợ. Bất cứ tiếng động nào cũng phải chú ý đề phòng. Tôi còn bé quá nên ôm mẹ ngủ lúc nào không hay.
Cuối 1958, sau khi nông dân được chia ruộng vài năm, theo chủ trương của Đảng và nhà nước, đa số các gia đình đều vào HTX theo con đường làm ăn tập thể,, chỉ trừ một số rất ít là vẫn làm ăn cá thể. Nhà tôi gia nhập lớp đầu tiên. Hàng chục thửa ruộng xa gần đều góp vào HTX. Vài mùa đầu còn đỡ, sau đó thu hoạch cứ kém dần, có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là trình độ quản lý yếu kém của ban lãnh đạo, và cơ chế tập thể “cha chung không ai khóc”. Nhà tôi may có vườn rộng nên cũng có thêm thu hoạch từ hoa màu và cây cối trong vườn, mà vườn liền nhà thì HTX không quản lý.
Hồi đó để vận động mọi người vào HTX, trên đã cho xuất bản cuốn Nông thôn Hợp tác Diễn ca. Phát không cho mọi nhà. Tôi còn nhớ mấy đoạn:
"Xuân vui xuân có hoa hồng.
Ta vui ta có ruộng đồng của ta.
Mấy lời nhắn nhủ thiết tha
Nông thôn hợp tác diễn ca tỏ bày.
Bà con ta đọc câu này.
Nghĩ đêm cho thấu nghĩ ngày cho thông.
Nghĩ sao cho lúa thêm bông.
Cho ngô lắm hạt, cho hồng nhiều hoa.
Kể từ cách mạng nổ ra.
Dân ta nhờ có đảng ta chỉ đường.
Long trời một trận bài phong.
Dẹp tan địa chủ ruộng đồng về tay..."
V.v... Bài diễn ca này chắc bác Trần Huy Quang và nhiều bạn khác còn nhớ?
Cuối năm 1961 ông nội mất. Cha đi vắng, nhà toàn đàn bà con nít nên cha quyết định chuyển nhà vô trong xóm, ở gần sát với bác cả và bác hai tôi. Nhà tôi là nhà cuối cùng chuyển từ xóm Cơn Bàu ngoài đồng vô xóm. Các nhà khác họ đã chuyển từ sau Cải cách, khoảng 1957, 1958. Bà nội vẫn ở với nhà tôi như trước. Vào trong xóm thì vui hơn nhưng đất chật, chỉ đủ nhà và sân, không có vườn. Nhà này qua nhà khác cũng không có bờ rào bờ dậu chi cả. Ranh giới giữa các nhà với nhau chỉ là mặc định. Thời ấy cũng không ai lấy làm quan trọng. Ban đêm con nít cả xóm tụ tập chơi các trò trẻ con ở những nhà có sân rộng.
Vào xóm được khoảng 3 năm thì chiến tranh xẩy ra. Mỹ leo thang cho máy bay bắn phá miền Bắc. HTX xóm Đông Phượng tôi có 4 đội, mỗi đội có khoảng 20 hộ, chung một sân kho ở giữa là nhà kho còn 4 phía là 4 sân nhỏ dành cho 4 đội. Giáp kho hợp tác là 4 cái kho phân của 4 đội liền nhau, một phía sát đường cái quan, một phía sát nhà ông Hoe Giá, ông Trần Thể.
Làm ăn tập thể cũng có nhiều chuyện vui, cũng nhiều chuyện cười ra nước mắt.
Xin kể vài chuyện vui vui:
Nhập phân: Hồi ấy ruộng đất, trâu bò, nông cụ đều đã góp cổ phần vào HTX. Canh tác muốn năng suất thì như các cụ xưa đã dạy: "nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống". Hồi ấy phân hóa học còn hiếm, nên bón ruộng vẫn chủ yếu là phân chuồng. Vậy nên hàng tháng các gia đình xã viên phải nhập phân chuồng vào kho của đội. Mỗi tạ được tính 1,2 đồng, sau quy ra thóc đến mùa mới được nhận. Cân phân thường có 2 người, một người ghi chép và một người cân. Mà thường chỉ cân một đầu sau đó nhân đôi lên thành trọng lượng cho cả gánh. Hầu hết bà con đều biết mẹo gánh cọng. Nghĩa là một đầu dặt cho nặng, còn đầu kia nhẹ nhưng khơi khơi lên để trông có vẻ quân bình. Ví dụ một đầu khoảng 30 kg và một đầu khoảng 20kg. Khi cân bà con thường quay đầu nặng về phía người cân, nếu 30 cân thì tính cả gánh là 60 cân. Nhưng khó nhất là khi gánh cộng phải làm ra vẻ cân bằng, mặc dù một tay cố ghìm đậu nhẹ và tay kia cố nâng đầu nặng để mọi người khỏi nghi ngờ. Mẹo này chắc người cân phân cũng biết nhưng toàn anh em hàng xóm láng giềng nên cho qua. Nếu người cân có cảm tình với em mô có khi còn được ưu ái, 25 cân thì xướng lên 30 cân. Sướng nhé. Tệ rong công phóng điểm còn làm được thì việc tăng mấy kg phân cho người quen thân là nhỏ như con muỗi.
Chia rơm: làm ăn tập thể thì rơm rạ đều phải chia cho đều, đó là nguyên tắc. Vấn đề là trong rơm còn có nhiếu thóc. Những người trục cũng không trục kỹ, mệt. Khi xêu rơm đáng lẽ phải rủ sạch rồi mới xêu ra ngoài để chia phần, nhưng họ chỉ rủ qua loa và xêu ra ngoài, mặc dù trong rơm còn rất nhiều thóc. Khi đã chia xong đủ các phần cho các hộ thì có khi tiện đâu lấy đó, cũng có khi xếp vần theo abc, cũng có khi bắt thăm. Tất cả đều do ban chỉ huy đội quyết định. Vậy nên đi nhận rơm mà hai đầu cũng phải có 2 cái thúng đề phòng thóc rơi vãi lãng phí. Có những anh chàng nghịch ngợm khi chia phần rơm cố ý lăn mấy cái trục rồi tấp rơm lên nhìn có vẻ to hơn phần khác. Khi hô mời bà con vào nhận thì những phần ấy là sẽ có người giác đầu tiên. Mừng hết nói. Nhưng khi ôm được một ít thì lòi ra mấy cái trục. Lại đau hơn hoạn. Thế mới có bài vè cho con nít hát:
"Trời thì tối mập mò.
Lo tranh phần to.
Mắc đi ba cì trục.
Hắn chưởi mình suốt đêm".
Đúng là kẻ cười người khóc thật.
Bắt cá ao: thường thì ao hợp tác chỉ mỗi năm tát bắt 1 lần cho xã viên ăn tết, còn nếu khi nào có khách cấp trên về thì lãnh đạo viết giấy cho bắt tiếp khách. Mỗi lần tát ao bắt cá vui như ngày hội của làng. Nhưng vui nhất là bọn con nít chờ để hôi cá. Nói con nít nhưng cũng có nhiều đứa khôn và lanh, lõi đời. Tuy cả đám ngồi xem trên bờ nhưng nó biết chú nào đang giấu cá chỗ nào dưới bùn là nó lập tức ghi vào bộ nhớ, căn tọa độ giữa trục tung trục hoành chờ sẵn. Tuy nhiên những chú giấu cá phần lớn con em họ cũng được mách trước chờ sẵn. Khi có lệnh cá đã bắt xong, tháo khoán cho mọi người xuống hôi, là tất cả con nít kẻ nậy đều nhào xuống ao lội nhanh đến những điểm đã xác định lôi ngay lên những chú chép, mè, trắm, trôi khá to yuwf dưới bùn sâu, bí mật bỏ vào giỏ. Việc này nhiều khi cũng xảy cãi lộn. Con này của cha tau giấu đó răng mi bắt? Răng mi biết cha mi giấu ở đó? Vớ vẩn, không sợ tau báo lên ban đội à? Thế là dàn hòa. Tối đó nào nghệ nào khế nào hành nào tương.v.v.. cả làng cả xóm sực nức mùi cá kho. Cái hương vị dân giã quê mùa này còn mãi trong người đi xa mỗi khi nhớ về quê nhà yêu dấu.
Ngày 5/8/1964, Mỹ leo thang đánh phá miền bắc. Ngày 19/3/1965 máy bay đánh phá Dùng, Rạng và một số địa điểm khác làm nhiều nhà cháy, nhiều người chết. Sau đó các cơ quan đơn vị đều sơ tán về những vùng quê xa các mục tiêu trọng điểm. Cơ quan Công an Vũ trang tỉnh, nay là Bộ đội Biên phòng cũng sơ tán về xã tôi. Vườn nhà tôi rộng, kín, cây cối nhiều nên đội xe đóng ở đấy. Tuy đã lâu nhưng tôi vẫn nhớ mấy chú. Chú Chung chú Tú quê ở Trù Đại lái xe tải, chú Kha quê Thanh Hóa lái xe mô tô ba bánh, chú Tình lái xe con com-măng-ca.v.v..
Năm 1967 công trường 67 chuyên xây dựng các công trình quốc phòng cũng về xin đóng trong vườn. Tôi còn nhớ bác Vĩnh người Quảng Trị, cán bộ miền Nam tập kết năm 1954 làm chủ nhiệm công trường. Nhà bác đông con, có đến 8 người gồm 3 gái 5 trai: Thanh, Thành, Tâm, Toán, Minh, Tuấn, Tú, Thảo. Bác gái làm cấp dưỡng. Ngoài giờ hành chính bác Vĩnh còn tranh thủ cắt tóc, gò thùng, chậu, gàu múc nước bằng tôn để kiếm thêm thu nhập nuôi con. Vườn trên nhà tôi công trường đặt xưởng mộc, vườn giữa để xe ô tô tải cũng với xe của Công an Vũ trang. Công trường có hai xe tải to do chú Mao và chú Quýnh lái. Tuy ẩn trong vườn đầy cây cối tre pheo nhưng xe cọ đều được các chú ngụy trang kín đáo. Nhà tôi chỉ còn vườn dưới để tăng gia sản xuất. Lũy tre bao quanh cũng bị chặt phá một ít để lấy đường cho các loại ô tô ra vào. Theo đó sinh kế từ vườn cũng bị chiết giảm.
Năm 1968 lại thêm mấy đơn vị pháo cao xạ về đóng ở quê. Xe kéo pháo và các loại xe khác lại ùn ùn về ẩn nấp trong xóm, vườn nhà tôi cũng không ngoại lệ. Mấy trận địa đặt ngoài đồng Cơn Bàu, Cơn Cồng, Cơn Tắt, và đồng Rai Rái. Còn ban chỉ huy đóng trong nhà dân. Nhà bác cả tôi rộng nên ban chỉ huy chọn đặt chỉ huy sở. Nhà bác hai tôi liền kề đặt điện đài và bộ phận thông tin. Phần lớn các chú đều quê miền bắc, nói giọng bắc. Bộ đội, cơ quan về xóm làng vui lắm. Các chú làm công tác dân vận tốt nên ai cũng mến. Có mấy chú bên Công an Vũ trang còn dạy hát cho thiếu nhi vào các buổi tối tại sân kho hợp tác nữa. Các cô gái chưa chồng trong xóm cũng ăn mặc chải chuốt hơn. Những buổi tối trăng thanh gió mát thường tổ chức hò đối đáp giữa bộ đội và thanh niên địa phương, đến nay tôi vẫn còn nhớ nhiều câu hay đáo để. Mỗi lúc có máy bay, pháo ta bắn lên như mưa, xe xích gầm rú để chuyển trận địa sau mỗi trận đánh. Mưởng đạn pháo bay chíu chíu trên đầu, có khi rơi thủng cả mái nhà. Trẻ con đi làm đi học phải đội mũ rơm.
Đang vui, đang khí thế tưng bừng cả nước cùng ra trận, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Tin chiến thắng khắp các mặt trận dồn dập báo về. Anh Hoe Lý nhà gần nhà tôi lúc đó là Bí thư Chi đoàn, luôn có báo mới. Nói là mới nhưng cũng đã phát hành bốn năm ngày. Vì đường giao thông từ Hà Nội về đang vị đánh phá ác liệt. Tôi được giao đọc tin tức hàng ngày. Cứ cơm trưa xong là tôi lên nhà anh lấy mấy mấy tờ báo rồi trèo lên chạng ba cây mít sau hồi nhà anh, tay cầm báo tay cầm loa đọc. Cũng có hôm có mấy bạn cùng tham gia.
Khoảng nửa buổi ngày mùng 1 tháng 7 âm lịch (nhuận), tức 24/8 dương lịch năm 1968, có mấy tốp máy bay phản lực bay qua lên phía Ba ra Đô Lương rồi bất chợt vòng lại ném mấy loạt bom bi, loại bom có tính sát thương rất cao. Bộ đội cao xạ bắn trả rầm rầm, các lực lương dân quân tự vệ cũng phối hợp xả đạn tầm thấp dữ dội, nên chúng không dám bay thấp bổ nhào cắt bom, mà liệng lên cao, nhưng càng bay cao thì phạm vi sát thương của bom bi càng rộng. Chúng cắt vội mấy loạt bom rồi hè nhau tháo chạy ra phía biển. Những người ngồi xa có thể nghe thấy tiếng bom nổ rền vang hay lụp bụp nhưng ở gần ngay trong khu vực thì chỉ nghe tiếng rào rào. Liền đó là mấy nhà bốc cháy lửa khói nghi ngút, nhiều người chết, trâu bò kêu loạn xạ. Khi đó nhìn lên trời thấy bom rơi tôi chỉ kịp la to và nằm sấp xuống sau hè giáp nhà bác hai tôi chứ không kịp chạy xuống hầm. Sau còi báo yên nhổm dậy thấy chi chít hố bom và nhiều bi găm vào tường, nhà. Hôm đó xóm tôi chết 7 người, trong đó có bác hai tôi, bác Lê Văn Tường, năm đó bác chưa đầy sáu chục, mấy người phụ nữ và 2 em bé tuổi thiếu nhi. Thật đau buồn vô hạn. Bác tôi vốn là người cẩn thận, hay sợ bom nên đào hầm xuyên dưới gốc những bụi tre già rất kiên cố, nghe tiếng máy bay là xuống hầm ngay, nhưng hôm đó mải làm nên chạy không kịp.
Năm đó cũng đã có chủ trương di dân lên núi, gọi là phong trào: "Mạ vô sân, dân vô rú" thực hiện trên khắp cả tỉnh. Nhà tôi và các bác tôi đều đã được phân đất vườn nơi ở mới là xóm Cồn Nghè nằm dưới chân Rú Bạc. Vì là bốc thăm nên nhà hai bác tôi không ở gần nhà tôi như ngoài xóm cũ nữa. Bác hai tôi khi đó đã chuyển được ràn vào trong vườn mới, nhưng hôm đó trời xui đất khiến thế nào mà bác lại quay về nhà cũ, thế là không may gặp nạn.
Trước đó cũng đã có một số gia đình đã chuyển được nhà hoặc ràn vô nương mới, nhưng đa số còn dè dặt, lần lữa. Sau trận bom chẳng ai bảo ai mạnh ai nấy chạy kẻo nó quay lại bắn phá trận nữa thì chết. Vì các trận địa bộ đội cao xạ vẫn còn bám trụ chưa di dời địa điểm. May có chủ trương của trên, các xóm không bị bom trong cùng hợp tác đã huy động nhân lực hỗ trợ chuyển nhà cho dân xóm tôi. Việc tháo dỡ do gia chủ đảm trách, người các xóm chỉ lo vận chuyển gỗ lạt, gạch ngói sao cho nhanh và an toàn. Tuy vậy HTX cũng khoán công điểm cho từng nhà, tùy vào nhà to hay nhỏ ,khối lượng vận chuyển nhiều hay ít. Đó là một chủ trương đúng và hỗ trợ kịp thời của lãnh đạo xã và HTX. Nhà tôi cũng được di chuyển trong đợt đó.
Từ nay bố mẹ tôi lại tiếp tục cuộc hành trình gây dựng cơ đồ trên nương vườn mới: Xóm Đông Phượng thuộc làng Phú Thọ, đã chuyển thành Phong Phượng thuộc HTX Phong Diên, rồi Cồn Nghè dưới chân Rú Bạc, và hiện nay là xóm 5 Thanh Phong.
Tiếc rằng không có bức ảnh nào của xóm cũ để minh họa. Mặc dù hồi ấy tôi vẫn thấy mấy chú đem máy về chụp ảnh cho 2 chị con gái bác hai và chụp chung cả gia đình. Máy ảnh được đặt trên cái chân ba cháng, trùm vải đen kín mít, cũng ngắm đi chỉnh lại rồi hô 123, nhưng chờ mãi vẫn không có ảnh. Chắc là bị hỏng.
Các trận địa pháo trên các cánh đồng làng sau đó cũng rút, chỉ để lại một khẩu cao xạ 57 ly bị hỏng nhưng nhìn còn khá nguyên vẹn ở giữa đồng Cơn Bàu, sau xã đã cho kéo về trụ sở xã để làm kỷ niệm minh chứng cho một thời đạn lửa trên đất quê nhà.
Vẫn còn chưa hết.
Quang Lê (Lê Quang Đạo)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét