Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2022
CHIẾU BÓNG VỀ LÀNG
CHIẾU BÓNG VỀ LÀNG. MỘT THỜI ĐỂ NHỚ
"Các anh về mái ấm nhà vui.
Tiếng hát câu cười rộn ràng xóm nhỏ.
Các anh về tưng bừng trước ngõ.
Lớp lớp đàn em hớn hở chạy theo sau"...
Xin mượn mấy câu thơ của HTT để nói lên niềm vui và tình cảm nồng ấm của bà con thôn quê khi Đội chiếu bóng về làng phục vụ. Ngày ấy người ta hay gọi là Đoàn chiếu phim, hoặc Đoàn Điện ảnh. Sau hiệp định Pa - ri ngày 27/1/1973 về lập lại hòa bình ở Việt Nam, chúng tôi, những anh lính chiếu bóng được trên giao nhiệm vụ mang phim ảnh về tận các làng quê tuyên truyền thắng lợi của ta tại Đàm phán Pa ri, và thông qua các tác phẩm điện ảnh, tuyên truyền những chủ trương đường lối của Đảng, đặc biệt chiến dịch lịch sử 12 ngày đêm "HÀ NỘI - ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG". Chúng tôi đã cùng anh em trong Đội chiếu bóng lưu động 192 và 271 tỏa đi khắp các làng xã chiếu phim phục vụ đồng bào và cán bộ chiến sĩ. Mỗi xã ít nhất cũng có 2 đến 3 đêm được xem phim truyện và phim tài liệu, thời sự/năm. Hồi ấy chúng tôi tuổi còn rất trẻ, khát khao được cống hiến. Được phục vụ đồng bào đối với lớp chúng tôi là hạnh phúc lớn lao. Sứ mệnh ấy đã nâng bước chân chúng tôi đi khắp mọi vùng quê đồng bằng, miền núi, vùng sâu vùng xa. Vất vả thiếu thốn nhưng rất vui. Thanh chương có sông Lam chảy suốt chiều dài, lại có nhiều sông con sông nhánh. Cả huyện có trên 40 bến đò ngang, nên có hôm hành quân phải chuyển máy móc qua 2 lần đò là chuyện bình thường. Vừa qua đò sông Cả lại qua đò sông con như đò Ba Bến, đò Mỏ Vịnh.v.v.. Có những dịp chiếu phim đặc biệt như phim "Rút Lan và lút Mi La" hay học nghị quyết, 2 đơn vị cùng phục vụ chung một điểm tại Dùng, hay Thanh Ngọc. Tôi nhớ ở huyện có bác Nguyễn Phương Quê, bác Đàm Huy Chiên, bác Lạc bên tuyên giáo cùng dự. Hồi ấy mỗi khi có phim chạy nhanh (phim hay, phim mới) trên phân để chạy doanh thu bù cho chương trình phim luồng phục vụ nhiệm vụ chính trị. Chúng tôi thường phải hành quân xa về những điểm chiếu có đông khán giả, đó là các thị trấn, thị tứ. Đời lưu động sống trong tình thương yêu đùm bọc của đồng bào, đồng chí. Tôi nhớ ở Rộ có gđ anh chị Khiếng, bà Niên, nhà anh Thắng có em Lợi tàn tật; ở Thanh lương chợ Cồn có gđ bác Bình; ở Phuống có gđ ông Ngự cắt tóc ngay chợ; ở Thanh Chi, Thanh An có công trường Cầu Cau, chúng tôi ở trong nhà ông Tám, bác sĩ bệnh viên phong Quỳnh Lập, có anh Trịnh Xuân, em Soa, em Hà, em Hai con gái bác Truy rất xinh gái, có đôi mắt biết nói. Chúng tôi được ăn tro ăn trám bà con chế biến nhiều món rất ngon rất bùi. Ở Thanh Phong thường chiếu ở chợ Nông, có khi chiếu ở sân kho hợp tác, anh em ở trong nhà ông Hoe Đức, bà Chắt Bảy (với Thanh Phong sẽ có bài viết riêng khi có dịp). Và còn nhiều nhà ở các xã khác nữa, biết bao ân tình không thể kể hết.
Lúc đã chia xa càng thấm câu thơ của chế Lan Viên:
"Khi ta ở đất chỉ là đất ở,
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn".
Nhớ đến tên đất tên người, niềm xao xuyến lại dâng trào khôn tả. Có những kỷ niệm khó phai mờ. Đêm chiếu bóng phục vụ, ban ngày ngoài những đồng chí đi công tác, chúng tôi giúp dân các việc nhà như sửa nhà sửa cửa, vườn tược, có khi cả việc đồng áng, thậm chí ra sông kéo gỗ về làng giúp dân. Qua những công việc dân vận đó càng thắt chặt tình cảm với bà con, đi dân nhớ, ở dân thương. Vậy nên chúng tôi về đâu cũng được bà con chào đón nồng hậu nhiệt tình và tạo mọi điều kiện tốt nhất về nơi ăn chốn ở. Chúng tôi nhớ nhiều lắm. Các buổi chiếu phim tại các nông trường, lâm trường, công trường các chị các em rất quý lính chiếu bóng:
Anh hỏi rằng em yêu ai nhất?
Em thẹn thùng đưa mắt liếc sang ngang.
Tiếng em thỏ thẻ dịu dàng:
Đời em chỉ biết yêu chàng Chiếu phim.
Thấy các anh trái tim đập mạnh.
Nhìn các anh nét mặt vui tươi.
Gặp anh em nở nụ cười,
Ửng đồng đôi má, chào người Xi nê. (chiếu phim, điện ảnh)
Có lần về chiếu phục vụ cán bộ công nhân viên nông trường Thanh Mai và các chuyên gia Cu Ba đang công tác ở đó. Sau khi chiếu ở chợ Phuống, Thanh Giang xong, xe chở vào nông trường Thanh Mai, sau đó lại quay ra phục vụ bà con nhân dân xã Thanh Mai. Vui lắm. Hồi đó phim ảnh còn rất hiếm. Điện chưa có. Truyền hình chưa có. Sân bãi là một cái kho hợp tác xã ở sát ven đường lớn từ Phuống vào nông trường. Chúng tôi ở trọ trong nhà dân quanh đó. Vườn của các gia đình có rất nhiều chè xanh, cây ăn quả. Nhà bên có cô Tuyến khi đó đang sinh viên đại học giao thông Hà Nội có nụ cười tươi, đẹp như mùa thu tỏa nắng.
Phim về không khí rộn ràng khắp các thôn làng, các ngõ xóm náo nức như ngày hội. Các anh chị thanh niên giục nhau lo kết thúc công việc đồng áng để về còn tắm gội, diện đồ đẹp kịp đi xem. Các em thiếu niên thì lấp ló ngoài cổng xem các chú các anh chuẩn bị máy móc, phim ảnh. Chiều, sau khi nghe tiếng loa cổ động, không khí đã rạo rực, đã có tiếng gọi nhau í ới chờ tối ôm đòn ôm ghế chạy ra sân sớm hơn để xí chỗ ngồi ngay trước buồng máy. Tối đến trên khắp các ngả đường từng đoàn người già trẻ lớn bé lũ lượt kéo về sân bãi, đèn đuốc sáng lòe, xôn xao cười nói. Mùi thơm của hương bưởi hương chanh, hương bồ kết từ những mái đầu mới gội thoảng bay trong gió.
Mở đầu chương trình là lãnh đạo xã phát biểu chào mừng, tiếp theo chiếu phim thời sự, nhiều người gọi là phim phụ, sau đó là phim truyện, thường là phim chiến đấu, phim cổ tích, phim tâm lý xã hội như NHỮNG NGƯỜI BÁO THÙ KHÔNG THỂ BỊ BẮT, VUA XĂNG TAN, VĨ TUYẾN 17 NGÀY VÀ ĐÊM, CHỊ TƯ HẬU.v.v.. Thời đó kỷ luật nghiêm, không ai dám phá phách. Sau buổi chiếu, thu dọn sân bãi xong chúng tôi thường được mời đi chơi. Tôi cùng anh Hiệp quê Nghi Lộc đến nhà O Liễu khi đó đang học Đại học Sư phạm Vinh, người cao ráo, xinh, da trắng, nhà cách đó mấy trăm mét. Bà mẹ rất nhiệt tình mời chè xanh, hoa quả vườn nhà, không khí thân tình ấm áp. Nhớ mãi. Cũng quá lâu rồi không biết cô Tuyến, cô Liễu hiện nay thế nào? Nếu ai biết hay ở gần xin cho chúng tôi gửi lời tri ân và lời thăm hỏi sức khỏe. Ban đêm chiếu phim, hôm sau anh em chúng tôi giúp ông bà chủ nhà đi kéo gỗ ngoài bến đò Phuống cách đó mấy cây số về để chuẩn bị làm nhà. Trưa được đãi cơm rượu thịt chó. Qua chuyến kéo gỗ tuy vất nhưng hiểu biết thêm đời sống văn hóa, những câu hò làng ta kéo gỗ truyền đời vui đáo để. Có một việc mà tôi còn nhớ là khi đi qua cầu Sắn, tôi bỏ quên chiếc áo bạt, áo này ngành trang bị cho mỗi người một chiếc rất bền. Về tận nhà mới biết quên vội đạp xe ra tìm, may vẫn nguyên bên đầu cầu không ai nhặt. Mừng quá. Quả là quê nghèo nhưng người dân nơi đây rất thật thà, chất phác. Thời gian phục vụ mỗi xã chỉ vài ngày. Chia tay bà con trong sự lưu luyến bịn rịn. Ai cũng bùi ngùi, rưng rưng hẹn ngày gặp lại. Vì nhiệm vụ chúng tôi phải tiếp tục lên đường đến những vùng quê khác. Thời gian sau tôi được điều chuyển công tác sang đơn vị khác, chưa có dịp trở về thăm lại làng xóm và những người quen cũ. Nhớ lắm quê ta, một vùng quê nghèo, nhưng đẹp tươi tình nghĩa vẫn mãi hằn sâu trong ký ức./.
Quang Lê (Lê Quang Đạo)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét