Thứ Tư, 22 tháng 5, 2024
NHỮNG CÂU NÓI ĐÁNG SUY NGẪM TRONG KINH DỊCH
MỘT SỐ CÂU DANH NGÔN TRONG KINH DỊCH
1. Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức.
天行健,君子以自強不息。
Sự vận chuyển của trời đất rất mạnh (không lúc nào nghỉ), người quân tử cũng theo trời mà tự cường không nghỉ. (Đại Tượng truyện – quẻ Khôn)
2. Địa thế khôn, quân tử dĩ hậu đức tải vật.
地勢坤,君子以厚德載物。
Khôn mang trọng trách của đất, người quân tử nhờ đức đầy mà dung chở được vạn vật. (Đại Tượng truyện – quẻ Khôn).
3. Quân tử dĩ kiệm đức tị nạn, bất khả vinh dĩ lộc.
君子以儉德辟難,不可榮以祿。
(Gặp thời bĩ thì) người quân tử nên thu cái đức của mình lại (đừng hành động gì cả, riêng giữ các đức của mình) để tránh tai nạn, đừng màng chút lợi danh nào cả. (Đại Tượng truyện – quẻ Bĩ).
4. Quân tử dĩ kiến thiện tắc thiên, hữu quá tắc cải.
君子以見善則遷,有過則改。
Người quân tử thấy điều thiện thì tập làm điều thiện, thấy mình có lỗi thì sửa lỗi. (Đại Tượng truyện – quẻ Ích).
5. Đồng nhân vu tôn, lận.
同人于宗,吝。
(Chỉ) chung hợp với người trong họ, trong đảng phái, xấu hổ. (Tiểu Tượng truyện – hào 2 quẻ Đồng nhân).
6. Khiêm khiêm quân tử, dụng thiệp đại xuyên.
謙謙君子,用涉大川。
Người quân tử khiêm rồi lại khiêm, dùng đức đó mà qua được sông lớn (qua được tai nạn).(Tiểu Tượng truyện – hào 1 quẻ Khiêm).
7. Lao khiêm quân tử, vạn dân phục dã.
勞謙君子,萬民服也。
Bậc quân tử cần mẫn, khó nhọc mà khiêm thì vạn dân đều theo. (Tiểu Tượng truyện – hào 3 quẻ Khiêm).
8. Hữu phu, huệ tâm, vật vấn, nguyên cát. Hữu phu, huệ ngã đức.
有孚,惠心,勿周,元吉。有孚,惠我德。
Có lòng chí thành làm ân đức, thì chẳng cần hỏi, cũng biết là rất tốt rồi. Thiên hạ ai cũng tin vào đức ban ân huệ của ta. (Tiểu Tượng truyện – hào 5 quẻ Ích).
9. Nhất âm, nhất dương chi vị đạo.
一陰,一陽之謂道。
Một âm, một dương gọi là đạo. (Hệ Từ truyện – quyển thượng).
10. Nhân giả kiến chi vị chi nhân, trí giả kiến chi vị chi trí
仁者見之謂之仁,知者見之謂之知。
(Đạo rất huyền nhiệm tinh vi, không ai biết hết được, tùy bẩm thụ khác nhau mà) người (có đức) nhân thấy nó nhân, gọi nó là đạo nhân; người trí (sáng suốt) thấy nó trí, gọi nó là trí. (Hệ Từ truyện – quyển thượng).
11. Thiện bất tích bất túc dĩ thành danh; ác bất tích bất túc dĩ diệt thân.
善不積不足以成名;惡不積不足以滅身。
Không tích lũy được nhiều điều thiện thì không có danh tiếng được, không tích lũy nhiều điều ác thì không đến nỗi bị diệt thân thể. (Hệ Từ truyện – quyển hạ).
12. Dịch, cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu.
易,窮則變,變則通,通則久。
Đạo dịch là đến lúc cùng tất phải biến, đã biến thì thông, nhờ thông mà được lâu dài. (Hệ Từ truyện – quyển hạ).
13. Tiểu nhân dĩ tiểu thiện vi vô ích nhi phất vi dã, dĩ tiểu ác vi vô thương nhi phất khứ dã; cố ác tích nhi bất khả yểm, tội đại nhi bất khả giải.
小人以小善為無益而弗為也,以小惡為無傷而弗去也,故惡積而不可掩,罪大而不可解。
Kẻ tiểu nhân cho rằng một điều thiện nhỏ là vô ích nên không làm, một điều ác nhỏ là vô hại nên cứ làm; vì vậy mà các điều ác cứ tích lũy tới lúc không che giấu được nữa, tội hóa lớn mà không thể tha được. (Hệ Từ truyện – quyển hạ).
14. Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu; thủy lưu thấp, hỏa tựu táo, vân tòng long, phong tòng hổ (…) các tòng kì loại dã.
同聲相應,同氣相求;水流濕,火就燥,雲从龍,風从虎(…)各从其類也。
“Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu; nước chảy xuống thấp, lửa bén tới chỗ khô; mây bay theo rồng, gió bay theo cọp (…). Mọi vật đều theo loài của nó. (Văn Ngôn truyện).
15. Cư thượng vị nhi bất kiêu, tại hạ vi nhi bất ưu.
居上位而不驕,在下位而不憂。
(Người quân tử) ở địa vị cao mà không kiêu, ở địa vị thấp mà không lo. (Văn Ngôn truyện).
16. Tích thiện chi gia tất hữu dư khương, tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương.
積善之家必有餘慶。積不善之家必有餘殃。
Nhà nào tích lũy điều lành thì có thừa phúc (để đến đời sau). Nhà nào tích lũy điều chẳng lành thì tất có thừa tai vạ (để đến đời sau). (Văn Ngôn truyện).
17. Lập thiên chi đạo viết âm dữ dương, lập địa chi đạo viết cương dữ nhu, lập nhân chi đạo viết nhân dữ nghĩa.
立天之道曰陰與陽,立地之道曰柔與剛,立人之道曰仁與義。
(Dịch) lập đạo trời là âm dương, đạo đất là cứng mềm, đạo người là nhân nghĩa. (Thuyết Quái truyện).
18. Đồng tâm chi ngôn, kì xú như lan.
同心之言,其臭如蘭
Hai người mà cũng một lòng (đồng tâm) thì sức mạnh bẻ gãy được loại kim (ngăn cách họ), và lời của họ thấm thía như hương lan. (Hệ Từ truyện – quyển thượng).
19. Lao nhi bất phạt, hữu công chi bất đức, hậu chi chí dã.
勞而不伐,有功而不德,厚之至也。
Khó nhọc mà không khoe khoang, có công với đời mà chẳng nhận là ân đức, đức như vậy là cực dày. (Hệ từ truyện – quyển thượng)
20. Lạc thiên tri mệnh cố bất ưu; an thổ đôn hồ nhân cố năng ái.
樂天知命故不憂;安土敦乎仁故能愛。
Vui lẽ trời, biết mệnh trời cho nên không lo lắng; yên với cảnh ngộ, đôn đốc về đức nhân, cho nên thực hành được bác ái. (Chữ tri mệnh 知命 ở đây tức là chữ tri mệnh trong Luận Ngữ:Ngũ thập nhi tri thiên mệnh. Mệnh không phải là số mệnh, mà là cái luật, cái đạo trời). (Hệ từ truyện – quyển thượng).
(BÀI SƯU TẦM)
Thứ Ba, 21 tháng 5, 2024
PHÚC TỰ NHIÊN LAI TÀI TỰ ĐẾN
LÀM NGƯỜI TÍCH 6 LOẠI PHÚC ĐỨC NÀY THÌ ẮT ĐƯỢC HẠNH PHÚC TRÒN ĐẦY.
(Trích:Tư tưởng đạo gia và Phật gia trong cuộc sống)
Làm người nếu biết lấy đức làm gốc rễ ấy là bậc minh trí, bởi đức hạnh chính là đại biểu cho kết quả hàm dưỡng của một người. Nếu một người không ngừng tu tâm tích đức ắt sẽ gia tăng trí huệ, ngộ đạo nhân sinh, tìm được chân lý và hạnh phúc viên mãn cho chính mình.
LÀM NGƯỜI TÍCH 6 PHÚC : SINH TRÍ HUỆ.
1. Có sức khỏe là phúc:
Tục ngữ có câu: “Làm hoàng đế mắc bệnh không bằng làm kẻ ăn mày mà khỏe mạnh”. Sức khỏe chính là phương tiện tải thể của trí huệ, là tiền đề của sự nghiệp, một người nếu như mất đi sức khỏe, vậy xem như là mất tất cả. Vì để có một thân tâm khỏe mạnh, ắt phải dưỡng thân, ăn uống có chừng mực, thường xuyên vận động, tránh rượu chè, tửu sắc vô độ. Không những vậy còn phải đề cao việc tu tâm dưỡng tính, tránh xa oán giận, ít tranh chấp với người khác, bảo trì tâm thái điềm tĩnh, hòa ái một cách tối đa.
2. Gia hòa là phúc:
Cổ nhân thường nói: “Gia hòa vạn sự hưng”, hay: “Gia hòa phúc tự đáo”. Nếu chúng ta có một gia đình hòa hợp, tương thân tương ái, trên dưới đồng thuận chính là có được một hậu phương vững chắc để tự tin bước ra ngoài mà gây dựng cơ nghiệp, cũng chính là có được dũng khí để đương đầu với tất cả chông gai của cuộc sống. Vậy nên có được một gia đình hòa thuận chính là: “Phúc trong phúc”
3. Chịu thiệt là phúc:
Thường thì những người đức không cao, lòng không rộng, nhân cách không chính trực khó có thể chấp nhận bản thân chịu thiệt. Người có thể vui vẻ chịu thiệt đó cũng chính là một cảnh giới của sự tu dưỡng. Không sợ chịu thiệt, việc nhiều thì làm thêm một ít, ngược lại có thể tôi luyện tâm tính cho bản thân, nâng cao năng lực chịu đựng, trong các mối quan hệ cũng thể hiện được tấm lòng độ lượng của bậc quân tử.
4. Bảo trì cuộc sống thanh đạm là phúc:
Cuộc sống bộn bề, áp lực như núi, làm người có thể sống cuộc đời thanh đạm ấy cũng là phúc: đói thì ăn, mệt thì nghỉ, việc đến thì làm, cần cù chịu khó, sống với hiện tại, ấy cũng chính là phúc.
5. Biết đủ là phúc:
Nhân sinh tại thế, lòng tham của con người xưa nay vốn không hề có đáy. Nhưng thóc đầy kho lụa đầy nhà; nhà trăm gian đất nghìn mẫu thì cũng cơm ngày ba bữa, áo quần vài bộ, tối ngủ giường ba thước. Tham lam tài vật thái quá đến khi nhắm mắt xuôi tay cũng chẳng mang được thứ gì. Vậy nên làm người mà biết ung dung tự tại, không tham không sân, biết đủ là phúc.
6. Sống tùy duyên là phúc:
Nhân sinh vạn nẻo, kiếp người chìm nổi tựa phù vân, đa phần sống ở đời nếu mười phần thì có đến bảy, tám phần không như ý, giờ phút vui vẻ chẳng được đáng là bao, thời gian như nước chảy qua cầu. Vậy nên biết sống tùy duyên ấy là hạnh phúc, điều đến thì đón nhận, điều đi thì buông bỏ, vạn vật tùy cảnh, vạn sự thì tùy thời, đó cũng chính là cảnh giới của bậc trí giả. Sướng khổ buồn vui ấy đều do quan niệm của mình chi phối, làm người mà có thể coi nhẹ được mất thì ắt không gì có thể khiến cho chúng ta buồn khổ được.
LÀM NGƯỜI HÀNH 6 ĐỨC : ẤY THÂN TU DƯỠNG
1. Khẩu đức:
Người xưa thường dạy: “Thiện ý một câu ấm ba đông; lời ác lạnh người sáu tháng ròng”. Đời người họa hay phúc đều do cái miệng mà ra, vậy nên làm người thì việc trước nhất chính là tu dưỡng cái miệng của mình: Luôn nói lời chân thực, không nói lời lộng ngữ thị phi, mỗi khi nói phải nghĩ trước nghĩ sau, nghĩ đến cảm thụ của người nghe. Khi nói chuyện thì nên chú ý thời cơ, địa điểm, lúc nào cần nói lúc nào không, đặt cơ điểm từ góc độ của người nghe mà nói.
2. Ban đức:
Có câu: “Tay tặng hoa hồng ắt giữ thơm”, vỗ tay cho người khác thì mặt mình tự cũng vui tươi, khích lệ cho người, trí huệ bản thân tự ắt cũng tăng. Khổng Tử nói “Quân tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác; tiểu nhân phản thị”. (Đại ý: Người quân tử tạo thành cái hay cho người khác, không gây thành cái ác cho người ta; tiểu nhân thì không thế).
3. Diện đức (cái đức của diện mạo):
Người sống nhờ mặt, cây sống nhờ vỏ, cây không có vỏ cây chẳng thể sinh tồn, người không có thể diện người chẳng thể dung thân. Tu dưỡng tốt diện mạo của mình cũng là giúp người lưu lại cái uy danh.
4. Tín đức:
Xưa nay, chữ tín luôn là cái vốn để làm người, làm người không có chữ tín hỏi có ai ưa? Vậy nên, tín chính là cái vốn tài sản lớn nhất của đời người, có thể lấy được lòng tin của thiên hạ chính là tài sản vô giá. Khổng Tử nói: “Vô tín nhi bất lập”, ý nói rằng người mà không giữ chữ tín thì không có chỗ sinh tồn, không có chỗ đứng trên thế gian này. Cũng có người nói, chữ tín là sinh mệnh thứ hai của con người. Câu nói này thực ra rất có đạo lý.
5. Khiêm đức:
Đây là nói cái đức của sự khiêm nhường, cổ nhân xưa nay vẫn luôn nhìn nhận rằng khiêm nhường chính là một loại mỹ đức thể hiện tinh thần hàm dưỡng tôn quý. Nhường người ba tấc mình cũng lợi hai phần, trong “Chu Dịch” viết rằng: “khiêm tốn là cái gốc của đạo đức, nhường nhịn đứng đầu mọi loại lễ nghi, phép tắc”.
Người khiêm nhường, tao nhã là người có đức hạnh cao, tấm lòng độ lượng bao dung, cũng là người một lòng cung kính đối với mọi việc, mọi người xung quanh. Sự cung kính đó không phải bắt nguồn từ lòng sợ hãi mà xuất phát từ sự tôn trọng.
Như vậy, người xưa nhìn nhận rằng, dù là đạo trời hay đạo làm người, cái gốc đều ở một chữ “Khiêm” này.
6. Trọng đức:
Trong cuộc sống chúng ta đều hiểu là phải biết tôn trọng người khác, nhưng rất ít người có thể thật sự hiểu được ý nghĩa của điều này.
Mạnh Tử nói: “Thương người thì người thương lại mình, kính người thì người kính lại mình”. Câu nói này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc biết tôn trọng người khác. Khi kết giao với người khác, nếu có thể hiểu và tôn trọng họ, vậy thì ta cũng sẽ được họ hiểu và tôn trọng lại mình gấp trăm lần.
Người có tu dưỡng thì đối với bất kể ai cũng đều tỏ thái độ khiêm nhường, tôn trọng. Tôn trọng người dưới chính là một loại mỹ đức, tôn trọng người dưng chính là một loại ý thức, tôn trọng đối thủ là một loại độ lượng, tôn trọng tất cả mọi người là một loại giáo dưỡng.
LĨNH 6 NGỘ: NÂNG CAO TẦNG THỨ.
1. Dục vọng không thể phóng túng:
Lão Tử nói: “Ngũ sắc lệnh nhân mục manh; ngũ âm lệnh nhân nhĩ lung; ngũ vị lệnh nhân khẩu sảng; trì sính điền liệp, lệnh nhân tâm phát cuồng; nan đắc chi hóa, lệnh nhân hành phương” (Đại ý: Ngũ sắc làm cho mắt người ta nhìn không thấy; ngũ âm làm cho tai người ta nghe không ra; ngũ vị khiến người tê lưỡi, mất cảm giác; rong ruổi săn bắn, khiến tâm người nổi loạn, thứ khó được khiến người gây trở ngại cho chính mình).
Làm người mà quá truy đuổi cảm giác kích thích bản thân, cuối cùng lại hại chính mình, làm cho ngũ quan mất đi năng lực vốn có của nó. Làm người mà phóng túng dục vọng bản thân chính là sai lầm trong những sai lầm, không chỉ là hại thân mà còn khiến cho con người ta chìm đắm hưởng lạc quên đi ý chí cầu tiến.
2. Tài không thể tham:
Khổng Tử nói: “Phú dữ quý, thị nhân chi sở dục dã, bất dĩ kì đạo đắc chi, bất xử dã” (Đại ý: Phú và quý là thứ mà ai ai cũng mong muốn truy cầu, tuy nhiên nếu như không dùng cách quang minh chính đại mà có được nó thì chẳng thể hưởng thụ được nó. Có được rồi ắt cũng sẽ gặp tai họa). Người tham tài cũng như uống nước biển vậy, càng uống càng khát, càng uống càng hại thân.
3. Không tức giận:
Có câu:
“Người nhất đẳng, có bản sự, không tức giận
Người nhị đẳng, có bản sự, có tức giận
Người vô đẳng, không bản sự, luôn tức giận”.
Vậy nên, làm người khống chế được chính mình, ắt không tức giận.
4. Việc gì cũng không được quá độ:
Mặt trời lên cao mặt trời lặn; trăng tròn đầy trăng ắt lại khuyết. Mỗi một sự việc khi phát triển đến điểm cực độ ắt sẽ suy thoái. Đây chính là lẽ thường tình. Vậy nên, sống ở đời làm bất cứ việc gì cũng không được quá độ, cũng như hoa thời đang nở, rượu thời chưa say, cơm thời chưa đủ mới là lúc khiến tinh thần con người ta thanh tỉnh nhất.
5. Có tiền thì không nên quá tiết kiệm:
Có anh nhà giàu nhưng keo kẹt, một hôm cao hứng mở kho tiền ra khoe với anh hàng xóm, anh hàng xóm xem xong nói: “Tôi và anh đều như nhau, chúng ta thật nhiều tiền”. Anh nhà giàu keo kẹt thấy vậy hỏi: “Anh nghèo kiết xác, tiền ơ đâu ra mà nói giống tôi?”. Anh hàng xóm đáp: “Tiền của anh có nhưng chẳng giám tiêu mà chỉ để nhìn, bây giờ tôi và anh đều đang nhìn giống nhau, vậy chẳng phải anh và tôi đều như nhau sao?”. Con người sống ở đời: lúc đến tay không, lúc đi cũng tay không, làm người thì không nên quá hà tiện, nhưng cũng cần chi tiêu cho hợp lý, tránh tình trạng hoang tiêu lãng phí.
6. Đi tìm ý nghĩa:
Nhân sinh tại thế sống vì điều gì? Mỗi người đều đi tìm kiếm ý nghĩa, mục đích sống cho riêng mình. Kẻ vì bản thân, người vì nghĩa lớn. Còn nếu như chỉ vì đói ăn khát uống vậy thì người và vật nào khác chi nhau là mấy? Vạn vật trên đời đến và đi ắt đều có nguyên nhân và sứ mệnh của mình, không gì là ngẫu nhiên vô cớ.
Đạo gia và Phật gia xưa nay vẫn luôn nhìn nhận rằng con người vì có tội, vì nghiệp lực vị tư sinh ra mà phải giáng hạ xuống nơi thế gian này. Vậy nên nhân sinh tại thế chính là phải biết tìm kiếm cho mình con đường phản bổn quy chân, quay về với bản ngã của chính mình để từ đó mà hồi thăng và nâng cao tầng thứ sinh mệnh. Đó mới là ý nghĩa chân chính cao cả và tốt đẹp nhất của đời người.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)