Trong cái không khí hối hả của ngày tết đang tràn ngập khắp mọi nơi, có lẽ trong những ngày này dù ở đâu, làm gì trong mỗi chúng ta đều nhớ về quê hương với những cái tết đầm ấm bên gia đình...
Tôi đã được đón tết ở nhiều vùng quê khác nhau, được thưởng thức nhiều món ăn độc đáo ngày tết nhưng vẫn không thấy nơi đâu có được món ăn độc đáo như món bánh ong ở Nghệ An quê tôi. Không biết món ăn đó có từ bao giờ, ai đã sáng tạo ra nó chỉ biết rằng món ăn đó vẫn còn tồn tại cho đến hôm nay, đặc biệt vào mỗi dịp tết món ăn đó đựoc làm phổ biến ở mỗi gia đình.
Ở quê tôi trong những ngày này, cùng với sự hối hả, tất bật để chuẩn bị các vật phẩm cho một cái tết thật đầy đủ thì người dân không quên chuẩn bị nguyên liệu để chế biến bánh ong. Món bánh ong được người dân quê tôi làm vào đầu tháng chạp nhưng phổ biến từ 23 tháng chạp cho tới trước thời điểm giao thừa. Thông thường cứ vào đầu tháng chạp là người dân quê tôi đã chuẩn bị gạo nếp, mât mía (mật nước), gừng, lạc... là những nguyên liệu chính để làm nên món bánh ong đặc trưng.
Món bánh ong hầu như ai cũng làm được nhưng để có được món bánh ong ngon, màu sắc bắt mắt và mọi người yêu thích thì không hề đơn giản. Làm bánh ong đòi hởi sự kinh nghiệm, khéo léo và đôi tay chắc khoẻ. Thường thì làm bánh ong ít nhất cần có 2 người.
Có thể làm theo một trong hai cách sau đây:
1. Trước tiên phải chuẩn bị nguyên liệu gồm: gạo nếp rang nghiền thành bột, mật mía nước, thường thì bánh ong được làm theo tỉ lệ, 1kg bột với 2 chai mật mía, gừng thái chỉ cắt ngắn, lạc rang. Tiếp đến là đổ mật vào nấu sôi tới khi nào lấy đũa nhúng vào và giơ lên thấy mật không còn nhỏ thành giọt chảy xuống thì giảm nhỏ lửa; một người cho gừng, lạc vào, một người dùng đũa khuấy đều, rồi tiếp tục đổ từ từ từng ít bột gạo nếp vào rồi đánh mạnh, đều tay cho tới khi các nguyên liệu quyện vào nhau đặc quánh, có mùi thơm đặc trung của bánh ong thì nhắc nồi xuống, dùng thìa múc ra đổ vào khuân gỗ hình vuông, chờ cho bánh nguội là có thể dùng được.
2. Nguyên
liệu gồm:
Thóc nếp 1kg; Mật mía 500g; Lạc
200g; Vừng trắng 100g; Gừng 20g; Vỏ quýt tắt ½ cái; Va ni 10 giọt. (Nếu muốn
làm nhiều hơn thì theo tỷ lệ mà nhân đôi, nhân ba lên…)
Cách làm:
Thóc nếp để nguyên cả vỏ đem
rang chín thành nổ, sau đó xát bỏ vỏ lấy nổ tán thành bột mịn. Vừng và lạc rang
vàng, xát bỏ vỏ lụa.
Gừng tươi bóc vỏ, rửa sạch
giã nhuyễn. Vỏ quýt thái thật mỏng.
Cho mật mía vào nồi gia thêm
ít nước cho lên bếp đun sôi, cho gừng và vỏ quýt vào quấy đều, lọc qua vải cho
nước mật được trong.
Bắc lên bếp đun lại cho đến
lúc thấy sền sệt, dúng muôi lấy một ít mật ra, nhỏ vài giọt vào một chén nước,
thấy mật bắt đầu đông keo thì cho lạc và vừng rang vào. Việc xác định thời điểm
cho mật vào rất quan trọng. Nếu cho bột vào quá sớm bánh thành phẩm sẽ bị nhão.
Nếu cho vào quá muộn thì bánh thành phẩm sẽ bị quá cứng. Khi đang cho bột vào,
để không bị khê nồi, nên dụi bớt lửa chỉ để ở chế độ than nóng, rồi vừa quấy
vừa gia bột vào từ từ cho đến khi hết ¾ bột. Quấy đều tay cho đến khi cảm giác
bột trong nồi nổi lên, trong và quánh lại là được. Phần bột còn lại đổ 2/3 ra
mâm, trút nồi bột ra rồi nhồi cho thật mịn đến khi không còn dính tay thì đem
đổ vào khuôn.
Rải một lớp vừng rang vào đáy
khuôn, trút nồi bột vào, dùng thìa dàn đều và éo vào khuôn, rắc thêm một lớp
bột áo lên trên, rồi ém chặt xuống, để nguyên khuôn đóng cho đến khi nguội mới
được mở ra, khi dùng cắt thành từng lát mỏng cỡ khoảng gần 1cm, bày ra đĩa để
ăn hoặc đãi khách.
Món bánh ong được dùng để thắp hương trên bàn thờ ngày tết, tiếp đãi bạn bè trong dịp tết… đặc biệt món bánh ong có thể để được rất lâu, tới hàng tháng trời vì vậy có thể làm quà biếu cho người thân ở xa. Ngày tết với nhiều thứcc ăn dầu mỡ thì món bánh ong được xem là món đặc biệt hấp dẫn với người dân quê tôi. Ăn bánh ong và thưởng thức bát nước chè xanh đậm đà thì phải nói là tuyệt diệu.
Với tôi, không thể quên được cái không khí ngày tết lạnh giá của mùa đông, ngồi quây quần bên gia đình trò chuyện, thưởng thức những lát bánh ong màu nâu đậm đà bên bếp lửa hồng, cảm giác đó thật đầm ấm, thân thương và khó quên đối với tôi.
Tuy ngày nay đời sống ở quê tôi được nâng cao, kinh tế ổn định cùng với sự phong phú của nhiều loại bánh, người dân có điều kiện để thưởng thức nhiều loại bánh khác nhau nhưng món bánh ong không vì thế mà không được xem trọng. Vào mỗi dịp tết món bánh ong đặc biệt hấp dẫn này vẫn là món không thể thiếu ở nhiều gia đình làng quê xứ Nghệ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét