Thứ Ba, 5 tháng 2, 2013

NGÀY XUÂN KỂ CHUYỆN BÓI KIỀU



Như mọi người đã biết, Truyện Kiều của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, là một kiệt tác của nhân loại, và với kiệt tác ấy đã đưa Nguyễn Du trở thành Danh nhân Văn hoá thế giới. Trước đây, trong thời kỳ thực dân Pháp xâm lược nước ta, có người đã từng nói: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; Tiếng ta còn nước ta còn”. Trên 200 năm qua, kể từ khi tác phẩm ra đời, Truyện Kiều đã dần đi sâu vào đời sống văn hoá của người Việt Nam và chắc chắn sẽ còn mãi mãi trường tồn cùng dân tộc. Để khai thác giá trị và cũng để tôn vinh tác giả, tác phẩm, nhân dân ta đã sáng tạo ra nhiều cách tiếp cận để thưởng thức như Lẩy Kiều, Tập Kiều, Ngâm Kiều, Vịnh Kiều, Đố Kiều v.v. Bói Kiều cũng không ngoài mục đích ấy.
Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi khi gặp chuyện chẳng lành, trong lòng có sự thắc mắc lo nghĩ, người ta vẫn có thể tìm đến Truyện Kiều, thành tâm xin quẻ Bói Kiều để hỏi cát hung, hoạ phúc, tìm sự an ủi, tìm lời  khuyên thích hợp. Trong các môn bói toán thịnh hành xưa nay như Bốc dịch, Nhâm độn, Bát môn, Tử vi, Tứ trụ, Thái ất, Bói Kiều.v.v.. thì Bói Kiều là một môn thuần văn hoá Việt, đã được lưu truyền trong dân gian hàng trăm năm nay. Bói kiều đã thực sự là một nét văn hoá tâm linh đáng yêu của người dân Việt Nam kể cả trong nước cũng như ở nước ngoài.
Trong lời Tựa viết năm 1898 cho bản “Đoạn Trường Tân Thanh” của Kiều Oánh Mậu, cụ Đào Nguyên Phổ đã từng nói: “Ôi! Sao mà lại có văn hay làm say lòng người đến thế? Còn một điều mà tôi thấy làm lạ hơn nữa là người đời dùng để bói, thì thấy ứng nghiệm như thần mà xem tựa Linh kinh Quỷ Cốc.”
Có một điều rất kỳ lạ là có khá nhiều câu Kiều lại rất linh ứng với những sự kiện lịch sử xảy ra sau khi Truyện Kiều ra đời. Đơn cử:
Câu số 1954: “Cắn răng bẻ một chữ đồng làm hai”.
(ứng việc đất nước ta bị chia cắt làm đôi sau Hiệp định Rơ-ne-vơ năm 1954).
Câu số 83: “Đau đớn thay phận đàn bà”.
(ứng với ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3), mặc dù thời của Cụ Nguyễn Du thì ngày Quốc tế Phụ nữ chưa có.
Câu số 1972: “Liệu mà cao chạy xa bay,
                  Ái ân ta có ngần này mà thôi”.
Nội dung câu này rất trúng khi nói về tình hình cách mạng Miền Nam giai đoạn 1972 ta đang trên đà thắng lớn, chính quyền Nguỵ Sài Gòn muốn cầu xin Mỹ tiếp tục ở lại miền Nam, nhưng do thua quá đau trên khắp các chiến trường, đế quốc Mỹ buộc phải quyết định rút quân khỏi Miền Nam ngoài sự mong đợi của chính quyền Sài Gòn. Mà với sự kiện này, Nguyễn Văn Thiệu đã gào lên thất vọng trước báo chí và trước công chúng là: “Mỹ đem con bỏ chợ”. v.v..
Xin Kể một số câu chuyện Bói Kiều làm dẫn chứng.
Ngô Đình Diệm bói Kiều, Nguyễn Thái Học bói Kiều, Tướng Nguyễn An bói Kiều trên đỉnh Trường sơn.v.v…
1- Ông Ngô Đình Diệm, Tổng thống chính quyền Nguỵ Sài Gòn, là một người rất hay bói Kiều. Khi cây cột cờ trước Dinh Độc Lập đột nhiên bị gãy đổ, ông cho gọi một thầy bói thân tín vào dinh xin quẻ Kiều, ông bói nhằm câu:
 “Tay tiên gió táp mưa sa,
Khoảng trên dừng bút thảo và bốn câu”
Thầy bói thưa với ông Ngô Đình Diệm là có khả năng Dinh Độc Lập sẽ bị ném bom, vì nàng Kiều đã báo là “khoảng trên”, có nghĩa là tấn công từ phía trên không trung, nhưng cũng chỉ thả 3,4 quả bom rồi thôi chứ không nhiều, sau đó thực tế diễn ra hoàn toàn đúng như vậy. Lần đó dinh Độc Lập bị ném bom, anh em Diệm Nhu thoát nạn.
Lại một lần khác, khoảng cuối tháng 10 năm 1963, thấy tâm trạng bất an, linh tính như mách bảo điều gì, ông Diệm lại nhờ thầy bói Kiều: Lần này bốc được mấy câu:
“Một đoàn đổ đến trước sau,
Vuốt đâu xuống đất, cánh đâu lên trời.
Tú bà tốc thẳng đến nơi,
Hăm hăm áp điệu một hơi lại nhà.
Hung hăng chẳng hỏi chẳng tra
Dang tay vùi liễu dập hoa tơi bời”.
Thầy bói run sợ ấp úng thưa với ông Diệm: Bẩm cụ, phen này thì cực kỳ nguy khốn. Sợ lại có đảo chánh. Lần này thì khó lòng thoát nổi, bọn chúng sẽ bắt xử Cụ tại trận mà không cần toà án phán xét. Ông Diệm hỏi tại sao và căn cứ vào đâu mà thầy nói vậy?
Thầy bói lập cập thưa: Dạ, nàng Kiều đã nói rõ rồi, “Vuốt đâu xuống đất cánh đâu lên trời”, nghĩa là Cụ có trốn xuống hầm ngầm dưới đất hoặc chạy lên trời bằng máy bay lên thẳng cũng không thể thoát, người đến bắt cụ là một sĩ quan cấp tá.
Sao thầy biết là cấp tá? Dạ, vì nàng Kiều đã báo “Tú bà” lái lại tức là “Tá bù”, và họ không cần tra hỏi cụ, cứ thế hành hạ đánh đập và thủ tiêu luôn, nên con xin Cụ hãy hết sức đề phòng. Nghe vậy, ông Diệm tái mặt hoảng sợ. Đến tháng 11 năm 1963 thì sự việc diễn ra đúng y như vậy.
2. Ông Nguyến Thái Học bói Kiều: Ông Nguyễn Thái Học là lãnh tụ Việt Nam Quốc dân đảng, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Sau thất bại của cuộc khởi nghĩa, Nguyễn Thái học cùng cô Giang và các đồng chí của mình rút về miền xuôi tìm kế sách tiếp tục cuộc chiến đấu. Một đêm xuân đầu năm 1930 trời lạnh, trong nhà một cơ sở cách mạng ở tỉnh Hải Dương. Xót xa vì việc nước chưa thành, chí nam nhi chưa toại, nghĩ tới những ngày sắp tới với bao khó khăn chồng chất, trằn trọc không sao ngủ được, ông cùng các đồng chí của mình thức dậy pha trà ngồi uống và bói quẻ Kiều đầu năm tiêu khiển.
Mọi người mời ông bói trước. Nguyễn Thái Học nhận lời ngồi xếp bằng, vẻ mặt trịnh trọng, hai tay ấp quyển Kiều vào ngực khấn:
“Hải Dương tỉnh, Nam Sách huyện, Hùng Thắng xã; Canh Ngọ niên, Chính nguyệt sơ nhất nhật, tôi là Nguyến Thái Học quê làng Thổ Tang, phủ Vĩnh Tường… Kính lạy chư vị trong truyện xin cho tôi bói một quẻ Kiều, lấy 4 câu về trang bên tả, có lành ứng lành, có dữ ứng dữ…”
Khấn xong, ông mở quyển Kiều và đọc to 4 câu bên trang tả:
“Thân ta ta phải lo âu
Miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này
Liệu mà cao chạy xa bay
Ái ân ta có ngần này mà thôi.”
Nghe vậy, tất cả đều buồn. Biết rằng chặng đường sắp tới sẽ cực kỳ gian khổ hiểm nguy. Mọi người chia tay và mỗi người đi về một phía. Nhưng không ngờ mấy ngày sau gần như tất cả đều bị sa vào tay giặc. Không lâu sau đó, Nguyễn Thái Học cùng các đồng chí của ông bị đưa lên đoạn đầu đài ở Yên Bái. Ông hi sinh nhưng đã để lại tấm gương trung liệt sáng ngời vì nước quên thân, được các thế hệ người Việt tôn vinh, đời đời kính trọng.
3. Tướng Nguyễn An bói Kiều: Tướng Nguyễn An, nguyên Phó Tư lệnh Đoàn 559, tác giả cuốn sách: “Bói Kiều trên đỉnh Trường Sơn”. Trong cuốn sách đó ông kể nhiều câu chuỵên bói Kiều rất thú vị. Xin trích nêu vài trường hợp:
-Có một số lính trẻ, có văn hoá lại lập nhiều thành tích, Bộ đang dự định gọi về miền Bắc học, sau đó chuyển đi đào tạo sỹ quan ở nước ngoài, số này đã cử người đến xin thủ trưởng bói cho một quẻ để biết lành dữ: được câu:
“Chế khoa gặp hội trường văn
Vương Kim cùng chiếm bảng xuân một ngày”
Câu Kiều đẹp quá, anh lính trẻ liền nhẩy cẫng lên chạy về báo cho các bạn là tất cả sẽ được toại nguyện.
-Lại có cô Thanh niên xung phong ở chiến trường sắp cưới chồng là Bộ đội Trường Sơn đến xin quẻ, bắt được câu:
“Cung nga thể nữ theo hầu.
Rằng: Vâng lệnh chủ rước chầu vu quy”.
Linh quá, nghiệm quá, có thể nói là rất đẹp và lại rất phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Cô hết sức cảm động cám ơn thủ trưởng.
-Cánh lính trinh sát trước khi đi làm nhiệm vụ cũng thường xin bói một quẻ để biết trước tình hình, rất mừng khi bói được câu:
“Cất mình qua ngọn tường hoa,
Lần đường theo bóng trăng tà về tây”.
Thủ trưởng động viên: Thế là êm rồi, chập tối vào, quá nửa đêm ra an toàn. Ai cũng vui vẻ.
Có một chuyện rất thật là tôi có một người bạn ở Nam Đàn, Nghệ An, vợ anh ta đi buôn bán thường một vài ngày mới về nhà. Có lần sau 2 ngày không thấy vợ về, anh thấy sốt ruột, linh tính như mách bảo có chuyện chẳng lành, vội vàng tìm thầy xin bói một quẻ Kiều. Khi mở ra được câu:
“Màu hồ đã mất đi rồi,
Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma”.
Thầy bói lắc đầu. “Hỏng”. Anh buồn vô hạn. Hôm sau quả nhiên nhận được tin vợ bị chết vì tai nạn trên đường, vốn liếng đều mất sạch.
Lại có chuyện nhà nọ có con đi làm ăn ở nước ngoài, nghe tin có vụ tai nạn làm mấy người Việt bị thiệt mạng, nóng ruột liền đi bói quẻ Kiều xem sao, được câu:
“Thôi con, còn nói chi con,
Sống nhờ đất khách, thác chôn quê người”.
Sau quả nhiên tin từ nước ngoài báo về cho biết cháu đã bị mất trong vụ tai nạn ấy. Còn nhiều và nhiều ví dụ nữa nhưng khuôn khổ bài viết có hạn nên xin phép tạm dừng việc bói.
Kính thưa quý vị và các bạn! Là những người con đất Việt, hơn nữa lại được sinh ra tại xứ Nghệ, quê hương của Đại thi hào, mỗi khi nâng quyển Kiều trên tay, lòng ta không khỏi bồi hồi xúc động tưởng nhớ, biết ơn và tự hào về Cụ. Từ một tác phẩm không tên tuổi của người Tàu, Cụ đã chuyển thể và nâng nó lên thành một kiệt tác hàng đầu của nhân loại, được bạn đọc trên toàn thế giới ca ngợi.
Giở đọc bất cứ trang nào ta cũng thấy thấm đẫm tính nhân văn, sự đau xót cảm thông chia sẻ của tác giả với mỗi mảnh đời bất hạnh. Ta tìm thấy ở đó những triết lý cuộc đời, sự an ủi, có khi như là những lời khuyên bổ ích.
Chính vì tính triết lý nhân văn sâu sắc ẩn chứa trong Truyện Kiều, mỗi khi có dịp bói Kiều cho con cái trong nhà, ta có thể vận dụng và tìm thấy những lời khuyên răn thích hợp nhằm bồi đắp tâm hồn con trẻ, cho các cháu biết và hiểu về “Luật nhân quả” của cuộc đời, biết chia sẻ, cảm thông và sẵn sàng giúp đỡ người khác khi có cơ hội. Hãy tích cực gieo “Nhân lành” để sau này được hái “Quả ngọt”. Biết vun trồng chữ “TÂM” ngay chính ở trong lòng mình như lời Cụ dạy:
“Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”./.

Quang Đạo (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dịch học -Lý số Nghệ An)

Điện thoại: 0983225079; Hộp thư ĐT: lequang306@gmail.com


Nếu các bạn cần xem số Tử vi, xem quẻ dịch, xem tuổi vợ chồng kết hôn, xem ngày giờ tốt làm nhà cưới gả, hay cần tư vấn phong thuỷ, chỉnh hướng nhà, hướng cổng ngõ, hướng bếp, hướng để dường ngủ, bàn học, bàn làm việc... cho hợp mệnh hợp tuổi, Hãy liên hệ với tôi qua số máy: 0983225079 hoặc qua địa chỉ Mail: lequang306@gmail.com
         Tôi sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của các bạn. Giá cả tuỳ tâm. Phương thức thanh toán có thể chuyển tiền qua tài khoản của tôi, cũng có thể chuyển tiền qua thẻ nạp điện thoại của Viettel, số máy là 0983225079. hoặc Vina 0913123668. Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó!
Thân ái!

- TK : 0101000703809
Quang Đạo- Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam
-Chi nhánh thành phố Vinh, Nghệ An (Vietcombank)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét