Thứ Năm, 19 tháng 2, 2015

Hiểu để yêu hơn câu dân ca ví, giặm quê nhà

Hiểu để yêu hơn câu dân ca ví, giặm quê nhà

(Congannghean.vn)-Là người Nghệ, ai cũng tự hào khi dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Tuy nhiên, những tác phẩm dân ca ví, giặm được sáng tác qua nhiều thời kỳ với ngôn ngữ đặc trưng xứ Nghệ, trong đó có nhiều từ cổ rất khó hiểu, thậm chí, cùng một từ nhưng lại có nhiều cách hiểu trái ngược nhau. Để yêu hơn câu ví, giặm quê nhà, cần phải hiểu được nội dung và ý nghĩa của lời ca mà các tác giả cũng như người dân xứ Nghệ bao đời gửi gắm vào trong đó.
Tôi còn nhớ, thời kháng chiến chống Mỹ, có nhiều tác phẩm kịch hát dân ca ví, giặm xuất sắc được nhiều người yêu thích như tác phẩm: “Ví giận thương”, “Không phải tôi”… Thực ra, nguyên tác của “Ví  giận thương” hay còn gọi là “Giận mà thương” là vở kịch hát dân ca “Khi ban đội đi vắng” của tác giả Nguyễn Trung Phong, quê ở huyện Diễn Châu. Hồi đó, các tác phẩm này thường được các đoàn văn công của tỉnh cũng như các đội văn nghệ các xã dàn dựng, biểu diễn. Lời ca tuy mộc mạc, khá dễ hiểu nhưng vẫn có nhiều người hiểu theo nhiều cách khác nhau.
Dân ca ví, giặm đã đi vào cuộc sống thường nhật của người dân xứ Nghệ
Dân ca ví, giặm đã đi vào cuộc sống thường nhật của người dân xứ Nghệ
Đơn cử, như trong bài “Giận mà thương” có câu: “Vì thương anh nên em bàn với mẹ, quyết ngăn anh không đi chuyến ngược lường”. Tôi nhớ, có lần đi công tác ở Hà Nội, một bác cao tuổi quê ở Nghệ An đang ở Đê La Thành, gần Trường Đại học Văn hoá, Trường Viết văn Nguyễn Du hiện nay hỏi chúng tôi rằng: “Các cậu có hiểu câu hát “Quyết ngăn anh không đi chuyến ngược lường” là sao không?”. Chúng tôi chưa kịp trả lời thì bác nói luôn: “Là vì ở lường tức là Đô Lương ngày xưa có nhiều gái “làm tiền”, ở đó có nhiều quán Cô Đầu, nên các bà vợ sợ chồng đi lên đó rồi dễ bị sa ngã”. Chúng tôi cố giải thích cho đúng với xuất xứ và tinh thần bài hát nhưng bác vẫn không nghe, còn bảo thế hệ các cậu là hậu sinh nên không hiểu.
Mới đây, sau khi dân ca ví, giặm xứ Nghệ được UNESCO vinh danh, tôi có thắc mắc nhỏ không biết hỏi ai bèn lên mạng hỏi nhà thơ Vương Trọng mấy câu trong bài “Phụ tử tình thâm” thuộc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Mấy câu hát ấy như sau:
“Dừ phụ tại trắc mậu
Rồi trắc tại vô thân
Con ở cho có thuỷ có chung
Để phụ từ tử hiếu
Được phụ từ tử hiếu…”
Hai câu: “Dừ phụ tại trắc mậu
Và trắc tại vô thân”… 
là ý mần răng hả bác Vương Trọng?
Đợi qua nhiều ngày mà tôi vẫn không thấy nhà thơ Vương Trọng trả lời. Chắc bác ấy quá bận. May sao, NSND Hồng Lựu có ghé đọc và giải thích nguyên văn như sau:
"Dừ phụ tại trắc mậu
Rồi trắc tại vô thân
Con ở cho có thuỷ có chung
Được phụ từ, tử hiếu
Mà được phụ từ, tử hiếu"
Hồi nhỏ, bà nội hát ru em:
“Dừ phụ trại trắc mậu
Rồi trắc trại vô thân...”.
Em không hiểu, hỏi bà thì được bà giải thích: “Mẹ mất đi rồi còn cha, dù cha ốm đau già yếu không mần được chi nựa, nhưng còn cha ở nhà đó, con cụng có cảm giác vững vàng như ngọn núi”. Bà giải thích: “Trại” nghĩa là Rú. Trại là vườn thêm, là cái rú ngoài mảnh vườn ngôi nhà đang ở.
Ý nói đến sự dư thừa, chở che nữa. Em nghe rồi, nghĩ cách giải thích của nội em cũng chưa thoả đáng lắm. Mấy câu sau dễ hiểu rồi. Lớn lên, khi em chuẩn bị cho ra đĩa VCD, em đưa thắc mắc này hỏi ý kiến nhà thơ Thạch Quỳ và PGS.TS Ninh Viết Giao. Cả 2 người đều nói, chỉ có thể giải thích như sau: Mẹ mất thì còn cha ở với con, nếu lỡ có điều bất trắc xảy đến với cha thì con không còn ai trên đời nữa (vô thân) nên con phải sống với cha mẹ thật tốt để khi cha mẹ có chết đi cũng được tiếng cha hiền con hiếu. Cả 2 bác nói đại khái là vậy, anh Quang ạ”.
Qua trả lời của NSND Hồng Lựu, có sự tham vấn của nhà thơ Thạch Quỳ và PGS.TS Ninh Viết Giao, chúng ta càng hiểu và yêu hơn câu dân ca, yêu hơn đời sống văn hoá tinh thần của cha ông, bởi dân ca cũng là biểu hiện tâm hồn cốt cách người Nghệ. Dù đói, dù nghèo, trước khi qua đời, người cha không dặn con điều gì, kể cả việc làm ăn mà chỉ dặn con là ăn ở làm sao có thủy có chung, để được tiếng là “Phụ từ tử hiếu”. Thật đáng trân trọng. Người Nghệ quả là trọng nghĩa khinh tài, trọng cái “tiếng” hơn cái “miếng”. Để được “phụ từ tử hiếu”, thì phải “ăn ở cho có thuỷ có chung”, có trước có sau, vả lại có phụ từ thì có tử hiếu. Câu này được giặm lại 2 lần, ý muốn cho người con khắc cốt ghi tâm lời dạy của cha già.
Không biết, sự giải thích của NSND Hồng Lựu đã làm hài lòng các bạn chưa? Bởi mấy câu này cứ mỗi người hiểu mỗi nghĩa.
Một điều cần quan tâm nữa là, nói về loại hình dân ca ví, giặm, cũng cần hiểu được đặc trưng của nó là gì. Một lần nói chuyện với một nghệ nhân làng quan họ, tôi có hỏi đặc trưng của dân ca quan họ Bắc Ninh là gì và được nghệ nhân trả lời ngắn gọn trong 4 chữ: “Vang - Rền - Nền - Nẩy”.
Vâng! Đặc trưng của dân ca quan họ Bắc Ninh là “Vang - Rền - Nền - Nẩy”. Vậy, đặc trưng của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là gì? Thiết nghĩ, các nhà nghiên cứu văn hoá xứ Nghệ cũng cần có câu trả lời thoả đáng để công chúng người Nghệ đã yêu, tự hào thì càng yêu và tự hào hơn dân ca ví, giặm quê mình.
.
Quang Đạo

Thứ Ba, 17 tháng 2, 2015

Ngày xuân kể chuyện Bói Kiều


BÓI KIỀU ĐÂU CHỈ NGÀY XƯA
Bói Kiều là một hiện tượng sinh hoạt "văn hoá - tâm linh" vô cùng kỳ lạ ở nước ta, và tin chắc rằng trên thế giới khó tìm được một tác phẩm văn học nào có được hiện tượng đó, khi người ta dùng từng câu, từng dòng để đoán về tương lai, vận mệnh của con người. Người phản đối thì coi đó là chuyện mê tín, người ủng hộ thì coi là chuyện tâm linh, mà đã là tâm linh thì không thể giải thích được bằng kiến thức khoa học thông thường. Mê tín, hay tâm linh? Điều đó tôi không có ý định phân giải trong bài viết ngắn ngủi này, mà chỉ muốn chuyển tới bạn đọc một số mẩu chuyện bói Kiều đã thu gom được.
Những người thích bói Kiều thường nhắc tới sự kỳ diệu của tác phẩm này, có những điều không thể giải thích nổi. Ví như câu thứ 1954 trong "Truyện Kiều" là " Cắn răng bẻ một chữ đồng làm hai", ứng với năm 1954, hiệp định Giơ-ne-vơ giữa ta và Pháp ký kết, nước ta tạm thời phải chia đôi! Mặc dù câu thơ trên ở trong Truyện Kiều, là lời của Thúc Sinh nói rằng mình đành phải đoạn tuyệt Thuý Kiều trong nỗi đau xót, nhưng nếu viết về nước ta đành phải chịu cảnh chia đôi vào năm 1954, thì khó có một câu thơ nào hay hơn "Cắn răng bẻ một chữ đồng làm hai".
Từ yêu đến tin rồi tín ngưỡng Truyện Kiều như tín ngưỡng một loại tôn giáo, nhiều người tìm thấy ở tác phẩm này niềm an ủi, sẻ chia, và xa hơn, là dự báo trước những chuyện trong tương lai. Không ai nói được đích xác hiện tượng bói Kiều có từ khi nào, nhưng biết là có từ rất lâu, có lẽ ngay sau khi "Truyện Kiều" chiếm được niềm tin yêu của đông đảo bạn đọc. Trước Cách mạng tháng Tám khá lâu, chuyện bói Kiều đã phổ biến trong dân gian, và nhà văn Ngô Tất Tố đã đưa vào trong tiểu thuyết "Lều chõng". Khi Vân Hạc đi thi, vợ là cô Ngọc muốn biết trước kết quả nên đã dùng "Truyện Kiều" để bói và được bốn câu:
Bó thân về với triều đình
Hàng thân lơ láo, phận mình ra đâu
Áo xiêm ràng buộc lấy nhau
Vào luồn, ra cúi công hầu mà chi?
"Cứ trong ý tứ mà suy", cô Ngọc biết chồng sẽ hỏng thi, nếu như đậu thì sẽ làm quan, là người của triều đình, trái với ý của bốn câu thơ trên. Vân Hạc học giỏi, khi thi hỏng, rất buồn, nhưng vợ không buồn và lựa lời an ủi chồng rằng chẳng qua vì cái số, đã được báo trước trong "Truyện Kiều".
Nhà thơ Tế Hanh đã mê Kiều từ thời còn học sinh. Ông bảo rằng, muốn hiểu được cái hay của Truyện Kiều thì khi đọc cần thắp hương, để khói hương đưa người về cõi tâm linh thanh tịnh. Đã nhiều lần ông bói Kiều và cảm thấy rất nghiệm. Ông kể rằng, năm 1942, ông thi tú tài phần thứ nhất, lần đầu thi vào tháng 5, lần hai vào tháng 8. Lần đầu, sau khi đậu phần thi viết, bước vào thi vấn đáp ông bắt thăm được câu hỏi về Napoléon, ông trả lời lúng túng bị bà giáo người Pháp tên là Alada cho điểm thấp nên bị trượt. Trước khi thi lần hai, Tế Hanh bói Kiều, đúng hai câu:
Khi nên cảnh cũng chiều người
Nhẹ nhàng nợ trước đền bồi duyên sau.
Ông rất mừng, nhưng vẫn chăm chỉ ôn tập vì nhớ tới lời nhắc nhở của Nguyễn Du là "Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều".
Lần thi ấy, sau khi đậu thi viết, vào phần vấn đáp, ông lại bắt được câu hỏi về Napoléon như lần thứ nhất. Do lần trước bị hỏng, về nhà, ông đọc lại thật kỹ lịch sử về Napoléon, nên lần này trả lời không những đầy đủ mà còn hết sức khúc chiết, được thầy giáo người Pháp Bourotts cho điểm rất cao. Thế là lần ấy ông đỗ, hoàn toàn ứng với câu "Nhẹ nhàng nợ trước, đền bồi duyên sau"!
Nhiều khi bói Kiều được những câu dễ hiểu, nhưng có khi được những câu mới đọc qua chẳng thấy gì liên quan tới điều mình muốn biết, cần phải luận mới hiểu được nội dung. Cũng theo nhà thơ Tế Hanh, ông Phạm Liệu, thân sinh nhà thơ Phạm Hầu, quê ở xã Trường Giang, huyện Diên Phước, Quảng Nam, từng làm Thượng thư dưới triều Nguyễn. Hồi con đi học, ông ra Huế dự kỳ thi hương. Trước lúc lên đường đi thi, ông bói Kiều, đúng hai câu:
Dưới cờ gươm tuốt nắp ra
Chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư.
Kỳ thi ấy ông đỗ thủ khoa, ứng với chính danh thủ phạm. Kỳ diệu hơn nữa, về sau ông làm Thượng thư bộ Binh, ứng với Dưới cờ gươm tuốt nắp ra!
Trong hồi ký của Trần Trọng Kim có kể lại một chuyện liên quan tới bói Kiều. Năm 1944, vì sợ bọn Pháp bắt mất một số người tin cậy của mình, Nhật đã bố trí cho Trần Trọng Kim, Dương Bá Trạc, Trần Văn Ân, Đặng Văn Ký... "sơ tan" sang Singapore một thời gian. Khi các ông ở Singapore, do ăn uống quá kham khổ, thuốc thang không có, bệnh tật liên miên, nên ai cũng muốn trở về nước. Một hôm, Dương Bá Trạc nói vời mọi người rằng sắp được về rồi, mọi người hỏi nguốn tin ở đâu, thì ông Trạc chỉ vào hai câu Kiều vừa bói được:
Việc nhà đã tạm thong dong
Tinh kỳ giục giã đã mong độ về.
Ông Kim cùng những người khác không tin, không ngờ ít hôm sau mọi người được về nước thật, chỉ trừ ông Dương Bá Trạc đã "về" theo nghĩa khác, vì ông mất ở Singapore!
Bà Minh Mị, năm nay đã 90 tuổi, với biệt danh Hà Thành độc giả, một người thuộc lòng Truyện Kiều từ nhỏ và cũng đã từng bói Kiều khi còn học sinh. Bà kể rằng, lần ấy sau khi thi xong, vì nóng lòng muốn biết kết quả nên đã bói Kiều. Kết quả được hai câu:
Có cổ thụ, có sơn hồ
Cho nàng ra đó giữ chùa, chép kinh.
Bà không hiểu ý nghĩa ra sao, được thân sinh bà kết luận rằng bà sẽ đậu. Bà đọc hai câu thơ rồi hỏi lại:" Thế sau này con đi tu hở bố?". Ông cụ cười và giải thích rằng:" Không phải thế! Trước khi bói, con đã khấn xin để biết được kết quả kỳ thi này của con, nên không thể hiểu như vậy được, Trong "Truyện Kiều", hai câu này nói rằng Hoạn Thư chấp nhận nguyện vọng của Thuý Kiều "Rắp đem mệnh bạc xin nhờ cửa không", thì ở đây người ta cũng chấp nhận nguyện vọng của con, tức là con đỗ thi". Và đúng như vậy, kỳ thi đó bà trúng tuyển.
Sinh thời, nhà thơ Gia Ninh kể chuyện đi công tác cùng nhà thơ Xuân Diệu ở tỉnh Nghệ An trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Vì phương tiện giao thông không có, hai ông phải đi bộ liên tục nên xế chiều muốn dừng lại nghỉ ở một làng cạnh quốc lô. Bà con người làng khuyên các ông nên đi thêm mấy cây số nữa lại nghỉ, vì ở đây máy bay Pháp thường bắn phá. Hai ông đang chần chừ chưa biết quyết định ra sao, thì Xuân Diệu mở túi dết, lấy "Truyện Kiều" ra bói, và được hai câu:
Rạng ra gửi đến xuân Đường
Thúc ông cũng vội giục chàng ninh gia.
Hai nhà thơ quyết định đi ngay vì ba chữ thúc, vội giục, đó là chưa kể chàng ninh gia là chàng Gia Ninh nói ngược. Đi được chừng ba bốn cây số ngoảnh lại thì thật hú vía: máy bay Pháp đang bắn phá ngôi làng hai nhà thơ định nghỉ lại. Xuân Diệu nói với Gia Ninh:" Cô Kiều cứu chúng mình đấy!"
Hồi tôi còn nhỏ, nghe kể chuyện ở quê có một học sinh học thật xuất sắc, trên đường đi thi bị chết đuối, mất tích, người ta nhắn tin về cho ông bố, nhưng để ông đỡ choáng, họ bảo rằng anh ta bị cảm hiện đang nằm ở trạm xá nọ. Khi nghe người đưa tin nói vậy, ông bố nói:" Đừng giấu tôi nữa, thằng con tôi chết đuối rồi! Thôi, để tôi đi tìm xác con tôi". Sau khi thi thể kẻ xấu số đã được tìm thấy và chôn cất tử tế, người ta hỏi sao ông biết trước chuyện này, ông bảo rằng, khi con đi thi, ông bói Kiều và được hai câu:
"Đành thân cát lấp, sóng vùi
Tiếc công cha mẹ, thiệt đời thông minh".
Và ông đã thốt lên: "Thôi còn chi nữa mà mong/ Đời người thôi thế là xong một đời", nên sẵn sàng đón tin dữ.
Hồi phong trào sinh đẻ có kế hoạch mới được vận động, một ông chồng vốn nhà con một, vợ sinh hai lần được hai "thị mẹt", đứa thứ hai đã đi học, thế mà không chửa đẻ gì thêm để cho ông hy vọng người "nối dõi tông đường", trong khi ông vẫn trẻ khoẻ, vợ ông vẫn phây phây ra chứ đau ốm gì đâu. Vốn dòng nhà Nho, ông mê "Truyện Kiều" và thỉnh thoảng có bói Kiều, nhân vợ đi họp đại hội phụ nữ toàn xã, ông ở nhà tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo mới, thắp nén hương thơm và đem "Truyện Kiều" ra bói.
Ông ngồi xếp bằng, đối diện với bát hương, hai tay chắp lại, kẹp "Truyện Kiều" ở giữa và nâng lên khấn: " Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thuý Kiều...tên con là...năm nay ...tuổi. Chúng con mới được hai mụn con gái, muốn có đứa con trai nối dõi tông đường, nhưng hơn mười năm nay, không hiểu sao vợ con không chửa đẻ gì cả. Cho con xin một quẻ để biết được nguyên nhân. Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thuý Kiều, hãy cho con bốn câu, từ câu thứ... trang bên phải." Xong, ông mở ra đọc:
Bây giờ tình mới tỏ tình
Thôi thôi đã mắc vào vành chẳng sai
Chước đâu có chước lạ đời
Người đâu mà lại có người tinh ma.
Khi luận được nội dung lời bói, mặt ông đỏ lên như gấc chín vì giận, nhưng vốn con nhà nho, đợi đến tối hôm đó, khi cơm nước xong xuôi, ông mới hỏi vợ:
- Bà trốn tôi đi đặt vòng từ khi nào?
Bà vợ hết sức ngạc nhiên vì chuyện đó bà giấu ông và đã xẩy ra ngót chục năm trời, sao ông nay ông mới động tới.
- Ba tưởng giấu được tôi mãi chăng? Ba giấu nhưng "Truyện Kiều" mách tôi. Bà đọc đi ... Rồi ông gí bốn câu thơ trên vào sát măt bà, sát đến nỗi bà phải ngửa người lùi ra mới đọc được. Bà chả hiểu gì ý nghĩa, ông giải thích:
- "Thôi thôi đã mắc vào vành chẳng sai", nghĩa là bà đã đặt vòng, có nơi gọi vòng là vành, phải không? Đặt vòng là cái "chước lạ đời", bà giấu tôi để làm việc đó "là người tinh ma", bà hiểu chưa?
Bà vợ không nói lại một câu nào, chỉ thầm nghĩ, không ngờ trong quyển "Truyện Kiều" hàng ngày ông vẫn đọc lại chứa đựng những khả năng kỳ diệu như thế?

Thông báo: Đầu năm Xem quẻ dịch Đoán vận hạn
Các bạn thân mến!Cũng như mọi năm, Ra giêng, sau tết Nguyên đán Ất Mùi, Hội Kinh dịch Nghệ An sẽ lại tổ chức tư vấn dự đoán vận hạn theo Kinh dịch tại Thư viện tỉnh Nghệ An nhằm gây quỹ hoạt động. Thời gian cả ngày 17 tháng Giêng âm lịch. Vậy xin thông báo để mọi người cùng biết và tham gia.
Trân trọng!
.Điện thoại liên hệ: 0983225079

Chủ Nhật, 8 tháng 2, 2015

Tọa đàm Cúng và vấn đề Tâm linh

Cuối tháng 1/2015 tại Thư viện tỉnh Nghệ An, CLB Kinh dịch Nghệ An đã tổ chức buổi gặp gỡ cuối năm và tọa đàm với nội dung "Cúng và vấn đề tâm linh". Tham gia buổi tọa đàm có đông đủ các hội viên Câu lạc bộ Kinh dịch, Hán nôm và khách mời của Thư viện tỉnh.
Nội dung được trao đổi thảo luận nhiều nhất là cách bài trí bàn thờ gia tiên, cách lập bát hương, rước chân nhang thờ vọng, cách bố trí bài vị và ảnh trên bàn thờ. Những nguyên tắc và thủ tục khi cúng giỗ tổ tiên cũng như trong các ngày lễ, tết, sóc vọng.
Sau nội dung tọa đàm là thông báo tình hình hoạt động và dự kiến kế hoạch sau tết và của cả năm 2015. Theo kế hoạch thì sau tết Nguyên đán, cũng giống như mọi năm, tại Thư viện tỉnh sẽ khai trương hội Báo xuân và trưng bày cổ vật và các linh vật trong văn hóa tâm linh người Việt. Cũng trong dịp này Câu lạc bộ Kinh dịch Nghệ An sẽ phối hợp cùng Thư viện tỉnh tổ chức Cho chữ (viết Thư pháp) và Tư vấn, Dự đoán vận hạn, tài lộc, sức khỏe... theo Kinh dịch cho bạn đọc gần xa.
Trân trọng!

Quang Đạo (Chủ nhiệm CLB KInh dịch Nghệ An)
ĐT: 0983225079