Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

CẢM XẠ HỌC - “LẮNG NGHE CHÍNH MÌNH”




“Lắng nghe chính mình”làm cho mỗi con người chúng ta tự tin nhìn đời, nhìn cuộc sống trôi qua với một cái tâm thanh thản, nhẹ nhàng, làm cho tâm tư an lành mà thánh thiện… đó là ngôn ngữ của Cảm xạ học – một bộ môn Năng lượng cảm xạ có mặt ở Việt Nam vào năm 1998 do chuyên gia nghiên cứu và phổ biến cảm xạ học Dư Quang Châu – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Cảm xạ Địa sinh học Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng – khởi xướng và “nuôi dưỡng”.
 
Ông Dư Quang Châu được xem là Nhà cảm xạ học đầu tiên ở Việt Nam đã nghiên cứu và nuôi dưỡng bộ môn này. Và ông cũng chính là người truyền tải bộ môn này đến với nhiều người, để chia sẻ niềm đam mê với sự hấp dẫn của cảm xạ học…
Nhà cảm xạ học Dư Quang Châu – ông là ai?
Dư Quảng Châu là nhà cảm xạ học đầu tiên ở Việt Nam, sinh năm 17 – 10 – 1954, tại
Biên Hòa, Đồng Nai – một tỉnh cửa ngõ đi vào vùng kinh tế phát triển và năng động nhất cả nước Đông Nam Bộ.
Khi đất nước đang bắt đầu thời kỳ đổi mới kinh tế (1980-1990), ông đảm nhận vị trí phụ trách phòng khám Y học Dân tộc Ngoại trú Bệnh viện tỉnh Đồng Nai. Rồi phụ trách phòng khám Y học dân tộc Công ty Dược liệu TW 2 vào năm (1990 – 1992). Không dừng lại ở đó, ông đã từng du học tại Trung tâm Nghiên cứu Y năng lượng tại Monaco, được học bổng tại Học viện Nghiên cứu Dược thảo Địa Trung Hải ở Montpellier (1992 – 1996). Và từ những năm này trở đi, ông “lao vào” nghiên cứu năng lượng cảm xạ học với mục đích chữa bệnh bằng năng lượng từ tính, cảm xạ học và năng lượng tâm thể, giác quan thứ sáu
Do đó, có thể nói ông là người đầu tiên khởi xướng và thúc đẩy thực hiện chương trình “Việt Nam hóa” môn cảm xạ, mà sau này được đổi tên (Radiesthésie) thành “năng lượng cảm xạ” (Radiesthésie Energétique). Ông cũng chính là người đặt nền tảng đầu tiên và đóng góp đáng kể cho môn cảm xạ học phát triển, phổ biến ứng dụng tại Việt Nam. Minh chứng là ông là tác giả và đồng tác giả của hàng loạt các sách về cảm xạ học của Nhà xuất bản Thanh Niên như: Ứng dụng Năng lượng Cảm xạ học trong Ấn huyệt; Cảm Xạ Học Và Đời Sống; Dưỡng sinh Năng lượng học; Kinh Dịch với Năng lượng Cảm xạ học; Rung động thư giãn với Năng lượng cảm xạ học; Cảm xạ học thực hành; Hướng dẫn thực hành môn Cảm xạ - trình độ A – B – C; Cảm xạ Y học; Rèn luyện kỹ năng Năng lượng Cảm xạ; Rèn luyện tâm thể năng lượng cảm xạ; Năng lượng Cảm xạ với Địa sinh học; Rung động thư giãn để chống tái nghiện Ma tuý; Cảm xạ Ai cập Hiện đại; Năng lượng Cảm xạ – Thập Chỉ Liên Tâm pháp…
Không chỉ là tác giả và đồng tác giả của nhiều sách cảm xạ học, mà Nhà cảm xạ học Dư Quang Châu còn “biến” những kiến thức lý thuyết thành một mô hình thực tế với việc mở nhiều lớp đào tạo luyện tập về cảm xạ học ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, một số tỉnh thành trên toàn quốc và đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Song song đó ông còn là người thành lập Hội Năng lượng Cảm xạ Việt Nam tại một số nước châu Âu như Pháp, Ba Lan, Đức, Tiệp Khắc và cả ở Hoa kỳ. Năm 1998, trên cương vị Chủ nhiệm bộ môn Cảm xạ học, dưới sự bảo trợ của Liên hiệp Khoa học Công nghệ và Tin học Ứng dụng (UIA), ông tiến hành một số đề tài chính thức nghiên cứu khoa học về cảm xạ lần đầu tiên ở Việt Nam và thu được những kết quả đáng khích lệ trong ứng dụng cảm xạ học vào việc điều chỉnh, nâng cao sức khoẻ con người, khắc phục và xử lý ô nhiễm môi trường nhà ở, kích thích tăng trưởng ở thực vật…
Với ông, cảm xạ học là một môn khoa học có những chứng cứ rõ ràng chứ không phải là phù phép, mê tín dị đoan. Tham gia giảng dạy cảm xạ học ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, ông cũng hướng đến việc ứng dụng cảm xạ trong đời sống thực tiễn với những lợi ích thiết thực cho con người chứ không nhằm đi sâu vào những điều thần bí, kỳ dị.
Cảm xạ học là gì?
Theo ông Dư Quang Châu, cảm xạ là khả năng nhạy cảm của con người với bức xạ của vật thể. Cảm xạ chỉ kỹ thuật thực hành tìm kiếm các dòng nước ngầm, khoáng vật hoặc các vật thể bị giấu kín hoặc chôn vùi, bằng những dụng cụ đặc biệt như đũa, con lắc v.v…, không sử dụng máy móc thiết bị khoa học.
Quá trình lịch sử của Cảm xạ tồn tại dưới các hình thức khác nhau từ hàng ngàn năm trước. Nguyên thuỷ có thể cảm xạ phục vụ mục đích bói toán (divination) – bói ý chí của các thần, tiên đoán tương lai và tìm tội phạm trong xét xử. Trong thế kỷ 15 cảm xạ ở Đức được sử dụng để tìm kim loại. Kỹ thuật này đã được truyền bá sang Anh bởi những người khai mỏ Đức đến làm việc trong các mỏ than. Trong thời Trung cổ, cảm xạ bị quy chụp là gắn kết với Quỷ dữ. Năm 1659 cảm xạ bị Gaspar Schott tuyên bố là thuộc Sa-tăng. Cuối thập niên 1960 trong thời gian chiến tranh Việt NamThủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã dùng cảm xạ nhằm để định vị vũ khí và các địa đạo. Một quyển sách lớn về lịch sử cảm xạ được ông Christopher Bird phát hành năm 1979 dưới nhan đề “Cánh tay bói toán”
Quá trình hình thành và phát triển cảm xạ học ở Việt Nam do ông Dư Quang Châu khởi xướng được ghi nhận theo từng mốc thời gian cụ thể như: Năm 1997 môn “Năng lượng Cảm xạ” có mặt tại Việt Nam. Sau đó một năm (1998) bộ môn này được thành lập trực thuộc Liên hiệp Khoa học UIA. Ngày 09/05/1998 đã khai giảng khóa học đầu tiên về Năng Lượng Cảm Xạ tại Hà Nội. Và đến ngày 01/09/2003 Trường Đại học Quốc Tế Hồng Bàng chính thức thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Cảm xạ Địa sinh thái. Hai năm sau (2005) Công ty du lịch Biển xanh thành lập Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng Dưỡng sinh Năng lượng. Rồi cụ thể ngày 18/04/2006 bản Báo cáo nghiệm thu đề tài khoa học “Nghiên cứu ứng dụng năng lượng cảm xạ học” – mã số 812 UIA – đề tài cấp Liên hiệp với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, giáo sư, bác sĩ, … đã được hoàn thành. Rồi không thể không nhắc đến một mốc thời gian đáng nhớ nhất là ngày 09/05/2008 Bộ môn Năng Lượng Cảm Xạ ở Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm 10 năm hoạt động và quyết định chọn ngày này làm ngày sinh nhật hàng năm cho bộ môn. Và sau đó hai năm (19/03/2010) Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội đã chính thức thành lập Trung tâm Năng lượng cảm xạ học tại Hà Nội.
Cảm xạ học là một môn khoa học có những chứng cứ rõ ràng chứ không phải là phù phép, mê tín dị đoan.
Dưới sự “lèo lái” của Bác sĩ Dư Quang Châu, bộ môn cảm xạ học đã từng bước phối hợp và liên kết với các trường Đại học, các cơ sở đào tạo, các tổ chức xã hội trong và ngoài nước… tổ chức nhiều lớp huấn luyện phổ biến kiến thức và tổ chức hội thảo khoa học về năng lượng cảm xạ đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Bên cạnh đó, Nhà cảm xạ học Dư Quang Châu còn tư vấn và hỗ trợ các địa phương, các cơ sở nghiên cứu khoa học trong công tác nghiên cứu, thực nghiệm và đưa tiến bộ kỹ thuật về năng lượng cảm xạ học vào sản xuất, đời sống và sức khỏe cộng đồng.
Lắng nghe chính mình – từ cảm xạ học
“”Lắng nghe chính mình” hay “Biến điều không thể thành có thể” hoặc “đào tạo dị nhân”… là những thuật ngữ  không còn lạ mỗi khi nhắc đến bộ môn Cảm xạ học… Vì thực tế khi tìm hiểu về bộ môn học này, chúng ta có thể nhìn nhận được một sự thật là các chuyên gia cảm xạ học có thể “hô biến” cho hàng ngàn người cùng trở thành những người nam châm hút điện thoại di động trên trán, rồng rắn nối đuôi nhau đi chân trần trên những thảm mảnh vỡ thủy tinh sắc nhọn, băng mình qua thảm lửa đỏ than hồng rừng rực 500 độ C, hay có thể tự mình cảm nhận năng lượng chính mình và tự mình trò chuyện với hoa cỏ….
Tất cả những chuyện đó mới nghe thật phi lý và có vẻ kỳ lạ, huyễn hoặc nhưng ai đã từng trải nghiệm với cảm xạ học thì không lấy đó làm kỳ lạ. Bởi người dạy cảm xạ học không hướng đến việc tạo nên những “dị nhân”, mà mục đích của cảm xạ học là giúp con người sống hài hòa với thiên nhiên, giải tỏa những ức chế, những nỗi sợ hãi trong cuộc sống, để sống tự tin và yêu đời hơn…
Cụ thể là đã có nhiều học viên của Nhà cảm xạ học Dư Quảng Châu rất “ngạc nhiên” và cảm phục về bộ môn học này chỉ sau vài buổi học. Như lời chia sẻ và ghi nhận của một số học viên sau khi tham gia bộ môn cảm xạ học:
Khi mới đi học Cảm xạ nhìn thấy câu ‘Lắng nghe chính mình’, tôi rất ngạc nhiên không hiểu và cũng suy nghĩ mãi về câu này. Nhưng khi được học ‘Lắng nghe chính mình’ thì mới thấy hóa ra bao nhiêu năm qua mình không phải là mình, vì lúc nào cái tôi của mình cũng quá lớn, rồi cái tôi của mình nó làm khổ làm sở bản thân mình.
Khi đã hiểu được vấn đề, tự vấn lương tâm và thay đổi chính mình, kéo theo đó là biết bao nhiêu đổi thay của những người xung quanh tôi. Những anh, chị em của tôi, những cha, mẹ của tôi… Mọi người mới càng thấm thía hơn chuyện máu mủ tình thâm…
Dù có học cho mấy hay hỏi bao nhiêu đi nữa, nhưng cuối cùng quan trọng nhất vẫn là trải nghiệm của bản thân của mỗi người.“Lắng nghe chính mình”, rồi bằng cảm nhận của mình và tự mình cảm, tự mình thấy, để hiểu, để biết và rồi sẽ tin. Người ta thường nói trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ. Đức tin của con người cũng vậy, chỉ khi bằng thực tế chính mình cảm nhận thấy thì mới tin, và niềm tin này sẽ là tuyệt đối.
“Lắng nghe chính mình” mới thấy sự đổi thay trong cơ thể. Khi “Lắng nghe chính mình” thì các giác quan của chính mình nhạy cảm hơn, trực giác trở nên tốt hơn, sẽ biết được điều nào nên làm và điều nào không nên làm.
“Lắng nghe chính mình” sẽ thấy tâm tư mình lắng lại, cái tôi cái bản ngã bị loại trừ. Sẽ thấy được cốt lõi vấn đề nằm ở đâu, cái phù du, phù phiếm bị tẩy chay, làm cho tâm tư an lành, bình dị mà thánh thiện.“Lắng nghe chính mình”, làm cho mỗi chúng ta không còn điều gì là quá nặng nề, và tâm không còn vọng động. Sẽ làm cho mỗi con người chúng ta tự tin nhìn đời, nhìn cuộc sống trôi qua với một cái tâm thanh thản, nhẹ nhàng…”
Nhà cảm xạ học giải thích và chia sẻ
Mới nghe chúng ta ai cũng có những suy nghĩ về cảm xạ học là một điều thần bí? Bởi sao lại có những lớp cảm xạ có thể dạy con người đi trên than hồng mà không bị bỏng, đi trên mảnh chai không bị thương hay nói chuyện được với cây cỏ… Để giải thích về điều này ông Dư Quang Châu chia sẻ: “Việc đi trên than hồng có nhiệt độ trên 500oC, đi qua mảnh chai sắc nhọn thực sự không có gì là ghê gớm. Đó chẳng qua là một kỹ thuật. Nếu đã được hướng dẫn và tự tin thực hiện thì ai cũng có thể làm được. Ở lớp cảm xạ học, đứa con nít mới 11 tuổi cũng đã có thể đi được. Trong các khóa học của trung tâm, hàng trăm người đã đi trên than hồng mà không hề bị bỏng, thậm chí than hồng còn giúp lưu thông khí huyết trong cơ thể, có người khỏi bệnh nấm chân, chai gót, ra mồ hôi tay, hết được chứng lạnh sống lưng,… Cho nên, việc đó không có gì là thần kỳ mà rất đơn giản”.
Ông nói thêm: “Còn nói về việc trò chuyện với cây cối… đó dường như là tự sự. Trong cuộc sống ngày nay, con người phải đối mặt với rất nhiều áp lực, nhiều người bị trầm cảm vì chất chứa trong lòng những bức xúc không nói ra được. Do đó, phương thức nói chuyện với cây cỏ thật sự là để giúp con người xả bớt những bực dọc của mình để từ đó giải tỏa những ức chế trong cuộc sống, giúp con người tràn đầy yêu thương hơn. Điều này cũng có thể nói là cảm xạ học giúp con người tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống xô bồ như hiện nay”.
Chính khả năng giúp mọi người tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống, từ đó cải thiện được một số bệnh như vậy, nên đôi khi “vàng thau lẫn lộn”. Đã có nhiều người mượn danh cảm xạ học rồi nói học cảm xạ để chữa được bệnh tiểu đường, HIV, ung thư… Việc đó làm cho cộng đồng hiểu sai về cảm xạ học, nghi ngờ đó là một hình thái mị dân. Trên thực tế, cảm xạ học cũng có ứng dụng trong y học. Các nhà cảm xạ đã ứng dụng môn năng lượng cảm xạ vào nền y học phương Đông, dùng con lắc và cảm xạ đồ để chẩn đoán bệnh, hỗ trợ điều trị bệnh bằng năng lượng cảm xạ. Phương pháp này đã áp dụng lâu đời ở phương Đông và cả phương Tây, chúng đều có những chứng cứ khoa học.
Thực tế qua nhiều năm, qua các đề tài khoa học với sự tham gia của nhiều chuyên gia, giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ và các báo cáo của hàng chục ngàn học viên thì cảm xạ học đã giúp đa số người cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần của mình. Nguyên lý của rung động thư giãn trong cảm xạ là cân bằng âm dương, điều hòa cơ thể. Khi cơ thể đạt được trạng thái quân bình thì một số căn bệnh tự lui. Hiện nay Bác sĩ Dư Quang Châu tiếp tục lan tỏa phương pháp chữa bệnh độc đáo bằng bấm huyệt Thập Chỉ Đạo của “Tổ sư” cụ bà Huỳnh Thị Lịch mà nay được các nhà khoa học đặt cho tên gọi mới là Thập Chỉ Liên Tâm pháp với cách thức đơn giản dễ thực hiện hơn, điều trị rất hiệu quả một số bệnh: ví dụ bệnh mất ngủ kinh niên hoặc đau mỏi thắt lưng, mỏi vai gáy, ù tai, nặng tai do tuổi già.
Và cũng chính khả năng giúp mọi người tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống của bộ môn cảm xạ học, đã giúp nhiều người tìm đến các lớp cảm xạ học. Họ đến đây không phải vì muốn biến mình thành những “dị nhân”, thỏa mãn sự hiếu kỳ hoặc học một trò “ma thuật” nào. Mà hầu hết những người tìm đến cảm xạ học là để khỏe mạnh, trẻ trung, vui vẻ hơn trong cuộc sống. Nhiều học viên tìm lại được niềm vui và hài lòng với thân hình thon gọn hơn khi trút bỏ được gánh nặng trọng lượng cơ thể do bệnh béo phì, một căn bệnh thời đại. Phương pháp giảm béo của cảm xạ không hề phải sử dụng thuốc mà hoàn toàn tự nhiên, không tốn kém và dễ dàng áp dụng. Nhiều học viên thì phấn chấn vì nhờ con lắc và các dụng cụ cảm xạ mà điều chỉnh được không gian sống nơi ở, nơi làm việc tràn đầy sinh khí, giúp tinh thần thoải mái hơn.
Ông Dư Quang Châu giải thích rõ: “Việc cho học viên đi chân trần trên than hồng chẳng phải để giúp con người đạt khả năng kỳ diệu đi được trên lửa mà quan trọng hơn hết chính là làm cho con người vượt qua nỗi sợ hãi, tin vào khả năng có thể làm được của mình và khi thực hiện thành công thì sự tự tin trong họ tăng lên”.
Thật vậy, đã có những học viên khi chiến thắng nỗi sợ hãi của bản thân và vượt qua thử thách đi trên than hồng, chia sẻ: Sau khi hoàn thành nhiều buổi học của cảm xạ về tuyệt thực (nhịn ăn), rung động thư giãn…, đến phần học đi trên than hồng thì hầu như ai cũng lo sợ, mặc dù đã thuộc làu các kỹ thuật và đi thử trên nền gạch. Vậy mà, đến lúc thực hành, nhìn thấy những hòn than đang cháy rực, chỉ mới đứng gần mà sức nóng tỏa ra từ thảm lửa làm rát cả da, lúc đó nỗi sợ lấn át lý trí và sự quyết tâm ban đầu đã biến mất… Nhưng sau đó thấy nhiều người, kể cả những học viên nữ cũng bước đi trên than hồng nhẹ nhàng như trên sàn nhảy thì họ lại quyết định liều đi thử… Lúc đó, bao nhiêu kiến thức cảm xạ được học họ đã đem ra áp dụng như vận khí, nâng khí, rung động thư giãn, mắt nhìn thẳng, bàn chân song song với mặt than… bước nhanh trên đống than hồng trải dài… Và, thế rồi, khi chưa kịp cảm nhận được gì thì bàn chân đã tiếp đất và vượt qua thử thách một cách ngoạn mục. Vậy mới biết, có chuyện tưởng như kinh hoàng nhưng khi thực hiện lại rất dễ dàng…
Bộ môn cảm xạ học không chỉ có thế, mà nó còn rất nhân văn khi ta nhìn sâu hơn. Đó là nó có thể giúp cho nhiều người vốn nhút nhát, tự ti, mặc cảm, thu mình lại với những người xung quanh… có thể trở nên tự tin, mạnh mẽ hơn. Những người bị căng thẳng trong cuộc sống cũng tìm được sự giải tỏa, cân bằng thể chất và tinh thần.
Năng lượng cảm xạ học cho thấy tiềm năng vô cùng to lớn của con người, đặc biệt là sự kỳ diệu và bí ẩn của tổ chức bộ não với hơn 16 tỉ tế bào thần kinh.
Một học viên đã tham gia cảm xạ học tâm sự: “Trước đây, áp lực trong cuộc sống khiến tôi trở nên bế tắc, cáu gắt, bất cần đời, vô cảm với những việc diễn ra trong cuộc sống, ra đường chẳng buồn giúp đỡ mọi người, về nhà thì cáu gắt với những người thân yêu. Tôi đến với lớp học cảm xạ vì muốn tìm sự thư giãn, giảm căng thẳng thần kinh. Sau những buổi học tiết thực, rung động thư giãn… tâm tính tôi thay đổi hẳn, không còn suy nghĩ chán chường mà lạc quan, có ý chí phấn đấu trong cuộc sống. Tôi hiểu hơn về giá trị bản thân mình và quý trọng những người xung quanh. Đó là thành công lớn nhất khi tôi tham dự lớp cảm xạ”.
Theo ông Dư Quang Châu, trong cảm xạ học thì rung động thư giãn, còn gọi là “thiền động” là môn học cơ bản nhất. Nó rất bình thường nhưng không tầm thường. Phương pháp này đơn giản như việc hướng dẫn mọi người thả lỏng cho cơ thể tự lắc lư, uyển chuyển, lắng nghe những rung động của chính cơ thể mình một cách tự nhiên, giống như vặn mình khi mỏi cổ, mỏi vai, nhưng sau khi thực hiện con người cảm thấy rất khoan khoái, dễ chịu.
Với cuộc sống nhiều xáo trộn trong xã hội hiện đại này, thì con người không thể tránh khỏi những áp lực do cuộc sống đem đến. Những áp lực đó có thể trực tiếp hay gián tiếp làm cho con người mất đi sự cân bằng trong cơ thể – nguồn gốc của bệnh tật và stress. Hay nói chính xác hơn là có những việc đáng lẽ buồn thì có lúc ta phải che giấu, đáng lẽ đến lúc cơ thể phải nghỉ ngơi thì ta lại phải cố gắng hoàn thành công việc, đáng lẽ tức giận thì ta lại phải mỉm cười cho được việc… Tất cả những cảm xúc đó bị kìm nén và chôn kín lâu dần sẽ tạo nên những ức chế trong cuộc sống và dẫn đến stress. Bài tập rung động thư giãn của cảm xạ học có thể coi là một liệu pháp chữa stress hiệu quả.
Những người chưa hiểu và chưa trải nghiệm phương pháp rung động thư giãn này mà quan sát từ bên ngoài có thể sẽ có cảm tưởng rằng học viên cảm xạ trong khi tập rung động thư giãn có những hành vi rất kì dị: uốn éo, lắc lư, lăn lê bò toài, thậm chí khóc cười vô lối… mà đôi khi bị gán cho mấy chữ tâm linh huyền bí hoặc thậm chí hai chữ “tâm thần” hoặc “ma quái”. Nghĩ vậy mà không phải vậy, vì thực chất, những học viên tập luyện hoàn toàn ở trạng thái tỉnh táo, chỉ có điều họ cho phép cơ thể được tự do thư giãn bởi phương pháp rung động thư giãn này giúp con người tự quân bình cơ thể. Khi cơ thể được thả lỏng và thư giãn hoàn toàn thì sóng rung động trong cơ thể chuyển động một cách vô thức nhằm giúp hệ thống thần kinh tự động của con người tự điều chỉnh những trục trặc, bế tắc của bản thân, từ đó đạt được sự cân bằng. Nó rất tự nhiên, như khi nóng da đổ mồ hôi, khi chạy tim đập nhanh, khi buồn ta khóc, khi vui ta cười, khi tức giận thì la hét, mà không phải kìm nén, dấu lòng. Trong tập luyện rung động thư giãn, những việc này diễn ra như một lẽ đương nhiên mà ít ai đặt câu hỏi tại sao lại như vậy? Dường như trong vô thức, những hành động bản năng này giúp con người lấy được sự cân bằng, chống chọi lại với những áp lực, căng thẳng của đời sống. Kết quả là sau những phút tựa “xuất thần” ấy, con người như trút được biết bao thứ từng chất chứa nặng trĩu trong người, chợt thấy nhẹ nhõm và sảng khoái vô cùng như thành một con người hoàn toàn tươi mới – một cảm giác thăng hoa quý giá giúp nhiều người thay đổi sâu từ tận bên trong.
Ông giải thích rõ hơn: “Năng lượng cảm xạ học cho thấy tiềm năng của con người là vô cùng to lớn. Đặc biệt là sự kỳ diệu và bí ẩn của tổ chức bộ não với hơn 16 tỉ tế bào thần kinh. Con người là một thực thể trong vũ trụ nên chỉ có thể tồn tại và phát triển tốt đẹp trong sự hài hòa với vũ trụ. Và khi có khả năng nhận biết được những thông tin phát ra dưới dạng năng lượng bức xạ từ các vật thể xung quanh nên con người rút ra được những cách thức để sống hài hòa với tự nhiên, giữ gìn sức khỏe, cải thiện môi trường sống, làm cho cuộc sống lành mạnh và tốt đẹp hơn”.
Vậy đó, chính những điều đó đã minh chứng được vì sao lại nói bộ môn Năng lượng cảm xạ – “đứa con tinh thần” của Nhà cảm xạ học Dư Quang Châu lại là một bộ môn để mỗi người học có thể tự mình “lắng nghe chính mình” và thật sự tự hiểu được mình dù rằng lúc nào thì đó cũng chỉ vẫn là chính mình.
Cảm ơn Nhà cảm xạ học Dư Quang Châu – người “cha đẻ” của bộ môn năng lượng cảm xạ học, đã giúp Việt Nam tỏa sáng hơn về tri thức trước những bạn bè quốc tế biết và hiểu về Việt Nam – hiểu về những người con đất Việt tuy nhỏ bé nhưng luôn mạnh mẽ, luôn có thể chinh phục bất cứ điều gì nếu mình có đủ sự tự tin ở bản thân, như chính môn học Cảm xạ mà ông đã dày công nghiên cứu và truyền tải đến mọi người cùng cảm nhận và cùng tận hưởng những khả năng “kỳ lạ” của nó.
Xin chúc ông và chúc môn học này sẽ gặt hái được nhiều thành công trong tương lai, để giới thiệu đến với mọi người biết rằng đây chính là phương pháp mới hoàn toàn tự nhiên, không tốn kém có thể giúp mọi người cân bằng được cuộc sống của chính mình, trở nên hạnh phúc, an vui hơn trong thời buổi hiện đại này…