Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

TÌM HIỂU QUẺ THIÊN SƠN ĐỘN.

 I.TÊN GỌI: Ngọai quái  là quẻ CÀN có nghĩa làTHIÊN (Trời). Nội quái là quẻ CẤN có nghĩa là SƠN (núi). Nên tên quẻ gọi là Thiên Sơn Độn. Độn có nghĩa là tránh lui, là lãng tránh, là lẫn trốn, là lánh trần ẩn dật, là khiêm nhường, nhường bước.
II.TỰ QUÁI ( Thứ tự quẻ): Hằng giảcửu dã. Vật bất khả dĩ cửu cư kỳ sở, cố thụ chi dĩ Độn. Độn giả thối dã. Dịch nghĩa: Hằng có nghĩa là trường cửu, bền lâu. Trên đời này không có vật gì, sự việc gì đứng yên mãi một chổ mà không có sự đổi thay, dịch chuyển. Hễ ở lâu tất phải tránh lui. Mặt trời phải lui để cho màn đêm buông xuống; mùa xuân phải lui để cho mùa hè xuất hiện; làm quan suốt đời phải về hưu để nhường chỗ cho đòan hậu tấn; khách đến chơi nhà ngồi lâu phải lui để trả tự do lại cho chủ nhà. Cho nên sau quẻ Hằng thì tiếp đến quẻ Độn. Độn có nghĩa là tránh lui.
Đến đây sẽ có câu hỏi, tại sao đã nói Đạo Hằng là không thay đổi, thì tại sao không ngồi yên một chỗ mà phải Độn, phải tránh lui. Hằng là đạo của trời đất, là bất di bất dịch, là thuộc về tiên thiên, nhưng chữ VẬT trong câu VẬT BẤT KHẢ DĨ CƯ KỲ SỞ là thuộc về hậu thiên. Đã nói là hậu thiên thì phải có sự xê dịch biến thiên, nhưng biến thiên để đúng theo đạo lý. Độn là theo hòan cảnh mà biến thiên để giữ đúng đạo lý. Mùa xuân mà không tránh lui cho mùa hè là sai đạo lý. Thế phải rút lui để bảo tòan tính mạng mà không rút lui sẽ chuốc họa vào thân.
Quẻ có hai hào âm bên dưới và bốn hào dương bên trên cho thấy âm đang trưởng và dương đang tiêu, hay còn có nghĩa thời này bọn tiểu nhân đang thịnh, lấn lướt người quân tử. Cho nên lúc này người quân tử nên lánh thân ẩn dật để bảo tòan thân danh và để chờ thời cơ thuận lợi. Có câu “ Minh triết bảo thân” hoặc câu “ Tránh voi chẵng xấu mặt nào”, sự tránh lui của người quân tử trong thời này là khế cơ hợp đạo.
III. SÓAN TỪ ( Ý nghĩa của quẻ): ĐỘN: HANH, TIỂU LỢI, TRINH
Độn có nghĩa là tránh lui mà sao lại được hanh, tiểu lợi, trinh.
Quẻ này là thời đạo tiểu nhân trưởng, đạo quân tử tiêu. Thế lực người quân tử không đủ sức bảo vệ thân mình cũng như không đủ sức xoay chyển tình thế trước thế lực của bọn tiểu nhân nên phải tìm phương thóai thân để bảo tòan danh tiết. Xử sự được như vậy , tuy thân mình độn nhưng đạo mình được hanh.
Quẻ này tuy âm trưởng đến hai âm nhưng bè quân tử vẫn còn có bốn dương liên kết với nhau. Nếu người quân tử khéo léo biết lựa thời cơ, biết cách cư xử với bọn tiểu nhân, thì dù hòan cảnh có khó khăn nhưng vẫn được tiểu lợi và trinh.
IV. SÓAN TRUYỆN( lời giải thích sóan từ của đức Khổng Tử)
SÓAN VIẾT: ĐỘN, HANH. ĐỘN NHI HANH DÃ. CƯƠNG ĐANG VỊ NHI ỨNG, DỰ THÌ HÀNH DÃ, TIỂU LỢI, TRINH, TẨM NHI TRƯỠNG DÃ. ĐỘN CHI THÌ NGHĨA ĐẠI HỈ TAI
Dịch nghĩa:
ĐỘN, HANH. ĐỘN NHI HANH DÃ: Thời độn, biết rút lui kịp thời đúng lúc thì được hanh thông. Thân người quân tử tuy thối nhưng đạo người quân tử được hanh thông, không hề bị bế tắc. Trong thời tiểu nhân đạo trưởng, quân tử đạo tiêu thì người quân tử thóai thân để bảo vệ thân danh, tiến đức tu nghiệp, củng cố nội lực, chờ thời cơ thuận tiện để mưu đồ đại cuộc là chước hay nhất. Do đó nên độn mà được hanh.
CƯƠNG ĐANG VỊ NHI ỨNG, DỰ THÌ HÀNH DÃ, TIỂU LỢI, TRINH, TẨM NHI TRƯỞNG DÃ:
Đang vị: đương có chức vụ và quyền uy. Dự thì hành dã: Tùy thời mà hành động. Tẩm: dần dần, từ từ.
 Hào cửu ngũ là hào dương, đác vị đắc trung. Hào cửu ngũ này lại ứng với hào lục nhị bên dưới cũng đắc vị đắc trung. Hào cửu ngũ lại làm lãnh đạo trong nhóm tứ dương. Tuy là đang đương quyền đương chức, tuy làchung quanh đang có người ủng hộ phù trì, nhưng cữu ngũ  thấy xa trông rộng, biết thế mình đang yếu trước đám tiểu nhân đang tiến lên, tương lai rồi cũng sẽ bị khổn nguy về tay chúng, nên chủ động rút lui nhường bước trước là để tránh tồn thất cho đại cuộc, sau để bảo tòan danh tiết, củng cố nội lực, chờ thời cơ sẽ tính kế về sau.Tuy là âm đang trưởng , nhưng mà còn dần dà trưởng, từ từ trưởng chớ không phải bạo phát. Kẻ tiểu nhân chưa mạnh nhưng người quân tử đã nhường bước. Nếu không phải là người sáng suốt nhìn xa thấy rộng, biết người biết ta, dự đóan được thời cơ; nếu không phải là người có đầy đủ dũng khí biết đặt nghĩa cã, đại cuộc trước những toan tính cá nhân thì không dễ gì người quân tử chịu rút lui trong lúc này. Chính nhờ vậy nên người quân tử vừa có tiểu lợi vừa được trinh: Tiểu lợi làbảo tòan được thân danh. Và quan trọng nhất là được chữ Trinh: đó là vẫn  giữ được cốt cánh trinh chính của cá nhân mình, phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất; đó là vẫn giữ được lý tưởng và chí hướng mình đối với đại cuộc ; đó là sự nguyên vẹn và an tòan của đại cuộc ( không bị làm hỏng do người quân tử biết rút lui đúng thời kịp lúc).

ĐỘN CHI THÌ NGHĨA ĐẠI HỈ TAI: Nghĩa lý chữ THỜI trong quẻ độn lớn lắm thay. Sở dĩ thánh nhân khen như vậy là vì thời độn là thời phải tháo lui trốn chạy, nhưng người quân tử khéo biết DỰ THỜI HÀNH DÃ thì vừa được minh triết bảo thân, vừa phù trì thế đạo.
ĐẠI TƯỢNG TRUYỆN:
TƯỢNG VIẾT: THIÊN HẠ HỮU SƠN, ĐỘN. QUÂN TỬ DĨ VIỄN TIỂU NHÂN, BẤT ÁC NHI NGHIÊM.
Viễn: tránh xa. Ac: dữ dằn, xấu xa, gườm gườm hằm hằm ra vẽ dữ tợn. Nghiêm: nghiêm nhặt, chặt chẻ, nghiêm túc, cẩn thận, nghiêm trang.
Trời thì vô cùng, núi thì hữu hạn. Núi lừng lững tiến lên cao như chọc thủng trời. Đứng dưới chân núi nhìn lên thì ta tưởng chừng như trời ngay sát trên đỉnh núi. Nhưng khi lên tới đỉnh núi thì ta thì ta thấy trời và núi cách xa nhau nhiều lắm. Trời tuy cách xa núi nhưng vẫn bao trùm, che chỡ và dung chứa núi. Có ngọn núi cao nào mà thóat ra khỏi gầm trời. Đó là hình tượng quẻ Độn. Người quân tử xem tượng ấy thì học cách tránh xa đứa tiểu nhân. Tránh xa không có nghĩa là ghét bỏ, mặc kệ, không buồn nhắc tới để khỏi lụy thân mình. Tránh xa  như vậy chỉ làm cho bọn tiểu nhân thêm tác tệ mà có thể gây phương hại thêm cho những người chung quanh; trong khi vai trò của người quân tử là “ At ác dương thiện”. Do đó, chữ Nghiêm nơi đây bao hàm ý nghĩa vừa có ân vừa có uy. Có ân để thể hiện đức háo sanh của trời đất, để dung dưởng cho kẻ tiểu nhân được bảo tòan sự sống. Có ân để chuyển tâm kẻ tiểu nhân bằng tình thương, để kẻ tiểu nhân cãm đội ơn đức của người quân tử mà tỏ dạ tín thành, yêu mến, cãm phục, vâng lời, nhờ đó người quân tử mới có thể giáo hóa kẻ tiểu nhân trở nên người tốt, trở thành một thành viên tích cực trong cộng đồng nhân lọai. Có uy để cho kẻ tiểu nhân biết kính sợ màkhông lờn dễ xem thường. Có uy để người tiểu nhân thấy  rằng quân tử và tiểu nhân không phải là “ cá mè một lứa”, mà có một ranh giới vô hình giữa họ. Nếu muốn vượt qua lằn ranh này kẻ tiểu nhân phải trãi qua một quá trình tu thân luyện kỷ. Về phần người quân tử, để làm được VIỄN TIỂU NHÂN, BẤT ÁC NHI NGHIÊM người quân tử phải hết sức phản tỉnh nội cầu, và liên tục tiến đức tu nghiệp để đủ sức dung chứa được tiểu nhân và làm gương tốt cho tiểu nhân. Trong đời thường, dù muốn dù không thì bên dưới người quân tử luôn luôn có mặt tiểu nhân, giống như dưới trời luôn luôn có núi. Viễn tiểu nhân bất ác nhi nghiêm là một phương xữ thế rất tuyệt vời mà người quân tử không thể có cách chọn lựa nào hay hơn được. Tuy nhiên, Thánh nhân xưa cũng lưu ý người quân tử học dịch phải hết sức cẩn thận vì không phải cứ rút lui là tốt hết đâu. Độn chi thời nghĩa đại hỉ tai!Cái nghĩa của chữ thời lớn lắm thay; mỗi hào từ cho thấy một thời của độn, hoặc tốt hoặc xấu.
HÀO TỪ VÀ TIỂU TƯỢNG TRUYỆN:
SƠ LỤC: ĐỘN VĨ: LỆ, VẬT DỤNG HỮU DU VÃNG
Vĩ: đuôi. Sơ lục là hào dưới cùng của quẻ Độn. Ở vị trí đuôi của quẻ Độn nên gọi là Độn Vĩ. Ở thời Độn, ai cũng lánh thân trước để bảo thân, nhưng mình còn rù rờ chậm chân, không theo kịp người nên rất nguy hiễm. Tuy nhiên, vì là hào sơ lục ở sau đuôi quẻ, ví như người vô danh tiểu tốt, ít bị người dòm ngó dèm pha. Do vậy, nếu sơ lục  ý thức được thân phận và hòan cảnh của mình nên nép mình để xem chừng thời thế, không nên xuất đầu lộ diện mà hành động theo ý mình thì cũng có thể được an thân.
TƯỢNG VIẾT: ĐỘN VĨ CHI LỆ BẤT VÃNG HÀ TAI !
Độn mà ở sau người thì có nguy hiễm, tuy nhiên nếu biết nguy mà nấp nép, không tiến vãng , không manh động thì làm sao mà có tai họa cho được!
LỤC NHỊ: CHẤP CHI DỤNG HÒANG NGƯU CHI CÁCH, MẠC CHI THĂNG THÓAT
Chấp : trói buộc. Ngưu : trâu( con vật có tính nhu thuận). Hòang: màu vàng ( ở ngôi trung trong hà đồ ). Hòang Ngưu tượng trưng cho sự nhu thuận vàtrung chính, do đó ám  chỉ lục nhị. Cách: da thuộc. Mạc chi thăng thóat : giao kết rất bền chặt.
Lục nhị chính ứng với cửu ngũ, cả hai đều đắc trung đắc chính, nên tương giao tương kết chặt bền như được cột với nhau bằng tấm da ( da có tính kết tính , người ta chế ra a-dao để trộn vôi quét tường ). Tình nghĩa quân thần tương liên bền chặt, lục nhị không dám bỏ trốn vì phải kề cận bên cữu ngu, tựa như Cơ Tử là phụ sư đời nhà An. Nhà An suy vi Cơ Tử không dám trốn đi để tránh tai họa mà nói rằng “ Ngã bất cố hành độn”.
Hào này cũng ứng với trường hợp của Hạ Vũ trị thủy trong 10 năm dưới thời vua Thuấn. Ngài hết sức tận tụy và mẫn cán với vua, với việc nước đến độ trên đường công tác, có dịp đi ngang nhà ngài cũng không dám vào thăm vì sợ ảnh hưởng đến công tác.
TƯỢNG VIẾT: CHẤP DỤNG HÒANG NGƯU, CỐ CHÍ DÃ. Nghĩa là Hào lục nhị và cửu ngũ tương liên bền chặt như buộc dính nhau bằng tấm da, ý chí ấy trước sau vẫn kiên định, một lòng sắt son chung thủy.
CỬU TAM: HỆ ĐỘN: HỮU TẬT LỆ, SÚC THẦN THIẾP CÁT.
TƯỢNG VIẾT: HỆ ĐỘN CHI LỆ HỮU TẬT BẠI DÃ. SÚC THẦN THIẾP CÁT, BẤT KHẢ ĐẠI SỰ.
Bại: kiệt sưc, mệt mõi. Tật: đau khổ. Lệ: Nguy Trong thời độn, thay vì phải độn cho nhanh , cho xa thì cửu tam dương cương lại vướng víu , bận bịu với lục nhị bên dưới nên rất nguy hiễm. Trong hòan cảnh đó nếu nuôi bọn thần thiếp ( thần : người cận kề dưới trướng để sai sử; thiếp: nàng hầu ) để sai sử, để được giúp đở trong lúc cần kíp thì cũng có thể tốt lành được. Tuy nhiên trong hòan cảnh này người quân tử không thể muu việc lớn được ( Ngài Phan Bội Châu nhắc lại tích của Thượng tướng quân Thái Tùng Pha dưới thời Viên Thế Khải và nàng thiếp Phụng Tiên là trường hợp điển hình cho hào này). Thần thiếp được súc cũng không giúp được người quân tử làm nên đại sự.
Trùng Nhĩ Tấn văn Công khi lưu vong nhờ nhiều hiền thần phò tá nên sau phục quốc được. Khi hồi trào, Tấn văn Công tưởng thưởng cho những người có công thì có tiểu thần Hồ Thúc tâu rằng:
“ Tôi từ Bồ Thành theo chúa công đi khắp bốn phương, chân đã mòn gót. Ở thì tôi lo bữa ăn bữa ngủ; đi tôi lo nổi ngựa xe, chớ hề giây phút nào rời chúa công bên tả bên hữu. Nay chúa công ban thưởng kẻ tòng vong mà chẵng nhắc tới tiểu thần, tưởng khi tiểu thần có tội chi chăng?”
Tấn văn Công nói:
“ Ngươi bước tới đây ta nói rõ cho ngươi nghe! Vã những người dạy ta nhân nghĩa, khiến ta mở mang gan phổi thì được thượng thưởng. Giúp ta dùng mưu lược khiến ta chẵng phục tòng chư hầu thì được thứ thưởng. Xông tên đá, lướt mũi nhọn, lấy thân che đỡ cho ta thì được kế thứ thưởng. Cho nên thượng thưởng là thưởng đức; thứ thưởng là thưởng tài;kế thứ là thưởng công. Còn như đi đứng nhọc nhằn là sức kẻ thất phu, phải sau bậc tam thưởng chừng đó mới tới ngươi.”
 Hồ Thúc nghe thì bằng lòng mắc cở mà lui ra. Lời của Tấn văn Công giúp ta hiểu vì sao súc thần thiếp mà được cát . Tuy nhiên không thể làm thành đại sự được. Việc phục quốc đại sự của Tấn văn Công ứng vào chữ thời. Nếu thời chưa có thì cát của súc thần thiếp chỉ là tiểu sự.
.
CỬU TỨ:HÁO ĐỘN: QUÂN TỬ CÁT, TIỂU NHÂN PHỦ
TƯỢNG VIẾT: QUÂN TỬ HÁO ĐỘN, TIỂU NHÂN PHỦ DÃ
Háo: ưa thích. Phủ: không
Cửu tứ chính ứng với sơ lục. Cửu tứ dương cương ở ngọai quái, sơ lục âm nhu ở nội quái. Trong lòng thì có tình cảm với sơ lục đó, nhưng khi nhận ra hòan cảnh của mình thì cửu tứ cương quyết dứt tình mà trốn đi ngay được nên mọi việc đều tốt lành. Chỉ có người quân tử mới làm như vậy được, tiểu nhân thì vương vấn không rời nên  không thể bỏ đi được. Trình Di trong Chu dịch thị truyện cho rằng đây là trường hợp của người biết khắc kỷ phục lễ, lấy đạo nghĩa áp chế dục vọng.
Người quân tử tuy có tính háo nhưng làm được nghĩa độn, tiểu nhân thì không thể làm như vậy được
CỮU NGŨ: GIA ĐỘN: TRINH CÁT.
TƯỢNG VIẾT: GIA ĐỘN TRINH CÁT, DĨ CHÍNH CHÍ DÃ
Gia: tốt đẹp. Gia độn là rút lui một cách tốt đẹp
Cữu ngũ là hào đắc trung đắc chính. Đang chính ngôi chính vị, lại có người chính ứng phù trì bên dưới là lục nhị  cùng đắc trung đắc chính . Tuy nhiên, do biết trước tương lai của mình sẽ bị nguy vong trước thế lực đang lên của bọn tiểu nhân nên chủ động rút lui thóai vị giữa lúc đang còn đủ đầy quyền lực và có người ngay chính ủng hộ mình . Đó mới là gia độn. Đó mới có thể giữ được thân danh cho cá nhân mình ( Trinh), và không làm tổn hại đến cơ đồ đại sự mà mình đang theo đuổi và gìn giữ ( Cát ).Muốn được gia độn trinh cát thì tâm chí phải luôn trung chính. Không phải người biết giữ được chính chí thì không thể nào làm được gia độn. Đây là trường hợp của Tổng Thống Charles De Gaulle của Pháp. Làm Tổng Thống từ 1958-1969, đã từng đưa nước Pháp ra khỏi cơn giông tố sau chiến tranh Algerie. Nhưng khi thấy sự tín nhiệm của dân chúng không được như xưa, tuy hãy còn chưa hết nhiệm kỳ, ông vẫn xin từ chức. Hành động này gíup ông vẫn giữ được lý tưởng và thân danh của ông, mà còn khiến cho cã nhân dân Pháp lẫn thế giới đều cãm phục.
Tình thế của chính quyền Sài Gòn vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 cũng là một thí dụ inh họa rất cụ thể. Tổng Thống Dương văn Minh lúc bấy giờ biết không giữ nỗi chính quyền trước sức mạnh của đòan quân giải phóng đang từ từ tiến vào cửa ngỏ thủ đô nên ông cùng các quan chức thuộc quyền trong bộ máy chính quyền tuyên bố rút lui và chờ đợi chính quyền mới đến để bàn giao quyền lực. Đó là gia độn. Nhờ hành động sáng suốt và dũng cãm này nên máu của hai phe cũng như của nhân dân đã không đổ, tài sãn bàn giao nguyên vẹn, và đặc biệt nhất là thân danh củaTổng Thống Dương Văn Minh  vẫn được bảo tòan . Đó là được Trinh Cát. Đó là bởi ông Minh có được Chính Chí. Hào này là linh hồn của sóan từ ( Độn nhi hanh dã. Cương đang vị nhi ứng, dữ thời hành dã. Dữ thời hành da, tiểu lợi, trinh. Độn chi thì nghĩa đại hỉ tai! ) mà tiểu lợi của sóan từ ứng với những gì ông Minh nhận được sau những công lao mà ông đã làm cho dân cho nước vào thời điểm đó: không bị đi học tập cải tạo như bao tướng lãnh cao cấp khác của chánh quyền củ, được khen ngợi như người có quyết định sáng suốt trong thời khắc lịch sữ của dân tộc, được sống yên thân trong ngôi biệt thự HOA LAN của ông cho đến cuối đẫn ời.  Trinh ứng với việc ông Minh vẫn giữ vẹn khí tiết và lý tưởng của mình: Trong lòng người Sài Gòn ông Minh vẫn còn nguyên vẹn hình ảnh của  một vị Đại Tướng gan dạ, mưu trí; một vị Tống Thống trong thời khắc ngắn ngũi để làm một sứ mạng cao cả là đánh hồi chuông lệnh đẻ đánh dấu cái ngày hết sức quan trọng của dân tộc Việt nam: Độc lập , tự do và hạnh phúc. Một cuộc nội chiến dai dẵng đau thương trên ba mươi năm đã kết thúc hết sức êm thắm tốt đẹp để làm tiền đề cho một nước Việt Nam xứng tầm vóc cùng bạn bè năm châu như hiện nay.
 THƯỢNG CỬU: PHÌ ĐỘN VÔ BẤT LỢI
TƯỢNG VIẾT: PHÌ ĐỘN VÔ BẤT LỢI, VÔ SỞ NGHI DÃ
Phì : khoan khóai. Phì độn: là rút lui mà trong lòng khoan khóai, vì thế mà làm việc gì cũng hay, cũng lợi. Nghi: nghi ngờ, nghi ngại.Trong thời độn, thế tiểu nhân đang thắng, đạo quân tử lui, người quân tử thối tàng, ung dung tiêu sái để minh triết bảo thân thì không có gì là không lợi, không có điều gì phải nghi ngại nữa.
Gọi là phì độn là vì hào thượng cửu là vô vị vô ứng, tượng trưng người quân tử có tài  nhưng muốn thoát vòng kềm tỏa của lợi danh, chỉ muốn lấy đạo đức làm cao lương , lấy cao lương làm mỹ vị. Ba hào cửu tam, cửu tứ, cửu ngủ đều bị dính dáng ràng buộc với hào âm bên dưới, riêng thượng cửu ở trên cùng ngọai quái, lại không dính líu ràng buộc với ai nên thung dung tự tại như chim không bị lưới giăng, tự do mặc sức bay cao bay xa trên bầu trời rộng mênh mông. Thời quân tử đạo tiêu nên càng độn xa được bao nhiêu thì càng tự do bấy nhiêu. Đây là trường hợp của Trương Lương sau khi giúp Bái Công thống nhất Trung Nguyên, uy tín lừng lẫy, liền xin về quy ẩn , đóng cửa từ khách để tu tâm dưỡng tánh.
Con ông là Trương Tích Cường một hôm hỏi ông:
“ Nay cha đã làm Thầy của vua, nhiều phen lập nhiều công lớn, làm quan đến chức tam công, lẽ thì ăn ngọc thực muôn chung, an hưởng giàu sang lâu dài với nước, làm công thần muôn đời cũng chẵng phải là quá lắm, sao lại đóng cửa từ khách, ở chỗ vắng ào ra thong thảẽ mà chịu thanh khổ như vầy là ý chi vậy?”
Trương Lương nói:
“Con biết sao được! Vã chăng trong đời mà ham giàu sang là vui công danh đã được, mừng vinh hoa nhãn tiền. Ngồi cao mà hưởng, nhất hô bá ứng, thê thiếp đầy nhà, ca xướng đầy tai thì đã gọi là chí bình sinh đã tột rồi, chứ chẵng có biết ngôi tột bực nhân thần thì thiên hạ hay ghen ghét, trèo cao không lẽ mà không té, chứa đầy không lẽ không tràn. Vua nghi mình quyền trọng, Trời ghét kẻ đầy tràn, kẻ ghét đã mong lòng gấm ghé, người hiềm chờ dịp đẩy đưa. Chẵng may màcửu trùng sinh giận, nhiều miệng xúi nói vào thì chừng ấy hết kẻ đở che, chạy đi đâu cho khỏi, có phải mình là đã bị hại mà vợ con lại mang tai, phú quý sinh hoa phủi tay trong nháy mắt. Chi cho bằng vui chơi non nước, hưởng thú giang hồ, say túi càn khôn, giởn bầu nhật nguyệt, rieng ở một nhà vào ra thong thả, tuy vắng vẽ một mình mà trong lòng  khóai lạc; thà ăn rau cỏ sớm trưa mà tọai chí tiêu dao, vinh nhục khỏi lo, không màng danh lợi, an thân bảo mạng, thong thả trọn đời giữ trọn tiếng lương thần chẵng hơn cuộc vinh hoa phú quý sao?”
Trương Tích Cường bái phục mà nói rằng:
“ Nay con mới biết ý cha, ấy là đạo minh triết bảo thân đó.”
                                                            ( Tây Hán Chí trang 552-553 )
Hào này còn dành cho người quyết tâm tu hành giải thóat để về nơi nước nhược non bồng, cầu thóat khỏi nẽo luân hồi sanh tử. Cũng có thể thân còn ở chốn trần lao, nhưng tâm đã được phì độn vô bất lợi vô sở nghi dã như lời dạy của đức Như Ý Đạo Thòan Chơn Nhơn dạy tại Vĩnh nguyên Tự, Tuất thời ngày 10 tháng 6 Bính Thìn ( 6/7/76):
“ Đứng trước một xã hội tao lọan, người giải thóat phải tự giải thóat cái tao lọan ở tâm mình để biến hòa cảnh hiện tại tao lọan trở thành an nhiên, đó là giải thóat. Đứng trước vật chất vinh hoa phú quý, danh lợi dẫy đầy sáng chói, người tu học Thiên Đạo Đại Thừa phải nhắm vào sự sáng chói của tâm, sự tịch tịnh của tâm, như núi Thái Sơn sừng sững, trước gío lọan sấm chớp vẫn không lay chuyển, đó là giải thóat. Ở vào cảnh vinh sang phú túc, nệm ấm chăn êm mà tâm vẫn an nhiên thanh tịnh như ngồi trên nệm cỏ bồ, như uống nước suối trong veo, như ăn những quả đào ngon ngọt, không thấy tâm động vì có đó mà phải tha thiết, vì mất đó mà phải rối lọan, đó là một giải thóat nữa. Đứng trước nghịch cảnh trái ngang, nhưng tâm vẫn thấy như ngồi trên bàn thạch, hoặc ở chổ thanh thóat bao lađể biến hòan cảnh ấy như gió thỏang, như mây bay, tụ tan không ngừng nghỉ, đó cũng là một phương giải thóat. Ở vào hòan cảnh bị động vì các lý do sống còn, nhưng tâm vẫn an nhiên thanh tịnh để sáng suốt giải quyết mọi vấn đề như cá trong nước, như rồng trong mây, có thể hòa hợp tâm linh trong vũ trụ, cho tâm khỏi dao động mới hòa mình với nếp sống hiện tại, từ việc to tát đến việc nhỏ nhen vẫn là một con số không trong cái có, đó cũng là phương giải thóat”

KẾT LUẬN:
Kết thúc quẻ Độn, chúng ta có thể rút ra được những bài học như sau:
Độn là rút lui, nhưng không phải là hèn nhát, trốn chạy, mà một sách lược trước mắt để chờ thời cơ thuận tiện, để củng cố nội lực, để tính kế lâu dài.
Độn đúng lúc đúng thời không những bảo tòan được thân danh mà còn giữ vững được khí tiết, lý tưởng, hứa hẹn một tiền đồ tốt đẹp cho đại cuộc.( Độn: hanh, tiễu lợi, trinh )
Trong thời Độn, lánh xa bọn tiểu nhân để “ Minh triết bảo thân”, nhưng biết cách đối xữ với bọn tiểu nhân đúng tư thế của người quân tử ( bất ác nhi nghiêm) thì mới được hanh, mới được tiểu lợi, trinh.
Có câu “ Quân tử cầu ư nghĩa, tiểu nhân cầu ư lợi”, có  nghĩa là người quân tử tìm việc nghĩa mà làm, trong khi đó kẻ tiểu nhân chỉ làm việc gì có lợi cho bản thân mà thôi, bất chấp đó là điều phi nghĩa. Đó là lý do mà thánh nhân chỉ dùng chữ “ tiểu lợi” khi bất đắc dĩ nhắc đến cái lợi đương nhiên phải cónếu Độn đúng thời đúng lúc.
Độn phải đung thời, đúng lúc, đúng đạo lý mới được tốt. Nếu không cẩn thận, độn cũng có thể chuốc lấy thảm hại. Thánh nhân dạy ý nghĩa sáu hào chính là các thí dụ minh họa cho việc độn hay hoặc độn dỡ:
Sơ lục: Độn Vĩ: Độn mà chậm chạp rù rờ nên không tốt
Lục nhị: Cố chí để phù trì cữu ngũ, không dám độn một mình mà lúc nào cũng sát cánh với cửu ngũ.
Cữu tam: Hệ độn: Độn mà còn bìu ríu tình riêng nên không làm nên đại sự.
Cưủ tứ: Háo độn: Độn mà còn dính dáng với sơ lục, chỉ người quân tử mới có thể kịp thời giác ngộ chỉnh đốn bản thân nên được cát. Kẻ tiểu nhân thì không thể.
Cữu ngũ:Gia độn: Độn đúng lúc kịp thời nên được trinh cát
Thượng cửu:Phì độn: Độn một cách an nhiên , thư thái tự do , vượt khỏi vòng kềm tỏa của lợi danh thế sự. Hào này là tốt nhất trong các hào.
THANH SƯƠNG

Tìm hiểu quẻ Địa Thiên Thái

Quẻ Địa Thiên Thái gồm nội quái là Kiền và ngọai quái là Khôn, 2 quẻ đầu trong 64 quẻ Kinh Dịch. Thái có nghĩa to lớn, thông suốt, tốt đẹp, yên ổn

-Tượng quẻ cho thấy, hạ quái là Kiền, tức Dương khí của Trời hạ xuống; thượng quái là Khôn, là Đất, tức Âm khí bay lên, thể hiện sự gặp gỡ giao hòa giữa Trời Đất, hiểu rộng ra là hai khí Âm Dương giao tiếp nhau, tượng trưng sự hanh thông trong định luật thiên nhiên.


-Áp dụng vào phương diện thời tiết: Khí Dương giáng xuống len lỏi vào trong lòng đất, đun đẩy tác động làm cho đất màu mỡ phát triển nuôi sống cây cỏ tươi tốt. Khí âm bay lên, hòa cùng khí Dương làm cho mưa thuận gió hòa

- Đối với vận hạn chúng sanh: Thái là thời Trời ban rải ân lành xuống cho thế gian, và chúng sanh nói chung, con người nói riêng đều một lòng ngưỡng vọng ân cao đức cả của Đấng Tạo Hóa, hết lòng sống thuận tùng thiên lý, nên cảnh thế gian thái bình hạnh phúc, bốn phương cộng lạc.

-Xét về Hình nhi hạ, tượng quẻ cho thấy : Kiền biểu hiệu cho bậc lãnh đạo, hạ mình xuống hòa hợp với nhân dân, chăm lo cho nhân dân được tượng trưng bởi quẻ Khôn, thể hiện tính nhu thuận tuân hành sự điều động cai trị của người lãnh đạo cho nên tạo nên được thời thái bình thạnh trị cho quốc gia. Như thời Nghiêu Thuấn, trên nói dưới nghe. Con người làm được sứ mạng thế Thiên hành hóa, tiếp nối Trời trong việc sanh hóa vạn vật nơi chốn hữu hình trong vai trò chủ tể muôn loài để "tài thành Thiên Địa chi Đạo, phụ tướng thiên địa chi nghi, tả hữu dân" như lời Đại tượng truyện quẻ Thái.

-Do vậy, Hình tượng quẻ Thái còn có thể được hiểu : Kiền là Dương tượng trưng cho Trời và Khôn là Âm tượng trưng cho người. Vì Trời –Người vốn đồng bản thể linh quang, nhưng Trời vô hình, còn Người hữu hình. Thời Thái là giai đọan tâm Trời và tâm người có sự cảm ứng tương liên, vì con sống trong khuôn mẫu đạo đức theo đúng luật Trời, thể hiện được tinh thần Thiên nhân hiệp nhứt.

Trong phần Thóan truyện, Thánh nhân nói: Nội dương nhi ngọai âm, nội kiện nhi ngoại thuận, nội quân tử nhi ngoại tiểu nhân. Kiền ở trong tượng trưng cho quân tử và Khôn ở ngòai tượng trưng cho tiểu nhân. Thời Thái là thời thịnh trị của người quân tử là người có đức tính tốt đẹp đạo đức, thuần lương thánh thiện, hạng tiểu nhân phải né tránh, lánh xa.

-Quân tử và tiểu nhân không chỉ được hiểu hạn hẹp trong ý nghĩa ngôn ngữ nhân gian, mà có thể được xem là 2 phần đối lập trong một con người: Đó là chơn thần và thức thần. Chơn thần tốt đẹp ví như người quân tử, còn thức thần bị tập nhiễm do bị chỉ huy bởi thất tình lục dục, tham sân si nên bị coi như là tiểu nhân. Nếu con người có sự giác ngộ, sáng suốt, biết phân biện thiện ác, không để thức thần lôi kéo xa rời đạo lý, là con người tiến gần đến chỗ "Quân tử đạo trưởng , tiểu nhân đạo tiêu dã" có nghĩađạo người quân tử lớn lên, đạo của kẻ tiểu nhân suy mòn, tức chơn thần đã khống chế được thức thần, con người làm chủ được thất tình, sự ham muốn để tạo tiền đề cho tâm linh con người thăng hoa tiến hóa vượt lên cõi thượng thiên.

-Đối với tôn giáo: Đạo khai là để cứu đời. Đời lọan lạc khổ đau là do con người đắm chìm trong dục hải, lãng quên nguồn cội thiêng liêng, quay lưng với gia tài của Thượng Đế phát ban. Con người phải chịu một thời Bĩ đen tối. Để rồi một vị Giáo Tổ ra đời khai sáng một nền tôn giáo, đem ánh sáng cứu độ soi sáng dẫn dắt con người ra khỏi nẻo tối tăm chính là lúc nhân lọai bắt đầu bước sang thời Thái. Nguồn sáng cứu rỗi cứ len chảy trong lòng nhân thế để đến một lúc nào đó, con người bừng tỉnh và mở rộng cõi lòng đón nhận Thiên ân, tu hành giải thoát.

Quẻ Thái nói lên sự hanh thông ngay từ đầu, thể hiện ở hào Sơ Cửu "bạt mao nhự, dĩ kỳ vi, chinh cát [Nhổ rể cỏ tranh, lên cả đám, tiến hành tốt] Cỏ tranh là cỏ rất khó nhổ vì rễ nó rất dài và chằng chịt, nhưng thời Thái hanh thông , làm việc gì cũng dễ dàng, hàm nghĩa việc làm rất nhỏ nhưng kết quả rất lớn: cho nên cát. Con người ý thức được mình đang ở vào thời Thái tức là được ơn Trời , làm gì cũng dễ dàng thành công, cho nên phải biết tận dụng để phát huy giúp đời. thực hiện sứ mạng vi nhân.

Thời vận hanh thông, muốn đem chí giúp đời phải biết phương cách để được trọn vẹn sống trong ơn Trời như ý nghĩa của hào Cửu Nhị: bao hoang, dụng hằng hà, bất hà duy, bằng vong, đắc thượng vu trung hành [bao dung sự hoang phế, dùng cách vượt qua sông , không bỏ sót kẻ ở xa, quên bè phái, phải tôn trọng hành động trung chánh] dễ dàng bao dung tha nhân, không vì sự thành công của mình mà khe khắt với người khác, đòi hỏi người phải như mình, kẻ tốt, người xấu đều có chỗ sử dụng, để thể hiện đức Nhân, là một cách để tạo thêm âm chất cho chính mình.

Phải tin vào sự hanh thông tốt đẹp của thời vận để mạnh dạn tiến tới làm những điều ích lợi cho xã hội, tức là tập đức Dũng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn phải duy trì đức Trí để cẩn thận, suy xét phải quấy, tính tóan tiên liệu đối với mọi vấn đề chứ không vì sự hanh thông mà lơ là, a dua vọng ngọai , để có những lúc phải chấp nhận" bằng vong" [mất bạn]. Ngược lại, để duy trì được Nhân Trí Dũng, phải quay về nội tâm để học đức Kiền: "Chung nhật kiền kiền để tự cường bất tức", và làm gì cũng phải giữ đúng đạo Trung.

Đến hào Cửu Tam: Vô bình bất bí, vô vãng bất phục, gian trinh vô cữu, vật tuất, kỳ phu, vu thực hữu phúc: [Không có gì bằng phẳng mà chẳng nghiêng lệch, không có sự ra đi nào mà không trở lại, gian nan mà chính bền thì không lỗi, đừng xót xa, hãy thành tín, có phúc cả trong sự ăn uống]. Thời Thái đã đi qua gần nửa đường, hanh thông vẫn còn đó, nhưng phải gặp trắc trở vì đó là tính chất bất biến của cõi Nhị nguyên, không có gì là tuyệt đối nơi chốn hữu hình. Khó khăn lúc này đã bắt đầu manh nha. Cho nên hơn lúc nào hết, phải giữ cho được sự chính bền (Nhân Trí Dũng). Làm được như vậy, ơn Trời vẫn được hưởng.

Muốn giữ được chính bền, con người phải sáng suốt tâm linh. Cho nên phải biết tu tâm dưỡng tánh, thì dù không lợi lộc vật chất, không tính tóan, con người vẫn xích lại được gần nhau một cách tự nhiên do niềm tin thành thật với nhau như hào Cửu Tứ: Phiên phiên, bất phú, dĩ kỳ lân, bất giới dĩ phu [Lanh lẹ, chẳng giàu mà kết thành hàng xóm, không chuẩn bị mà đã tin nhau ]. Đây là kết quả cao nhất của thời Thái: chinh phục được lòng người mà không phải bằng vật chất của cõi nhị nguyên, mà bằng tình cảm và đức độ thể hiện qua hào Lục Ngũ: Dĩ chi nguyên cát, trung dĩ hành nguyện dã [được phúc rất tốt, lấy đạo Trung để thực hành ý nguyện]

Nhưng thế gian này không có gì tồn tại vĩnh hằng và tuyệt đối. Có sinh tức có diệt, có thành tức có bại. Đó là qui luật của cõi hữu hình. Thời Thái rồi cũng sẽ qua đi, cho nên hào Thượng Lục, Tiểu tượng viết: Thành phục vu hoàng, kỳ mệnh lọan dã [thành lũy hóa ra rào cạn, mệnh lệnh rối loạn] thành lũy bị sụp đổ xuống hào rãnh. Nhưng nếu hiểu được Thiên lý, giữ được đạo Trời là Trung Đạo bất biến, tức là không làm những điều đi ngược đạo lý thì dù trong mọi hòan cảnh, con người vẫn sẽ vượt qua.

Tóm lại, học quẻ Thái để đừng đeo đuổi, chạy theo những gì gọi là tốt đẹp nơi cõi hồng trần, mà hãy chọn con đường Thiên Đạo để tương lai không còn Thái, không còn Bĩ, có nghĩa là giải thoát, trở về với Nhất nguyên, tức Đạo.

Rõ nét nhất là thời Hạ nguơn mạt pháp với sự lâm trần mở cơ tận độ của Đức Cao Đài. Thế giới vẫn còn đang ngập chìm trong màn đêm của thời Bĩ, nhưng đặc biệt đối với những ai đã giác ngộ, đặt trọn niềm tin vào Thượng Đế, sẵn sàng dâng hiến sở năng sở hữu cho đại cuộc cứu độ Kỳ Ba, là đã được bước chân vào vùng ánh sáng của thời Thái hanh thông an lạc.

-Người môn đệ của Đức Cao Đài muốn làm được sứ mạng cao trọng thiêng liêng đó, phải bước chân lên nấc Đại thừa, để nhận ra rằng quẻ Thái là con đường tâm pháp giúp người hành giả đi đến đích điểm của sự giải thóat, bởi vì Thánh giáo đã dạy:

"Khí Âm Dương hiệp nhứt

Lấy Khảm đắp Ly hào

Trở về Kiền Khôn quái

Là mối Đạo rất cao

Nghĩa là Âm Dương hiệp lại thành quẻ Thái, mà Thái là Hòang Cực Đại Trung; Âm Dương có hợp thì vạn vật mới sanh; thần khí có giao thi kim đơn mới kết; thần phải ngưng, khí mới tụ, mà thần lìa thì khí tán. Phép tu kim đơn, chỉ có thần khí mà thôi. Thần thì vô phương, khí thì diệu tán, nhưng luôn luôn khí theo sát cùng thần…" 1

Chính vì vậy mà Soán Truyện viết: "Nội dương nhi ngọai âm, nội kiện nhi ngoại thuận, nội quân tử nhi ngoại tiểu nhân" [khí dương ở trong mà khí âm ở ngoài, cương kiện ở trong mà nhu thuận ở ngoài, quân tử ở trong mà tiểu nhân ở ngòai]Thân xác con người về mặt y học, nếu mạnh khỏe, tức là ở trạng thái quẻ Thái, dương khí tàng ẩn tràn ngập bên trong, âm khí biểu lộ bên ngòai, tức nội tạng ấm áp, thân thể bên ngòai mát như Kiền ở nội quái, Khôn ở ngoại quái. Ngược lại, bên ngòai thấy sốt tức là người bị bệnh.

Kỷ nguyên Tam Kỳ Phổ Độ là chu kỳ cuối của vũ trụ sẽ đi vào sự bế tắc của quẻ Bĩ, nhưng sự giáng trần mở Đạo của Đức Chí Tôn, chính là ơn Trời đã bao trùm cõi thế gian này, cho nên cơ Đạo dù gặp nhiều khó khăn, dời đổi rồi cũng sẽ hanh thông. Con người hiểu được cơ duyên có một không hai đó để bước vào quỹ đạo an tòan của Đức Từ Phụ tìm phương tu hành, chắc chắn sẽ đắc quả, sẽ tìm thấy sự giải thoát tâm linh, vì đây là thời Thái, bước đầu mọi sự dễ dàng hanh thông, có tu có đắc. (Hào Sơ cửu)

Tu hành với Đức Cao Đài , là tu hành nhập thế, tự độ và độ tha: "chí tại ngoại dã". Việc tu hành là quay về luyện rèn Nhân Trí Dũng bằng công phu thiền định, nên phải giảm duyên đọan sự, tức: "bằng vong"

Nhưng tu hành thường có sự khảo đảo (cửu tam) , phải biết giữ tâm chuyên nhứt thì sẽ được Đức Thượng Đế chở che.

Được như vậy, con người sẽ được thung dung tự tại giữa cõi đời hậu thiên vật chất, dù không sang giàu, thế lực, vẫn nói được người nghe, vẫn cảm hóa được người một cách tự nhiên để tạo thế nhân hòa,(Lục Tứ) thực hiện được tâm nguyện của mình( Lục Ngũ)

Tuy nhiên, phải cảnh giác ở phút cuối cùng cuộc đời , đường tu sẽ vẫn còn nhiều khảo đảo, và nếu không biết áp dụng quẻ Thái vào vào việc tu luyện để đoạt ngôi Hoàng Cực, tức là thóat ra ngòai vòng cương tỏa của qui luật hậu thiên nhị nguyên đối đãi thì việc tu hành chỉ là công dã tràng xe cát biển đông (Thượng Lục)
Hồng Phúc

Quẻ Địa Thiên Thái
Bức tranh cổ minh họa một vị quan đang bắc thang lên vầng quế nguyệt là ý nói sự thăng tiến trong quan trường; thi cử; một con hươu ngậm tấm thiếp báo tin vui hoặc có lộc tài mang đến, một cậu bé đang ngồi trên mây là vị thế vinh hiển sáng ngời và khá bất ngờ, nhưng từ tầm cao ấy mà càng cần phải chú ý củng cố chăm lo nền tảng gốc thực sự vững chắc dưới mặt đất. Trời bao giờ cũng hướng lên trên còn đất bao giờ cũng hướng xuống dưới, đó là biểu thị sự thống nhất tồn tại của sự vật đối lập và sự vững chắc của luận thuyết dịch lý.
Trong quan hệ xã hội, đây cũng là hình thái vị trí cha con, chồng vợ, kẻ mạnh, kẻ yếu, cấp trên cấp dưới, bạn bè đồng nghiệp mà nếu có biện pháp điều hòa hợp lý đúng vị trí và vai trò, không có sự xáo trộn thì muôn sự đều thuận lợi. Thái cũng là một quẻ dịch chỉ sự khoan hòa, vững chắc dễ liên tưởng tới những công trình kiến trúc bề thế, chắc chắn trong bối cảnh yên bình và phồn vinh. Thái còn có nghĩa là hanh thông, một trạng thái được thỏa mãn nên mang triệu hỷ báo tam nguyên (tin vui báo đỗ giải nguyên). Theo Thuyết văn, Thái là cực lớn, bền vững nên tạo ra yên ổn thái bình và muốn thế thì ai chịu trách nhiệm việc người nấy, anh hùng phải có đất dụng võ thì mới phát huy được năng lực tuyệt đối của bản thân. Sách phong thủy cổ có chép: Đất thánh hiền nhiều đất ít đá, thanh tú tao nhã; Đất tiên phật nhiều đá ít đất, cổ quái, xa xăm. Đó là bởi thánh hiền là người nhập thế, coi thanh tú là cái đẹp, thường sống ở nơi có nhiều cây xanh. Tiên phật là bậc xuất thế, thích ẩn cư nơi núi cao rừng thẳm. Từ đó rút ra kinh nghiệm người và vật cùng loại thường tụ tập ở gần nhau.
Chuyện cũ kể, có lần vua Tề Tuyên Vương ngạc nhiên hỏi Thuần Vu Khôn, người trong một ngày tiến cử với vua bảy vị hiền sĩ rằng: “Cả trăm đời mới tìm được một thánh nhân, nay thánh nhân ở đâu ra nhiều vậy?”. Thuần Vu Khôn nói: “Muông thú cùng loài thường quần tụ một vùng. Nay bệ hạ hỏi thần về hiền sĩ có khác gì ra sông lấy nước, dùng bùi nhùi đánh lửa. Thần liên tiếp tiến cử bảy hiền sĩ với Đại vương là còn ít đấy”. Như vậy có thể thấy việc tìm ra dòng sông để biết được liệu nước sông có sử dụng được quan trọng hơn nhiều việc ra sông gánh nước. Màu sắc của quẻ Thái là trắng đen khá nền nếp, nho nhã tạo ra một trật tự trong yên bình và phổ biến khắp nơi. Dựa trên hệ quả: Không có gì bằng mãi mà không nghiêng, đi mãi mà không trở lại, ta có thể rút ra kết luận về những điểm cần chú ý sau khi đã gặt hái thành công như sau:
1. Tuy ta đã giành thắng lợi bước đầu trong cuộc đời hoặc sự nghiệp nhưng không thể say sưa ngủ quên trong chiến thắng mà cần phải đoàn kết các lực lượng, củng cố lòng tin để bảo vệ an toàn thắng lợi đã giành được, thường đằng sau những thành công cũng như mặt sau của tấm huy chương không chắc bao gồm những điều tốt đẹp và sự yên ổn vì vào lúc đó, con người ta hay nảy sinh tư tưởng xả hơi, hưởng thụ cho bõ những ngày gian khó thì chính lúc đó tai họa xảy đến. Các triều đại phong kiến trong lịch sử Trung Hoa hay Việt Nam và bất kỳ nước nào trên thế giới thường sa vào vết xe đổ ấy và cùng chung số phận, tuy diễn biến chi tiết khá đa dạng như: Sau thiến thắng vẻ vang là mở tiệc ăn mừng vài ngày, ban thưởng chia đất, phong tước phong hầu, xây dựng cung điện mới, miếu thờ, lăng tẩm và ăn chơi hưởng lạc liên miên, cuối cùng thì dân quá khổ sinh ra cướp bóc, bạo loạn khởi nghĩa rồi triều đại vinh quang đến đâu cũng suy tàn, sụp đổ. Từ sự kiện lớn trong lần sử mà so với những việc nhỏ hơn trong cuộc sống cũng chẳng khác nhau là mấy, vậy nên ghi nhớ rằng: Mỗi một thành công là kết thúc một trang sử để mở ra một trang mới trong cuốn sử dày hàng trăm trang vì thế một trang sách chưa bao giờ là cả một cuốn sách!
2. Sau khi đã có vị thế hoặc thành tựu nhất định, vẫn phải giữ vững sự quyết đoán, xử sự đàng hoàng bao dung, rộng lượng để thúc đẩy sự nghiệp tiến tới và cách thể hiện tốt nhất là vừa trung thành với mục tiêu đã định, vừa phối hợp nhu cương. Người đứng đầu phải biết học hỏi kiến thức mới, đoàn kết với cấp dưới, giữ hòa khí, có nguyên tắc, không vị tình riêng. SáchDịch kinh tập chú viết: “Quân thần đồng đức, thiên hạ thái bình, hiền nhân quân tử xuất hiện vào lúc quốc gia cần người. Phải có dũng khí của kẻ vượt sóng, quyết chí làm nhiệm việc cần làm, không thể vì cái trước mắt mà quên cái lâu dài. Nếu kết bạn được với người có chí gần gũi với mình, không thiên vị bè đảng thì hợp đạo trung, cùng nhau đạt tới sự an thái, trên dưới kết giao, ý chí tương đồng, hoàn toàn thành công trong sự nghiệp và cuộc sống”.
3. Theo nguyên tắc của biến dịch thì vật cùng tất phản, một khi đạt tới thái bình thịnh vượng cực thịnh sẽ bế tắc, sự nghiệp lên tới đỉnh cao sẽ lâm nguy, sự vật phát triển đến tột cùng sẽ bắt đầu suy thoái như trạng thái lên tới đỉnh núi, xoay sở cách nào cũng chỉ đi xuống. Vẫn thường nói: Ở đỉnh cao của thành công càng phải thấm nhuần nguyên lý cực tất phản để chuẩn bị khám phá mới, mở rộng hoạt động hoặc thay đổi phương pháp, tìm thêm mục tiêu mới thì sự nghiệp mới có thể có cơ hội tiến lên được. Trong lĩnh vực kinh doanh ngày nay có thể thấy rõ điều đó khi các tập đoàn mốt thời trang có tiếng lâu năm quay sang sản xuất thêm cả thuốc lá, nước hoa, nữ trang; các công ty tài chính chứng khoán lại đầu tư xây dựng, làm công viên giải trí. Ngay cả trong lĩnh vực văn hóa xã hội, các diễn viên điện ảnh nổi tiếng đều có xu hướng mở shop thời trang, áo cưới, thẩm mỹ viện; các người mẫu đắt giá trên sàn catwalk chuyển sang làm ca sỹ, còn ca sĩ kiêm M.C trong các show truyền hình. Phải chăng đó cũng là hiện thực của hệ quả hết phẳng rồi lại nghiêng?
4. Nhiều người khi đã có được chức danh, địa vị rồi vẫn tính toán, suy nghĩ sâu xa về sau chứ không ỷ vào ánh hào quang của chiến thắng để hớn hở vui sướng dài dài cho đến lúc thất bại. Trong Tam quốc, Tào Tháo vì quá chủ quan khinh địch mà đại bại trong trận Xích Bích; Lý Tự Thành chiếm được Bắc Kinh lật đổ vương triều Minh nhưng vội lóa mắt vơ vét của cải, hưởng lạc nên quên mất kẻ thù là quân Thanh vẫn còn đó nên bị tiêu diệt. Năm 1949, khi giải phóng Bắc Kinh, Mao Trạch Đông nhắc cho toàn quân nhớ lại bài học lịch sử này để làm gương. Năm 1954, trước khi quân ta vào tiếp quản Thủ đô Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã căn dặn các đơn vị bộ đội thực hiện đúng 10 điều ghi nhớ, tránh cạm bẫy vì: Ở thành thị tình hình phức tạp, có nhiều sự quyến rũ làm cho người ta mê muội, trụy lạc…
5. Khi sự nghiệp đang vẻ vang, thành đạt càng nên khiêm tốn chiêu hiền, đãi sĩ, tuyển dụng người tài, nhằm củng cố lực lượng để bảo toàn thành quả lâu dài, tránh kiêu căng tự mãn cậy thế có công. Chuyện Đông Chu kể: Sau khi họp mặt với vua Tần, nhờ công của Lạn Tương Như ép vua Tần ký hòa ước thắng lợi, vua Triệu phong tước thượng khanh cho Tương Như khiến cho tướng Liêm Pha ấm ức vì nghĩ rằng mình là đại tướng đã vào sinh ra tử nơi trận mạc lại không bằng một quan văn lẻo mép thì quá bất công. Từ đó, Liêm Pha tuyên bố tìm mọi cách làm nhục Tương Như cho bõ tức. Nhưng Tương Như luôn tránh gặp, mỗi khi ra đường thấy bóng Liêm Pha từ xa là ông bảo phu kiệu tránh đi đường khác. Việc này khiến nhiều bạn bè, môn khách của Tương Như cho rằng “ông nhát gan, quá sợ hãi”. Tương Như giải thích rằng; Tần vương mà ông còn không sợ thì sợ gì Liêm Pha, chẳng qua ông chịu nhún là vì nước Triệu, nếu hai người trụ cột đấu với nhau thì đại sự lâm nguy. Hiểu ra, Liêm Pha đã tự cởi áo, để trần đến tạ lỗi với Tương Như.
6. Khi sự suy thoái đã bộc lộ rõ ràng, sức người không thể cứu vãn được cũng không nên níu kéo, vì dù gì con người không chống được quy luật tự nhiên. Lúc rơi vào tình thế đó phải biết khai thác mặt có lợi nhất, giảm nhẹ tổn thất tới mức thấp nhất là thượng sách, còn chầy bửa làm liều sẽ thất bại hiển nhiên. Trong lịch sử, những cuộc cải cách cho dù tích cực, vào giai đoạn cuối các triều đại đang lụi tàn không bao giờ đạt kết quả. Điển hình là những cách tân, sáng tạo của cha con Hồ Quý Ly khi lấy ngôi vua Trần không thể lâu dài được, cuối cùng vẫn thất bại và mất nước vì quân Minh. Trên thương trường ngày nay cũng vậy, nếu sản phẩm nào đó tỏ ra lỗi thời thì cần điều chỉnh sản xuất thay đổi cách thức và kỹ thuật công nghệ để đáp ứng thị hiếu xã hội. Nếu cứ cố sản xuất thủ công rồi ỷ vào quảng cáo rầm rộ kiểu gì cũng vẫn phá sản, ấy là do nhu cầu xã hội thay đổi theo chu kỳ xoáy trôn ốc không thể cưỡng lại được
Tác giả bài viết: theo Kinh Dịch