Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2010

Bài văn cúng tổ tiên bằng thơ rất hay và ý nghĩa

Cúi nghĩ rằng: Vầng nhật nguyệt, mười phương rạng rỡ, Đức Tổ tông muôn thuở sáng ngời, Ngưỡng trông phúc ấm nối đời, “Tế thần thần lại” ngự nơi Từ đường, Để con cháu lửa hương phụng sự, Nghìn năm sau, xuân Tự Thu Thường, Băn khoăn tự chỉ phế hoang, Hôm nay con cháu sửa sang kính mời, Kính thiết lễ chiêu nghênh Tiên Tổ, (Đến nay đồng tộc sửa sang khánh thành. Kính thiết lễ : Chiêu nghênh, yên vị) Nước Thần thông tẩy uế khai quang, Mừng ngày (xuân, hạ, thu, đông) tiết vừa sang, Gần xa tụ hội họ hàng đông vui. Ơn trời đất cao dày che chở, Ơn tổ tiên phù hộ độ trì, Ơn nhờ đức Phật từ bi, Ơn nhờ Thánh chúng thần kỳ chứng soi, Cây vững, cội vững, chồi xanh lá. Nước trong nguồn bể cả sông sâu. Chữ Trung chữ Hiếu làm đầu, Ai không tâm niệm vì đâu có mình, Nhờ Tiên Tổ anh linh phù hộ Dìu cháu con tiến bộ trưởng thành, Trẻ già trai gái yên lành Học hành thịnh vượng gia đình thêm xuân, Buổi sơ khai một ngôi Thủy tổ, Đời nối đời chia nhánh chia chi, Cây cao bóng cả xum xê, Lá rơi về cội người về Tổ Tông, Nghìn thu sau nối dòng mãi mãi, Ai trồng cây ta hái quả ngon, Vậy nên dạy cháu khuyên con, Vun về Tổ trạch giữ tròn gia thanh, Trong gia đình trên hoà dưới thuận, Trong họ hàng bách nhẫn thái hòa, Xuân về thắm trổ muôn hoa, Non sông gặp hội ơn ca thái bình, Nhân buổi lễ kính thành bái tạ, Chư Tiên linh trở lại Từ đường, Tả chiêu hữu mục theo hàng, Tinh anh hội tụ khói nhang phụng thờ, Tuy nén hương đơn sơ lễ nhỏ, Xin lượng trên thấu tỏ lòng thành, Nguyện cầu Tứ phủ Vạn linh, Thập phương Tam bảo chứng minh hộ trì, Cầu Tiên Tổ uy linh giám cách, Bảo tử tôn xuân vĩnh, thọ trường. Gia gia không mắc tai ương Phúc lộc cùng đắc vinh xương, danh tài Không vướng bát nạn, tam tai Cắt đoạn nghiệp chướng an khang tứ thời. Khẩn thiết chí thành chí tâm, Tử tôn thành bái tạ. Bát nhã Ba la mật đa Tâm kinh: Quán tự tại, cố tâm vô quải ngại, việt siêu khổ hải. Đại minh thần chú, diệt trừ tai. Ngũ uẩn không, pháp thể chu sa giới, ngũ uẩn không, pháp thể chu sa giới. Hồi hướng công đức: Phụng hiến cúng Tổ tiên đức thù thắng hạnh, Vô biên thắng giai hồi hướng, Phổ nguyện trầm nịch chư chúng sinh, tốc vãng vô lượng quang Phật sái, Thập phương Tam thế nhất thiết chư Phật, chư tôn Bồ tát Ma ha tát. Ma ha Bát nhã Ba la mật đa, Tứ sinh cửu hữu đồng đăng, hoa tạng huyền môn bát nạn, tam đồ cộng nhập tỳ lô tính hải. Nam mô Sa bà thế giới, Tam giới đại sư, Tứ sinh từ phụ, Nhân thiên giáo chủ, Thiên bách ức hóa thân, Bản sư Hòa thượng Thích ca Mâu ni Phật (3 lần) Nguyện dĩ thử công đức, Phổ cập ư nhất thiết, Dữ phúc lộc Tử tôn, Đắc bình an khang thái. Tử tôn kiền thành tạ lễ cúng Gia tiên. Ngũ bái. Nam mô A Di đà Phật (5 vái)

Thứ Tư, 8 tháng 9, 2010

MẤY LỜI TÂM SỰ VÀ THÔNG BÁO THÀNH LẬP CÂU LẠC BỘ DỊCH HỌC NGHỆ AN

"Nhớ bản sương giăng nhớ đèo mây phủ. Nơi nào qua lòng lại chẳng yêu thương. Khi ta ở đất chỉ là đất ở. Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn." (Chế Lan Vien) Chào các bạn! Thật là tuyệt vời. Đọc mấy câu thơ của Chế Lan Viên, ta càng thêm yêu quê hương đất nước, yêu con người Việt Nam, những con người mang trong mình dòng máu Lạc Hồng ngoan cường, dũng cảm, rất anh hùng và cũng tràn đầt tình yêu thương, tràn đầy lòng vị tha nhân ái, bất khuất trước kẻ thù và thuỷ chung với bè bạn. Càng yêu đất nước, càng yêu con người lại càng muốn làm một việc gì đó để góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá mà cha ông ta đã truyền lại. Bởi vậy, tôi lập Bloger "NGHIÊN CỨU KINH DỊCH" này cũng không ngoài mục đích nhằm bảo tồn và phát huy vốn cổ của cha ông, và cũng để lưu truyền tiếp đến các thế hệ sau. Tôi cũng xin trân trọng thông báo với các bạn gần xa rằng ở Nghệ An đã có một Câu lạc bộ Kinh dịch để quy tụ những người có cùng sở thích. CLB cũng sẽ là nơi giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về Kinh dịch, dự đoán bằng kinh dịch và các bộ môn huyền học khác. Công việc hiệp thương đã hoàn thành vào ngày 09/9/2009, một ngày rất đẹp và ý nghĩa với một dãy ngày tháng năm đều mang số 9. Ý nghĩa của sự chín chắn, lâu dài và trường cửu. Rất mong mọi người ủng hộ! Câu lạc bộ Dịch học Nghệ An được hình thành trên cơ sở sáp nhập hai nhóm Kinh dịch của ông Lê Quang Đạo ở thành phố Vinh và nhóm Kinh dịch của ông Nguyễn Quốc Dân ở huyện Diễn Châu. Chúng tôi đã thống nhất phân công: ông Lê Quang Đạo đảm trách vai trò Chủ nhiệm CLB; ông Nguyễn Quốc Dân đảm trách nhiệm vụ Phó Chủ nhiệm CLB. Chúng tôi cũng đã thống nhất soạn thảo Quy chế hoạt động của CLB, và đang tìm cơ quan bảo trợ cho các hoạt động của CLB Dịch học Nghệ An, nhằm bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá của các thế hệ cha ông truyền lại trên đất Nghệ An, một vùng Địa Linh Nhân Kiệt, vùng đất được mệnh danh là "Phên dậu của nước nhà". Trân trọng! Lequang306@gmail.com (tức Lê Quang Đạo). Số Điện thoại liên hệ: 0983225079

BÀI SỐ 1! TRÂN TRỌNG KÍNH CHÀO CÁC BẠN!

Vui quá các bạn ạ, như vậy là qua nhiều ngày mơ ước mày mò, hôm nay tôi đã có một trang blogger, một trang thông tin điện tử cá nhân đầy thú vị, lấy tên là NGHIÊN CỨU KINH DỊCH. Xin mời mọi người ghé thăm! Mở đầu trang NGHIÊN CỨU KINH DỊCH, tôi xin giới thiệu sơ lược về Kinh Dịch, lịch sử hình thành; Dịch lý và phương pháp luận của tác giả Quảng Đức! DỊCH LÝ VÀ PHƯƠNG PHÁP LUẬN I. Thay lời Tựa Tập Dịch lý và phương pháp luận đoán được tóm soạn vào năm 1980 mới đầu dùng để làm tài liệu hướng dẫn các lớp Dịch học tại Việt Nam, tổ chức riêng lẻ tại NhaTrang. Thành phần tham dự đều là các tu sĩ Phật Giáo cho nên phần đầu căn bản về Âm Dương, Ngũ hành sinh khắc hầu hết đã thấu triệt, chỉ đi thêm sâu vào phần phương pháp luận đoán. Số lượng tham dự hết sức giới hạn vì sự cấm đoán nghiêm ngặt của chính quyền. Sau khi được định cư tại Hoa kỳ, vào đầu thu năm 1994 một số ít người Việt tại Virginia đề nghị tổ chức tiếp các lớp Dịch Học mổi tuần vào tối thứ 5 và trọn ngày chủ nhật Các lớp tiếp theo được mở liên tục cho đến nay. Tại Hoa kỳ, các vị tham dự lớp Dịch hầu hết tuổi đời còn trẻ, đều dưới 40, đã qua chương trình đại học, trung bình là cao học; một số ít có học vị tiến sĩ. Tập Dịch lý và phương pháp luận được thêm nhiều lần sắp xếp lại cho phù hợp với trình độ người tiếp thu. Mặc dù người hướng dẫn đã qua một quá trình hơn 30 năm đọc Dịch nhưng vốn liếng hiểu biết chỉ đủ trình bày vỏn vẹn trong vòng 3 tháng. Một phần do kiến thức, am tường Dịch học của người hướng dẫn còn non, một phần do các người tham dự đã qua 5, 7 năm làm quen với Kinh dịch và có 1 trình độ văn hóa khá vững chắc. Nội dung thuyết giảng cho các lớp Dịch học trở thành chỉ là chìa khóa để người tham dự đi vào “khu rừng mênh mông Dịch học” mà thôi. Vì Kinh Dịch vốn là 1 bộ sách quá khó như nhận định của Học giả Nguyễn Hiến Lê: “Dịch học quả là 1 khu rừng mênh mông!” (Kinh Dịch, Đạo Của Người Quân Tử). Tập sách này mới đầu viết cho các lớp Dịch đó. Hầu hết các vị đã tham dự các khóa học đều liên tục bổ sung thêm phần phương pháp luận cho nên tập sách này có thể nói là công trình tóm soạn của tập thể nhóm nghiên cứu Dịch lý vùng Hoa Thịnh Đốn. Cho dù đã đắn đo, cẩn thận, sữa chữa, bổ sung nhiều lần vẫn không tránh khỏi nhiều thiếu sót và thiễn cận. Gần đây, Liên Hiệp Quốc đã thành lập “Hội Nghiên Cứu Kinh Dịch” và đã qua 4 lần Đại Hội, đồng thời các Hội Kinh Dịch cũng đã hình thành và phát triển tại các nước Anh, Pháp, Đức, Hoa kỳ, v.v... Tại Trung Quốc sau 40 năm bị ngăn cấm, các Trung Tâm CHU DỊCH với Dự Đoán Học Thiệu Vĩ Hoa lần lượt được chính thức thành lập. Giáo trình Dịch học đưa vào dạy tại các trường Đại Học Nhân Dân và ngay tại trường Trung Ương Đảng, các Học viện... Tại Việt Nam, các Bộ CHU DỊCH của Phan Bội Châu, Bộ Kinh Dịch của Ngô Tất Tố, Kinh Dịch với Vũ Trụ Quan Đông Phương của Nguyễn-Hữu-Lương, đặc biệt gần đây Bộ Kinh Dịch Đạo Của Người Quân Tử của Nguyễn Hiến Lê đã chính thức cho phép phổ biến qua nhiều lần tái bản. Năm 1995 Nhà Xuất Bản Giáo Dục Hà Nội cho xuất bản tập “Tích Hợp Đa Văn Hóa Đông Tây cho 1 chiến lược Giáo Dục tương lai” của Tác giả Nguyễn Hoàng Phương với kỳ vọng dùng Kinh Dịch làm cơ sở căn bản tiêu biểu cho sự tiếp nối, gặp gỡ hai nền văn minh Đông Tây, như là 1 kỳ tích mới của thế kỷ 21 sắp đến và Kinh Dịch trở thành yếu tố tâm linh căn bản cho một hành trình văn học trở về nguồn, rập y khuôn Bản Thệ “Duy Tuệ Thị Nghiệp” của viện Đại Học Vạn Hạnh từ ba mươi năm về trước. Không riêng Viện Đại Học Vạn Hạnh, Kinh Dịch cũng đã đưa vào dạy trước đây tại các viện Đại Học Sài Gòn, Huế, Đà Lạt, Cần Thơ, Minh Đức gắn liền tên tuổi của các học giả, giáo sư như Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Hữu Lương, linh mục Kim Định, Bửu Cầm, Nguyễn Đăng Thục, Nghiêm Thẩm, Tuệ Sỹ, Toan Ánh, Nguyễn Mạnh Bảo, Lê Chí Thiệp, Nguyễn Duy Tinh... Tuy vậy, cho đến nay ở nước ta, theo nhận định của Học giả Nguyễn Hiến Lê, chưa có ai có thể gọi là nhà Dịch Học được [1] và vì thế, tập sách nầy không đi sâu vào phần kinh. Độc giả có thể tham khảo; để tìm hiểu thêm triết lý trong Kinh Dịch tức vũ trụ quan, nhân sinh quan, cách xử thế mà Học giả Nguyễn Hiến Lê gọi là Đạo Dịch, Đạo của Bậc chính nhân quân tử ở các tác phẩm của các Học giả, Giáo sư nêu trên. Chúng tôi chỉ chú trọng phần phương pháp luận đoán tóm gọn và hệ thống hóa từ các tài liệu của Chu Công, Khổng Tử, Giác Tử, Tôn Tẩn, và Dã Hạc Tiên Sinh... Riêng phần chiêm gia trạch được tổng hợp từ các tài liệu: - Hồng Vũ Cấm thư của Dương Quân Tùng (Dịch giả Nguyễn Văn Minh-Bộ Quốc Gia Giáo Dục xuất bản 1962) - Dương Trạch Tam Yếu và Địa lý Ngũ Quyết của Triệu Cữu Phong (nguyên tác) - Qủy Cốc biện hào Pháp của Qủy Cốc Tiên Sinh (tài liệu chép tay) - Phép Bốc Dịch của Trương Cảnh Tùng (Vọng Chi dịch-roneo) - Dịch học của Dã Hạc Tiên Sinh và của Vương Hạo (Bản dịch của Tú Tài Phan Đình Tuần-tài liệu chép tay) II. Sơ Lược Truyền rằng, xưa thật xưa, không biết mấy ngàn năm trước Tây lịch. Vua Phục Hy-còn gọi là Bào Hy- là vị vua thời Thái cổ, có thuyết cho rằng khoảng 2850 năm trước Tây lịch, nhìn thấy các khoáy phân ra từng đám, chẳn, lẻ từ 1 đến 9 hiện trên lưng con Long-Mã trên Hoàng Hà mà hiểu được lẽ biến hóa không cùng của vũ trụ. Vua bèn vạch 1 nét liền ( ) tượng cho lẻ: Dương, vạch 1 nét đứt ( ) tượng cho chẳn: Âm. Vua thấy rằng đầy trong trời đất không có gì không ngoài lẽ: một Âm một Dương. Có Âm có Dương thì có Tượng, có Tượng thì tự bên trong đã có số. Lúc đầu Phục Hy vạch một vạch lẻ để hình dung cho khí Dương, vạch 1 vạch chẳn để hình dung cho khí Âm. Nhưng hể có 2 thì liền có 4, có 4 liền có 8... Âm Dương lên xuống, đầy vơi, qua lại, biến hóa không ngừng. Thái cực sinh ra Hai Nghi, Hai Nghi sinh ra Bốn Tượng, Bốn Tượng sinh ra Tám quẻ. Quẻ nọ chồng lên quẻ kia qua lại thành 64 quẻ. Thiệu Tử nói: “Thái cực đã chia, Hai Nghi đã dựng, Dương giao lên với Âm, Âm giao xuống với Dương mà bốn Tượng sinh ra. Dương giao với Âm, Âm giao với Dương sinh ra bốn tượng của trời; cứng giao với mềm, mềm giao với cứng sinh ra bốn tượng của Đất. Tám quẻ cọ nhau mà sau muôn vật mới sinh ra”. Kinh Dịch là bộ sách tối cổ của Trung Hoa giải thích được toàn vẹn lý vận hành của vũ trụ. Chỉ 8 quẻ và mấy nét liền, đứt, sắp xếp qua lại, lên xuống mà bao quát hết lẽ muôn vật, làm căn bản cho một nền Triết học Đông Phương. Lúc đầu Dịch chỉ một mớ vạch liền, đứt do Phục Hy vạch ra. Cho đến đầu nhà CHU, vua Văn Vương mới đem các quẻ PHỤC HY ra đặt tên và diễn lời. CHU CÔNG con trai của Văn Vương chia quẻ làm 6 phần, mổi phần là một hào. Sau KHỔNG TỬ soạn thêm Thoán truyện, Tượng truyện, Văn ngôn, Hệ Từ truyện, Thuyết quái, Tự quái, Tạp quái. Thoán truyện, Tượng truyện, Hệ Từ Truyện đều chia làm 2 Thiên thượng hạ vị chi tất cả 10 Thiên gọi là Thập Dực làm cho ý nghĩa của Kinh Dịch sâu rộng thêm. Mặc dù vậy, những thiên của Khổng Tử vẫn tách riêng không phụ hẳn vào quái từ của Văn Vương và hào từ của Chu Công. Lúc này Dịch chỉ là 1 cuốn sách Triết lý tổng hợp những tư tưởng của nhiều Triết gia có nhiều xu hướng khác nhau gọi chung là Phái Dịch Học. Đến đời Hán, Phi Trực mới đem các truyện của Khổng Tử vào chú thích cho Kinh Dịch của Văn Vương và Chu Công sâu rộng thêm. Lúc này Dịch đã có thêm sắc thái của Tượng số học, giải thích vũ trụ bằng biểu tượng và số mục. Sau Phi Trực là Trịnh Huyền làm cho Dịch học phát triển và hình thành nhiều trường phái nghiên cứu khác nhau nhưng Dịch lý của các phái này vẫn chủ yếu bàn về Tượng số. Đến đời Tam Quốc, nhà Dịch học Vương Bật nêu lên luận thuyết tách rời hẳn, bài trừ thuyết Tượng số, chuyên bàn về nghĩa lý trong Dịch. Về sau, cho đến đời Tống, bộ CHU DỊCH BẢN NGHĨA mới ra đời. Đến đây các nhà Dịch học đều thống nhất là: “Quẻ do vua Phục Hy đặt ra Tượng âm dương lên xuống, qua lại gọi là Dịch. Lời của Chu Công thêm vào nên gọi là Chu Dịch.” Đến Triều Đại Hồng Võ năm thứ 3, Minh Thái Tổ bắt đầu mở khoa thi kén chọn nhân tài qui định Dịch thư dùng chú bản của Trình Di [2] và Chu Hy [3]. Từ đó Dịch học của họ Trình, Chu trở thành Dịch học chích thống. Đời Vĩnh Lạc (1403-1424), Minh Thành Tổ cho biên soạn “Chu Dịch Đại Toàn” cũng trên căn bản Dịch học của Trình, Chu. Sau đó (1662-1722) triều đại Khang Hy đời Thanh biên soạn “Chu Dịch Chiết Trung”. Triều đại Càn Long (1736-1795) biên soạn Chu Dịch Thuật Nghĩa cũng đều dựa trên chú bản của Trình Di và Chu Hy. CHU DỊCH là một trong ba bộ sách của Kinh Dịch còn tồn tại mặc dù còn nhiều thiết sót, cắc cớ, không rõ ràng. Sau nhiều biến chuyển của thời gian, đổi thay của các triều đại, hai bộ Liên Sơn (bộ Dịch thư cuối nhà Hạ) và Quy Tàng (bộ Dịch thư đời nhà Thương) thất truyền. Thể của Dịch là Biến, ngay trong ba bộ Liên Sơn, Quy Tàng và chính Chu Dịch cũng không thoát ra ngoài quy luật biến hóa của âm dương. CHU DỊCH tồn tại được nhờ Vương Bật chấp nối, ráp vá, hợp lại cho nên không thể nào toàn vẹn, đầy đủ và rõ ràng được. Dịch thuyết truyền rằng, Kinh Dịch vốn khởi từ số (tại một số di chỉ ở Giang Tô, Hồ Bắc, các nhà khảo cổ gần đây cho biết đã đào được một số công cụ bằng đồng phát hiện thấy một loại phù hiệu gồm 6 chữ số được coi là hình thức quái hào của Dịch nguyên thủy [4]). Nhưng có Lý rồi mới có Tượng, có Tượng rồi mới có Số. Nhân Tượng mới biết được số, hể hiểu được Lý của nó thì sẽ biết Số sẽ ở bên trong. Lại nói Lý là vật vô hình cho nên phải xem Tượng mới rõ được Lý. Lý hiện ở Lời thì có thể do lời để biết được Tượng. Cho nên hể hiểu được Nghĩa thì sẽ biết được số vậy. Không như các bộ kinh khác như Kinh Thư, Kinh Thi... Dịch nói về sự biến hóa vô cùng của vũ trụ toàn khắp, vô tận. Đọc Dịch phải nên giữ Tâm tự nhiên, mình trống rỗng, lặng yên. Tìm Nghĩa không bỏ Ý, tìm Ý thì không quên đạo lý lưu thông biến đổi thì mới hiểu được Dịch. Trân trọng!